Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Covid: Cơ quan Dược phẩm châu Âu kêu gọi vac-xin cho toàn thế giớiimage.png

Thanh Phương

Bên ngoài trụ sở Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA – European Medicines Agency), tại Amsterdam, Hà Lan. Ảnh chụp ngày 18/12/2020. REUTERS – PIROSCHKA VAN DE WOUW

Hôm 11/06/2021, giám đốc Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) Emer Cooke đã kêu gọi phải làm sao cho “toàn thế giới” tiếp cận được vac-xin ngừa Covid-19, trong lúc nhóm G7 hứa sẽ cung cấp 1 tỷ liều vac-xin cho các nước nghèo nhất.

Theo hãng tin AFP, các tổ chức phi chính phủ tuy hoan nghênh 1 tỷ liều vac-xin mà bảy cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới hứa hẹn, nhưng cho rằng số lượng này vẫn không đủ để giúp ngăn chận đại dịch trên cấp độ toàn cầu. Trả lời AFP, bà Emer Cooke, giám đốc EMA, cũng bảo đảm là cơ quan này vẫn tin tưởng vào hiệu quả của các vac-xin ngừa Covid-19 đối với các biến chủng virus đang lây lan rất nhanh ở nhiều nước.

Ngoài các vac-xin đã được phê duyệt (AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson), EMA hiện cũng đang đánh giá các dữ liệu của các loại vac-xin khác, kể cả vac-xin của Trung Quốc và Nga, đã được tiêm ở nhiều nước trên thế giới.

Các quan chức Nga trong tuần này đã tỏ vẻ lạc quan về khả năng EMA sẽ cấp phép cho vac-xin Spoutnik V và đã cảnh báo châu Âu là đừng “chính trị hóa” việc này. Đáp lại lời chỉ trích đó, bà Emer Cooke khẳng định là EMA thẩm định mỗi vac-xin dựa trên cơ sở khoa học và đây là một tiến trình hoàn toàn “độc lập, không bị ảnh hưởng chính trị.”  

Trong khi đó, hôm qua, Canada thông báo sẽ không phân phối lô 300.000 liều vac-xin Johnson&Jonhson mà nước này đã nhận được vào đầu năm, do có “những quan ngại” về chất lượng vac-xin, liên quan đến khâu sản xuất lô vac-xin này tại một hãng của Mỹ.

Vụ hai nhà báo RFI bị sát hại: Thêm một “thủ phạm” bị quân đội Pháp tiêu diệt

Thanh Hà

image.png
Chân dung hai nhà báo của RFI, Claude Verlon (T) và Ghislaine Dupont, bị sát hại năm 2013. Ảnh chụp tại một lễ tưởng niệm tại Abidjan, Côte d’Ivoire, ngày 02/11/2018. AFP – SIA KAMBOU

Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly, ngày 11/06/2021, thông báo Paris đã « vô hiệu hóa » thủ lĩnh nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Bắc Phi Baye Ag Bakabo. Nhân vật này bị coi là một trong những thủ phạm chính trong vụ bắt cóc và sát hại hai nhà báo đài RFI, Ghislaine Dupont và Claude Vernon, hồi 2013.

Theo lời bộ trưởng Quân Lực Pháp, hôm 05/06/2021, lực lượng Barkhane can thiệp tại vùng sa mạc Sahel, châu Phi, đã phát hiện Baye Ag Bakabo đang chuẩn bị một vụ tấn công tại miền bắc Mali, nhắm vào một cơ sở của Liên Hiệp Quốc. Lực lượng Barkhane đã can thiệp, hạ sát bốn kẻ khủng bố trong đó có « Baye Ag Bakobo, thủ lĩnh tổ chức Aqmi », cánh tay nối dài của Al Qaeda tại Bắc Phi.

Bà Parly khẳng định nhân vật này là một trong số những thủ phạm vụ bắt cóc và sát hại hai nhà báo Pháp hồi 2013. Đó là nữ phóng viên Ghislaine Dupont và kỹ sư âm thanh Claude Vernon. Cả hai đã bị giết hại hôm 02/11/2013 tại Kiali, miền bắc Mali. Bốn ngày sau đó tổ chức Aqmi nhân là tác giả.

Tập đoàn truyền thông France Media Monde, công ty mẹ của RFI, lập tức thông báo « ghi nhận » tin trên và cho biết chờ đợi cuộc điều tra tư pháp để « làm sáng tỏ các tình tiết của vụ sát hại và  cho phép bắt được toàn bộ các thành viên còn lại của toán khủng bố, cùng các đồng lõa nếu có, để đưa ra xét xử ». Theo tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, cái chết của thủ lĩnh Aqmi chưa cho phép xua tan tất cả « những mờ ám » trong hồ sơ này.

Tin quân đội Pháp triệt hạ một thủ lĩnh khủng bố ở Bắc Phi được đưa ra một ngày sau thông báo của tổng thống Macron, giảm sự hiện diện của quân đội Pháp trong vùng sa mạc Sahel trong khuôn khổ chiến dịch Barkhane.

Cam Bốt không cho nhà ngoại giao Mỹ thanh tra toàn bộ căn cứ hải quân

Thanh Phương

image.png
Một đoạn tường rào tại căn cứ Hải Quân Ream của Cam Bốt. Ảnh minh họa © wikipedia

Theo tin từ đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh được hãng tin AP trích dẫn, hôm qua, 11/06/2021, nhà ngoại giao Mỹ được mời đến thanh tra một căn cứ hải quân của Cam Bốt ở Vịnh Thái Lan đã chỉ được cho phép tiếp cận căn cứ này một cách hạn chế.

