Không Ngờ…

Phan

1.
Đôi khi tôi vẫn nghĩ về cuộc sống, con người, đâu đó vẫn còn những nơi thực sự là bình yên cho con người có cuộc sống bình an; và nhân loại vẫn còn đâu đó những con người mà khi hiểu biết về họ sẽ khiến nhiều người tự thấy mình nhỏ nhoi, dù họ chỉ là một người bình thường trong cuộc sống chứ không hẳn là người nổi tiếng hay giàu có. Cuộc sống vốn chằng chịt những quan hệ nên làm tâm tư băn khoăn bởi chung quanh có quá nhiều chuyện không ngờ như một người nổi tiếng bỗng dưng bị khui ra một chuyện chẳng ra gì, người tử tế kia hoá ra không phải vậy, người vô gia cư nọ đứng bên đường lại làm cho người ta thất kinh với tiểu sử lẫy lừng khi có người biết ông ta trong quá khứ; ở nơi thanh tịnh nọ, không ngờ lại diễn ra cảnh mèo mả gà đồng làm mất tôn nghiêm; chốn phức tạp kia lại thấp thoáng bóng người tu chợ, cứu nhân độ thế cho những mảnh đời tả tơi không có nơi để về…

Tôi vẫn dõi theo cuộc sống quanh ta để giữ mình, cho đến một hôm, tôi rủ ông bạn đã khá lâu không gặp đi uống cà phê vào một sáng cuối tuần. Nhưng anh bạn tôi có hẹn đi thăm trại gà của một người quen nên anh rủ tôi đi cùng. Vậy là tôi hẹn gặp nhau ở Starbucks trong thành phố cho thuận đường đôi đàng. Chúng tôi mua hai ly cà phê và đi chung xe để dễ trò chuyện, mắt tôi phải lái xe nhưng cũng nhìn ngang ra được sự hốc hác của anh bạn qua gương mặt hanh hao mà không phải bệnh tật, ánh mắt lạc thần của anh chẳng nói lên tin vui là anh đi xem trại gà để sang lại…
Tôi không ngờ, một không ngờ buồn, không ngờ bạn bè ít gặp trong niềm tin tình cảm nguyên vẹn, chỉ thiếu thời gian thù tạc với nhau vì ai cũng phải lo làm ăn để duy trì đời sống gia đình của mỗi người. Thật không ngờ gia đình anh là một công trình được xây đắp vất vả bằng tuổi đời và sức lực của chính vợ chồng anh trong bao năm qua, lẽ ra sắp tới lúc anh chị được nghỉ ngơi vì nhà, xe đã trả hết, con cái học xong… nên không ngờ đau lòng là công trình đẹp đẽ ấy đã tan tành trong tay anh. Một sự nghiệp mấy chục năm của vợ chồng, anh nướng trọn vô chiếu bạc trong vài ngày khi máu bài bạc tiềm ẩn trong anh bỗng trỗi dậy hung hãn như ung thư tái phát, làm anh mất lý trí mà dối vợ, gạt con tới tan cửa nát nhà, gia đình ly tán mỗi người một nơi…

Tôi lái càng xa thành phố, lòng càng hoang sơ như rừng núi hoang vu khi nghĩ tới người bạn có tên tuổi ở địa phương từ khi tôi quen biết anh thì nay cái tên đã mất theo lá bài định mệnh, nhưng cái tuổi thì ai tránh được sức khoẻ yếu kém đi dần. Bây giờ lại đi nhận việc ở trại gà nơi thâm sơn cùng cốc, lối thoát không chọn lựa của anh có lẽ tôi hiểu được khi người đàn ông đã trắng tay sự nghiệp, mất hết gia đình thì còn ở lại phố thị làm gì cho người quen kẻ biết khinh khi trong cái thói đời, “còn bạc còn tiền còn đệ tử/ hết cơm hết rượu hết ông tôi…” thì ai chả từng.
Hôm tôi tiễn anh đi nhận việc coi trại gà cho người ta sau chầu phở sáng ở khu Việt nam. Một người bạn bước vào hành trình mới của đoạn cuối cuộc đời sao thê lương quá. Hình ảnh người đàn ông tóc đã muối nhiều hơn tiêu, khoác chiếc áo bạc vai sờn cổ, lên đường với chiếc xe

