Liên Hiệp Châu Âu : Chư hầu, đồng minh hay là đối tác chiến lược của Mỹ ?

Minh Anh

image.png
Từ trái sang phải: Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von Der Leyen, tổng thống Mỹ Joe Biden, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, tại thượng đỉnh Mỹ – Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles ngày 15/06/2021. AP – Patrick Semansky

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chọn châu Âu là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Một mặt là để hàn gắn mối quan hệ bị tan vỡ dưới thời Donald Trump, nhưng mặt khác, còn để siết chặt hàng ngũ chống Trung Quốc. Đâu là những phương tiện để Liên Hiệp Châu Âu tái lập mối quan hệ cân bằng với Mỹ ? Liên Hiệp Châu Âu có chấp nhận đi theo Hoa Kỳ lao vào cuộc « thập tự chinh » chống Trung Quốc ?

« America is back »
Đây chính là thông điệp xuyên suốt trong chuyến công du châu Âu vừa qua của tổng thống Mỹ Joe Biden. Hoa Kỳ cần tái khẳng định vai trò đi đầu trong lòng các định chế đa phương và củng cố mối quan hệ hợp tác với các nước chia sẻ cùng giá trị và lợi ích với Mỹ.

Trong mối lo này, Hoa Kỳ trước hết, cần sửa chữa lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và Liên Hiệp Châu Âu, đã bị sứt mẻ nghiêm trọng dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, theo như quan sát của nhà nghiên cứu Martin Quencez, tổ chức nghiên cứu, tư vấn của Đức, German Marshall Fund of the United States (GMF) trên đài RFI.

« Mục tiêu thật sự là để cho thấy chúng ta không còn dưới thời Donald Trump nữa, những vụ tai tiếng thường xuyên, hay chuyện phơi bày công khai những bất đồng giữa châu Âu và Mỹ sẽ không còn nữa. Ngược lại, họ cho thấy có một sự hợp nhất. Ông Joe Biden thường xuyên nhắc lại rằng ông ấy muốn chứng tỏ một sự đoàn kết, một sự gắn kết. Thứ đến là để bắt đầu hình thành một lịch trình mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. »

Nhưng những cử chỉ thân thiện này của nguyên thủ Mỹ không thể che giấu được một nỗi ám ảnh lớn khác. Ông Jo Coelmont, chuyên gia về các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Viện Egmont tại Bỉ, lưu ý : « Vấn đề đầu tiên của ông Biden là chính sách đối nội của Mỹ, sự phân cực của xã hội, dịch bệnh Covid-19, một đa số mong manh ở Quốc Hội. Vấn đề lớn thứ hai, chính là Trung Quốc. » (Trang mạng Echo ngày 11/06/2021)

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh bất chấp cuộc khủng hoảng dịch tễ. Theo dự báo của Ngân Hàng Thế Giới, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2021 sẽ là 8,5%. Với nhịp độ này, Trung Quốc đang trên đà soán ngôi Mỹ về kinh tế. Bị giáng hạng, Hoa Kỳ có nguy cơ mất dần tầm ảnh hưởng.

Thế nên, nhìn từ Washington, chính quyền Biden mong muốn các đồng minh châu Âu tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc như hạn chế bớt các đầu tư của nước này trong nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của châu Âu, giảm lệ thuộc vào công nghệ Trung Quốc, hay công khai lên án các vụ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc…

Trên bình diện quốc tế, Washington cũng muốn các đồng minh có một vai trò trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung. Sự hiện diện quân sự của châu Âu – chủ yếu là Anh và Pháp – tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, đối với Mỹ vẫn luôn có một giá trị biểu tượng quan trọng.

Liên Hiệp Châu Âu : Hết rồi thời chư hầu của Mỹ ?
Chỉ có điều, cuộc chiến thương mại do Donald Trump khởi xướng đã để lại nhiều di hại. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, bốn năm cay đắng vừa qua đủ để cho khối này trưởng thành và ý thức được rằng Liên Hiệp Châu Âu cần phải « tự lực tự cường » phần nào về kinh tế, và nhất là độc lập về chính trị, quốc phòng.

