Trung Quốc chính thức vận hành đập thủy điện khổng lồ lớn thứ hai Bạch Hạc Than

Ngân Hà

Đập thủy điện Bạch Hạc Than (Baihetan) khổng lồ của Trung Quốc đã bắt đầu phát điện vào hôm thứ Hai (28/6). Đây là đập lớn thứ hai của nước này sau đập Tam Hiệp, được cho là để thúc đẩy mục tiêu “một xã hội không có các-bon” của Bắc Kinh.

Đập thủy điện Bạch Hạc Than chảy ra sông Kim Sa – một nhánh của sông Dương Tử ở tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam phía tây nam Trung Quốc.

Đập là một đập vòm cong cao 289 mét với độ cao từ chân đế lên đỉnh là 827 mét. Chiều rộng của đập là 72 mét ở chân đế và 13 mét ở đỉnh.

Tập đoàn Tam Hiệp thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã xây dựng con đập này.

Đập hiện đã bật hai trong số 16 tổ máy phát điện, mỗi tổ máy có công suất 1 gigawatt. Đập sẽ hoạt động hết công suất vào tháng 7 năm 2022.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060. Để thực hiện mục tiêu đó, nhà nước đã xây dựng một loạt đập thủy điện. Trung Quốc hiện là thải ra lượng carbon dioxide nhiều nhất thế giới.

Đập Bạch Hạc Than được dự kiến ​​sẽ làm giảm lượng than tiêu thụ hàng năm của Trung Quốc khoảng 19,68 triệu tấn.

Tổng công suất 16 GW của Bạch Hạc Than chỉ đứng sau đập Tam Hiệp với công suất 22,5 GW. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 2017 với chi phí được báo cáo là hơn 300 tỷ nhân dân tệ (46,5 tỷ USD). Đây được coi là một khoản chi phí khổng lồ để xây dựng con đập trong khoảng thời gian nhanh kỷ lục.

Một cuộc thử nghiệm kéo dài ba ngày đã diễn ra trước khi con đập chính thức đi vào hoạt động.

Điện năng được tạo ra sẽ được đưa đến các tỉnh ven biển Giang Tô và Chiết Giang, nơi tập trung nhiều nhà máy.

Tổng công suất sản xuất thủy điện của Trung Quốc đạt 370 GW vào cuối năm 2020, chiếm 17% tổng sản lượng điện của cả nước.

Một đập thủy điện khác là Ô Đông Đức, cũng nằm giữa Tứ Xuyên và Vân Nam, đã đi vào hoạt động trong tháng này. Trung Quốc có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm thủy điện chủ yếu ở các khu vực nội địa, theo Nikkei đưa tin.

Các dự án đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc đều đã bị dư luận đặt câu hỏi về các tác động sinh thái, môi trường, cũng như rủi ro trong thiết kế, thi công và vận hành.

Ngân Hà

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Related posts