Lòng tôi buồn vô hạn trên đường về lại nhà hôm đó. Muốn cho những người bạn cùng quen biết anh hay tin để cùng nhau quan tâm tới anh một chút, nhưng kẹt đã hứa với anh là không cho ai hay, kẹt bản thân ngậm ngùi khi nhớ lại những lần sa cơ thất thế, nhìn bạn bè quay lưng còn đau hơn thất bại vì thất bại có thể làm lại nhưng bạn bè đã quay lưng thì khó nhìn lại nhau lắm…
Rồi mùa đông qua, xuân hờ hững qua, lòng người già đi chỉ còn mùa rưng rưng nhớ. Được hôm cúp điện bất tử từ sáng sớm vì cơn mưa hạ đã về nên hãng cho về nhà, thứ bảy làm bù. Tôi tự nghĩ là hôm nay mình coi như vẫn đi làm tới chiều tối. Tôi lái một mình tới trại gà thăm anh, cũng mua theo chai nước mắm với bao gạo như lần trước, mua thêm chai rượu tâm tình chứ nơi thâm sơn cùng cốc ấy chỉ có cô đơn. Lòng phân vân không biết có nên mua thêm bó nhang, bởi biết đâu mình đến đã muộn rồi sau mấy tháng không liên lạc được qua điện thoại bởi trại gà ở nơi hẻo lánh đến hoang vu. Nhưng hình ảnh anh lại không ngờ hiện ra thú vị trong mắt tôi là một ông già tóc đã bạc trắng, nhưng nhìn mạnh khoẻ, có sức sống hơn một người tên tuổi nơi phố thị trước đây. Hình như nụ cười của anh đã vượt qua được bể khổ nên nhẹ nhàng hơn.

Tôi được một ngày vui vì trò chuyện, đi câu cá về nướng và nhậu với bạn nơi chỉ có hai người. Tôi thích cuộc sống của anh hiện tại. Đồng lương không nhiều, công việc không khó, nhưng được làm việc theo tinh thần trách nhiệm của mình; đặc biệt là chẳng phải giao tiếp với ai nữa vì cả cái trại gà chỉ có mình anh trông nom, có một người Mễ đến phụ việc với anh nhưng anh ta có gia đình nên mỗi tuần chỉ làm hai ngày. Đúng là cuộc sống bình an nơi bình yên mà mình mãi đi tìm. Chỉ mong cái giá phải trả cho ước nguyện đừng quá đắt như anh bạn.
Về nhà. Đi làm. Những lúc trời chập choạng tối, khi sương đêm chưa tan đã phải lên đường đi làm… Tôi không thoát ra được ý nghĩ: phải can đảm lên, phải dứt khoát hơn khi đã tìm ra nơi có cuộc sống như ý riêng. Nhưng chỉ là giữ được niềm tin trên mặt đất vẫn còn có nơi có cuộc sống bình yên như ở trại gà mà anh bạn tôi đang sống bình an và làm việc.

