Tin thế giới tối thứ Tư

Máy bay Trung Quốc bị Đài Loan xua đuổi, lần đầu đáp trả với thông điệp đáng chú ý

Khi máy bay Trung Quốc vào vùng trời Tây Nam Đài Loan, máy bay tiếp dầu KC135 của Không quân Mỹ cũng đang từ Biển Đông trở về qua Ba Sĩ để đến căn cứ Kadena (ảnh: Chụp màn hình Liberty Times).

Máy bay Trung Quốc đã xâm phạm không phận phía Tây Nam Đài Loan sáng nay.

Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLAAF) từ giữa tháng Chín đến nay liên tục quấy rối không phận Đài Loan. Đáp lại thách thức ấy, ngoài việc phát sóng để xua đuổi, Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng có kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận ở các vùng biển xung quanh. Tuy nhiên, chiến đấu cơ bên phía Trung Quốc vẫn không vì vậy mà chấm dứt hành vi quấy rối.

Sáng nay (7/10), khi chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan, phía Đài Loan đã phát sóng yêu cầu chiến đấu cơ Trung Quốc ra khỏi không phận Đài Loan. Đáp lại, bên Trung Quốc đã gọi Đài Loan là “địa khu Đài Loan”, và cho biết họ đang tiến hành “huấn luyện định kỳ”. Đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ bên phía Trung Quốc trả lời phát sóng trong năm nay, theo Liberty Times.

Theo hồ sơ phát sóng và quỹ đạo, vào lúc 5h20 sáng nay (7/10), máy bay quân sự của Trung Quốc lại xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan ở độ cao 7.000 mét. Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa ra tín hiệu cảnh cáo theo thường lệ, “Đây là radio của Không quân Trung Hoa Dân Quốc, chiến đấu cơ Trung Cộng đang ở độ cao 7.000 mét trong phạm vi Vùng nhận dạng phòng không Đài Loan. Chú ý! Các vị đã xâm nhập ADIZ của chúng tôi, ảnh hưởng đến an toàn bay của chúng tôi, vậy nên hãy lập tức quay đầu rời đi!” Cùng lúc đó, ba máy bay tiếp dầu KC135 của Không quân Mỹ đang từ Biển Đông trở về đi qua eo biển Ba Sĩ, thành lập đội hình trở về căn cứ Kadena.

Có điều tình hình lần này đã khác so với trước đây, sau khi Bộ Quốc phòng Đài Loan phát sóng xua đuổi sáng nay, quân đội phía Trung Quốc lần đầu tiên đã đưa ra phản ứng: “Địa khu Đài Loan, tôi là Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc, tôi đang tiến hành huấn luyện định kỳ. Xin đừng can thiệp vào hoạt động bình thường của tôi! Địa khu Đài Loan! Tôi là Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc và tôi đang tiến hành huấn luyện định kỳ. Xin đừng can thiệp vào các hoạt động bình thường của tôi!”.

Ông Từ – người quản lý trang “Không phận Tây Nam Đài Loan”, đã phân tích hồ sơ lâu năm và chỉ ra rằng, trước đây nội dung phản hồi chỉ nghe thấy “đang chấp hành nhiệm vụ”, chứ chưa từng nghe qua “đang tiến hành huấn luyện”, và đây chính là lần đầu tiên phía quân đội Trung Quốc gọi thẳng Đài Loan là “địa khu Đài Loan”, rõ ràng Trung Quốc đã coi vùng trời phía Tây Nam Đài Loan là của riêng mình, ngược lại họ còn cho rằng việc Không quân Đài Loan xua đuổi là hành vi can nhiễu, tình thế ngày càng ép sát như vậy quả thật rất đáng chú ý.

Hoàng Chi Phong: Bị theo dõi tứ phía vẫn kiên trì đấu tranh kháng nghị

Ngày 6/10, Hoàng Chi Phong, cựu tổng thư ký Đảng Demosisto đã đăng trên trang Facebook của mình tiết lộ, anh cùng một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác là Trâu Gia Thành, đều bị cùng một đoàn xe theo dõi. Anh tin rằng các nhà chức trách đang tăng cường giám sát cá nhân, ghi lại hành tung của họ ở bất kỳ nơi nào họ đến, thậm chí còn theo dõi nhất cử nhất động trong cuộc sống cá nhân của họ. Tuy nhiên, Hoàng Chi Phong vẫn khẳng định, bất chấp nỗi sợ hãi mà cuộc khủng bố trắng mang đến, anh vẫn sẽ giữ chắc cương vị và tiến về phía trước.

