Bị Nga phũ phàng từ chối, Trung Quốc hạ mình níu kéo

San San

Bị Nga phũ phàng từ chối, Trung Quốc gấp rút hạ mình giảng hoà
Ảnh: Tổng hợp.

Trên thế giới, bàn cờ chính trị vẫn đang xoay vần quanh những cái tên vốn đã quá quen thuộc: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Ngày 24/5 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có một tuyên bố gây sốc với Trung Quốc rằng: Nga sẽ không thành lập liên minh với Trung Quốc và không thấy hứng thú với ý định tham gia chiến tranh lạnh Mỹ – Trung. Khỏi phải nói, Trung Quốc đã thất vọng như thế nào khi nghe được những lời này. Vậy phản ứng của Bắc Kinh là gì? ĐCSTQ liệu có còn chiếc phao cứu sinh nào khi mà con tàu chế độ sắp chìm?

Lời từ chối phũ phàng

Ngày 23/3 vừa qua, mạng xã hội Weibo của Trung Quốc lan truyền một video đặc biệt. Đó là khoảnh khắc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đón người đồng cấp Nga trước đó một hôm tại Quế Lâm. Ông Vương đứng từ xa, dang rộng hai tay đón ông Lavrov. Vượt trên cả nguyên tắc ngoại giao, đó là một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc đang dang rộng vòng tay đón chào Nga. Hai ngày trước khi gặp Lavrov, Vương Nghị cùng Dương Khiết Trì vừa thực hiện xong một sứ mệnh đặc biệt ở Alaska: đó là mắng mỏ chính quyền Tổng thống Joe Biden ngay trên đất Mỹ. Hai hình ảnh tương phản quá ghê gớm ấy khiến dư luận tự hỏi: liệu có phải Trung Quốc đang hy sinh quan hệ với Hoa Kỳ để đổi lấy một sự công nhận nào đó từ Nga? 

Trong cuộc gặp tại Quế Lâm, Vương Nghị và Lavrov tay bắt mặt mừng, hân hoan tuyên bố: Hoa Kỳ nên dừng việc can thiệp vào chuyện nội bộ nước khác. Nhưng chẳng ngờ, chỉ sau đó ít lâu, mộng ảo của Trung Quốc về một liên minh với Nga đã hoàn toàn tan như bọt biển. Ngày 6/4, sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ, ông Lavrov nói: “Mối quan hệ Nga – Trung không phải để theo đuổi mục tiêu thiết lập một liên minh quân sự”. Nhiều người có thể coi đó là câu nói làm đẹp lòng nước chủ nhà Ấn Độ, vốn đang có mâu thuẫn gay gắt với Trung Quốc về vấn đề biên giới. Song không thể phủ nhận rằng sự đoàn kết Nga – Trung bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. 

Cuối tháng 5, ông Lavrov bình luận về câu chuyện “chiến tranh đại sứ quán” Nga – Mỹ rằng: đó là thời khắc khó khăn trong quan hệ song phương. Nhưng có vẻ như Ngoại trưởng Nga đang cố tình nói giảm nói tránh khi cho rằng việc rút đại sứ quán là một hành động ngoại giao bình thường. Ông cũng hy vọng nguyên thủ quốc gia hai bên có thể gặp mặt để cải thiện mối quan hệ. So với thái độ “sói chiến” của Vương Nghị và Dương Khiết Trì với Hoa Kỳ, thì phản ứng của ông Lavrov rất có thiện chí. Rõ ràng là Nga chưa sẵn sàng hoàn toàn trở mặt quay lưng với Hoa Kỳ. 

Khi được hỏi về việc có hay không việc Nga – Trung thiết lập một liên minh quân sự – chính trị mới, đứng cùng nhau một chiến tuyến chống lại Hoa Kỳ, ông Lavrov tỏ ra khá thận trọng. Ông nói quan hệ Nga – Trung đang “ở điểm cao nhất trong lịch sử” và nói thêm rằng “quan hệ hai nước, ở một mức độ nào đó, còn vượt trên thời kỳ hình thành liên minh trong Chiến tranh Lạnh”. Ngoại trưởng Nga đã chủ động sử dụng khái niệm “Chiến tranh Lạnh” để ví von. Đây hẳn là muốn ám chỉ rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ thực sự đang ở trong một cuộc chiến tương tự như trong quá khứ giữa khối tư bản chủ nghĩa và khối xã hội chủ nghĩa. 