Đại sứ quán Mỹ cho biết tùy viên quốc phòng Marcus M. Ferrara đã được mời đến thanh tra Căn cứ Hải quân Ream theo lời mời của chính quyền Phnom Penh, nhưng khi đến nơi lại không được tiếp cận toàn bộ căn cứ này, khiến ông phải rút ngắn chuyến thăm. Tùy viên quốc phòng Mỹ đã yêu cầu tổ chức một chuyến thanh tra khác, mà không bị bất cứ hạn chế nào.

Về phía Cam Bốt, một phát ngôn viên của chính phủ khẳng định họ đã thực hiện đầy đủ cam kết tổ chức chuyến thăm theo yêu cầu của phía Mỹ và nếu các quan chức Mỹ không hài lòng, họ có thể đề nghị một chuyến thăm khác, với điều kiện không có hành động làm gián điệp hay xâm phạm chủ quyền của Cam Bốt.

Hãng tin AP trích lời tướng Nem Sowath, cố vấn đặc biệt của bộ trưởng Quốc Phòng Tea Banh, đáp trả cáo buộc của sứ quán Mỹ: “Họ phải biết vương quốc Cam Bốt có chủ quyền và các luật lệ, thế mà họ đã ngấm ngầm muốn thực hiện những ý đồ địa chính trị. Điều mà sứ quán Mỹ viết là không đúng sự thật.”

Thông báo của sứ quán Mỹ nhắc lại là hôm 01/06, trong cuộc gặp với thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã đồng ý cho tùy viên quân sự của Mỹ thường xuyên đến thăm căn cứ Ream. Trước đó, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc và về việc xây dựng một số cơ sở tại căn cứ này, đồng thời yêu cầu giải thích vì sao hai tòa nhà do Mỹ tài trợ xây dựng đã bị phá đi.

Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại một căn cứ quân sự ở Cam Bốt sẽ “gây tổn hại cho chủ quyền quốc gia, đe dọa an ninh khu vực và tác động tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Cam Bốt”.

Thủ tướng Hun Sen và các quan chức khác của Cam Bốt thì vẫn khẳng định là phía Trung Quốc không hề có bất cứ đặc quyền nào đối với căn cứ hải quân Ream.

Hồng Kông: Nhà đấu tranh dân chủ Châu Đình được trả tự do

Thanh Hà

image.png
Nhà tranh đấu Hồng Kông Châu Đình (Agnes Chow) được trả tự do hôm 12/06/2021, sau 7 tháng tù. AFP – ISAAC LAWRENCE

Là một trong những gương mặt hàng đầu của phong trào dân chủ Hồng Kông, cô Châu Đình (Agnes Chow), 24 tuổi, được trả tự do vào sáng ngày 12/06/2021, sau 7 tháng tù vì tham gia biểu tình hồi năm 2019 chống dự luật của Hồng Kông cho dẫn độ các nghi phạm sang Hoa Lục.

Theo hãng tin Pháp AFP, tình hình tại Hồng Kông vào sáng nay khá căng thẳng. Chính quyền đặt khoảng 2.000 cảnh sát trong tình trạng báo động, nhân kỷ niệm đúng hai năm người dân Hồng Kông ồ ạt xuống đường phản đối luật dẫn độ nghi phạm sang Hoa Lục. Trước đó chính quyền Hồng Kông đã phát hiện nhiều lời kêu gọi tập hợp trong ngày nhân kỷ niệm cuộc đấu tranh đòi rút bỏ dự luật nói trên.

Được trả tự do sáng nay sau 7 tháng tù giam, Châu Đình không phát biểu với báo chí. Hai trong số các nhà đấu tranh khác từng sát cánh với cô gái Hồng Kông 24 tuổi này là Hoàng Chi Phong (Joshia Wong) và Lâm Lãng Ngạn (Ivan Lam) vẫn tiếp tục thi hành án tù.  

Tháng 12/2020, nhà đấu tranh dân chủ Châu Đình bị tuyên án 10 tháng tù, vì tham gia biểu tình trái phép hồi năm 2019 trước trụ sở cảnh sát Hồng Kông. Ngày 12/06/2019 hàng ngàn người dân Hồng Kông đã bao vây trụ sở nghị viện, tìm cách ngăn chận các dân biểu thân Bắc Kinh thông qua dự luật dẫn độ. Cảnh sát Hồng Kông khi đó đã mạnh tay đàn áp người biểu tình, nhưng điều đó không cấm cản phong trào dân chủ đã kéo dài trong bảy tháng liên tiếp. Đầu tháng 9/2019, chính quyền Hồng Kông đã phải tuyên bố rút lại dự luật gay tranh cãi nói trên. Trước đó Châu Đình từng là một trong những cột trụ của phong trào « Dù Vàng » năm 2014.

Tháng 6/2020 Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia với đặc khu hành chính Hồng Kông, chấm dứt mô hình một quốc gia hai chế độ. Đạo luật này cho phép tư pháp Hồng Kông và đưa ra xét xử hàng loạt các nhà dân chủ, kể cả những tên tuổi như nhà tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) hay gần đây hơn là hai nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông kêu gọi biểu tình tưởng niệm nạn nhân phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh, bị đàn áp đẫm máu tại quảng trường Thiên An Môn trong đêm mồng 3 rạng sáng mồng 4 tháng 6 năm 1989.

Related posts