Từ đó tôi thường chìm vào giấc ngủ với ý nghĩ thiên mệnh. Trời đặt mỗi người vào hoàn cảnh riêng để chẳng ai có cuộc đời giống ai, mỗi người một hoàn cảnh, một đam mê mà thành hạnh phúc với khổ đau của kiếp người. Tôi vẫn sống, đi làm, về nhà, cuối tuần gặp bạn bè bù khú với nhau khi có thể, có dịp. Nhưng trong thâm tâm lại tính chuyện thu xếp thời gian, đi mua chai nước mắm với bao gạo, chai rượu, rồi đi thăm một người bạn mà bạn bè đang vui đã quên anh ta. Tôi thấy mình vô lý ở chỗ gặp gỡ thường những người mau quên để làm gì ngoài nỗi buổn trên đường về, trong đêm khó ngủ. Không biết đó có phải là lý do làm cho cuộc sống của nhiều người chứ không riêng ai thường không thấy vui dù sức khỏe, việc làm, tiền bạc vẫn tạm ổn.

image.png

Đúng là không ai học được chữ ngờ, không ngờ bạn ra vậy, không ngờ mình ra vậy…
2.
Không ngờ mình được quà mà lòng lại muốn là không được sẽ vui hơn. Chuyện đơn giản là công việc tôi làm trong hãng đã hết việc và đóng cửa luôn cái phân xưởng tôi đã làm năm năm trời do hết hợp đồng và khách hàng không gia hạn nữa. Đồng thời hãng có khách hàng mới nên mở phân xưởng mới, vậy là tôi rất buồn vì phải chia tay nhiều đồng nghiệp làm việc tạm thời chứ hãng không cho họ vô chánh thức nên khi hết việc thì họ ra cửa. Còn mấy người chánh thức chúng tôi cũng bất an vì phải đi nhiều chỗ khác nhau, làm nhiều việc khác nhau ở những phân xưởng còn hợp đồng với những khách hàng khác nên có việc làm. Riêng tôi đi phân xưởng mới mở cho khách hàng mới. Ôi buồn vì thiếu đồng minh để che chắn cho nhau, lại năm sao hạn nên gặp bà già Mỹ trắng khó ưa nhất trên đời. Tôi với bà ấy làm chung một mặt hàng, nhưng bà ấy ngồi không đúng tám tiếng mỗi ngày. Tôi biết tôi sẽ già nên thông cảm người già làm không nổi nữa nhưng vẫn cần lãnh lương là những người già tội nghiệp, là mình của tương lai khi hiện tại giờ đây đi qua. Nhưng ác cái bà già này bị bệnh nói nhiều, bà nói tới tôi không làm việc được dù tôi đã làm việc của hai người là tôi với bà. Tới hôm vỡ bờ là cô sếp bự tới tận chỗ làm, cô nói với tôi: “Hôm nay tôi cần bạn xong cho tôi hơi nhiều sản phẩm vì khách hàng có nhu cầu bất tử. Tại khách hàng mới nên tôi nhịn họ cho mình có việc làm…”
Tôi trả lời cô sếp, “tôi sẽ cố hết sức, nhưng cũng không biết được tới đâu. Nếu cô muốn đủ số thì cho tôi thêm một người… “
“…”
Cô sếp lớn quay đi không lọt vì bị bà Mỹ già sửa lưng, “lần sau cô cần gì thì nói với tôi là được rồi.”
Sếp lớn nhưng còn quá trẻ và dĩ nhiên là người mới hơn so với bà già đã làm hãng ba mươi năm nên sếp nhịn. Sếp nói với bà, “Xin lỗi Cindy. Tôi gấp và lo lắng quá để giữ được khách hàng cho chúng ta, nên tôi cũng không nhớ là bà làm ở đây!”
“…”
Tôi là người châu Á nên trường hợp đó chỉ đứng yên và im lặng để học hỏi. Cảm ơn sếp gởi cho tôi cái nháy mắt đồng minh trước khi cô ấy rời đi.
Nhưng tai họa ập tới là bà Cindy nổi giận khi tôi nói bà làm cho tôi những việc vặt vì sếp không có người dư để điều họ đến giúp tôi. Bà làm cho tôi một trận. “tôi không phải làm gì hết. Việc của tôi là ngồi đây xem anh làm có đúng theo bản vẽ, đúng theo quy trình hay không?”
Tôi cũng nổi đìên tôi lên, “Sau khi tôi làm xong từng sản phẩm, tôi là người ký tên vào giấy tờ. Nếu sản phẩm không qua được kiểm tra trước khi cho xuất xưởng thì họ gọi tôi sửa chữa chứ không gọi bà. Nếu khi sản phẩm đã đến nơi khách hàng mà họ không ưng thì gởi trả về đây, cũng chính tôi là người sửa chữa chứ không phải bà. Cuối cùng là không có ai ở hãng này nói với tôi là tôi làm việc dưới sự giám sát của bà. Theo như phân công cụ thể của sếp mình là tôi với bà làm chung, cùng hoàn thành sản phẩm. Thậm chí tôi ít thâm niên hơn bà nên bà là chính, tôi là người phụ việc cho bà. Sao bà lại để tôi làm một mình, còn bà cả ngày ngồi nhìn cái bản vẽ trên computer mà bà hiểu không hết. Có đúng là mỗi lần bà nói tôi làm không đúng theo bản vẽ là mỗi lần tôi chỉ ra cho bà thấy là bà không hiểu bản vẽ… Tôi xin lỗi bà tôi nói thẳng, nhưng tôi nói xong là xong. Tôi không trách bà… vì tôi rồi cũng già.”
Bà không trả lời tôi câu nào. Ngồi yên với vẻ mặt giận dữ một lát, rồi rời ghế ra đi. Tôi biết bà đi đâu. Bà đi thưa kiện là bà tự làm khó mình. Và đúng như vậy, nên hôm sau tôi nói với sếp lớn, “Bà ấy già rồi. Tôi chỉ muốn bà ấy bớt nói để tôi tập trung làm việc vì ngoài tôi ra không ai chịu nổi bà ấy đâu. Cô đưa bà ấy đi chỗ khác là không tốt cho bà ấy, nhưng cô đưa tôi đi chỗ khác thì càng tệ hơn cho bà ấy…”
Thế là từ đó bà cứ ngồi ngủ gà ngủ gật ngày tám tiếng. Tôi thấy áy náy trong lòng sao mình lại ác với một người già, ác tới biết bà ta thích nói mà lại không cho bà ta nói, bà thích ra oai thì cứ để cho bà ra oai cũng đâu có ai chết đâu?