Cho đến khi sụp đổ, Liên Xô từng là đối thủ không đội trời chung với Hoa Kỳ trong suốt nửa thế kỷ. Nước Nga sau này kế tục Liên Xô, bởi thế cả ông Lavrov lẫn Tổng thống Nga Vladimir Putin đều hiểu Chiến tranh Lạnh nghĩa là gì. Ông Lavrov đã khéo léo dùng phép so sánh này để phủ nhận khả năng liên minh Nga – Trung, thay vào đó chỉ thừa nhận mối quan hệ song phương tốt đẹp mà thôi. Nhưng với ai mà Nga chẳng nói là quan hệ tốt đẹp, ngay cả với Ấn Độ là một nước cừu thù với Trung Quốc hay với Hoa Kỳ là kẻ thù lớn nhất của ĐCSTQ? Xem ra câu nói này có cũng được mà không có cũng xong, chỉ là một phép lịch sự tối thiểu. Đồng thời, ông Lavrov cũng tiết lộ thái độ và lập trường của Nga về tình hình đối đầu Trung – Mỹ. Nga sẽ không can dự vào cuộc đối đầu này. Liệu rằng đây có phải kế “toạ sơn quan hổ đấu” hay là mưu tính “trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi” của Nga? Ông Lavrov nói: “Nga – Trung hài lòng với hình thức hợp tác hiện có. Điều này cho phép chúng tôi giải quyết mọi vấn đề dù là khó khăn nhất thông qua các cuộc đối thoại song phương”. Vậy là đã rõ mười mươi, dù đồng ý với Vương Nghị rằng hợp tác Nga – Trung “không có điểm kết thúc” nhưng Nga đã chính thức phủ nhận một mối quan hệ tiến lên theo hướng liên kết đồng minh. 

Sự cự tuyệt liên minh Nga – Trung của Moscow có lẽ nhắm tới một cái đích khác. Ngoại trưởng Lavrov nhất định đang muốn nhắn nhủ với chính phủ Hoa Kỳ rằng nước Nga sẽ không liên minh với Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ. Dù muốn dù không ta cũng phải thừa nhận rằng, quan hệ Nga – Mỹ quan trọng hơn quan hệ Nga  – Trung một bậc. Nga – Mỹ từ lâu là mối quan hệ phức tạp, vừa đấu tranh vừa hợp tác và lại thừa hưởng ân oán trong lịch sử từ cuộc Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ này bao trùm ảnh hưởng lên những khu vực quan trọng nhất thế giới: Trung Đông và Châu Âu. Bên nào nặng, bên nào nhẹ, hẳn là nước Nga của Putin đã có đáp án rõ ràng. 

Sự níu kéo tuyệt vọng của Bắc Kinh 

Tuyên bố của Nga đương nhiên sẽ khiến các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ cảm thấy không vui, thậm chí là lo lắng. Ngày 19/5, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đồng loạt đưa tin về câu chuyện ông Tập Cận Bình và ông Putin tham gia lễ khởi công dự án hợp tác năng lượng hạt nhân Trung – Nga. Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Rõ ràng, trong mắt Trung Quốc bây giờ, Nga chính là chiếc phao cứu sinh trong quan hệ quốc tế. 

Hãy xem thử, quan hệ Mỹ – Trung đã ngày càng trở nên khó cải thiện, liên minh châu Âu mới đây cũng đóng băng Thỏa thuận đầu tư Trung Quốc – EU. Các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ nhận thấy rằng cần phải ôm chặt “chú gấu Nga” vào lòng để chứng tỏ rằng mình không bị cô lập. Nhưng chính vào thời điểm quan trọng này, thái độ của Nga đã giáng một đòn chí mạng vào mưu tính của chính quyền Trung Quốc. Nước Nga rõ ràng nhìn thấy cơ hội cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Họ cần Hoa Kỳ hơn là cần Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc càng nóng lòng kéo Nga vào cùng một chiến tuyến thì Nga càng có thêm cái cớ để thương lượng với Hoa Kỳ. Nói cách khác, Trung Quốc chỉ giống như một con bài để Nga thực hiện nước đi của mình. 

Như để cứu vãn cho sự thất thố của mình, Trung Quốc dường như đang hạ mình trong quan hệ với Nga. Ngày 25/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên đã cố gắng nhấn mạnh quan hệ Trung – Nga một lần nữa. Ông này dành mọi mỹ từ có thể để ca ngợi rằng: “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Nga trong kỷ nguyên mới được luyện thành vàng và kiên cố như bàn thạch”. Thật hiếm khi chúng ta thấy “chiến lang” Trung Quốc đột nhiên trở nên hiền dịu và biết điều như vậy. Là vì Trung Quốc tự biết xấu hổ và đành phải muối mặt giảng hoà. Tân Hoa Xã lập tức dẫn lời của Triệu Lập Kiên nói rằng: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá cao những biểu hiện tích cực gần đây của Ngoại trưởng Nga Lavrov trong mối quan hệ Trung – Nga”, và rằng: “Trung – Nga luôn luôn coi trọng lợi ích cốt lõi của nhau, quan tâm hợp lý đến suy nghĩ của đối phương”. 

