Thanh Hải
Đại học Phúc Đán Thượng Hải, một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, đã ký hợp đồng xây dựng một cơ sở tại thủ đô Budapest của Hungary, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền địa phương và công chúng, theo Epoch Times.
“Theo khảo sát của Népszava, chỉ 1/5 tổng số người biết về tình hình nghĩ rằng nó sẽ có lợi cho Hungary”, Daily News Hungary đưa tin vào ngày 17/5/2021.
Gần đây, Direkt36, một trung tâm báo chí điều tra độc lập ở Hungary, trích dẫn các tài liệu nội bộ của chính phủ, cho biết chi phí của dự án lên tới 1,6 tỷ Euro (tương đương 1,9 tỷ USD), trong đó Hungary sẽ tài trợ trực tiếp 300 triệu Euro và số tiền còn lại 1,3 tỷ USD đã được cung cấp bởi Ngân hàng Phát triển Nhà nước Trung Quốc dưới hình thức cho vay, điều này có thể dễ dàng hình thành bẫy nợ và lặp lại những sai lầm của Sri Lanka, khiến đất nước này nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngoài ra, vật liệu xây dựng sẽ do Trung Quốc mua sắm và Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc đã ký hợp đồng đầy đủ cho dự án xây dựng, điều này hoàn toàn vi phạm các quy tắc mua sắm của EU.
Thị trưởng Budapest – Gergely Karácsony, sau cuộc hội đàm với các quan chức Hungaryliên quan đến dự án Phúc Đán, đã thông báo rằng “Chính quyền địa phương của Budapest kiên quyết phản đối việc xây dựng khuôn viên Đại học Phúc Đán của Trung Quốc trong thành phố”.
The Daily News dẫn lời Thị trưởng Karácsony nói hôm 2/5 rằng: “Chúng tôi nhận thấy rủi ro an ninh quốc gia rất nghiêm trọng trong khoản đầu tư này”.
Thị trưởng Budapest: Dự án đe dọa an ninh quốc gia
Theo tóm tắt từ một báo cáo của Index, ông Gergely Karacsony, thị trưởng Budapest, cùng với bà Krisztina Baranyi, thị trưởng quận 9, nói trong một cuộc họp báo vào ngày 17/5 rằng họ phản đối và lo ngại về dự án Phúc Đán. Ông cũng nói với Đài Châu Âu Tự do Radio Liberty (RFE / RL) rằng chính phủ từ chối tiết lộ cho hội đồng Budapest các chi tiết của dự án.
Tại cuộc họp báo, ông Karacsony cũng lưu ý rằng mặc dù Phúc Đán là một trường đại học ưu tú quốc tế, nhưng điều lệ của nó yêu cầu nó phải tuân theo đường lối của ĐCSTQ, như trường hợp của tất cả các tổ chức nổi tiếng của Trung Quốc. Ông nói, quyết định của chính phủ Hungary sẽ gây ra “rủi ro an ninh quốc gia rất nghiêm trọng” cho đất nước.
Thị trưởng Karácsony nói với báo chí rằng Thủ tướng Viktor Orbán đã thề sẽ không khởi động bất kỳ dự án đầu tư nào ở Budapest mà ban lãnh đạo thành phố phản đối và Thủ tướng Orbán đã không giữ lời hứa.
Bà Baranyi, thị trưởng của quận 9, nơi trường Phúc Đán sẽ được xây dựng, nói rằng bà sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý địa phương, và tất cả các biện pháp hợp pháp để ngăn chặn việc xây dựng.
Sự xâm nhập của ĐCSTQ, ‘Ngựa thành Troy’ ở Hungary
Theo báo cáo của Panyi Szabolcs, phóng viên của Direkt36, sự xâm nhập của ĐCSTQ vào Hungary rất nghiêm trọng, sinh viên Trung Quốc địa phương thường bị ĐCSTQ tuyển dụng làm gián điệp để xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực.
Báo cáo tiết lộ rằng lạm dụng hộ chiếu đã trở thành một nguy cơ an ninh quốc gia. Kể từ năm 2012, khoảng 20.000 người nước ngoài, hầu hết là công dân Trung Quốc, đã được cấp giấy phép cư trú Hungary thông qua cái gọi là “chương trình thị thực vàng”. Theo chương trình, những người đầu tư 250.000-300.000 euro vào trái phiếu nhà nước Hungary đủ điều kiện cư trú tại EU.
Bà Katalin Cseh, một thành viên của Nghị viện châu Âu từ Phong trào Động lực của Hungary, nói rằng “Bắc Kinh cần ‘con ngựa thành Troy’ trong EU và chính phủ Hungary tự nguyện đảm nhận vai trò này”, Katalin Cseh nói. “Đó là một rủi ro cao khi một quốc gia đặt lợi ích của Trung Quốc lên trên lợi ích của cộng đồng châu Âu, hoặc trên lợi ích của quốc gia đó”.