Trong hồ sơ Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu tỏ rõ lập trường khác biệt với Mỹ và không muốn bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa hai ông khổng lồ của hành tinh. « Việc Trung Quốc đi lên thành cường quốc là một vấn đề cho Mỹ, vốn dĩ muốn vẫn là nước đi đầu thế giới. Nhưng với châu Âu, đó là một chuyện có lẽ mang tính lô-gic », ông Sven Biscop Viện Egmont nhận định. Hoa Kỳ trừng phạt ngày càng nhiều Trung Quốc, nhưng Liên Hiệp Châu Âu xem Bắc Kinh như là « một đối tác kinh tế »« một đối thủ hệ thống ».

Việc Liên Hiệp Châu Âu ký kết thỏa thuận đầu tư toàn diện với Trung Quốc hồi tháng 12/2020 là một bằng chứng rõ ràng, gây bất ngờ cho phía chính quyền Biden. Theo phân tích của Pierre Haroche, chuyên gia về an ninh châu Âu, Viện Nghiên cứu về chiến lược thuộc trường Quân sự (IRSEM), nhìn từ Bruxelles, thỏa thuận này minh họa rõ nét cho khái niệm « tự chủ chiến lược » được Ủy Ban Châu Âu xúc tiến từ nhiều tháng trước đó.

« Một mặt, châu Âu nhắc đến “quyền tự quyết” để khẳng định rằng họ không cần đợi sự cho phép của Mỹ để làm việc với Trung Quốc, như là cách Hoa Kỳ thời Donald Trump đã không hỏi ý châu Âu khi ký thỏa thuận “giai đoạn 1” với Trung Quốc hồi tháng Giêng năm 2020.

Mặt khác, Liên Âu muốn nhấn mạnh rằng tham vọng tự chủ của họ cũng được “mở rộng”, nghĩa là đây không phải là một bức bình phong cho một kiểu tân bảo hộ mậu dịch. Chiến lược này vẫn luôn tương thích với truyền thống mở rộng trao đổi mậu dịch của châu Âu với điều kiện đó là những cuộc trao đổi cân bằng và không tạo ra một lợi thế mất cân xứng cho các đối thủ cạnh tranh của châu Âu ». (Diplomatie số tháng 4-5/2021).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngay sau khi kết thúc thượng đỉnh G7 ở Anh Quốc, từng nói rõ ông mong muốn một Liên Hiệp Châu Âu « không phải là chư hầu của Trung Quốc, nhưng cũng không đi theo lập trường của Hoa Kỳ trong hồ sơ này. »

Khi Hoa Kỳ là đồng minh quốc phòng…

Lập trường này của Liên Hiệp Châu Âu không phải không có cơ sở. Theo một thăm dò gần đây do European Council on Foreign Relations thực hiện tại 11 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đa số những người được hỏi đều xem Trung Quốc như là một đối tác, rất hiếm khi là đồng minh cũng như là đối thủ.

Là một người rất am hiểu châu Âu và được bao bọc bởi một dàn cố vấn thân châu Âu, tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn toàn ý thức được những vấn đề trên. Khác với người tiền nhiệm, Joe Biden – cũng chủ trương « America First » – đã tỏ ra khôn khéo khi đề cập đến vấn đề Trung Quốc, theo như giải thích của bà Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc tổ chức nghiên cứu, tư vấn của Đức, German Marshall Fund of the United States (GMF) trên đài RFI :

« Joe Biden biết cách gói ghém các lợi ích, các mục tiêu của mình trong khuôn khổ lớn hơn, khi đưa ra lập luận dân chủ chống chuyên chế, khiến châu Âu không có nhiều chọn lựa phải nhanh chóng quyết định. Việc không ngừng nhắc lại luận điệu này, buộc châu Âu, nhất là trong hồ sơ Trung Quốc, cũng phải từ từ ngả theo Mỹ. Chúng ta thấy rõ điều này trong khuôn khổ cuộc họp NATO, bởi vì tuyên bố chung của khối này lần đầu tiên đã chỉ định Trung Quốc như là một “thách thức hệ thống”, tức là một “mối đe dọa tiềm tàng”. »

Liệu Liên Hiệp Châu Âu có đủ đoàn kết trước sức ép này của Mỹ trong cách đối phó với Trung Quốc ? Bởi vì, nội bộ Liên Hiệp Châu Âu cũng bị chia rẽ trong cách đối xử với Trung Quốc khi nhiều nước thành viên như Ba Lan, Cộng hòa Séc, các nước vùng Baltic luôn xem Mỹ như là một đồng minh quân sự chiến lược.  

