Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất: ‘Sạt lở tại miền Trung vẫn là do thời tiết’

  • Hoàng Minh

Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở đất ở miền Trung “vẫn là do sự thay đổi đột ngột của thời tiết”.

bão số 9, mưa lũ miền Trung
Ông Trần Tân Văn. (Ảnh: vetiver.com.vn)

Tháng 10, miền Trung Việt Nam xảy ra nhiều vụ sạt lở đất khiến nhiều người thiệt mạng, mất tích.

Thống kê từ giới hữu trách tính đến 22h hôm 29/10 cho thấy bão lũ đã làm 23 người chết, 47 người mất tích, 45 người bị thương; 2.642 nhà sập, 92.356 nhà hư hỏng, tốc mái, 2.415 nhà bị ngập; 5.467 ha lúa hoa màu bị thiệt hại…

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất, ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản Việt Nam hôm 29/10 nói trên tờ Tuổi trẻ rằng: “Với những người làm công tác nghiên cứu địa chất, việc sạt lở đất ở miền Trung tăng đột biến trong thời gian này là không bất ngờ. Nguyên nhân chính vẫn là sự thay đổi đột ngột của thời tiết, cộng với những thay đổi khi những sườn đồi này bị tác động bởi bàn tay con người”.

“Đối với các sườn dốc, nước là kẻ thù số 1. Mưa to dài ngày như ở miền Trung tháng 10 vừa rồi làm cho các sườn dốc giữ nước. Nước khiến cho các sườn dốc nặng hơn rất nhiều. Chính nước làm yếu đi tính chất cơ lý của đất đá. Tính kháng trượt của sườn dốc yếu đi rất nhiều. Hai yếu tố cộng hưởng cùng lúc là nguyên nhân gây ra sạt lở liên tục ở miền Trung”, ông Văn nói thêm.

Với phát ngôn trên, nhiều người cho rằng việc ông Văn “đổ lỗi” cho thời tiết để giải thích tình trạng sạt lở là chưa đúng. Họ cho rằng nguyên nhân chính là do phá rừng, làm thủy điện.

“Sao lại đổ cho nguyên nhân chính là sự thay đổi đột ngột của thời tiết, mà phải là bàn tay con người mới đúng. Khi rừng bị tàn phá, sạt đồi núi để xây dựng các công trình giao thông, nhà, các nhà máy… đã phá kết cấu ổn định địa chất và khi có mưa lớn, dòng chảy gây sạt lở nghiêm trọng. Nếu nói rõ nguyên nhân để ngăn ngừa và có biện pháp phòng chống mà luôn đổ cho thiên tai thì còn chịu nhiều hậu quả hơn nữa”, tài khoản Đức Thành viết.

Tài khoản Nguyen Thuong90 khẳng định: “Nguyên nhân chính là phá rừng làm thủy điện”.

Đáng chú ý, tài khoản Đức Nguyên cho biết: ”Tôi có sang Đài Loan, tôi chú ý mỗi quả đồi bên sườn núi đều có những mảng bê tông chắn, giữa những miếng bê tông có một ống nước, mưa thì nước chảy ra đó, điều đó cho thấy họ lấn rừng nhưng tôn trọng nó và hiểu nó hoạt động thế nào nên ứng xử phù hợp. Dọc suốt chiều dài là các đồi núi nhưng các đường cao tốc nằm trên tầng núi rất nhiều dù là nơi có động đất, lại thêm minh chứng họ hiểu tự nhiên nhưng xây dựng vẫn đảm bảo an toàn nếu thảm họa xảy ra”.

Tài khoản Đỗ Châu đưa ra giải pháp: “Theo tôi trồng rừng mới lợi nhiều hại ít”.

Trước đó, phát ngôn trên tờ Dân Việt hôm 21/10, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT Việt Nam) khẳng định: “Nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng. Chính biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan”.

Ngay sau đó, nhận định trên từ phía ông Trị đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Hoàng Minh

Related posts