Tin thế giới sáng thứ Ba

Biển Đông: Mỹ tái khẳng định yêu sách của Bắc Kinh là phi pháp

Trọng Nghĩa

image.png
Ảnh minh họa : Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và các chiến hạm hộ tống thuộc Hạm đội 7, hoạt động trong vùng Biển Đông ngày 06/10/2019 (ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp cho AFP) Hải quân Mỹ/ AFP

Hôm 12/07/2021 là dịp kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về đơn Manila kiện Bắc Kinh, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần trọn Biển Đông. Nhân dịp này, Hoa Kỳ đã có hai động thái biểu tượng : tái bác bỏ đòi hỏi phi pháp của Bắc Kinh và đưa tàu áp sáp quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc kiểm soát.

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một tuyên bố bằng văn bản đề ngày 11/07/2021, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một mặt tái khẳng định chính sách Biển Đông đã được chính quyền tiền nhiệm của tổng thống Donald Trump thúc đẩy, nhấn mạnh tính phi pháp của các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ ghi rõ: “Mỹ tái khẳng định chính sách ngày 13/07/2020 liên quan đến các tuyên bố chủ quyền trên biển ở Biển Đông”. Theo Reuters, ông Blinken cũng bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trên gần như toàn bộ Biển Đông.

Về Philippines, ông Blinken xác nhận trở lại cam kết bảo vệ Manila : Hoa Kỳ tái khẳng định rằng một cuộc tấn công vào lực lượng võ trang, tàu công vụ hay phi cơ tại vùng Biển Đông, sẽ nằm trong diện áp dụng cam kết bảo vệ lẫn nhau ghi trong Điều 4 bản Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 ký kết giữa Mỹ và Philippines”. Nói cách khác, Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu bị Trung Quốc tấn công.

Chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa
Như để cho thấy rõ lời nói đi đôi với hành động, gần như cùng lúc với tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ, Hải Quân Mỹ ngày 12/07/2021 cho biết là khu trục hạm USS Benfold (DDG-65) đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông để “khẳng định tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc kiểm soát sau khi chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974, vẫn đang bị cả Việt Nam và Đài Loan tranh chấp.

Trong một thông cáo được Reuters trích dẫn, Hải Quân Mỹ xác định rõ : “bằng chiến dịch được mệnh danh là tự do hàng hải ở vùng Hoàng Sa, Hoa Kỳ muốn chứng minh rằng những vùng biển đó nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố là lãnh hải hợp pháp của họ và các đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc vẽ ra để đòi hỏi chủ quyền xung quanh quần đảo Hoàng Sa đều không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Như thông lệ, Quân Đội Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định rằng họ đã phát hiện được tàu chiến Mỹ “xâm phạm trái phép” vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, và đã triển khai lực lượng hải quân và không quân để theo dõi và xua đuổi chiến hạm Mỹ.

Hôm nay là lần thứ ba từ đầu năm đến nay Hoa Kỳ cho chiến hạm tiến vào vùng biển Hoàng Sa để thách thức các đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Ngày 20/05 vừa qua, chiến hạm Mỹ USS Curtis Wilbur cũng đã tiến vào vùng biển gần Hoàng Sa trong một hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải. Chiếc Curtis Wilbur đã tiếp nối hành động trước đó của chiếc USS John McCain ngày 05/02.

Ấn Độ-Việt Nam chia sẻ quan điểm về khu vực Ấn Độ Dương

Thu Hằng

image.png
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu về quan hệ Việt – Ấn tại New Delhi, ngày 28/10/2014, nhân chuyến công du Ấn Độ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. AFP – PRAKASH SINGH

Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong bối cảnh hai nước sẽ kỉ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao năm 2022. Trong cuộc điện đàm ngày 10/07/2021, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đồng nhiệm Ấn Độ Nadrendra Modi nhất trí rằng mối quan hệ này có thể góp phần thúc đẩy ổn định trong khu vực.

Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Ấn Độ, được trang India Times trích dẫn, thủ tướng Modi « hoan nghênh việc hai nước có chung tầm nhìn về vùng Ấn Độ Dương mở, toàn vẹn và hòa bình dựa trên luật pháp». Thông cáo không nhắc đến Biển Đông nhưng có thể ngầm nói đến Trung Quốc với những yêu sách chủ quyền quá đáng.

