Tỷ phú giàu nhất thế giới ủng hộ kế hoạch tăng thuế của TT Biden

Xuân Thành

CEO Amazon Jeff Bezos hôm thứ Ba (6/4, giờ Mỹ) đã tuyên bố ủng hộ kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp của Tổng thống Joe Biden kèm trong dự luật chi tiêu cơ sở hạ tầng hơn 2 nghìn tỷ USD.

Amazon trở thành công ty đầu tiên tán thành kế hoạch tăng thuế của ông Biden nhằm chi trả cho gói chi tiêu lớn, bất chấp doanh nghiệp này là một trong những nhà chiến lược tiết kiệm tiền thuế nhất thế giới.

Trong tuyên bố phát đi hôm 6/4, ông Bezos nói: “Chúng tôi ủng hộ sự tập trung của Chính quyền Biden vào các khoản đầu tư táo bạo vào cơ sở hạ tầng Mỹ. Trước đây, cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều đã ủng hộ [đầu tư vào] cơ sở hạ tầng, và đây là thời điểm phù hợp để làm việc cùng nhau nhằm làm được điều này”.

“Chúng tôi thừa nhận khoản đầu tư này sẽ đòi hỏi nhiều sự nhượng bộ từ tất cả các bên, nhượng bộ cả về các danh mục đầu tư chi tiết, cũng như cách thức thu tiền để chi trả (chúng tôi ủng hộ tăng thuế doanh nghiệp). Chúng tôi mong chờ Quốc hội và Chính phủ làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp đúng, cân bằng giúp duy trì và thúc đẩy tính cạnh tranh của Mỹ”, tỷ phú Bezos nói.

Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng mà ông Biden gọi là “Kế hoạch Việc làm Mỹ” sẽ tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28% và tăng thuế tối thiểu toàn cầu áp cho các công ty Mỹ lên 21%, từ mức khoảng 10,5% đến 13%. Kế hoạch này cũng hy vọng tăng nguồn thu bằng việc trừng phạt các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tránh thuế.

CEO Bezos là thành viên của hiệp hội Bàn tròn Doanh nghiệp (BRT) – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington D.C với thành viên là các CEO của các công ty lớn tại Mỹ. BRT là nhóm doanh nghiệp đầu tiên công khai phản đối kế hoạch tăng thuế của ông Biden.

Chủ tịch kiêm CEO của BRT, ông Joshua Bolten phát đi tuyên bố vào đêm trước khi ông Biden công bố kế hoạch cơ sở hạ tầng: “BRT cực lực phản đối tăng thuế doanh nghiệp để chi trả cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Các nhà lập pháp nên tránh thiết lập các rào cản mới đối với tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ phục hồi [từ hậu quả của đại dịch virus]”.

Phòng Thương mại Mỹ – tổ chức đại diện doanh nghiệp lớn nhất thế giới – cũng đã gọi kế hoạch do ông Biden đề xuất là “định hướng sai nguy hiểm” và khẳng định kế hoạch này sẽ gây nguy hại cho sự phục hồi kinh tế Mỹ từ đại dịch COVID-19.

CEO Bezos phát đi tuyên bố ủng hộ kế hoạch tăng thuế của ông Biden trong bối cảnh Amazon đang phải đối mặt với áp lực từ cả Cánh hữu và Cánh tả.

Một cơ sở của Amazon tại Bessemer, bang Alabama, gần đây đã thu hút sự chú ý của toàn nước Mỹ về cuộc bỏ phiếu lịch sử để thành lập tổ chức công đoàn của người lao động. Kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố trong tuần này và Amazon lo ngại rằng việc bỏ phiếu chấp nhận thành lập công đoàn tại cơ sở ở Bessemer có thể báo trước một sự gia tăng quan tâm đến việc thành lập công đoàn tại các cơ sở khác của tập đoàn này.

Cũng trong tuần này, Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia đã kết luận Amazon sa thải bất hợp pháp 2 nhân viên. Ủy ban Lao động cho rằng hai nhân viên thiết kế trải nghiệm người dùng của Amazon tuần trước đã bị sa thải bởi vì họ lên tiếng chống lại các chính sách của công ty về biến đổi khí hậu và tập quán lao động tại các nhà kho trong đại dịch COVID-19. Trong khi đó, Amazon tuyên bố hai nhân viên này đã bị chấm dứt hợp đồng lao động vì vi phạm các chính sách nội bộ.

Đáng chú ý, bất chấp việc ủng hộ chính quyền Biden tăng thuế, Amazon trước nay lại nổi tiếng là doanh nghiệp tiết kiệm tiền thuế hàng đầu thế giới. Tập đoàn này đã không nộp bất kỳ đồng xu thuế thu nhập liên bang nào trong hai năm 2017 và 2018.

Năm 2019, Amazon chỉ nộp 162 triệu USD tiền thuế liên bang cho chính phủ Mỹ sau khi báo cáo lợi nhuận hơn 13 tỷ USD, theo hồ sơ của công ty này đệ trình Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ. Như vậy Amazon chỉ phải nộp ở mức thuế 1,2%. Nếu tính theo mức thuế 21%, công ty này sẽ phải nộp 2,8 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019.

Tháng 12/2019, nhóm chiến dịch Fair Tax Mark chỉ trích Amazon là công ty tồi tệ nhất trong ‘Bộ Lục Silicon’ – cùng Facebook, Google, Netflix, Apple và Microsoft – vì chuyển doanh thu và lợi nhận tới các quốc gia đánh thuế thấp, và cũng vì trì hoãn nộp các khoản thuế phải đóng.

Trong một tuyên bố phát đi vào thời điểm đó, Amazon tuyên bố: “Các chính phủ soạn thảo các luật thuế và Amazon đang làm điều họ [các chính phủ] khuyến khích các doanh nghiệp làm – nộp tất cả các loại thuế, đồng thời cũng đầu tư nhiều tỷ USD vào tạo việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng. Kết hợp với biên độ thuế thấp, khoản đầu tư này sẽ tự nhiên dẫn đến nộp thuế thấp hơn”.

Năm 2020, Amazon đã nộp thuế thu nhập liên bang ở mức 9,4%, bất chấp doanh nghiệp này thu được lợi nhuận lớn trong bối cảnh đại dịch virus, theo Viện Chính sách Thuế và Kinh tế.

Lợi nhuận của Amazon trong năm 2020, được báo cáo vào tháng 2/2021, đã tăng lên tới 21,3 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử công ty.

Giá cổ phiếu của Amazon trong năm 2020 cũng đã tăng tới 76%, dẫn tới giá trị của công ty này hiện nay là khoảng 1,6 nghìn tỷ USD.

Theo báo cáo mới nhất của Forbes, CEO Amazon Jeff Bezos tiếp tục có năm thứ 4 liên tiếp là người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ước tính 177 tỷ USD, tăng từ 113 tỷ USD trong năm ngoái.

Những nhà phê bình nói rằng ông Bezos sở dĩ ủng hộ chính sách tăng thuế của ông Biden là vì kế hoạch này sẽ cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng mà Amazon cần.

Nhóm Fair Tax March chỉ ra rằng Amazon đã phụ thuộc vào “đường bộ, cầu cống và cơ sở hạ tầng” vốn được xây dựng từ tiền của người nộp thuế.

CEO Gravity Payments, ông Dan Price cho biết công ty của ông đã đang làm việc với khoảng 20.000 doanh nghiệp nhỏ mà đang nộp thuế suất cao hơn Amazon.

Xuân Thành (Tổng hợp từ Daily Mail và Washington Examiner)

Related posts