Đại sứ quán Trung Quốc vô tình thừa nhận Đài Loan độc lập

Triệu Hằng

Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển (ảnh chụp màn hình rti.org.tw).

Các chính trị gia Thụy Điển đang kêu gọi trục xuất đại sứ Trung Quốc, sau khi vị đại sứ này gửi một loạt email đe dọa tới một nhà báo Thụy Điển, trong khi đó dư luận đang xôn xao bàn tán về việc đại sứ quán Trung Quốc đã vô tình thừa nhận Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc trong loạt e-mail tấn công nhà báo này.

Taiwan News cho hay, Jojje Olsson, một nhà báo Thụy Điển, nói với trang tin rằng ông đã nhận được 4 “email đe dọa” trong năm nay từ đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển về các bài báo mà ông viết có nội dung chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh, cụ thể là liên quan đến Tân Cương.

Nhà báo Olsson là một người bản xứ Thụy Điển, nhưng ông nói thông thạo tiếng Quan Thoại và tiếng Anh, và là một trong số ít các nhà báo Thụy Điển đưa tin độc lập về Trung Quốc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Email đầu tiên mà nhà báo Thụy Điển này nhận được từ đại sứ quán Trung Quốc là vào ngày 8/1 được viết tương đối ngắn gọn, nội dung như sau:

“Đây không phải là lần đầu tiên bạn cố gắng bôi nhọ Trung Quốc trên truyền thông. Hy vọng rằng bạn sẽ tháo đôi kính màu ra, và bắt đầu làm điều gì đó mà nó có thể giúp công chúng thụy Điển biết đến một Trung Quốc thực sự và quảng bá tình hữu nghị Trung Quốc – Thụy Điển, thay vì vắt óc nghĩ cách ném bùn lên Trung Quốc và cản trở sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước”.

Vào ngày 12/1, ông nhận được email thứ hai từ đại sứ quán, trong đó kêu gọi ông chấm dứt “những lời bôi nhọ và tấn công vô căn cứ vào Trung Quốc”, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa “giao tiếp”.

Sau khi Đài truyền hình Thụy Điển phát sóng lại một cuộc phỏng vấn mà trong đó nhà báo Olsso thảo luận về việc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2020 ở Bắc Kinh, nhà báo này đã nhận được email thứ ba, dài hơn so với các thư trước, được gửi từ đại sứ quán Trung Quốc vào giữa tháng 3. Trong email này nói rằng những người như ông Olsson đã thiết lập một hệ thống kiểm duyệt ở Thụy Điển có tên gọi “Bất cứ điều gì trừ Trung Quốc (Anything but China – ABC), chỉ đưa tin tiêu cực về Trung Quốc, và thậm chí có người còn bịa ra những bài báo thiếu căn cứ dựa trên trí tưởng tưởng của bản thân để bôi xấu Trung Quốc…”

Vào đầu tháng 4, sau khi nhà báo Olsson ra mắt trang web Kinamedia, đại sứ quán Trung Quốc đã gửi email thứ tư cho ông, cáo buộc nhà báo Thụy Điển “thông đồng với lực lượng ly khai Đài Loan, bịa đặt, đưa tin giả để bôi nhọ Trung Quốc, đưa ra các bình luận cực đoan chống Trung Quốc, phát tán thông tin sai lệch để kích động tình cảm chống Trung Quốc và phá hoại tình hữu nghị Trung Quốc – Thụy Điển”.

Tuy nhiên, trong bức thư gửi lần thứ tư này, đại sứ quán Trung Quốc nói rằng mặc dù ông Olsson tự nhận là “chuyên gia về Trung Quốc”, nhưng ông đã “không đến Trung Quốc đã hơn 4 năm nay”. Và với chi tiết này, nhà báo Olsson chỉ ra rằng ông đã ở Đài Loan kể từ năm 2016, khoảng thời gian mà đại sứ quán Trung Quốc nói rằng ông “đã ở bên ngoài Trung Quốc”, điều đó có nghĩa là đại sứ quán Trung Quốc “thừa nhận Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc”. Nhà báo Thụy Điển cho rằng, Trung Quốc đã “tự trượt ngã ” khi đang phát tán tuyên truyền của chính họ.

Thư Đại sứ quán Trung Quốc gửi Olsson (ảnh chụp màn hình Taiwan News dẫn từ Jojje Olsson).

Người dùng của trang mạng xã hội Reddit vào hôm thứ Hai (12/4) đã bàn tán xôn xao về ngôn từ của đại sứ quán Trung Quốc. Các cư dân mạng đã liệt kê nhiều cách mà theo đó Đài Loan không thể là một phần của Trung Quốc, chẳng hạn như việc Trung Quốc không thể cấp thị thực Đài Loan.

Email sau đó khép lại với một lưu ý đáng ngại, trong đó kêu gọi Olsson ngay lập tức dừng các báo cáo không hay ho gì của mình về Trung Quốc hoặc “đối mặt với hậu quả của hành động của chính bạn”.

Sau khi tin tức về bức email mới nhất được đăng trên tờ báo Thụy Điển Expressen, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đã mô tả những bức thư này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, tuy nhiên bà cũng cho là Đại sứ Trung Quốc Gui Congyou chưa đến mức phải bị trục xuất.

Đáp lại các e-mail, phát ngôn viên chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (Kristdemokraterna) Lars Adaktusson, cũng như các thành viên của Đảng Dân chủ và Cánh tả Thụy Điển, đã kêu gọi trục xuất ông Gui. Trong khi đó, Ulf Kristersson, lãnh đạo Đảng Ôn hòa (Moderate), đảng đối lập lớn nhất của Thụy Điển, đã đề xuất “các biện pháp trừng phạt có mục tiêu” như một phản ứng có thể đối với các mối đe dọa của đại sứ quán Trung Quốc.

Bên cạnh đó, sự phẫn nộ về các email đã bừng lên như một cơn sốt ở Thụy Điển, đến mức xuất hiện các biếm họa chính trị mà trong đó hai nhân vật chính là Olsson và Gui.

Related posts