image.png

Mùa về mùa đi thấm thoát thoi đưa ba năm trời, cho đến hôm mới sáng sớm vào hãng đã nghe tin hôm nay bà Cindy về hưu. Và theo thông lệ ở hãng là sau giờ ăn trưa nay, mọi người sẽ tập trung ở phòng ăn để ăn bánh uống trà chia tay với bà. Tôi không ăn bánh ngọt, không thích chụp hình nên lặng lẽ ra xe ngồi xem tin tức trên điện thoại. Không ngờ tiệc tàn, bà ra tận xe tôi để đưa tôi tấm thiệp cảm ơn, cho tôi món quà là cái nón kết của đội Dallas Cowboy. Bà cảm ơn tôi nhiều vì mấy năm qua tôi đã giúp bà giữ được việc làm để lo thuốc men cho người chị của bà, nay chị bà đã qua đời nên bà không cần đi làm nữa. Tiền già, tiền hưu bà đủ sống…

Thật không ngờ trong đời sống có những việc mình đúng trăm phần trăm nhưng cuối cùng lại là sai. Lẽ ra đừng quạt cho bà già một trận hồi ba năm trước, bà ấy tuy thường tình như người ta ai chả thích ra oai, ai chẳng kéo áo người che bụng mình trong cõi phàm này. Nhưng dù sao bà ấy cũng còn ráng đi làm ở tuổi bảy mươi để giúp một người khác chứ không phải bản thân bà ham hố. Dù sao tôi cũng đã bỏ lỡ một cơ hội thông cảm cho người khác là để dành cho mình về sau.

Phan

Related posts