Tuy nhiên, giám đốc tổ chức GMF lưu ý, hồ sơ Trung Quốc còn là một phần trong chiến lược « mặc cả » để có được sự hậu thuẫn của Mỹ về an ninh quốc phòng.

« Nghĩa là họ đi theo Mỹ trong chính sách “kềm hãm”, đối đầu với Trung Quốc nhưng đổi lại họ muốn Hoa Kỳ bảo đảm quốc phòng tập thể trong lòng khối NATO để đối phó với mối đe dọa Nga. Hình thức mặc cả này cũng được áp dụng cùng kiểu trong quan hệ song phương Mỹ – Đức với dự án Nord Stream 2. Washington nói dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ nhắm vào công trình này để hâm nóng lại quan hệ với Đức. Nhưng đổi lại, Washington cũng yêu cầu Berlin thay đổi chút thái độ trước Trung Quốc và hỗ trợ Mỹ trong một cách tiếp cận cứng rắn hơn ».

Liên Hiệp Châu Âu : Một tác nhân thực thụ ?
Dẫu sao thì, khi đến châu Âu lần này, Joe Biden không đi với đôi bàn tay trắng. Việc Hoa Kỳ dỡ bỏ các trừng phạt đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 và kết thúc 17 năm tranh chấp thương mại giữa Boeing và Airbus, cho thấy rõ ý muốn hòa giải của chính quyền Biden, mở ra một cách tiếp cận mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.  

« Điều thú vị cần quan sát ở đây là tổng thống Biden chấp nhận một số đề nghị từ Liên Hiệp Châu Âu dưới hình thức gọi là hợp tác để có thể đề cập đến tất cả những chủ đề nào mà Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều điểm mâu thuẫn, thậm chí bất đồng. Chẳng hạn như hội đồng Liên Âu – Hoa Kỳ để thảo luận các vấn đề thương mại, công nghệ ; Hội đồng Liên Âu – Mỹ về Nga.

Đây thật sự là một điểm mới, cho thấy rõ Liên Hiệp Châu Âu đang tìm cách khẳng định vị thế như là một tác nhân thật thụ, được chính quyền Biden nhìn nhận về những chủ đề vừa mang tính kinh tế, thương mại vừa cả chiến lược. ».

Nếu như có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden công nhận nhiều hơn vị thế của Liên Hiệp Châu Âu trong nhiều lĩnh vực, thì theo chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer, rào cản duy nhất còn lại gây trở ngại cho con đường « tự chủ chiến lược » của châu Âu, để có thể đối thoại “bình đẳng” với Mỹ là vấn đề tự chủ quốc phòng cho dù đã có một số bước tiến đáng kể.

« Điều thú vị là chính quyền Biden tỏ ra rất cởi mở với ý tưởng một châu Âu tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng, khác hẳn với các chính quyền tiền nhiệm. Nhưng, với một điều kiện là Hoa Kỳ phải được tham gia vào các dự án quốc phòng của châu Âu. Chẳng hạn như, chính quyền Mỹ thời Donald Trump từng gây áp lực với Bruxelles để Hoa Kỳ có thể được tham gia dự án “hợp tác mang tính cơ cấu thường trực về quốc phòng” (PESCO), thì giờ Biden đã có được điều đó. (…)

Có thể nói, Hoa Kỳ chấp nhận Châu Âu có một nền quốc phòng vững mạnh hơn với tư cách là đối tác của Mỹ nhưng với điều kiện là nền công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng có thể được hưởng lợi. Điều này rõ ràng không hẳn vô hại cho chính châu Âu và các ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu ».

Related posts