5 người chết, 8 người mất tích, 19.749 người phải sơ tán trong mưa lũ

  • Nguyễn Sơn

Mưa lũ kéo dài từ tối và đêm 6/10 tới nay tại các tỉnh miền Trung đã làm 5 người chết, 8 người mất tích, 32.000 nhà dân bị ngập lụt. Tính đến chiều 9/10, từ Quảng Bình đến Quảng Nam, gần 20.000 người phải sơ tán ra khỏi các khu vực ngập sâu; toàn tỉnh Quảng Trị bị “nhận chìm” trong biển nước.

Hiện trường ngập lụt tại xã Tân Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, ngày 9/10/2020. (Ảnh: Tình nguyện viên chương trình Nhà chống lũ tại Tân Hoá/dẫn qua FB Jang Kều)

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến 15h ngày 9/10, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 5 người chết, 8 người mất tích, 5 người bị thương.

Trong đó, Quảng Trị bị thiệt hại lớn nhất, đã có 2 người chết và 6 trường hợp mất tích. Các tỉnh khác cũng bị thiệt hại về người, gồm Quảng Ngãi (1 người chết), Gia Lai (1 người chết), Đắk Lắk (1 người chết), Thừa Thiên – Huế (1 người mất tích), Gia Lai (1 người mất tích).

Về tình hình ngập lụt, tại tỉnh Quảng Bình, tổng cộng 13.000 nhà dân bị ngập; 25 thôn, bản thuộc 7 xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5m; các Quốc lộ 15, Quốc lộ 12, 9B, 12A  bị ngập với độ sâu từ 0,5 – 1m. Tỉnh lộ: 562, 559B bị ngập 1,5 – 2m gây cản trở giao thông. Hiện nước đã rút.

Tại Quảng Trị, ngập lụt xảy ra trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, bao gồm 71 xã, phường, trong đó đặc biệt tại các huyện Hải Lăng và Triệu Phong hầu hết các xã đều bị ngập; thống kê nhanh có khoảng 17.800 nhà dân bị ngập lụt. Vào ngày 8/10, lũ trên sông sông Hiếu đã vượt đỉnh lũ lịch sử 1983.

Tại Thừa Thiên – Huế, khoảng 2.000 nhà bị ngập từ 0.3m-1,8m. QL49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn, sâu nhất 0,8 – 1m; nhiều tuyến tỉnh lộ tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2 – 0,5m; các thôn Tam Lanh xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị ngập nước, cô lập.

Nước lũ dâng cao tại Thừa Thiên-Huế, ngày 9/10/2020. (Ảnh: FB Nguyễn Hoàng Anh)

Tại Đà Nẵng, huyện Hòa Vang có 8/11 xã có thôn bị ngập trong lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông; hiện nước đã xuống, chỉ còn ngập cục bộ một số điểm ở vùng trũng thấp.

Tại Quảng Nam, 13 hộ tại huyện Tây Giang phải sơ tán khẩn cấp do có nguy cơ sạt lở taluy; 6 hộ gần bờ sông A Vương và 6 hộ dưới chân công trình Trường THPT Võ Chí Công (xã A Xan) cũng phải sơ tán. Trường Mẫu giáo Họa My và Trường Tiểu học làng Ông Sinh (xã Trà Vân) và một góc Trường THCS Trà Vân có nguy cơ bị sạt lở nếu tiếp tục mưa lớn. Rất nhiều điểm tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, ĐT616, quốc lộ 40B và một số tuyến đường huyện tại Tây Giang, Nam Trà My bị sạt lở.

Đường lên huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bị sạt lở, vùi lấp trong mưa lớn. Trong mưa lớn, huyện Nam Trà My xảy ra động đất, rung lắc mạnh vào khoảng 21h ngày 7/10.(Ảnh: dẫn qua FB Jang Kều)

Tổng cộng khoảng 5.782 hộ/19.749 người tại các khu vực bị ngập sâu tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam phải di dời, sơ tán khi mực nước lũ ở mức cao, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

9 km bờ biển tại tỉnh Thừa Thiên – Huế bị sạt lở, tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (2,5 km); xã Phú Thuận (2,0 km); xã Phú Diên (2,0 km); xã Phú Hải (1,5 km), xã Hải Dương (1,0 km).

Về nông nghiệp, khoảng 1.200ha lúa và hoa màu, 1.000ha nuôi trồng thủy sản, bị ngập úng, thiệt hại, 22.000 con gia súc bị trôi, 32.500 con gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Mưa lũ cũng đã khiến 6 tàu gặp sự cố, trong đó có 3 tàu chìm. Các tàu Vietship TK12, Thanh Thành Đạt 55, Vietship 09 bị chìm hiện có 14/16 thuyền viên đã đưa lên bờ và lên tàu an toàn, còn 2 thuyền viên của tàu Vietship TK 12 vẫn mất tích đang được tìm kiếm.

Hai tàu bị mắc cạn gồm: tàu Vietship 01 có 12 thuyền viên mắc cạn tại phao số 0, cách cảng Cửa Việt 1km (4 người đã thoát); tàu Hoàng Tuấn 26 có 12 thuyền viên vẫn an toàn. Tàu Thanh Thành Đạt 68 có 9 thuyền viên, thả neo tại phao số 1, cách cảng Cửa Việt 1,5km đang bị trôi dạt. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đang cứu hộ, cứu nạn các thuyền viên trên các tàu nhưng gặp nhiều khó khăn do mưa lớn, sóng to.

Về lượng mưa trong những ngày qua, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ 19h ngày 6/10 đến 19h ngày 8/10, khu vực Trung Bộ có lượng mưa phổ biến từ 400-600mm, đặc biệt tại một số nơi ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế tổng lượng mưa từ 800-1.000mm.

Trong 24h qua tính từ 3h ngày 9/10 đến 3h ngày 10/10, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế, mưa đặc biệt to với lượng mưa phổ biến 200-500mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn như: Mỹ Chánh (Quảng Trị) 625mm, Hồ Hoa Mỹ (Thừa Thiên Huế), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 616mm, Huế 603mm,…

Dự báo trong ngày và đêm nay (10/10), ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa 100-150mm, có nơi trên 300mm; ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 40-80mm, có nơi trên 100mm.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo từ ngày mai (11/10) đến ngày 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Nguyễn Sơn

Related posts