Tin Việt Nam sáng thứ Sáu: Thêm 91 ca; Phát hiện 58 người nhiễm COVID-19 tại một khu chợ

Hiểu Minh

Thêm 91 ca COVID-19

Bộ Y tế sáng 25/6 ghi nhận 91 ca dương tính nCoV, gồm 79 ca trong nước và 12 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

91 ca mới từ số 14233-14323. Trong đó 79 ca ghi nhận tại: TP.HCM (57), Bình Dương (10), Bình Thuận (5), Gia Lai (2), Quảng Ninh (1), Bắc Giang (1), Khánh Hòa (1), Long An (1), Hải Phòng (1). Trong số này, 60 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Như vậy, Bình Thuận lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm trong đợt dịch này, nâng tổng số tỉnh thành xuất hiện dịch lên 47.

Quảng Ninh xuất hiện ca nhiễm mới sau hơn 1,5 tháng không ghi nhận ca nhiễm. Hải Phòng xuất hiện ca mới sau hơn 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm.

Số ca nhiễm sáng nay nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 5.527, TP.HCM 2.293, Bình Dương 201, Long An 26, Bình Thuận 5, Hải Phòng 4, Gia Lai 4, Khánh Hòa 2, Quảng Ninh 2.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 11013, ghi nhận ở 47 tỉnh thành.

Sài Gòn: Phát hiện 58 người nhiễm COVID-19 tại một khu chợ

Nld – Chiều 24/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) công bố đã ghi nhận được 58 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 liên quan đến một khu chợ tại quận Tân Phú. 

Khu này là chợ Sơn Kỳ. Chuỗi lây nhiễm này được phát hiện từ 2 ca chỉ điểm, có liên quan đến chuỗi lây tại chợ đầu mối Hóc Môn. Quận Tân Phú đã khẩn triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19 liên quan chuỗi lây nhiễm khu chợ này.

Ngày 20/6, quận Tân Phú ghi nhận 3 ca bệnh COVID-19. Trong đó, 2 ca là tiểu thương tại chợ Sơn Kỳ có liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối Hóc Môn. 2 ca ở chung nhà. Sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại chợ Sơn Kỳ, ngày 21/6, quận Tân Phú ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm COVID-19 cũng có liên quan đến chuỗi đầu mối Hóc Môn đồng thời cũng có tiếp xúc với 2 ca bệnh đã phát hiện trước đó.

Đến ngày 22/6, qua điều tra, truy vết, quận Tân Phú tiếp tục ghi nhận thêm 7 ca nhiễm SARS-CoV-2 có liên quan đến các bệnh nhân kể trên. Lực lượng chức năng và ngành y tế đã tổ chức phong tỏa khu vực chợ Sơn Kỳ gồm 95 hộ và 365 nhân khẩu xung quanh nơi cư trú của các ca dương tính. Tiến hành điều tra xác minh F1, F2. 

Ngày 23/6, kết quả xét nghiệm ghi nhận có thêm 47 trường hợp dương tính COVID-19. Các trường hợp trên được ghi nhận là tiểu thương hoặc người từng đi đến chợ Sơn Kỳ.

Một bác sĩ cùng 4 người thân ở Bình Thuận mắc COVID-19

VnExpress – Bác sĩ nữ, 38 tuổi, khoa Sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận mắc COVID-19. 308 người được xác định tiếp xúc gần, trong đó 4 người thân kết quả xét nghiệm dương tính.

Sáng 25/6, Bộ Y tế đã ghi nhận 5 ca này, mã số bệnh nhân 14252,14263-14266. Hiện cụm dịch này chưa rõ nguồn lây, đang được điều tra dịch tễ.

Hiện 2 ca cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận; ba trường hợp được cách ly tại Trung tâm Y tế Tuy Phong. Sức khỏe 5 người bình thường.

Hiện cơ quan y tế đã điều tra được 313 trường hợp là F1 của các ca nhiễm, 351 trường hợp là F2, tiếp tục truy vết.

Đây là lần đầu tiên Bình Thuận ghi nhận ca COVID-19 trong đợt dịch này, là tỉnh thứ 47 xuất hiện dịch.

Theo Sở Y tế Bình Thuận, nguồn khởi phát cụm dịch là nữ bác sĩ mới nhận công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Cô từ Đồng Nai về nhận việc hôm 14/6, chín ngày sau thì được xác định dương tính COVID-19.

Bốn F1 được xác định mắc Covid-19, gồm: chồng, con, dì (ở huyện Tuy Phong) và em chồng (trú TP. Phan Thiết).

Điều tra dịch tễ, trước khi về quê, nữ bác sĩ làm việc tại Phòng khám Đa khoa An Phúc Sài Gòn ở Hố Nai 3, Trảng Bom, Đồng Nai, tiếp xúc với những người đến khám bệnh và đồng nghiệp trong phòng khám.

Chiều 13/6, cô đi xe khách về quê ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. Hôm sau, cô đón xe từ Tuy Phong vào Phan Thiết nhận công tác mới tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Trong những ngày qua, nữ bác sĩ đã tiếp xúc với nhiều người tại khoa Sản và trong bệnh viện.