Ngoài ra, trên mạng Twitter, ông Modi cho biết hai bên « đã xem xét mọi khía cạnh trong mối quan hệ chiến lược toàn diện, nhắc lại tầm nhìn chung về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và nhất trí duy trì hợp tác chặt chẽ, kể cả ở Liên Hiệp Quốc ». Ấn Độ sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An trong tháng Tám.

Còn theo trang Vietnam Plus, thủ tướng hai nước cũng nhất trí mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng, thúc đẩy trao đổi thương mại đạt 15 tỉ đô la hàng năm.

Chủ đề vac-xin cũng được thủ tướng Việt Nam nêu trong cuộc điện đàm. Ông Phạm Minh Chính gợi ý chính phủ Việt Nam ưu tiên hỗ trợ Việt Nam để có được vac-xin ngừa Covid-19 thông qua mọi hình thức nhanh nhất có thể và hợp tác chuyển giao cộng nghệ sản xuất vac-xin tại Việt Nam.

Việt Nam đang phải đối phó với đợt dịch nghiêm trọng nhất trong khi khan hiếm vac-xin. Kể từ ngày 27/04, Việt Nam đã có 25.5564 ca nhiễm Covid-19 ở 58 tỉnh thành. Thành phố Saigon vẫn là nơi bị nặng nhất, với 600 ca nhiễm, chiếm một nửa số ca nhiễm trên cả nước tính đến trưa ngày 11/07.

Cuba : Biểu tình đông đảo chống chính phủ chưa từng thấy

Minh Anh

image.png
Người dân Cuba biểu tình chống chính phủ tại thủ đô La Habana, ngày 11/07/2021. REUTERS – ALEXANDRE MENEGHINI

Chủ Nhật ngày 11/07/2021, Cuba trải qua một ngày lịch sử. Những cuộc biểu tình chưa từng thấy đã diễn ra trên khắp cả nước. Từ Đông sang Tây, người dân Cuba xuống đường trong tiếng hô vang kêu gọi “tự do” và “đả đảo độc tài”.

Theo AFP, sự việc xảy ra khiến chính quyền La Habana bất ngờ. Chính phủ Cuba tuyên bố sẵn sàng bảo vệ cuộc cách mạng « bằng mọi giá » và kêu gọi các nhà cách mạng « xuống đường, đến những nơi nào có những hành động khiêu khích diễn ra, ngay từ bây giờ và trong những ngày sắp tới ».
Vụ việc cũng được Washington theo dõi sát sao và đã có phản ứng, cảnh cáo chính quyền La Habana không nên dùng vũ lực chống lại « người biểu tình ôn hòa ».  

Nguyên nhân nào khiến người dân Cuba rầm rộ xuống đường phản đối chính phủ ?

Từ La Habana, thông tín viên đài RFI, Domitille Piron gởi về bài phóng sự :

Đó là một làm sóng thủy triều người chợt xuất hiện trên đại lộ Malecon dọc bờ biển và trên các nẻo đường của La Habana hôm Chủ Nhật 11/07 với tiếng hô vang đòi « tự do » ! Những người dân Cuba phẫn nộ lần đầu tiên trong đời đã xuống đường biểu tình. Những cảnh tượng chưa bao giờ diễn ra tại đất nước Cuba cộng sản. Nhưng nỗi sợ hãi cũng còn đó, tất cả những người được hỏi đều muốn xin giấu tên.

Một người phụ nữ nói : « Hầu hết tại tất cả các tỉnh và tại nhiều thành phố, người dân đều đổ ra đường bởi vì chúng tôi đã quá ngán ngẩm về mọi vấn đề và cả cuộc khủng hoảng mà chúng tôi đang trải qua ở đây ! Người dân Cuba không còn chịu đựng được nữa. Đây là lần đầu tiên chúng tôi biểu tình, nhưng đây sẽ không là lần cuối ! »

Một người đàn ông cho biết : « Chúng tôi chỉ muốn phản đối một cách ôn hòa và biểu tình vì quyền tự do của chúng tôi nhưng cảnh sát trấn áp tất cả những ai dám phản đối ! »

Khủng hoảng, đói khát, nhu cầu thiết yếu, Covid và khao khát tự do… những điều đó đã vượt quá sức chịu đựng, buộc người dân Cuba phải xuống đường.

