Tin thế giới sáng thứ Bảy: Thêm nhiều công ty TQ bị Mỹ đưa vào danh sách đen kinh tế

Vũ Dương

Mỹ khoe mẫu máy bay tàng hình mới

SCMP – Không quân Mỹ đã công bố một hình ảnh mới và chi tiết của máy bay ném bom tàng hình B-21 thế hệ tiếp theo của họ. Các chuyên gia quốc phòng cho rằng rõ ràng đây là những nỗ lực nhằm chống lại những đe dọa do việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc và Nga đặt ra.

Lực lượng không quân cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng mẫu máy bay mới sẽ là một phần trong “bộ ba hạt nhân” của Mỹ về các lựa chọn tấn công bằng đường không, mặt đất hoặc tàu ngầm.

Randall Walden, Giám đốc văn phòng chịu trách nhiệm phát triển dòng máy bay ném bom mới cho biết: “Tính năng tích hợp của kiến trúc hệ thống mở trên B-21 làm cho máy bay ném bom này hoạt động hiệu quả khi môi trường đe dọa tiến triển”.

Ben Ho, một nhà phân tích sức mạnh không quân tại một trường nghiên cứu ở Singapore cho biết “môi trường đe dọa đang phát triển” dường như là Trung Quốc và Nga. Ông nói: “Cũng có thể hình dung rằng B-21 như là một đối thủ “ăn miếng trả miếng” ngang hàng với máy bay ném bom tàng hình H-20 của Trung Quốc có thể bay vào năm tới, và điều đó có thể đã thúc đẩy chương trình B-21”.

Biến đổi khí hậu gây ra 5 triệu ca tử vong/năm

Bloomberg – Nhiệt độ nóng và lạnh bất thường ngày càng phổ biến do biến đổi khí hậu gia tăng là nguyên nhân gây ra 5 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm.

Theo nghiên cứu công bố ngày 7/7 trên tạp chí khoa học The Lancet Planetary Health (Pháp), thời tiết khắc nghiệt gây ra 9,4% tổng số trường hợp tử vong trên toàn cầu từ năm 2000 đến 2019. Hầu hết trường hợp tử vong do giá lạnh nhưng xu hướng có thể sẽ đảo ngược khi trái đất ấm lên.

Tiến sĩ Yuming Guo, một trong những tác giả báo cáo và là giáo sư tại Trường ĐH Monash (Úc), cho biết: “Về dài hạn, biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng tử vong do nắng nóng tăng lên”. 

Hàng trăm người chết vì các đợt nắng nóng quét qua Bắc bán cầu vào mùa hè này, là thời gian nóng nhất trong 20 năm qua. Hiện tượng ấm lên toàn cầu tiếp tục tăng tốc, khiến nhiệt độ trái đất đang trên đà chạm mốc cao hơn khoảng 3 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học dự báo nếu trái đất nóng thêm 2 độ C sẽ là thảm họa đối với sự sống trên hành tinh.

Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Monash (Úc) và Trường ĐH Sơn Đông (Trung Quốc) ước tính cứ 100.000 người thì có 74 người chết vì nhiệt độ quá lạnh hoặc nóng bất thường.

Ông Biden bảo vệ quyết định rút quân của mình khi Taliban đạt được lợi ích

Nikkei – Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 8/7 thông báo sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan sẽ kết thúc vào ngày 31/8. 

Ông Biden bảo vệ quyết định rút khỏi Afghanistan của mình khi Taliban đạt được lợi ích nhanh chóng trước quân đội đang chùn bước của quốc gia Trung Á, quốc gia mà Hoa Kỳ đã chi rất nhiều để tuyển dụng, đào tạo và trang bị. 