Do thường đi xe khách vào Phan Thiết làm việc, cô tiếp xúc với nhiều người trên 12 chuyến xe khách tuyến cố định Liên Hương – Phan Thiết và đón xe khách trên quốc lộ 1.

Khi xuống xe, cô được em chồng (ở khu chung cư Văn Thánh) và một người bạn đón đến bệnh viện tỉnh, chở ra bến xe Bắc Phan Thiết hoặc ra quốc lộ bắt xe, cũng như đi ăn, uống nước tại một số hàng quán dọc đường Lê Duẩn. Cô lưu trú vào buổi tối và buổi trưa tại nơi ở của em chồng.

Cô còn đón xe ôm trước bệnh viện ra bến xe, đặt xe Grab đi mua thuốc tại nhà thuốc Trường Giang (TP. Phan Thiết)…, tiếp xúc với người thân tại huyện Tuy Phong khi về nhà.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm nữ bác sĩ dương tính, 0h ngày 24/6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận phong tỏa ngay toàn bộ Khoa sản và không tiếp nhận bệnh nhân mới trong vòng 3 ngày. Khoảng 800 nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân đang lưu trú tại bệnh viện đã được lấy mẫu, trong đó khoa sản và khoa gây mê hồi sức có 182 người.

Nhà thuốc Trường Giang (Phan Thiết), nơi cô tới mua thuốc, cũng đã bị phong tỏa. Một nhân viên bán hàng tiếp xúc trực tiếp đã được đi cách ly tập trung. Các trường hợp còn lại ở nhà thuốc thực hiện cách ly tại nhà.

Trong sáng 24/6, chung cư Văn Thánh phong tỏa tạm thời khu C và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 100 trường hợp ở chung cư. Em chồng (30 tuổi) của cô bác sĩ, cán bộ Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận, trú tại chung cư này, đã được cách ly tại Bệnh viện tỉnh.

Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong cũng tạm ngừng nhận các bệnh nhân đến khám, chữa bệnh từ 12h trưa 24/6 để thực hiện công tác phòng chống Covid-19, do người dì làm việc tại đây cũng bị Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bình Thuận đã quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Chính phủ đối với TP Phan Thiết từ 12h ngày 24/6 và đối với huyện Tuy Phong 0h ngày 25/6.

Nữ bác sĩ khoa sản là bệnh nhân đầu tiên của Bình Thuận trong đợt dịch mới. Hiện cơ quan y tế đã điều tra được 313 trường hợp là F1 của các ca đã xác định nghi nhiễm, 351 trường hợp là F2 tiếp xúc với F1, và hiện tiếp tục điều tra thêm các trường hợp F1 và F2.

Thủ tướng: Chậm nhất tháng 6/2022, phải có vắc-xin COVID-19 sản xuất trong nước

Vietnamnet – Chiều ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm và làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Sau khi thăm các phòng thí nghiệm, kho lưu trữ vvắc-xin, tìm hiểu về dây chuyền đóng ống, đóng gói vaccine, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành và các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu cần tổ chức thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất chiến lược vắc-xin, bao gồm việc tiếp cận đa dạng các nguồn vắc-xin, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vắc-xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể; thúc đẩy nhanh hơn việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước; triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất chiến dịch tiêm vaccine.

“Yêu cầu đặt ra với Chính phủ là phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vaccine”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Tại cuộc làm việc này, chúng ta khẳng định quyết tâm trong việc tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc-xin nói chung và nhất là tập trung cho vắc-xin COVID-19 nói riêng”. 

Việt Nam có truyền thống trong nghiên cứu, sản xuất các loại vắc-xin, trong đó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ sở nghiên cứu lớn nhất, có truyền thống nhất.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện các công ty, đơn vị đã báo cáo về việc chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất các loại sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có vắc-xin và các sản phẩm phòng chống COVID-19.

Tại buổi làm việc, các đại biểu kiến nghị tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất vaccine, cùng một số nội dung liên quan tới giá vaccine, kinh phí tiêm chủng…

Định hướng nghiên cứu thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành y tế sẽ tập trung vào 4 nội dung: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin COVID-19; phát triển mạnh kỹ thuật chuẩn đoán để giảm gánh nặng cho nhân viên y tế; phát triển các sản phẩm, trang thiết bị y tế khác; nghiên cứu, sản xuất một số sản phẩm phục vụ cho trạng thái bình thường mới, ví dụ như mũ cho công nhân sử dụng khi làm việc không cần khẩu trang…

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vaccine trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vaccine quy mô lớn đi vào hoạt động.

Bộ Y tế đang thúc đẩy Công ty Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến sẽ nhập bán thành phẩm, tận dụng hạ tầng của Vabiotech để đóng ống, đóng gói vắc-xin Sputnik V, test thử tại Việt Nam từ tháng 6 và dự kiến sẽ nhập chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7 năm nay. Giai đoạn 2 sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới để mở rộng công suất đóng gói lên 100 đến 150 triệu liều/năm. Đồng thời, tiếp tục đàm phán với đối tác cho việc chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất gia công toàn phần vaccine Sputnik V tại Việt Nam.

