VOA
Việt Nam vừa tiếp nhận nửa triệu liều vaccine của Trung Quốc tặng và công bố ba nhóm đối tượng ưu tiên cho tiêm loại vaccine chống COVID-19 này giữa lúc nhiều người dân trong nước lo ngại và kêu gọi “tẩy chay” nếu chính phủ mua vaccine từ nước Cộng sản láng giềng.
Bộ Y tế Việt Nam cho biết Bộ này cùng với Bộ Ngoại giao đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero-Cell của hãng dược Trung Quốc Sinopharm tại Sân bay Quốc tế Nội Bài hôm 20/6. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng tiếp nhận hơn 500.000 chiếc bơm kim tiêm chủng một lần, loại 1ml, trong cuộc chuyển giao lô hàng viện trợ này từ Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba, theo Bộ Y tế.
Cùng ngày, trang Facebook chính thức của Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TPHCM cũng đưa tin và hình ảnh của lễ chuyển giao lô vaccine viện trợ của Bắc Kinh cho Hà Nội tại sân bay Nội Bài. Theo cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ Hùng Ba nói rằng “quyết định tặng vaccine cho Việt Nam là thực hiện nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng là thể hiện sinh động của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai bên”.
Bộ Y tế hồi đầu tháng này phê duyệt có điều kiện cho sử dụng loại vaccine này của Sinopharm cho nhu cầu “cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19” trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất trong cộng đồng trong thời gian đại dịch hơn 1 năm qua.
Tuy nhiên ngay sau khi Bộ Y tế đưa ra quyết định này, một làn sóng người dân trong nước bày tỏ nghi ngại và thậm chí kêu gọi “tẩy chay” đối với loại vaccine do Trung Quốc sản xuất. Nhiều người còn đề xuất các lãnh đạo Đảng và Bộ Y tế, nơi phê duyệt vaccine Trung Quốc, là những người nên được tiêm loại vaccine này trước tiên.
Với 500.000 liều vaccine đầu tiên của Sinopharm mà Việt Nam mới tiếp nhận, Bộ Y tế cho biết sẽ dùng để tiêm cho 3 nhóm đối tượng, trong đó gồm các công dân Trung Quốc làm việc tại Việt Nam, người dân Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc, kinh doanh tại Trung Quốc, và những người dân có nhu cầu sử dụng vaccine này, đặc biệt ở các địa phương sát biên giới với Trung Quốc.
Theo anh Bùi Sơn, một kỹ sư sống ở Hà Nội, việc phân bổ vaccine Trung Quốc cho các nhóm đối tượng trên là một quyết định “thông minh” của lãnh đạo nhà nước trong lúc vaccine này không được công chúng Việt Nam đón nhận.
“Đây chỉ là một sự chấp nhận về ngoại giao vì cách đây không lâu Bộ Y tế bất ngờ cấp phép cho lưu hành vaccine Trung Quốc bất chấp sự phản đối và sự không chấp nhận, không đồng thuận của dư luận,” anh Bùi Sơn, người cũng không muốn tiêm vaccine của Trung Quốc nếu được lựa chọn, nói. “Năm trăm ngàn liều vaccine Trung Quốc về đến Việt Nam bằng con đường tài trợ ngoại giao mà tất cả mọi người đều biết là không ai muốn tiêm vaccine Trung Quốc. Và đó là lý do (các lãnh đạo) phải quyết định ba nhóm người mà tôi nghĩ là ít đụng chạm nhất đến những người hiện nay đang phản đối vaccine Trung Quốc.”
Trước đó, theo nhận định của The Diplomat, Việt Nam không muốn sử dụng vaccine Trung Quốc dù nhiều nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á đã mua loại vaccine này với số lượng lớn. Theo tờ báo này, chính phủ Việt Nam, đối mặt với sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông, từ lâu đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nước láng giềng khổng lồ phương Bắc.
Cuộc khảo sát hồi đầu năm nay của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak cho thấy hầu hết người dân Việt Nam được hỏi không công nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với khu vực trong đại dịch và không tin tưởng vào Trung Quốc nói chung.
Nhiều người dùng mạng xã hội cũng đưa ra ý kiến tương tự với anh Sơn khi cho rằng đây là một quyết định “sáng suốt” của chính phủ Việt Nam để tiếp nhận viện trợ vaccine từ Trung Quốc dù vấp phản đối của người dân trong việc sử dụng loại vaccine này. Một số người dùng Facebook “hoan nghênh” quyết định ưu tiên 3 đối tượng trên trong khi một số người khác cho rằng đây là “một nước đi hay của lãnh đạo” Việt Nam.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam hôm 20/6 cho biết rằng Trung Quốc là “nước đầu tiên cung cấp vaccine tự nghiên cứu và sản xuất với số lượng lớn cho Việt Nam” và bày tỏ hy vọng vaccine đợt này “giúp phía Việt Nam thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát tốt dịch bệnh và phát triển kinh tế.”
Việt Nam trong tháng này nhận được 1 triệu liều vaccine AstraZenaca do Nhật tài trợ. Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin tặng Việt Nam 1.000 liều vaccine Sputnik V do Nga sản xuất.
Không rõ Việt Nam đã đặt mua loại vaccine chống COVID-19 của Trung Quốc hay chưa trong lúc chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam đến nay vẫn chủ yếu dựa vào vaccine AstraZeneca của Anh. Số liệu cập nhật của VnExpress hôm 20/6 cho thấy hơn 2,2% trong số 98 triệu dân Việt Nam được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và khoảng 0,12% dân số được tiêm chủng đầy đủ, một tỷ lệ gần như thấp nhất trong khu vực, chỉ trên Lào và Brunei.
Thông tin về vaccine của Trung Quốc, Bộ Y tế Việt Nam cho biết Sinopharm tới nay đã sản xuất hơn 450 triệu liều, trong đó 100 triệu liều được cung cấp thông qua hình thức viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp. Vẫn theo Bộ Y tế, vaccine của Sinopharm đã được cung cấp tới hơn 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á.
Dù vaccine COVID-19 của Trung Quốc có hiệu quả thấp hơn 7 loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới thông qua như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, AstraZeneca… nhưng lại mang đến hy vọng cho nhiều nước nghèo và đang phát triển, theo trang tin tức mạng xã hội Sức khoẻ Việt Nam của Bộ Y tế. Trích dẫn đánh giá của giới chuyên môi, trang tin này cho biết vaccine của Trung Quốc “hiệu quả trung bình” nhưng rất hiệu quả trong việc ngăn bệnh nhân COVID-19 trở nặng và tử vong.Bộ Y tế đầu tháng này cho biết cả nước sẽ có 120 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn trong năm nay và đang dần tiến đến mục tiêu “mua đủ 150 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số.” Theo anh Sơn và nhiều ý kiến bày tỏ trên mạng xã hội, chính phủ Việt Nam nên cho phép người dân được lựa chọn loại vaccine nào mà họ muốn tiêm.