“Hoa Kỳ không thể đủ khả năng để duy trì các chính sách được tạo ra để đáp ứng với một thế giới như 20 năm trước”, ông Biden nói trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, đồng thời nhấn mạnh quyết định chấm dứt cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ. “Chúng ta cần phải đối mặt với các mối đe dọa như hiện nay. Ngày nay, mối đe dọa khủng bố đã lan rộng ra ngoài lãnh thổ Afghanistan”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng cần tập trung vào việc phát huy sức mạnh cốt lõi của Mỹ” để đáp ứng cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và các quốc gia khác, điều đó sẽ quyết định tương lai của Mỹ. Chúng ta sẽ trở nên đáng gờm hơn đối với các đối thủ về lâu dài nếu chúng ta chiến đấu trong các trận chiến của 20 năm tới, không phải 20 năm qua”.

Dù vậy, Tổng thống Mỹ đã phải đối mặt với những câu hỏi về tương lai của Afghanistan. Các thành viên cộng đồng tình báo và quân đội Mỹ đã cảnh báo Afghanistan đang tiến vào một cuộc nội chiến. 

Thêm nhiều công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen kinh tế

CNBC – Ngày 9/7 theo giờ Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bổ sung ít nhất 10 công ty và nhiều thực thể khác của Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế liên quan tới các vụ vi phạm nhân quyền và giám sát công nghệ cao ở Tân Cương.

Quyết định trên của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra tiếp sau thông báo hồi tháng 6, liệt 5 thực thể khác của Trung Quốc vào danh sách đen liên quan tới những cáo buộc cưỡng bức lao động ở Tân Cương.

Việc bổ sung thêm vào Danh sách Thực thể của Bộ Thương mại là một phần trong các nỗ lực đang khai triển của chính quyền Biden nhằm buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm nhân quyền.

Hiện chưa có con số chính xác về các cá nhân hay thực thể bị liệt vào danh sách đen này. Theo nguồn tin, một số công ty của các quốc gia khác cũng nằm trong danh sách bổ sung được công bố vào ngày 9/7.

Tâm điểm hội nghị tài chính G20: Kế hoạch cải cách thuế toàn cầu và viện trợ cho các nước nghèo

Minh Tri

image.png
An ninh được thắt chặt tại Venise, Ý cho việc tổ chức Hội nghị Tài chính G20, ngày 08/07/2021. AP – Luca Bruno

Hội nghị tài chính G20 khai mạc hôm thứ Sáu 09/07/2021, tại Venise, Ý. Trong vòng 2 ngày, các bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính của 20 quốc gia giàu nhất thế giới và Liên Hiệp Châu Âu sẽ thảo luận nhiều chủ đề, với trọng tâm xoay quanh kế hoạch cải cách thuế toàn cầu và sáng kiến gia tăng viện trợ cho các nước nghèo.

Được kỳ vọng là một công cụ nhằm chống bán phá giá và đặt dấu chấm hết cho các thiên đường thuế, kế hoạch cải cách thuế toàn cầu  trên thực tế không phải là một chủ đề mới. Được đưa ra đàm phán trong vài năm, kế hoạch này được xây dựng thông qua hai trụ cột chính: (1) một mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên toàn cầu ít nhất 15%  và (2) Một hệ thống để đánh thuế các công ty tại nơi họ tạo ra lợi nhuận thay vì chỉ đơn giản áp thuế theo nơi họ đặt trụ sở chính. Kế hoạch này đặc biệt nhắm tới nhóm GAFA – những tập đoàn quốc tế hàng đầu về công nghệ  gồm Google, Amazon, Facebook  và Apple, cùng các tập đoàn đa quốc gia.

Trước đó ngày 01/07, các nước G20 đã tham gia vào khuôn khổ chung của cuộc cải cách dưới sự bảo trợ của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính G20 sẽ phải thông qua một « thoả thuận chính trị » để xây dựng « một cấu trúc thuế quốc tế ổn định và công bằng hơn », theo dự thảo thông cáo báo chí đang được thảo luận tại Venise mà hãng tin AFP thu thập được.

Về kế hoạch tăng viện trợ cho các nước nghèo đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid, các quốc gia G20 cũng sẽ xem xét sáng kiến mới của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) về hình thức phát hành Quyền rút vốn đặc biệt (DTS), có hiệu lực vào cuối tháng 8, với số tiền lên tới 650 tỷ đô la.