Bộ Y tế, các cơ quan cũng tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vaccine trong nước, nếu đạt kết quả thử nghiệm tốt, trong tình trạng khan hiếm vaccine, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp

Phó Thủ tướng: “Nếu COVID-19 xâm nhập, Đồng Nai sẽ cực kỳ khó khăn”

Dantri – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảnh báo, Đồng Nai nằm sát TP.HCM, giao thương qua lại lớn với Bình Dương, có hơn nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, nên nếu để Covid-19 xâm nhập sẽ “cực kỳ khó khăn”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề trên tại cuộc họp trực tuyến ngày 24/6 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 35 ca mắc Covid-19, trong đó có 4 ca mắc trong đợt 4 (2 ca liên quan đến các ổ dịch ở TP.HCM, một ca liên quan đến Đà Nẵng, một ca liên quan đến Bình Dương); có 500 F1 và 2.000 F2.

Với đặc thù có mối liên hệ mật thiết với TP.HCM và tỉnh Bình Dương, nơi có số lượng ca mắc lớn, ông Vũ đánh giá khả năng dịch bệnh xâm nhập vào Đồng Nai rất lớn.

“Nếu không kiểm soát chặt chẽ, không hạn chế di chuyển giữa vùng có dịch về địa phương, chắc chắn Đồng Nai sẽ có nhiều ca mắc trong thời gian tới” – ông Vũ dự báo.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao các giải pháp phòng, chống dịch của Đồng Nai, đồng thời đề nghị tỉnh không để dịch xâm nhập vào địa bàn.

Theo Phó Thủ tướng, Đồng Nai nằm sát TP.HCM, giao thương lớn với Bình Dương, có bến cảng, có hơn nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp… nên nếu để dịch bệnh xâm nhập sẽ “cực kỳ khó khăn”. Ông yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ người đi từ TPHCM, Bình Dương sang Đồng Nai và ngược lại.

Trong chống dịch, Phó Thủ tướng lưu ý, kiểm soát chặt không phải “ngăn sông cấm chợ” mà cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát người di chuyển từ các địa phương có dịch. Phó Thủ tướng quán triệt chỉ đạo, hàng ngày phải nắm được cụ thể số lượng người đi lại, vận chuyển hàng hóa qua lại địa bàn tỉnh.

Nhắc đến bài học kinh nghiệm của Bắc Ninh, Bắc Giang, Phó Thủ tướng nhắc lại, khi có ca nhiễm xuất hiện trong doanh nghiệp, thay vì cho công nhân nghỉ làm đồng loạt cần khẩn trương khoanh vùng những khu có nguy cơ cao; đồng thời vẫn duy trì hoạt động, giữ khoảng cách, bảo đảm an toàn… để quản lý tốt hơn.

Bộ Ngoại giao: New York Times ‘không khách quan’ khi nói VN may mắn trong chống dịch

Gov – Đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 24/6 nói tờ báo hàng đầu của Mỹ “không khách quan” khi cho rằng thành công ban đầu của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 chỉ là “may mắn”.

Trước đó, vào ngày 2/6, tờ New York Times đăng bài viết về làn sóng dịch mới mà Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó có đoạn nói rằng “Việt Nam từng tự hào về việc ngăn chặn thành công virus corona. Nhưng may mắn của quốc gia này có thể đã hết khi phải đối mặt với đợt bùng phát ở thành phố Hồ Chí Minh và sự xuất hiện của một biến thể virus mới”.

Trong thông cáo sau cuộc họp báo hôm 24/6, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Nói Việt Nam may mắn trong công tác phòng, chống dịch bệnh là hoàn toàn không khách quan”.

Bà Hằng lưu ý Việt Nam đã vượt qua 3 đợt bùng phát dịch COVID-19 trước đó, sau khi thực hiện nhiều biện pháp kịp thời, quyết liệt như: “ngăn chặn sự lây lan từ bên ngoài bằng cách hạn chế nhập cảnh, cách ly tập trung toàn bộ người từ nước ngoài vào Việt Nam; tổ chức khoanh vùng, dập dịch, truy vết người tiếp xúc với nguồn bệnh với phạm vi phù hợp, kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, cách ly những người lây nhiễm và những người có tiếp xúc gần với nguồn bệnh một cách hiệu quả..”

Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết “những kết quả trong công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam trong thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế, Tổ chức y tế thế giới WHO và nhiều quốc gia ghi nhận, đánh giá cao. Dư luận báo chí kể cả báo chí Hoa Kỳ ghi nhận Việt Nam là “hình mẫu” trong phòng chống dịch bệnh.”

Tính đến tối 24/6, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 14.232 ca nhiễm COVID-19, trong đó có gần 11.000 ca ghi nhận trong đợt dịch mới và 285 ca ghi nhận trong ngày 24/6.

Related posts