Người bạn và định mệnh – Tamar Lê

Trong năm đầu (1974) dạy học ở Đại Học Tasmania, ông boss của tui khuyên rằng nếu muốn ‘an cư lập nghiệp’ trong Faculty of Education, thì phải tìm cách tiến thân, xông pha chiến trường, đánh Tây, dẹp Bắc, thì may họa còn tồn tại ở đây. Wow, là một sinh viên mới ra trường, chưa biết nấu cơm, rửa chén, mà phải xông xáo như vầy, thì tui chắc phải từ quan, hưởng nhàn từ bây giờ cho rồi… ôi sợ lắm người ơi.

Tuy nói vậy nhưng trong người tôi cũng còn một chút bướng bỉnh, có chi đâu mà sợ. Nghĩ đến câu nói của thầy mình dặn năm xưa “Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” Thôi thì gắng lội một vài con sông vậy, hy vọng không bị chết đuối trôi sông.

Năm 1974, vào một ngày đầu xuân trời đẹp như thiên đàng (một chút positive metaphor sau khi bị lockdown), tôi đáp máy bay từ Tasmania đến Adelaide, thành phố mà tôi hằng mộng mơ. Tôi may mắn được chọn trình bày một bài nghiên cứu ngữ học với đề tài ‘Semantic significance and deep case role’  tại Đại Hội Australasian Universities Languages & Literature Association (AULLA) ở University of Adelaide. Đây cũng là nơi đưa đẩy định mệnh của tôi sau này.

Tại hội nghị này và những hội nghị sau đó, tôi kết thân được với một đồng nghiệp, hay nói đúng hơn là một đàn anh và người bạn quý mà tôi quá may mắn được gặp trong sự nghiệp đời mình. Tôi muốn nói về Jonathan Anderson. 

Thời ấy, John đã nổi tiếng trong thế giới văn học và công nghệ giáo dục. Anh có nhiều sinh viên tốt nghiệp và sau này trở thành những nhân vật quan trọng trong chính phủ và đại học trên thế giới. Mỗi lần gặp anh, tôi luôn nhận được những nụ cười thiện cảm, và những lời khuyên quý giá để được tiến xa trên con đường nghiên cứu của mình.

Anh đã tham gia nhiều với tôi trong lãnh vực nghiên cứu giáo dục và là thành viên đắc lực của Australia Asia Research and Education Foundation mà tôi sáng lập khoảng 10 năm trước đây, trong đó distinguished Professor Noam Chomsky là Honorary Professor.

Điều mà tôi, học trò và đồng nghiệp kính mến anh nhất là đức tính khiêm nhường và lòng vị tha của anh. Có lần, trong một cuộc thảo luận, tôi hơi ‘lỡ lời’ với anh. Tôi nghĩ rằng thế nào mình cũng nhận được ‘lời trách móc’ của anh sau đó; nhưng anh không làm vậy; thay vào đó, anh nhỏ nhẹ nói với nụ cười thật hiền hòa: ”Dear Thao, I am rather surprised that you thought of my idea in that way.” Câu nói này làm tôi nhớ mãi trong tim mình. Cám ơn anh và cám ơn đời.

John hiện tại là Emeritus Professor trong College of Education, Psychology and Social Work, Flinders University, thành phố yêu kiều Adelaide.

Related posts