Bà Katalin Cseh, 32 tuổi, là một trong những chính trị gia đối lập ở Hungary lo ngại về “vấn đề nợ nần tiềm ẩn và khả năng thiếu tự do học thuật” tại khuôn viên Đại học Phúc Đán .
Tự do báo chí ở Hungary trở thành vấn đề ‘nhức đầu’ đối với EU
Các nhà bình luận nói rằng kể từ khi thủ tướng Hungary Viktor Orbán nhậm chức vào năm 2010, quốc gia này đã trải qua một sự thoái trào về dân chủ và chuyển sang chủ nghĩa độc tài. Ông ta cũng đã đàn áp tự do báo chí trong nước và dần dần siết chặt “quyền lực thứ tư” của giới truyền thông.
Khi tổng biên tập SZABOLCS DULL của mạng tin tức độc lập INDEX bị sa thải vào tháng 7 năm ngoái, 3 biên tập viên và hơn 80 nhân viên đã từ chức liên tục”, vì việc sa thải Szabolcs Dull gây nguy hiểm cho sự độc lập nghề nghiệp và tương lai của mạng tin tức INDEX”. Hàng nghìn người đã tuần hành đến Văn phòng Thủ tướng để phản đối và bày tỏ sự ủng hộ đối với đội ngũ biên tập viên của INDEX.
“Tổ chức Phi chính phủ – Phóng viên không biên giới đã đưa Hungary vào vị trí thứ 89 trong xếp hạng tự do truyền thông hàng năm của họ trong năm nay, khiến nước này trở thành quốc gia tồi tệ thứ hai trong EU về tự do báo chí”, theo báo cáo của The Guardian vào tháng 7/2020. Mức đánh giá này thậm chí còn thấp hơn vị thế ngày càng thụt lùi của Hồng Kông, thành phố này đứng thứ 80 trong bảng xếp hạng vào năm 2020.
Thủ tướng Orbán bị cáo buộc đã hạ bệ công chúng khi thông qua luật lao động mới vào năm 2018, vốn bị các đối thủ của ông gọi là “lao động nô lệ”, như BBC đưa tin vào tháng 12. Báo cáo cho biết: “Các quy định mới có nghĩa là các công ty có thể yêu cầu làm thêm tối đa 400 giờ mỗi năm và trì hoãn thanh toán trong 3 năm”.
Ngoài ra, chính phủ Hungary đã chấp nhận nguồn cung cấp từ ĐCSTQ để chống lại đại dịch COVID-19, và bỏ qua sự cho phép của EU đối với việc sử dụng khẩn cấp vắc-xin của Trung Quốc. Theo báo cáo của Cơ quan ngôn luận Tân Hoa xã của Trung Quốc vào tháng 2, Thủ tướng Orban đã nhận được vắc xin của Trung Quốc vào ngày 28/2/2021.
Tuy nhiên, ngoài các vấn đề về tự do báo chí và dịch bệnh, Hungary gần đây đã hai lần ngăn chặn “ EU lên án chung về cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Hồng Kông,” hoàn toàn khác với nguyên tắc đoàn kết của EU về vấn đề Trung Quốc. Tại cuộc họp báo ngày 10/5, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã chỉ trích nặng nề Hungary vì quyết định “hoàn toàn không thể hiểu nổi” của họ trong việc chặn một tuyên bố của EU cáo buộc Bắc Kinh đang đàn áp nền dân chủ ở Hồng Kông “, như IntelliNews đưa tin vào ngày 12/5/2021.
Do đó, người ta tin rằng Hungary, một thành viên của cả EU và NATO, đã trở thành một “vấn đề đau đầu” lớn đối với EU. Hungary đã “vi phạm nghiêm trọng các giá trị của EU”, Giới quan sát tin rằng Brussels sẽ gây áp lực lên Hungary khi mối quan hệ EU-Trung Quốc tiếp tục xấu đi vào năm 2021.
Mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã chuyển biến xấu đi rõ rệt trong vài tháng qua vì vấn đề Hồng Kông và Tân Cương.
Vào ngày 20/5, một kiến nghị đã được thông qua nhằm đóng băng quy trình lập pháp phê chuẩn Thỏa thuận toàn diện EU-Trung Quốc, với 599 thành viên của Nghị viện châu Âu (MEP) bỏ phiếu ủng hộ, 30 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Tuy nhiên, chính phủ Hungary, một thành viên của Liên minh châu Âu, đã ký một thỏa thuận hợp tác với Đại học Phúc Đán Thượng Hải vào cuối tháng trước để xây dựng một cơ sở ở nước ngoài của Đại học Phúc Đán, phía nam thủ đô Budapest của Hungary, nơi sẽ tuyển sinh hơn 6.000 sinh viên của các quốc tịch khác nhau, bao gồm cả người Trung Quốc và người Hungary.