Ảnh bìa Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản: ‘Chiến lang’ ngứa răng nhưng chẳng vồ được gì

Mạn Vũ 

“Phía Nhật sử dụng thủ pháp ‘ý ở ngoài hình’. Nó là cảnh cáo có sức nặng đối với ĐCSTQ, đồng thời làm những ‘chiến lang’ ngứa răng nhưng không thể vồ được thứ gì”.

Ngày 13/7, chính phủ Nhật Bản đã phát hành sách trắng quốc phòng năm 2021. Sự việc này đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Bởi vì có 3 điểm ‘lần đầu tiên’ trong Sách trắng Quốc phòng năm nay. 

Thứ nhất, đây là ‘lần đầu tiên’ chính phủ Nhật Bản tách riêng vấn đề Đài Loan. Thứ hai, trong sách tuyên bố tầm quan trọng của Đài Loan đối với sự ổn định Nhật Bản. Hai điều trên có nghĩa là ‘vấn đề Đài Loan’ không còn xếp vào ‘chương Trung Quốc’ như những lần trước, cũng chính là Nhật Bản một lần nữa trực tiếp đụng chạm vấn đề mẫn cảm ‘một Trung Quốc’ – lằn ranh đỏ do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẽ ra. 

Điều thứ ba rất thú vị, chính là bìa sách phát đi thông điệp chính trị quan trọng bằng biểu hiện cực kỳ tinh tế. 

Nam Mộc Chính Thành – biểu tượng ‘tinh trung báo quốc’ của Nhật Bản 

Chúng ta biết rằng trong 50 năm qua, bìa Sách trắng thường dùng hình ảnh Địa cầu, binh khí, quân đội phòng vệ v.v. Nhưng đây là lần đầu tiên họ sử dụng tác phẩm tranh thuỷ mặc để làm bìa. Hoạ sĩ Yuki Nishimoto đã vẽ bức hoạ này. Trong tranh là một samurai mặc giáp cưỡi ngựa phi nước đại đầy dũng mãnh. 

Một số cư dân mạng Nhật Bản đã nhanh chóng chỉ ra rằng, hình ảnh samurai trong bức tranh giống hệt bức tượng Tướng quân Kusunoki Masashige (Nam Mộc Chính Thành – 楠木正成) ở bên ngoài Cung điện Hoàng gia Tokyo. 

Bức tượng Nam Mộc Chính Thành ở bên ngoài Cung điện Hoàng gia Tokyo

Nam Mộc Chính Thành là võ tướng nổi tiếng trong thế kỷ 14 của Nhật Bản. Ông không chỉ lập được chiến công hiển hách, mà còn được ca ngợi là ‘thiên tài quân sự’ trong lịch sử Nhật Bản. 

Thời Minh Trị, Nam Mộc Chính Thành được hoàng gia ca ngợi là ‘Tướng hiền có đủ Trí – Nhân – Dũng’. Truyền thuyết về cuộc đời của ông đã lưu truyền rộng rãi và nhận được sự kính trọng của người dân Nhật Bản. 

Nam Mộc Chính Thành được ví như Nhạc Phi, Văn Thiên Tường hay Gia Cát Lượng của Trung Quốc. Những vị ‘danh thần hiền tướng’ đó là một hình mẫu về ‘tinh trung báo quốc’, ‘cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi’. Người Nhật tôn trọng ông đến mức gọi là Đại Nam Công (1).

Từ thế hệ này sang thế khác, Nam Mộc Chính Thành đã trở thành hình mẫu tinh thần của người Nhật. Quân nhân coi ông là ‘Thần quân’, bách tính thì coi ông là tấm gương trung hiếu. Tinh thần Trung – Dũng của ông là một trong những di sản văn hóa truyền thống quan trọng của dân tộc Nhật Bản.

Thông điệp mạnh mẽ đằng sau bức ảnh bìa tinh tế

Nội hàm văn hoá của Nam Mộc Chính Thành, cùng với hình tượng vị tướng mặc giáp cưỡi ngựa, hăm hở tiến về phía trước đã phát đi thông điệp tích cực của chính phủ Nhật là: Dám nghĩ dám làm. Người Nhật ‘dám nghĩ’, đó là điều chắc chắn. ‘Dám làm’ là nếu có hành động ngốc nghếch đối với Đài Loan, thì ĐCSTQ sẽ phải gánh chịu hậu quả từ Nhật Bản. 