Trước đó vào tháng 4 năm ngoái, G20 đã đồng ý cho các nước nghèo tạm hoãn trả lãi của các khoản nợ. Sau đúng một năm, thông qua cuộc họp gần đây nhất của G20, quyết định này tiếp tục được gia hạn cho tới cuối năm nay.Nghị Viện

Châu Âu kêu gọi các lãnh đạo Liên Âu không dự Thế Vận Hội Bắc Kinh

Thanh Phương

image.png
Một lời kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, trước bảo tàng Thế Vận Hội ở Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 23/06/2021. AFP – FABRICE COFFRINI

Hôm 08/07/2021, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các lãnh đạo của Liên Hiệp Châu Âu từ chối lời mời của Trung Quốc đến dự Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 để tỏ thái độ phản đối những vi phạm nhân quyền, đặc biệt là tại Hồng Kông.

Trong bản nghị quyết, các nghị sĩ châu Âu « lên án một cách mạnh mẽ nhất » việc cưỡng bức nhật báo Apple Daily đình bản, phong tỏa tài sản của tờ báo này và bắt giữ các phóng viên của nhật báo ủng hộ dân chủ. Theo các nghị sĩ châu Âu, với những hành động này, Trung Quốc đã tiến thêm một bước đến việc « giải thể xã hội tự do ở Hồng Kông và chấm dứt vĩnh viễn các quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Hồng Kông ».

Nghị quyết (không mang tính ràng buộc pháp lý) của Nghị Viện Châu Âu còn yêu cầu Ủy Ban Châu Âu và các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu xem luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông là chủ đề « ưu tiên tuyệt đối » trong chương trình nghị sự của mọi cuộc họp giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, Văn phòng đại diện cao cấp nhất của Trung Quốc ở Hồng Kông đã chỉ trích việc Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết nói trên, xem đây là một hành động « mị dân » và « gây cản trở » cho hợp tác « hai bên cùng có lợi » giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu.

Cùng ngày, Quốc Hội Bỉ cũng đã thông qua một nghị quyết cảnh báo về « nguy cơ diệt chủng nghiêm trọng » đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nghị quyết đã được thông qua với 125 phiếu thuận và không có phiếu chống nào. Quốc Hội của Hoa Kỳ và của một số nước phương Tây cũng đã xem chính sách mà Bắc Kinh thi hành đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo là hành động « diệt chủng ». Bắc Kinh, hôm nay, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, đã có phản ứng, yêu cầu Bỉ « sửa chữa ngay lập tức sai lầm để tránh làm tổn hại quan hệ Trung Quốc – Bỉ ».

Chính quyền của tổng thống Joe Biden ngay từ hôm nay 09/07/2021 sẽ đưa thêm vào danh sách đen của Mỹ 10 công ty Trung Quốc và các thực thể khác bị nghi ngờ đã hưởng lợi từ việc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Covid-19: Sài Gòn bắt đầu hai tuần “giãn cách xã hội”

Thanh Phương

image.png
Một đoạn đường cao tốc không có xe lưu thông ở Sài Gòn trong ngày đầu bị phong tỏa do Covid-19, Sài Gòn, Việt Nam, ngày 09/07/2021. AFP – HUU KHOA

Hôm 09/07/2021, thành phố Sài Gòn bắt đầu hai tuần phong tỏa để ngăn chận dịch Covid-19, hiện nay đang bùng phát mạnh trở lại do sự lây lan nhanh chóng của biến thể virus Delta.

Thật ra thì chính quyền không sử dụng từ “phong tỏa” mà gọi biện pháp này là “giãn cách xã hội”, trong khuôn khổ Chỉ thị 16 (được thủ tướng Việt Nam ban hành vào tháng 3 năm ngoái). Đây là lần thứ hai chỉ thị 16 được áp dụng tại Sài Gòn, trong bối cảnh thành phố này ghi nhận hơn 9.800 ca nhiễm kể từ đầu đợt dịch mới, con số cao nhất nước. Kể từ hôm nay, người dân tại Sài Gòn không được phép tụ tập quá 2 người nơi công cộng. Mọi người chỉ được phép ra ngoài để mua thức ăn, thuốc men…, hoặc trong những trường hợp khẩn cấp.