Ồ, thật hiếm khi Trung Quốc biết nghĩ cho người khác đến như vậy. Các phương tiện truyền thông đầy hung hăng của ĐCSTQ lúc cần sẽ trở thành dàn đồng ca chuyên phát ra lời xu nịnh. Đó là năng lực bất khả chiến bại của họ. Chắc chắn rằng, những CCTV, Tân Hoa Xã hay Thời báo Hoàn Cầu sẽ biết cách biến những tin tức tiêu cực trở thành khúc nhạc ca tụng, ăn mừng chiến thắng. Bất chấp một thực tế rằng, Nga sẽ không làm theo mong nguyện của Trung Quốc. Điều duy nhất nước Nga quan tâm là lợi ích của chính họ chứ không phải là “lợi ích cốt lõi” hoặc “mối quan ngại” của Trung Quốc. Xem ra, ĐCSTQ càng níu kéo gấu Nga thì càng như tự chế giễu chính mình mà thôi.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ xa dang hai tay chào đón người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Quế Lâm, Trung Quốc hôm 22-3 (ảnh chụp màn hình Ruptly).

Trong một diễn biến khác, Toà Bạch Ốc mới đây thông báo rằng Tổng thống Biden và Tổng thống Putin sẽ gặp nhau tại Geneva vào giữa tháng 6. Cuộc hội đàm giữa nguyên thủ hai nước đã được ấn định xong. Có vẻ như Hoa Kỳ đã kịp thời nắm bắt được tín hiệu mà Ngoại trưởng Nga đưa ra. Trong khi đàm phán Mỹ – Trung trên đất Alaska trở thành màn đấu khẩu đầy tính chợ búa và hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Trung cũng đang bị bao vây bởi màn sương mù ảm đạm thì hội đàm Nga – Mỹ có thể sẽ thu được thành quả lớn. Tất nhiên, Hoa Kỳ chẳng vui vẻ gì khi phải đi lại gần gũi với những quốc gia độc tài, dù đó là Nga hay Trung Quốc. Nhưng bởi vì quan hệ Mỹ – Nga ảnh hưởng quá lớn đến hoà bình thế giới, ông Joe Biden có vẻ như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xoa dịu chú gấu Nga vốn nóng nảy và manh động. Chúng ta hãy nhớ lại khẩu khí của ông Biden cách đây mấy tháng khi gọi ông Putin là “kẻ giết người”. Còn bây giờ, hai ông già ở tuổi “thất thập cổ lai hy” lại đang chuẩn bị ngồi cùng bàn với nhau, có thể còn ăn tối và nâng ly cùng nhau tại Geneva vào mùa hè này. Vậy thì, kẻ buồn bã nhất trong “cuộc tình tay ba” Nga – Trung – Mỹ có lẽ vẫn là Trung Quốc mà thôi. 

Bắc Kinh đang ở thế hoàn toàn bị cô lập trước cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ và các đồng minh đang siết chặt sợi dây thòng lọng trên cổ Bắc Kinh bằng những chuyến công du, hội họp tấp nập khắp Á Âu. Cuộc gặp thượng đỉnh Bộ Tứ Kim Cương (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) vừa kết thúc thì hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật khai màn. Tiếp đó là hội đàm ngoại trưởng G7+4, hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Hàn. Và cuộc hội đàm Mỹ – Nga vào mùa hè này chắc chắn sẽ đóng thêm một chiếc đinh nữa lên quan tài của ĐCSTQ. Rõ ràng, Hoa Kỳ không giấu giếm ý định xây dựng một liên minh chống Trung Quốc trên diện rộng. Dù rằng không thể đảm bảo tất cả đều về phe Hoa Kỳ chống Trung Quốc nhưng ít nhất sẽ có nhiều quốc gia hơn đứng ngoài cuộc trong cuộc chiến thế kỷ Mỹ – Trung, mà nước Nga có thể là ví dụ sinh động nhất. 

Tất nhiên Trung Quốc vẫn còn những đồng minh truyền thống và cùng theo đuổi khuôn mẫu độc tài của mình như Bắc Hàn, Iran, Syria hay Venezuela. Nhưng sự tranh giành bá quyền một cách mù quáng của ĐCSTQ đã khiến họ giờ đây ở vào thế “cưỡi trên lưng cọp”, không cách nào tìm đường xuống. Trong quan hệ quốc tế, họ rất khó tìm được sự ủng hộ của các quốc gia khác. Nhất là trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc như phát cơn điên khi không ngừng quấy phá, sách nhiễu các nước láng giềng: ngang nhiên xâm phạm vùng trời, vùng biển Đài Loan, hống hách mang tàu cá vào đá Ba Đầu của Việt Nam và luôn luôn chực nổi đoá mỗi khi Hoa Kỳ và phương Tây chọc vào những điểm yếu của họ như Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan, Tây Tạng… 

Trong nội bộ của ĐCSTQ, sự đấu đá ngày càng trở nên ghê gớm hơn khi đại hội 20 của họ chuẩn bị khai màn. Những tranh cãi về chuyển giao quyền lực, san sẻ vị trí lãnh đạo hay những chuyện bí sử thâm cung sẽ còn khiến Trung Quốc rung chuyển kịch liệt hơn. Chúng ta cùng chờ xem bộ phim dài tập này sẽ kết thúc ra sao! 

San San biên dịch

Related posts