Người phụ nữ nói tiếp : « Tôi vừa xếp hàng xong, ở đây chúng tôi bị đói và có rất nhiều nhu cầu. Trấn áp và đói khát, đã quá đủ rồi ! Chúng tôi luôn giữ im lặng, chúng tôi chưa bao giờ ca thán điều gì cả nhưng giờ đã quá đủ, người dân không thể chịu đựng được nữa ! »

Những người biểu tình cho biết là họ ghi hình lại tất cả và cảm thấy như được hậu thuẫn và đoàn kết nhờ vào mạng xã hội. Nhưng đối mặt họ, cảnh sát ra tay trấn áp người biểu tình, khoảng 40 người đã bị bắt trước sự chứng kiến của chúng tôi.

Người đàn ông nói thêm : « Vấn đề ở đây là có cảnh sát mặc thường phục và trà trộn vào dòng người biểu tình. Nhìn, nhìn kìa, bạn thấy đấy, bọn họ đánh người biểu tình như thế nào ! »

Cùng lúc này, chủ tịch Miguel Diaz-Canel trên đài truyền hình kêu gọi những người cách mạng xuống đường. Ông thừa nhận người dân có một số nhu thiết yếu nhưng đồng thời lại cáo buộc một số người đã bị nhầm lẫn.

Bình Nhưỡng tố cáo Washington sử dụng viện trợ nhân đạo vì mục đích xấu

Thùy Dương

image.png
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc họp của Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên, Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA công bố ngày 05/07/2021. via REUTERS – KCNA

Bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng viện trợ nhân đạo như một công cụ chính trị. Một bài viết ký tên một nhà nghiên cứu và được đăng trên trang mạng của bộ Ngoại Giao Triều Tiên hôm nay 12/07/2021 cho biết như trên.

Kang Hyon Chol, một nhà nghiên cứu của Hiệp hội Thúc đẩy Kinh tế Quốc tế và Trao đổi Công nghệ, nêu rõ trong bài báo của ông rằng « nhiều quốc gia đã nếm mùi cay đắng vì đặt quá nhiều hy vọng vào những sự giúp đỡ và viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ » và nhấn mạnh là « trong mọi trường hợp, viện trợ nhân đạo không nên được sử dụng để phục vụ cho các mục đích chính trị xấu xa ».

Trích dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu Kang Hyon Chol cho rằng vấn đề nhân quyền là một « điệp khúc » được Hoa Kỳ nhắc đi nhắc lại khi Washington đề nghị viện trợ nhân đạo nhưng đó chỉ là « cái cớ » để Mỹ « can dự vào công việc nội bộ của các nước khác ». Nhà nghiên cứu Kang phân tích : « Mục đích cuối cùng của Mỹ, gắn trợ giúp nhân đạo với vấn đề nhân quyền, vẫn là hợp pháp hóa các áp lực nhắm vào các quốc gia có chủ quyền, để  đạt được mục tiêu chính trị xấu xa của họ » và sự trợ giúp nhân đạo của Hoa Kỳ là « một công cụ để buộc các nước khác phục tùng » Mỹ về chính trị và kinh tế. Ông liệt kê các trường hợp Mỹ tạm ngưng hoặc hủy bỏ viện trợ kinh tế cho các nước như Pakistan, Afghanistan, Palestine và Cam Bốt.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap nhắc lại là những bình luận nói trên được đưa ra trong bối cảnh đã có một số tin tức về khả năng Hoa Kỳ sẽ viện trợ nhân đạo, cung cấp vac-xin ngừa Covid-19 cho Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng mong muốn. Theo Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS) ở Seoul hồi tuần trước, Bắc Triều Tiên đã từ chối nhận vac-xin AstraZeneca trong khuôn khổ chương trình quốc tế về chia sẻ vac-xin (Covax) do lo ngại về tác dụng phụ của loại vac-xin này. Thay vào đó, Bình Nhưỡng dường như đang tìm nguồn vac-xin của Nga.

Về nguyên tắc, Bình Nhưỡng sẽ nhận được khoảng 2 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 thông qua chương trình Covax, nhưng số liều vac-xin nói trên vẫn chưa được chuyển đến Bắc Triều Tiên. Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn không báo cáo bất kỳ trường hợp lây nhiễm Covid-19 nào, nhưng đã tăng cường kiểm soát biên giới và triển khai các biện pháp phòng ngừa virus corona hồi đầu năm 2020.