Theo hãng tin AFP, công an đã dựng các chốt kiểm soát ở những nơi ra vào thành phố và chỉ có những người trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được vào Sài Gòn. Các bức ảnh được đăng trên báo chí trong nước cho thấy hôm nay đường phố Sài Gòn rất thưa vắng.

Theo báo chí trong nước, cũng kể từ hôm nay, các hãng hàng không chỉ được phép chở tối đa 1.700 hành khách từ Sài Gòn đến Hà Nội hoặc chiều ngược lại. Mỗi ngày, Cục Hàng không Việt Nam chỉ cho phép tối đa 54 chuyến bay đi, đến Sài Gòn.

 AFP trích lời ông Trần Phương, một người dân Sài Gòn: “ Tôi lo là các biện pháp nghiêm ngặt này sẽ không giúp được gì bởi vì virus nay đã lây lan sâu vào trong cộng đồng”. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, một người buôn bán phụ tùng xe gắn máy, thì cho biết là lệnh phong tỏa lần này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người dân: “  Việc làm ăn của chúng tôi phải tạm dừng, cho nên không có thu nhập. Cuộc sống của chúng tôi hiện rất khó khăn.”

Hôm nay, bộ Y Tế  cho biết Việt Nam đề ra mục tiêu tiêm chủng cho 50% người dân từ 18 tuổi trở lên từ đây đến cuối năm và 70% từ đây đến tháng 3/2022. Hiện giờ, Việt Nam, quốc gia với gần 100 triệu dân, chỉ mới tiêm chưa tới 4 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19. Bên cạnh việc phát triển các vac-xin trong nước, với hy vọng sẽ đưa ra sử dụng trước cuối năm nay, Việt Nam cũng đã đặt mua hàng triệu liều vac-xin ngừa Covid-19.

Covid-19: Hệ thống y tế Thái Lan gặp khó khăn trước làn sóng dịch mới

Thùy Dương

image.png
Một điểm xét nghiệm virus corona tại Bangkok, Thái Lan, ngày 08/7/2021. © Sakchai Lalit/AP

Một số quốc gia châu Á từng quản lý tốt tình hình dịch bệnh khi Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, nay đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, nhất là vì sự lây lan quá nhanh của biến thể Delta. Thái Lan là một ví dụ. AFP hôm 09/07/2021 cho biết chính quyền buộc phải tăng cường các biện pháp phòng dịch, trong đó có lệnh giới nghiêm ở thủ đô.

Từ Bangkok, thông tín viên Carol Isoux cho biết thêm chi tiết :

« Có gần 10.000 ca nhiễm mới mỗi hôm và 75 ca tử vong trong ngày. Những con số về dịch bệnh ở Thái Lan không ngừng tăng, các chuyến đi liên tỉnh giờ gần như bị cấm. Chính phủ đang nói đến việc tái phong tỏa Bangkok trong những ngày sắp tới.

Tình hình trong các bệnh viện ở thủ đô và vùng phụ cận của Bangkok nghiêm trọng đến mức bác sĩ Apisamai, thuộc trung tâm xử lý khủng hoảng Covid-19, kêu gọi người dân đi điều trị ở những nơi khác trong cả nước : “Hiện giờ, tại Bangkok, 90% giường bệnh viện đã được sử dụng. Vì vậy, bộ Y Tế kêu gọi những ai đang làm việc tại thủ đô và dương tính với virus corona trở về thành phố quê nhà để được điều trị. Họ có thể yêu cầu và các bệnh viện sẽ lo việc chuyển họ đi.”

Thái Lan không phải là một trường hợp cá biệt. Indonesia, Cam Bốt, Miến Điện và Lào cũng ghi nhận những số liệu dịch tễ cao chưa từng có, chủ yếu do biến thể Delta gây ra. Đây là những quốc gia từng quản lý tốt tình hình vào thời kỳ đầu khủng hoảng hồi năm 2020 bằng cách đóng cửa biên giới rất sớm và rất nghiêm ngặt.

