Hơn 20 vụ vắc-xin giả ở Trung Quốc, có loại làm từ nước muối sinh lý

Tâm Thanh

Những kẻ phạm tội đã bơm nước muối sinh lý để làm vắc-xin giả (Ảnh minh họa: Wikipedia)

Kể từ năm ngoái đến nay, hơn 20 vụ gian lận vắc-xin viêm phổi Vũ Hán đã được báo cáo tại Trung Quốc. Thậm chí, một số đã được xuất ra nước ngoài, theo Epoch Times.

Theo phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc – Tân Hoa Xã, trong giai đoạn đầu của đợt tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh viêm phổi Vũ Hán, một số kẻ xấu đã kiếm một khoản lợi nhuận lớn thông qua việc làm giả vắc-xin bán ra thị trường với giá cao, đồng thời tiến hành tiêm phòng cho người dân khi không được cấp phép. Tính đến ngày 10/2, các cơ quan thanh tra trên cả nước đã phát hiện 21 vụ, bắt giữ 70 nghi phạm.

Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã tiết lộ một số thông tin “kinh động” trong 4 vụ án làm giả vắc-xin tiêu biểu. Sau khi các nghi phạm tìm kiếm trên Internet và biết được cách tiêm chủng, cũng như đóng gói vắc-xin chính hãng, những người này bắt đầu mua bơm kim tiêm và bơm nước muối sinh lý để “sản xuất” vắc-xin giả trong phòng khách sạn hoặc tại căn hộ họ thuê. Khi nước muối sinh lý không đủ dùng, họ đã sử dụng nước khoáng để thay thế.

Sau khi “chế tạo” vắc-xin xong, nghi phạm đã khai man rằng, “đây là vắc-xin chính hãng mới lấy từ nội bộ”, do đó, vắc-xin giả dễ dàng tràn ra thị trường. Các hộp bao bì và bán thành phẩm còn lại trong quá trình làm giả đã bị chúng tiêu hủy.

Nghi phạm nói trên đã bị bắt vào tháng 11 năm ngoái. Theo điều tra sơ bộ, phát hiện có tổng cộng khoảng 58.000 vắc-xin giả đã được sản xuất và tiêu thụ, thu lợi khoảng 18 triệu NDT (khoảng 64 tỷ đồng).

Một trường hợp điển hình khác, sau khi vắc-xin giả được tung vào thị trường, những kẻ tội phạm đã bán chúng với giá cao và ủy thác cho một bác sĩ ở thôn quê đến tiêm phòng cho người mua trong nhà và ô tô của chúng. 

Tính đến tháng 12/2020, tổng số hơn 200 người đã được tiêm chủng với hơn 500 liều, theo đó, các nghi phạm đã thu lợi 547.000 nhân dân tệ (khoảng gần 2 tỷ đồng).

Ngoài việc làm giả, bán vắc-xin giả, có đối tượng còn “dàn xếp” vắc-xin với giá cao, để những người không đủ điều kiện chi trả đến bệnh viện tham gia kế hoạch tiêm chủng khẩn cấp. Thậm chí, những người này đã thông qua nhóm WeChat trên mạng xã hội để đăng quảng cáo nhằm thu hút khách hàng, làm giả đầy đủ hồ sơ tiêm chủng như: Giấy chứng nhận nhân viên doanh nghiệp, giấy chứng nhận đi công tác nước ngoài, hành trình vé máy bay, những khoản chi phí kếch xù…

Một số vắc-xin giả đã được vận chuyển đến Thâm Quyến qua Thiên Tân và nhập lậu ra nước ngoài qua Hồng Kông.

Liên quan đến việc “trót lọt” hàng loạt vụ vắc-xin giả, nhiều cư dân mạng đã đặt câu hỏi: “Vấn đề mấu chốt là 58.000 liều vắc-xin giả đang ở đâu? Đã thu hồi được bao nhiêu?”

“Anh ta đã bán nó như thế nào? Vắc-xin này không thể mua được với tư cách cá nhân phải không? Và được bệnh viện của chính phủ sử dụng đúng không? Nếu anh ta có thể tiêu thụ được chúng, có nghĩa là ngành y tế của nhà nước cũng đã mua, hãy kiểm tra đi!”

“Mọi người đều nói về việc sản xuất vắc-xin, nhưng tôi có một thắc mắc rằng: Chẳng phải tất cả vắc-xin đều được tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng chính quy sao? Hơn nữa, vắc-xin cũng có thể truy xuất được nguồn gốc. Như vậy thì vắc-xin giả không có giấy tờ này làm sao mà vào được thị trường, hơn nữa lại thu lợi nhiều như vậy chứ…?”

“Tại sao một số người lại tin vào chuyện có được vắc-xin từ trong nội bộ mà không nghi ngờ vắc-xin giả?”

Trên thực tế, vấn nạn vắc-xin giả ở Trung Quốc là không kể xiết. Lục Quân – người đồng sáng lập Trung tâm Ích Nhân Bình Bắc Kinh, một tổ chức phúc lợi công cộng chống phân biệt đối xử, nói với Đài Á Châu Tự do rằng, ở Trung Quốc, nghiêm trọng hơn vắc-xin nhập lậu là vắc-xin do các nhà sản xuất thông thường sản xuất.

Ông nói “Ví dụ, vụ tai nạn vắc-xin ở Sơn Tây năm 2007 cho đến sự cố thương tật do vắc-xin ở Sơn Đông năm 2016. Có thể là các nhà sản xuất thông thường sản xuất vắc-xin chất lượng thấp, hoặc các hoạt động của bộ phận chống dịch của chính phủ trong quá trình mua sắm, phân phối và vận chuyển vắc-xin không được tiêu chuẩn hóa hoặc thậm chí là bất hợp pháp”.

Luật sư Đường, người đã đại diện cho nhiều trường hợp bảo vệ quyền sử dụng vắc-xin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do rằng, vắc-xin có vấn đề của Trung Quốc đã xuất hiện nhiều lần, nhưng chúng đều được xử lý qua loa sau mỗi lần xảy ra, khiến vấn đề không những chưa thực sự được giải quyết, mà những người lên tiếng về chuyện này còn bị “ém miệng”.

Related posts