Trong bài viết, Hoàng Chi Phong cho hay, kể từ khi nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Trâu Gia Thành bắt đầu lên tiếng ủng hộ cho 12 công dân Hồng Kông hiện đang bị dẫn độ sang Trung Quốc, anh Trâu đã bị theo dõi và giám sát. Hoàng Chi Phong và Trâu Gia Thành phát hiện, họ cùng bị một đoàn xe theo dõi. 

Hoàng Chi Phong còn nói, thời gian lâu nhất mà anh bị đoàn xe này theo dõi là 10 ngày, sau đó họ chuyển sang theo dõi Trâu Gia Thành. 

Hoàng Chi Phong cũng bị 3 chiếc xe ô tô riêng và một xe đạp điện đồng thời theo dõi, phải mất đến một tiếng rưỡi mới cắt đuôi được. Sau khi điều tra, Hoàng Chi Phong phát hiện có ít nhất 2 xe 7 chỗ đã đăng ký địa chỉ ở một vùng nông thôn mới. Ngoài ra, anh còn bị 1 chiếc xe 5 chỗ, 1 xe 7 chỗ và 1 taxi không chở khách bám theo.

Hoàng Chi Phong chỉ ra, một số phương tiện thậm chí đã đỗ xe qua đêm trong khu vực anh đăng ký hộ khẩu. Điều này cho thấy việc giám sát của cơ quan chức năng đối với Hoàng Chi Phong ngày càng chặt chẽ, nhằm tiến hành hoàn thiện hồ sơ đầy đủ về nơi Hoàng Chi Phong ở và theo dõi nhất cử nhất động trong cuộc sống cá nhân của anh. Thậm chí khi Hoàng Chi Phong đến nhà bạn bè, cũng có người ở bên ngoài cửa sổ theo dõi và quay lại video.

Hoàng Chi Phong còn nói, anh không thể xác minh danh tính người đã theo dõi mình, trong khi Cảnh sát Hồng Kông và Cục An ninh Quốc gia lại phủ nhận sự việc này. Lựa chọn công khai vấn đề này, Hoàng Chi Phong hy vọng sẽ cho các nhà chức trách thấy rằng, dù chính phủ có dùng thủ đoạn đáng khinh thường hay gây ra khủng bố trắng đáng sợ thế nào đi chăng nữa, thì anh cũng sẽ không gục ngã.

Hoàng Chi Phong thẳng thắn nêu rõ: “Chính quyền Hồng Kông sẵn sàng làm bất cứ điều gì họ muốn, việc chính quyền bắt giữ, truy tố và giam giữ người dân không còn là điều gì mới mẻ nữa. Chính quyền này có thể làm điều đó bất cứ lúc nào. Mà đến nay tôi đã mang trên mình 3 vụ kiện và 6 tội danh, vì vậy có lý do để tin rằng mục đích duy nhất của việc theo dõi này, chính là nhà cầm quyền có ý đồ liên tục gây sách nhiễu, áp lực và sợ hãi, khiến những biểu tình bị uy hiếp mà phải đầu hàng.”

Anh cũng cho biết, sau khi Luật An ninh Quốc gia được đưa vào thực thi, anh không còn nói về những chủ đề cá nhân như gia đình, bạn gái, người thân nữa; chỉ hy vọng có thể giảm bớt ảnh hưởng đến những người xung quanh. Mỗi người xung quanh anh mà bị lộ danh tính, thì phía An ninh quốc gia sẽ càng dễ dàng giám sát hơn.

Cuối cùng, Hoàng Chi Phong nhấn mạnh, hiện nhân viên an ninh quốc gia tiến vào đóng quân tại Hồng Kông. Đối với những người ủng hộ dân chủ và tham gia vào phong trào xã hội, rủi ro đã tăng lên đáng kể, cuộc sống sinh hoạt thường xuyên phải chịu áp lực và sợ hãi. “Làm thế nào có thể sống chung với sợ hãi và áp lực, đồng thời kiên trì đấu tranh kháng nghị, chính là thử thách mới trong hoàn cảnh khó khăn.” Hoàng Chi Phong thừa nhận anh có lo lắng, nhưng sẽ vẫn giữ chắc cương vị và tiến về phía trước.