Các nước này đã bị bất ngờ bởi làn sóng thứ 3 này, làn sóng dịch bệnh mà họ không lường trước được. Các quốc gia này không có nhiều ngân sách dành cho chương trình tiêm chủng như các nước phương Tây. Tại Thái Lan, sự chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng bị chỉ trích trong khi chính quyền vừa mới cho mở cửa biên giới một phần cho những du khách đã tiêm chủng. »

Hàn Quốc hôm nay 09/07 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới thường nhật cao kỷ lục tính từ đầu mùa dịch : 1.316 ca và 2 người tử vong. Tình hình tại vùng Seoul đặc biệt đáng lo ngại, 80% số ca nhiễm mới liên quan tới thủ đô và các vùng phụ cận, buộc chính quyền phải cho áp dụng, kể từ thứ Hai tuần tới 12/07, mức giãn cách xã hội cao nhất, mức 4. Các cuộc tụ tập trên 2 người bị cấm sau 18h, trường học phải tổ chức học từ xa trong vòng 2 tuần, từ ngày 14/07. Người dân được khuyến khích không ra khỏi nhà.

Làn sóng Covid mới ngày càng đe dọa kỳ nghỉ hè ở Tây Ban Nha

Minh Tri

image.png
Trường đấu bò tót Las Ventas chật kín người xem trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 26/06/2021. REUTERS – SUSANA VERA

Kỳ nghỉ hè chỉ mới bắt đầu, nhưng tốc độ lây lan của virus tại Tây Ban Nha ngày càng gây lo ngại. Ở một số vùng, đặc biệt là vùng biển, tỷ lệ nhiễm bệnh đã tăng gấp 8 lần. Tình trạng cũng tương tự tại Madrid và Navarra. Nhóm người trẻ tuổi, phần lớn chưa được tiêm vắc-xin, chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trong 14 ngày, trung bình có 814 ca nhiễm trên 100.000 dân trong nhóm tuổi từ 20 tới 29. Đây là điều chưa từng thấy kể từ đầu đại dịch.

Từ Madrid, thông tín viên Diane Cambon tường trình :

Tốc độ lây nhiễm nhanh của biến thể Delta tại Tây Ban Nha có thể đe doạ kỳ nghỉ hè của nước này. Tại thành phố Madrid, nơi đa số du khách là châu Âu, đặc biệt là người Pháp,việc Paris khuyến cáo không nên đến Tây Ban Nha trong kỳ nghỉ, giống như một gáo nước lạnh. Juan, chủ một quán cà phê ở quận trung tâm Malasana, không giấu được sự lo lắng :

“Việc mỗi nước quan tâm đến sự an toàn của mình là có thể hiểu được, nhưng chắc chắn rằng điều này sẽ gây nhiều rắc rối cho chúng tôi, bởi tình hình vốn dĩ không hề dễ dàng. Cứ mỗi lần một nước thông báo tin tức kiểu như thế này thì lại càng khó khăn cho chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục phải hứng chịu thêm nỗi khổ cực này. “

Khuyến nghị của Paris khiến cho du khách đến từ Pháp hiện đang ở Tây Ban Nha không thể thờ ơ. Trường hợp của José đến từ Niort, anh cùng vợ đã quyết định một chuyến du lịch qua nhiều thành phố của Tây Ban Nha. Anh cho biết: “Chúng tôi lo ngại vì đã thuê một chỗ tại Seville và thực sự không biết mọi chuyện tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào. Liệu sẽ có cách ly hay liệu chúng tôi sẽ phải quay về sớm hay không.”

Madrid đang tìm cách đẩy nhanh quá trình tiêm vac-xin cho người trẻ, tuy nhiên nhóm cư dân này đã đi nghỉ hè. Để phòng ngừa, một số vùng như Valencia hay Catalunya đã quyết định đóng cửa từ cuối tuần này các vũ trường và quán bar.

Related posts