Dân tộc sợ hãi

Thái Hạo

Tôi nghĩ, sợ hãi có lẽ là nét tâm lý phổ quát trong những hình hài Việt. Nỗi sợ bao trùm tất cả. Sợ đói, sợ thiếu, sợ thiệt, sợ bị coi thường, sợ mất danh tiếng, đến sợ ma quỷ, sợ thánh thần…, và ngay nay là sợ chính quyền. Chuyện tham dục vốn là “bản tánh” của con người rồi, xét sâu xa thì nó là nguyên nhân của nỗi sợ, nhưng không nên lấy nó để giải thích cho nguyên nhân trực tiếp của sợ hãi, vì giống dân nào trên trái đất này cũng mang lòng tham cả. Nghĩa là, còn những yếu tố khác, trực tiếp hơn chi phối đến nó mà chúng ta phải chỉ ra.

Người Việt có thói quen “tích cốc phòng cơ” vì nó là di chỉ của lịch sử đói khát, tuy nhiên khi cái đói không còn là sự đe dọa nữa thì người ta lại chuyển sang dành dụm cho việc đi bệnh viện. Đúng thôi, nhưng nó thái quá và nhất là nhiều người chỉ lo cái chết mà bỏ quên cái sống, đó mới là vấn đề. Người Việt rất sợ thua thiệt, sợ bị “mất mặt” theo kiểu sĩ diện cho nên “một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp”; tranh giành nhau những thứ giấy khen và danh hiệu hết sức vô nghĩa đến mức như biến thành chiến tranh trong các cơ quan sự nghiệp nhà nước. Người ta sợ nhất việc bị “phê bình” trước tập thể, sợ tới mức luôn tìm cách lẩn tránh đối phó và bỏ quên luôn việc cần phải đứng thẳng và dõng dạc giữa chốn công quyền để bảo vệ phẩm giá của mình. Nỗi sợ ma quỷ, thần phật thì khỏi nói, cứ nhìn tình trạng mê tín tràn lan ngày nay thì rõ, từ dân đen tới qua chức, từ viên chức tới doanh nhân…, mê tín bao trùm và chế ngự trong mọi ngõ ngách của đời sống. Thay vì sống thì người ta đi cúng, đi xin, đi vái, đi lạy; dần dà, thầy bói và thầy chùa trở thành chỉ huy của cuộc đời họ.

Nỗi sợ với công quyền là rõ rệt nhất, thê thảm nhất và cũng kỳ dị nhất. Người ta quên đứt đi quyền con người và quyền công dân của mình để chỉ răm rắp tuân theo ngay cả khi các quyền ấy bị cướp mất một cách thô bạo ngay trước mặt. Người ta tự kiểm duyệt và phủ nhận chính mình để cho kẻ khác chăn dắt. Người ta im lặng và luôn phải nhìn trước ngó sau mỗi khi nói bất cứ chuyện gì liên quan đến chính quyền. Nỗi sợ hãi đã ngấm vào máu và nhận chìm họ xuống sát đất để đi lom khom suốt đời như những kẻ tật nguyền. Người ta quên mất rằng mình mới thật sự là chủ, và đã giao cái địa vị ấy lại cho bọn đầy tớ, bọn làm thuê. Điều này là hết sức nực cười và gần như không thể lý giải được cho bất cứ một cái đầu nào có lý trí lành mạnh, ấy thế mà nó đã trở thành sự thật hiển nhiên ở xứ này.

Nhiều người sẽ cãi rằng, bị đàn áp như thế thử hỏi làm sao con người không hèn nhát và khiếp nhược cho được! Đúng vậy, nhưng tại sao chúng ta không đặt câu hỏi tiếp theo rằng “Việc họ đàn áp chúng ta là đúng hay sai? Nếu sai thì tại sao lại cúi đầu?” Khi chúng ta quỳ xuống thì kẻ khác mới có thể giẫm lên lưng mình. Nếu anh biện minh cho nỗi sợ hãi của mình bằng miếng cơm thì sẽ không có gì để bàn luận nữa cả, vì hai nhẽ: anh đã từ bỏ quyền làm người, và thứ hai, anh ngu ngốc, ngu ngốc vì cái sự đổi chác ấy không bao giờ mang đến những bữa ăn nên hồn. Kẻ đang giẫm lên lưng anh sẽ chén hết mọi thứ ngon nhất, phần anh chỉ là cơm thừa canh cặn.

Nỗi sợ hãi bao giờ cũng sinh ra từ ngu dốt, nhà Phật gọi là “vô minh”. Không hiểu chân tướng của vạn sự vạn vật thì đâm ra sợ hãi. Tôn giáo đã từng trải qua giai đoạn đầu tiên như thế: tôn giáo sợ hãi (và sau đó là tôn giáo nhân hình, tôn giáo luân lý, và theo Einstein cuối cùng sẽ phải tiến đến tôn giáo Vũ trụ). Việc mù mờ trước tất cả đã gây ra một sự hoang tưởng tập thể, làm mọc lên một xã hội sợ hãi. Cái nỗi sợ ấy là tấm gương phản chiếu chứng tỏ cho ta biết tình trạng dân trí của đất nước này.

Xin đừng hiểu lầm, nỗi sợ hãi này không phải chỉ có ở dân chúng; ngược lại, nó hiện diện đầy đủ và bấn loạn nhất ở giới quan lại. Vì sao thế, vì tầng lớp ấy ngày càng trở nên ngu dốt do nạn con ông cháu cha, nạn mua quan bán tước; trong khi họ lại có quá nhiều thứ để mất. Cả hai thứ (dốt và tham) bện vào nhau đã sinh ra một dao động cộng hưởng ngày càng biến nỗi sợ hãi trở nên hoang dại hơn. Việc đàn áp và thô bạo cuồng loạn cũng theo đó mà nhân lên. Kẻ mạnh không bao giờ sợ hãi và tất nhiên không dùng tới bạo lực. Đức Phật không sợ hãi. Chúa không sợ hãi. Gandhi không sợ hãi, Luther King không sợ hãi… Họ bình thản trước cường quyền. Và họ cũng không đàn áp ai cả.

Nỗi sợ hãi chỉ có thể được vượt qua bằng con đường của sự hiểu biết. Phan Châu Trinh gọi đây là “chấn dân khí”, bằng con đường của dân trí. Nếu bạn còn không nhìn rõ khuôn mặt trí tuệ của mình, thì chỉ cần nhìn vào nỗi sợ của bản thân, nó tỉ lệ nghịch với nhau.

Related posts