Văn hóa… phong bì!

Theo Bách Khoa Toàn Thư (Wikipedia), văn hóa là khái niệm bao hàm với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người.

Trong cuộc sống hằng ngày, văn hóa thường được hiểu là văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh… Cho nên một trung tâm văn hóa ngày này, được hiểu như là một nơi trình diễn nghệ thuật như triển lãm, ca nhạc kịch …..
Một cách hiểu thông thường khác, văn hóa là cách sống bao gồm thói quen ăn uống, ăn mặc, lối giao hảo trong cộng đồng, đức tin tôn giáo… Xã hội ngày nay có thói quen gọi ai đó là người có văn hóa cao hay thấp, có hay vô văn hóa, như ngày xưa tại miền Nam chúng ta vẫn thường gọi ai đó là người có giáo dục hay vô giáo dục.

Ngày nay ở trong nước, danh từ văn hóa được dùng một cách loạn xạ, nói chung là chuyện gì cũng mang hai chữ văn hóa đi kèm. Nhà văn hóa, hẻm văn hóa, khu phố văn hóa… ngầm hiểu đây là những nơi thanh lịch, tử tế, nhưng sự thật đây chỉ là những sự phô trương rỗng tuếch bằng bảng hiệu chữ đỏ, chữ vàng mà thực chất là chuyện ngược lại. Người Sài Gòn hẳn không xa lạ gì với những khu phố văn hóa trộm cắp, ma túy, nhếch nhác, vô trật tự…
Dần dà, văn hóa có nghĩa là lề lối, thói quen, để nói đến cái dở cũng như cái hay. Trong nước bây giờ báo chí thường dùng chữ văn hóa, những cái dở như văn hóa chiếm lòng lề đường, văn hóa phong bì, văn hóa trà lá, văn hóa độc tài, văn hóa tham nhũng, văn hóa vô cảm, văn hóa bia bọt, văn hóa chụp giựt, văn hóa ăn cắp, văn hóa ăn xin, văn hóa đái đường (không nghe nói văn hóa tiểu đường hay đái tháo đường!).

Văn hóa hay có thưa thớt hơn như văn hóa từ chức, văn hóa nhận lỗi, văn hóa từ tâm,…
Để hiểu vì sao chế độ cộng sản ngày nay luôn luôn đề cao văn hóa, và dân tộc chúng ta thực sự có văn hóa hay không, chúng ta thử đọc những dòng sau đây của Thích Nhất Hạnh nói về văn hóa của dân tộc như sau.“Những phẩm chất cao quý đẹp đẽ nói trên của con người Việt Nam là có thật, nhưng nói về văn hóa và lịch sử mà không đề cập tới những hiện tượng tham vọng, kỳ thị, chia rẽ, bạo động và phản phúc đã từng đưa dân tộc và đất nước vào những giai đoạn tăm tối và khổ đau trong lịch sử thì đó vẫn chỉ là hành động vỗ về tự ái dân tộc mà không phải là công trình xây đắp văn hóa.”
Trong các loại văn hóa của Việt Nam hôm nay, “văn hóa phong bì” có tác hại đến đất nước, và sẽ là một di sản xấu xa tệ hại có ảnh hưởng đến cả nghìn năm sau.

Cuộc “Hội thảo khoa học về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020” tổ chức hôm 28 Tháng Mười Một, nhà cầm quyền csVN qua “Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng, Chống Tham Nhũng,” đã kết luận: “Tham nhũng trầm trọng, đây là sản phẩm của sự tha hóa quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.” Nguy cơ đó chính là cái phong bì!
Ca dao xhcn nói nhiều về chuyện phong bì, chúng tôi chỉ trích một câu:“Phong lan chơi mãi cũng buồnPhong cấp thì phải cúi luồn cấp trênPhong bì như cánh hoa senMở ra thơm phức vợ khen con cười!”

Ba ngày lễ hiện nay không lớn nhưng được nhiều người chờ đợi, cũng như lo âu là ba ngày, “ngày Thầy Thuốc” (27/2) “ngày Nhà Báo” (21/6) và “ngày Thầy Cô Giáo” (20/11). Các công ty, cơ quan có chấm mút thì sợ nhà báo phanh phui, nhòm ngó, khai thác, viết xấu về mình. Trong ngành Y thì phong bì đôi khi định đoạt đến số mệnh sống chết của bệnh nhân. Phụ huynh học sinh thì hối lộ cho thầy cô giáo để con mình được nâng đỡ, khỏi bị trù dập.
Báo chí trong nước kể chuyện, một phụ huynh học sinh, ngày 20 Tháng Mười Một, dúi ngay một phong bì vào tay cô giáo, ở ngay sân trường trong giờ ra chơi, trước sự chứng kiến của cả trăm con mắt ngây thơ của đám học sinh trẻ con. Ai cũng sợ phong bì của mình không bằng phong bì của người khác, hẳn con của người khác được quan tâm và đối xử hơn con mình.

Ngay cả giới truyền thông cũng đã vào cuộc một cách khốn nạn. Một cô giáo tại Hà Nội kể chuyện: “Vào một ngày 20 Tháng Mười Một, cô được đài truyền hình phỏng vấn. Trong câu trả lời, cô nói rằng một giáo viên sẽ hạnh phúc khi được học trò gửi đến mình hoa và những món quà yêu thương. Trong đó, điều vui nhất chính là ‘được nghe các em tâm sự, ôn lại kỷ niệm và thấy sự thành đạt của học trò.’ Tuy nhiên, đoạn được phát trên truyền hình chỉ còn ‘tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì vào ngày nhà giáo được tặng hoa và quà.’” Cô Hiền đã khóc rất nhiều.

Chuyện kể một bác sĩ trước giờ mổ bệnh nhân, đã muối mặt làm lơ không nhìn giáo sư y khoa cũ của mình là thân nhân đi theo người bệnh để nhận phong bì mấy triệu bạc. Ngày hôm sau, ông bác sĩ giải phẫu này tìm đến nhà người thầy cũ, trả lại phong bì, và xin lỗi, chua xót nói với thầy: “Xin thầy tha lỗi cho con. Hôm qua nếu họ biết con là người quen của thầy, không nhận phong bì của thầy thì thân nhân của thầy sẽ bị nguy hiểm. Trong một ca mổ con không thể làm gì khác hơn, phải chi cho chuyên viên gây mê, y tá, y công… để cho họ làm tốt cho người nhà của thầy!”

Đối với  các cơ quan nhà nước như quan thuế, công an và cả tòa án thì “ngày” của họ là tất cả mọi ngày trong năm. Điều ơn nghĩa trong văn hóa Việt Nam trở thành thứ “văn hóa phong bì” hối lội trắng trợn ngày nay.

Trong một đất nước như thế, chúng ta phải dạy con như thế nào?“‘Văn hóa phong bì’ là con phải nhớ, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người!”Không những không lớn nổi thành người, mà còn thân bại danh liệt, không ngóc đầu lên được, con ơi!Huy Phương

Related posts