Covid-19: TT Pháp thông báo các biện pháp phòng ngừa biến thể Delta

Thùy Dương

image.png
Chính quyền quyết định đưa ra một số biện pháp siết chặt, do lo ngại biến thể Delta làm bùng lên đợt dịch mới. Ảnh chụp trên Đại lộ Champs Elysees, Paris, ngày 17/06/2021. AP – Michel Euler

Tối hôm 12/07/2021, vào 20 giờ, tổng thống Pháp có bài phát biểu trên truyền hình. Một trong các nội dung chính là các biện pháp phòng ngừa Covid-19 trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan rất nhanh và có nguy cơ tạo một làn sóng dịch mới, tác động đến công cuộc tái thiết kinh tế của nước Pháp và làm hỏng những tham vọng cải cách trong thời gian cuối nhiệm kỳ của tổng thống Macron.

AFP dẫn các nguồn tin thân cận của tổng thống Emmanuel Macron, theo đó, mục tiêu ban đầu của bài phát biểu với dân chúng là tổng thống sẽ đề cập đến các cuộc cải cách, đặc biệt là cải cách chế độ hưu trí trong thời gian 10 tháng cuối nhiệm kỳ. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 hiện giờ đáng lo ngại, nhất là vì biến thể Delta, tổng thống Pháp chắc chắn sẽ nói đến diễn biến dịch bệnh, cho biết chi tiết các biện pháp chống dịch, được thông qua trong cuộc họp của Hội đồng Cố vấn Dịch tễ trưa hôm nay tại điện Elysée. Đặc biệt là tầm quan trọng của việc chích ngừa Covid-19, khả năng bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên y tế và việc mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận Covid-19.

Theo dự báo, tổng thống Macron cũng sẽ thông báo nhiều biện pháp khác để kiểm soát các chuyến du lịch đến các nước, mà dịch đang bùng phát trở lại như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, giảm số lượng người được phép tham dự một sự kiện, với yêu cầu có chứng nhận Covid-19, như đề xuất của Hội đồng Cố vấn Y Dịch tễ.

Theo nhà dịch tễ học Dominique Costagliola, giám đốc nghiên cứu của INSERM, nước Pháp phải tiêm ngừa được cho ít nhất 90% dân số thì mới có thể thoát được đại dịch. Hiện nay, mới chỉ khoảng 40% dân Pháp hoàn chỉnh việc tiêm vac-xin ngừa Covid-19.

Quốc Khánh Pháp : Muốn dự diễu binh phải có chứng nhận y tế

Hôm nay, sở Cảnh Sát Paris thông báo những ai muốn tham dự lễ diễu binh ngày Quốc Khánh Pháp 14/07/2021, trên đại lộ Champs-Elysées, phải có chứng nhận y tế và đeo khẩu trang.

Về tình hình dịch bệnh, mặc dù áp lực với các bệnh viện giảm do ít có ca bệnh Covid-19 nặng, nhưng số các ca nhiễm mới thường nhật lại đang tăng. Số liệu ghi nhận ngày hôm qua là 4.256 ca, tăng gấp đôi so với cách nay 1 tuần. Bộ trưởng Y Tế Olivier Véran cảnh báo, nếu Pháp không hành động thì chỉ đến đầu tháng Tám, số ca nhiễm mới có thể lên đến 20.000 ca/ngày.

Covid-19 : G20 lo ngại biến thể Delta đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu

Thu Hằng

image.png
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen, trên diễn đàn các bộ trưởng Tài Chính – Kinh Tế các nước G20 tại Venise, Ý, ngày 11/07/2021. AP – Luca Bruno

Biến thể Delta có nguy cơ khiến tình hình dịch thêm nghiêm trọng. Trong thông cáo kết thúc phiên họp tại Venise (Ý) ngày 10/07/2021, bộ trưởng Kinh Tế của G20 lên tiếng báo động về nguy cơ phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ bị chậm lại, trong bối cảnh tỉ lệ tiêm chủng quá chênh lệch trên thế giới.

Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, dù nền kinh tế ở các nước G20 được dự báo sẽ phục hồi nhưng « điều duy nhất có thể đe dọa kinh tế phục hồi chắc chắn và nhanh chóng là biến thể virus và một đợt dịch mới ».

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen, trong buổi họp báo ngày 11/07 bên lề hội nghị G20, cũng tỏ ra lo lắng « về biến thể Delta và những biến thể khác có khả năng xuất hiện và đe dọa phục hồi kinh tế ». Vì theo bà, « chúng ta đang sống trong một nền kinh tế thế giới kết nối, chuyện xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều ảnh hưởng đến tất cả những nước khác ».