Còn về phía ĐCSTQ, hệ thống tuyên truyền của họ gọi tấm ảnh bìa này ‘có tính tấn công’. Trong cùng ngày, kênh truyền thông của ĐCSTQ là ‘Thời báo Hoàn cầu’ đã phỏng vấn Văn phòng chế định Sách trắng của Nhật Bản, yêu cầu họ giải thích hình ảnh samurai trên trang bìa. 

Kết quả là người phát ngôn của văn phòng đã trả lời một cách ‘trung dung’ rằng: “Điều chúng tôi muốn biểu đạt là ‘phòng thủ và bảo vệ’, không có ý ‘tấn công’. Hơn nữa samurai này không có bất cứ vũ khí nào trong tay. Đó chỉ là samurai cưỡi ngựa thôi, chúng tôi hy vọng ngoại giới không hiểu lầm”.

Nếu chúng ta làm một so sánh, thì trang bìa năm ngoái của Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản là những bông hoa anh đào màu trắng trên nền hồng phấn, nhưng năm nay lại là bức tranh thuỷ mặc (màu đen) với hình ảnh chiến binh mặc giáp cưỡi ngựa.

Ảnh chụp màn hình Sách trắng Quốc phòng năm 2020 của Nhật Bản.

Phía Nhật sử dụng thủ pháp ‘ý ở ngoài hình’. Nó là cảnh cáo có sức nặng đối với ĐCSTQ, đồng thời làm những ‘chiến lang’ ngứa răng nhưng không thể vồ được thứ gì (chỉ là bức tranh samurai… không mang vũ khí). Chỉ với điểm này cũng đủ khiến ĐCSTQ đau đầu với Nhật Bản hơn trong vấn đề Đài Loan. 

Vậy nên ảnh bìa trên Sách trắng Quốc phòng năm 2021 chính là là thông điệp tinh tế mà chính phủ Nhật Bản muốn ‘nhắn nhủ’ với ĐCSTQ. 

***

Từ quan điểm địa chính trị, Nhật Bản rất cảnh giác với ĐCSTQ. Nếu nhìn vào bản đồ, bạn sẽ thấy toàn bộ huyết mạch hệ thống quần đảo của Nhật Bản nằm ở ngoài khơi Đài Loan. 

Từ quan điểm lịch sử, Nhật Bản hiểu rất rõ ĐCSTQ. Điều này không chỉ do Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá truyền thống Trung Hoa, ôm giữ tư duy văn hoá phương đông, mà còn vì Nhật Bản hiểu rõ sự phát triển của ĐCSTQ. 

Vậy nên Sách trắng Quốc phòng năm nay của Nhật Bản, ngoài việc ‘lần đầu tiên’ tách bạch đề Đài Loan khiến cho ĐCSTQ tốn không ít giấy mực, thì họ lại ‘lần đầu tiên’ dùng hình tượng võ tướng Nam Mộc Chính Thành để làm bìa sách. 

Liên kết hai điều này lại, chúng ta thấy rằng chính phủ Nhật Bản đã ngầm biểu đạt quyết tâm của mình để ứng phó với sự bành trướng của ĐCSTQ. 

*Thông tin bên lề: 

Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản sử dụng ‘tư duy phương đông’. Đầu tháng 6, khi chính phủ Nhật Bản tặng vắc-xin cho Đài Loan, họ cũng tính toán ‘con số’ rất kỹ. Họ dùng máy bay mang số hiệu JAL809 vận chuyển vắc-xin vào ngày 4/6. Kết nối các con số đó lại chính là 4/6/89. Đây là thời gian của Thảm sát học sinh – sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. 

Đồng thời phía Nhật muốn gửi thông điệp: Họ gửi vắc-xin cho Đài Loan mà không cần thông qua ĐCSTQ, đây là đụng chạm vấn đề nhạy cảm ‘một Trung Quốc’ – lằn ranh đỏ do ĐCSTQ vạch ra. Tiếp đến là phía Nhật lên án tội ác Thảm sát Lục Tứ. 

*Chú thích: (1) Công: cách gọi tôn kính. Ví như: Quan Công tức Quan Vũ, Bái Công (người đất Bái) là Lưu Bang…

Related posts