Đèn khuya vụt tắt

Nguyễn Tường Thiết

Tin chị Trần Mộng Tú báo cho chúng tôi biết chị Bùi Bích Hà bị bất tỉnh thình lình tại nhà và được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hết sức nguy kịch đến với tôi ngay giữa lúc tôi đang đọc tác phẩm Đèn Khuya của tác giả Bùi Bích Hà.

Lúc ấy tôi đang ở nhà anh Việt, ông anh cả tôi, tại tiểu bang Virginia. Đầu tháng Bẩy chúng tôi rời Seattle bay qua miền Đông và ở đó hai tuần lễ, nhân dịp giỗ thứ 58 của thân phụ chúng tôi, nhà văn Nhất Linh. Trên giá tủ sách nhà anh Việt có hai quyển sách dầy, bìa màu đen, chính giữa khung đen nổi lên một khoảng sáng nhỏ của một ngọn nến với hai chữ Đèn Khuya cắt ngang. Tôi biết chị Hà đã cho xuất bản tác phẩm sau cùng này của chị vào năm 2018 nhưng tôi chưa có dịp đọc. Bây giờ là thời gian nhàn nhã lý tưởng để nghiền ngẫm tác phẩm này, nhưng khi tôi đang đọc gần hết tập I thì tin chị phải vào bệnh viện làm tôi không có tâm đâu để đọc tiếp. Chúng tôi email cho nhau và cùng cầu nguyện cho chị thoát cơn hiểm nghèo. Nhưng buổi sáng ngày 14 tháng Bẩy, trong lúc ngồi chờ máy bay ở phi trường Charlottesville để trở về Seattle, tôi giở email và được tin chị Tú cho biết chị Hà vừa qua đời. Ngọn đèn khuya vụt tắt. Chị chọn ra đi đúng vào ngày “Quatorze Juillet” là ngày lễ lớn của Pháp có lẽ vì chị Hà hồi nhỏ học trường Tây, chị thấm nhuần văn hoá Pháp, những ngọn pháo bông sáng rực bầu trời Paris rồi lịm đi trong bóng đêm như chào đón và tiễn đưa chị qua bờ một thế giới khác.

Bà Bùi Bích Hà (phải)

Đối với riêng cá nhân tôi cũng như đối với đại gia đình chúng tôi chị Bùi Bích Hà không những được xem như một người thân lâu năm, mà còn được xem như “người nhà”. Tôi không rõ bắt đầu từ khi nào chị đi vào gia đình Nguyễn Tường chúng tôi như một người thân quen, có lẽ bằng con đường văn của chị. Trong bài “Tưởng nhớ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”, tác giả Bùi Bích Hà viết: “Năm tôi mười bẩy tuổi, do nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn (lúc bấy giờ đang đóng quân ở Huế) khuyến khích, tôi có gửi vài truyện ngắn ký bút hiệu Chi Hương, được Nhất Linh cho đăng ở Văn Hoá Ngày Nay, bộ mới, với lời khen ngợi qua một thư ngắn viết tay cho tôi mà tự dạng về sau tôi có dịp so sánh, rất giống với nét chữ của những nhà văn khác thế hệ thứ hai của dòng họ Nguyễn Tường, mỏng, nhỏ, ngoằn ngoèo, gẫy vỡ, chông chênh nhiều khoảng trống xung quanh”.

Tôi không biết chuyện gì đã xẩy ra tại Huế vào thời điểm đó giữa một cô nữ sinh Đồng Khánh mê văn chương mang bút danh Chi Hương và nhà văn Duy Lam, vị sĩ quan trẻ tuổi đang đóng quân ở Huế, chỉ biết rằng sau này có tin đồn trong họ là chị Bùi Bích Hà “suýt nữa làm dâu họ Nguyễn Tường”. Sau này thân với chị tôi hỏi chị về lời đồn đãi này thì chị chỉ cười, không xác nhận cũng không đính chánh. Vào Sài Gòn sau này cho dù khi cả hai người đã lập gia đình rồi chị Bùi Bích Hà vẫn giữ tình thân với tất cả mọi người trong “Gia Đình Tôi”, tên một truyện vui nổi tiếng của Duy Lam (“Gia đình tôi” tức gia đình bà Nguyễn Thị Thế, mẹ của Duy Lam, em của Nhất Linh, Hoàng Đạo, và chị của Thạch Lam)
Tin chị Bùi Bích Hà ra đi đột ngột khiến tất cả chúng tôi sửng sốt và thương tiếc.
Một vài tuần lễ trước thành phố Seattle trải qua một cơn nóng chưa từng xẩy ra, nhiệt độ lên đến gần 110 độ F. Cái nóng là đề tài cho nhóm bạn chúng tôi thảo luận trên email. Vì chị Bùi Bích Hà và tôi là hai người duy nhất trong nhóm đã có kinh nghiệm sống nhiều năm ở xứ Huế, nên chúng tôi san sẻ kinh nghiệm về cái nóng kinh hồn ở Huế vào mùa Hè. Mùa Hè cũng là mùa của thi cử, chúng tôi trốn cái nóng trong nhà đi vào Đại Nội đến hồ Tịnh Tâm nhiều bóng cây mát để “gạo cua”.

Trong lá thư đề ngày June 28, 2021, trong phần tái bút chị Hà viết: “Anh Thiết nhắc đến hồ Tịnh Tâm (Huế) khiến tôi thấy lại cả một thời mới lớn ở nơi ấy. Mùa Hè, sen nở đầy hồ, gió thoảng hương trong trời đất dịu dàng. Cô Mùi (Thái Vân) phải cám ơn ông Tơ bà Nguyệt để dành anh Thiết cho cô bởi vì không ai đến hồ Tịnh Tâm một mình cả, cứ đến đấy là thấy cơ hội có chút gì để nhớ để thương! Anh Thiết chớ hỏi ngược lại tôi nhé vì ngày ấy (đầu thập niên 50) chúng tôi đi cả một bầy, ăn quà, nghịch tinh, nói cười như chợ vỡ tuy khai với cha mẹ là đến đấy học bài. 70 năm rồi, anh tin không?”.

Chị Hà ơi,
Hồ Tịnh Tâm nay không còn trong kỷ niệm của chị nữa. Bây giờ chị đang đi vào một Hồ Tịnh Tâm khác bao la hơn, một cái hồ đúng nghĩa nhất của hai chữ Tịnh Tâm, bởi vì nơi đó chị không còn phải vuớng bận về tất cả những gì “để nhớ để thương”, vốn là nguyên nhân tất cả những hệ lụy của cõi đời này, của những người bạn đang nhớ thương chị không sao kể xiết.

Nguyễn Tường Thiết

Seattle, July 15, 2021

Related posts