Do đó, giải pháp hữu hiệu được các bộ trưởng Kinh Tế nêu lên là tiêm chủng để dần dần mở cửa trở lại kinh tế cũng như biên giới giữa các nước. Mục tiêu được đề ra là 70% dân số thế giới được chủng ngừa Covid-19 vào năm 2022. Bà Janet Yellen nhấn mạnh « chúng ta phải làm nhiều hơn và hiệu quả hơn ». Còn theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp, « cần phải cải thiện việc tiêm chủng, khắp nơi trên thế giới ».

Tỉ lệ tiêm chủng cho thấy rõ sự cách biệt giữa các nước giầu và nghèo. Theo AFP, khoảng 70% dân số ở các nước phát triển đã được tiêm ngừa, nhưng tại các nước có thu nhập thấp, con số này chỉ đạt 1%. Biến thể Delta đang gây ra những đợt dịch mới tại châu Á, châu Phí và làm tăng số ca nhiễm hàng ngày tại châu Âu và Hoa Kỳ.

Covid-19: Thế Vận Hội tại Nhật Bản và mối lo đợt dịch thứ 5

Minh Anh

image.png
Hai tuần trước ngày khai mạc Olympic Tokyo 2020, nguy cơ đợt dịch mới bùng lên gây nhiều lo ngại cho người Nhật. Ảnh: Một góc phố ở Tokyo ngày 09/07/2021. AP – Eugene Hoshiko

Ngày 10/07/2021, tình trạng khẩn cấp chính thức có hiệu lực tại Tokyo, khi chỉ còn có 12 ngày nữa là diễn ra lễ khai mạc chính thức Thế Vận Hội Mùa Hè, ngày 23/07/2021.

Tại thủ đô Tokyo và vùng phụ cận, các môn thi đấu sẽ diễn ra không có khán giả nhằm tránh dịch bệnh tăng tốc đà lây nhiễm. Nhưng biện pháp cẩn trọng chưa từng có này trong lịch sử Thế Vận Hội liệu có đủ để ngăn chặn dịch bệnh vào lúc một làn sóng dịch thứ năm đang bùng lên tại Tokyo ? Đây chính là mối lo lớn của nhiều chuyên gia dịch tễ và giới y bác sĩ tại Nhật Bản.

Từ Tokyo, thông tín viên đài RFI, Bruno Duval tường thuật :

« Khi đợt dịch thứ ba chết người lên đến đỉnh hồi tháng Giêng năm nay ở Nhật Bản, hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 đã không thể được nhập viện, do thiếu giường bệnh và nhân viên y tế. Hai đợt dịch sau đó, các bác sĩ bệnh viện ở Tokyo lo lắng cùng một kịch bản sẽ lại diễn ra trong suốt kỳ Thế Vận Hội tới đây.

Một vị bác sĩ nói : “Đợt dịch thứ năm này là rất dữ dội. Người ta vẫn chưa rút ra bài học từ thảm kịch dịch tễ hồi mùa đông vừa qua, các bệnh viện thiếu giường bệnh và nhân viên. Tôi tin chắc là mọi chuyện rồi sẽ diễn ra tồi tệ mùa hè này cho xem”.

Một vị bác sĩ khác nói thêm : “Thế Vận Hội năm nay, sẽ là một cuộc chạy đua với thời gian, giữa biến thể Delta và chiến dịch tiêm ngừa. Phần lớn người dân Nhật Bản vẫn chưa được tiêm chủng. Chính biến thể này sẽ thắng cuộc đua”.

Liệu rằng Thế Vận Hội 2021 có biến thành một thảm họa dịch tễ hay không ? Quả thật, các nhà dịch tễ học không hẳn có cùng một quan điểm.

Một người bi quan cho rằng : “100 ngàn người nước ngoài đến Tokyo vào lúc biến thể Delta đã tung hoành khắp thế giới. Nhật Bản chắc chắn là sẽ phải trả giá đắt”.

Thế nhưng, một nhà dịch tễ khác lại có vẻ lạc quan hơn khi nghĩ rằng “những dòng người đông đúc di chuyển và các cuộc tập hợp lớn, đúng là có nhiều rủi ro. Nhưng sẽ không có vấn đề gì xảy ra, bởi vì những cuộc tranh tài đều diễn ra không có khán giả. Từ khi biện pháp này được quyết định, tôi nghĩ là Thế Vận Hội năm nay có thể sẽ diễn ra không đến mức tồi tệ lắm ! “

Chỉ có điều đây không hẳn là ý kiến của người dân thủ đô. Theo tất cả các cuộc thăm dò, đại đa số người dân Tokyo đều tỏ ra lo lắng. 

Related posts