Nhật Bản thắt chặt các quy định cấp visa vì lo sợ gián điệp Trung Quốc

Nhật Bản được cho là đang tăng cường rà soát đơn xin cấp visa của các sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài do mối quan ngại ngày càng tăng về hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Theo tờ Thời báo Yomiuri Shimbun của Nhật, chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch đưa ra các yêu cầu xin visa nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của gián điệp nước ngoài và hạn chế nguy cơ ăn cắp công nghệ của các sinh viên quốc tế và các nhà nghiên cứu học thuật. Báo cáo cho biết động thái này là phản ứng trước những lo ngại ngày càng tăng ở Nhật rằng nhiều thông tin nhạy cảm đang bị chuyển sang các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo báo cáo, Cơ quan An ninh Quốc gia của Nhật Bản và một số bộ ngành sẽ tiến hành kiểm tra lý lịch của người xin visa nghiêm ngặt hơn và đưa những người khả nghi vào một hệ thống mà tất cả các cơ quan chính phủ cũng như các quan chức ngoại giao Nhật Bản ở nước ngoài đều có khả năng truy cập. Để thực hiện điều này, Bộ Ngoại giao Nhật đã đề xuất ngân sách 2,8 triệu đôla dành cho các biện pháp liên quan đến việc kiểm tra chặt chẽ hơn trong năm tài chính sắp tới.

Một khi được thực hiện, Nhật Bản sẽ cùng các nước như Mỹ và Úc nâng cao cảnh giác chống những hoạt động bị cáo buộc là gián điệp của Trung Quốc.

Trong tháng Chín, Washington đã thu hồi visa của hơn 1.000 nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu Trung Quốc có liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng nhiều người trong số đó đã ăn cắp các dữ liệu và tài sản trí tuệ. Trong khi đó, Úc cũng đã tiến hành nhiều cuộc điều tra các học giả và nhà báo Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

Đức Đạt Lai Lạt Ma có ý định tới Đài Loan với tư cách học giả

Theo truyền thông Đài Loan hôm 6/10, Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể sẽ đến thăm Đài Loan với tư cách là một giáo sư và sẽ có bài thuyết giảng tại Đại học Quốc lập Thanh Hoa.

Thông tin trên được Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với các Phật tử Đài Loan trong buổi thuyết Pháp trực tuyến kéo dài 3 ngày từ 2/10 trên Facebook, theo Netwalk. Cụ thể, ông cho biết đã đồng ý phát biểu tại trung tâm nghiên cứu Hsinchu của Đại học Thanh Hoa với tư cách là một học giả hơn là một nhân vật tôn giáo.

Trong bài thuyết pháp của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khuyến khích người Đài Loan giao lưu với Trung Quốc nhiều hơn, không phải vì mục đích kinh tế mà để trao đổi văn hoá. “Văn hoá Trung Hoa phát triển mạnh ở Đài Loan nhưng đã bị xói mòn ở Trung Quốc vì Cách mạng Văn hoá,” ông nói.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết ông không theo đuổi nền độc lập cho Tây Tạng. Thay vào đó, ông tin rằng việc cùng tồn tại của các nhóm dân tộc thiểu số gồm người Tây Tạng, người Mông Cổ, người Duy Ngô Nhĩ, và người Mãn Châu mới là điều đáng quan tâm.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng cho rằng trong khi chủ nghĩa xã hội có những giá trị riêng của nó, học thuyết này sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu đi sự vị tha.

Tháng trước vị lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng đã bày tỏ hy vọng đến thăm Đài Loan, nhưng không tiết lộ tổ chức nào đã gửi thư mời cho ông. Ông đã có những chuyến đi đến Đài Loan vào các năm 1997, 2001 và 2009 nhưng không đặt chân lên đất nước này từ khi cố Tổng thống Lý Đăng Huy lên nắm quyền.

Đáp lại thông báo của Đức Đạt Lai Lạt Ma, bà Joan Ou, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan nói hôm 6/10 rằng Đài Loan hoan nghênh một chuyến thăm như vậy. Tuy nhiên, bà nói tới nay Bộ Ngoại giao chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào từ vị lãnh tụ tinh thần. Ngoài ra, vì dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề ở Ấn Độ, bà nói thêm rằng chính phủ Đài Loan cần đảm bảo hai bên sẽ tuân thủ các nguyên tắc kiểm soát dịch bệnh.

Related posts