Cập nhận tin COVID tại VN sáng 22/7: Gần 3000 người nhiễm COVID-19

Hiểu Minh

Gần 3000 người nhiễm COVID-19, Việt nam vượt 71.000 ca

Bộ Y tế sáng 22/7 cho biết trong số 2.967 ca mắc COVID-19 vừa nghi nhận, có 181 ca trong cộng đồng. Đến nay, tổng số ca mắc tại Việt Nam là 71.144.

Bộ Y tế cho biết sáng 22/7, nước ta ghi nhận thêm 2.967 ca mắc COVID-19, trong đó 2 ca nhập cảnh và 2.965 ca ghi nhận trong nước tại Sài Gòn (2.433), Long An (233), Bình Dương (64), Đồng Nai (53), Tiền Giang (41), Vĩnh Long (38), Bến Tre (28), Đà Nẵng (27), An Giang (15), Kiên Giang (10), Hậu Giang (5), Bình Phước (5), Hải Phòng (3), Cần Thơ (3), Hà Nội (2), Sơn La (2), Quảng Bình (2), Huế (1). Trong đó có 181 ca trong cộng đồng.

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 43.776, Bình Dương 4.753, Đồng Nai 1.368, Long An 1.163, Tiền Giang 1.001, Hà Nội 761, Đà Nẵng 528, Vĩnh Long 499, Bến Tre 291, Cần Thơ 178, An Giang 147, Bình Phước 103, Kiên Giang 95, Hậu Giang 55, Hải Phòng 25, Thừa Thiên Huế 12, Sơn La 3, Quảng Bình 2.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 71.144 ca mắc, trong đó có 2.101 ca nhập cảnh và 69.043 ca mắc trong nước.

Số mắc COVID-19 tăng nhanh, Bộ Y tế “khẩn” chuẩn bị các phương án điều trị

Dân Trí – Nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong, đảm bảo cứu chữa người bệnh Covid-19 kịp thời, Bộ Y tế dự kiến lập 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia và gần 30 trung tâm hồi sức tích cực của vùng.

Cụ thể, chiều 21/7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh họp góp ý Đề án Tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đề án được xây dựng trên nguyên tắc các bệnh viện, các địa phương đều phải phát triển cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng không chỉ tình hình dịch mà còn cho các bệnh lý không lây nhiễm khác.

Theo dự thảo Đề án sẽ có 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 TP.HCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM). Mỗi trung tâm có 500-1000 giường bệnh.

Ngoài ra, gần 30 bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm hồi sức tích cực của vùng, mỗi trung tâm 50-100 giường bệnh.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND đề nghị khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động…, với các trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.

Các địa phương phải chuẩn bị ngay phương án huy động toàn bộ các bệnh viện tuyến quận, huyện; bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tỉnh; bệnh viện tư nhân, bệnh viện của các bộ, ngành, trường đại học… để thu dung và điều trị cho nhóm bệnh nhân vừa và nặng.

Bộ cũng yêu cầu phải lắp bổ sung đủ hệ thống cấp ôxy, có sẵn sàng các bồn chứa ôxy lỏng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này. Đồng thời, chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực, danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, ôxy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, kít xét nghiệm… để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch gia tăng tại các địa phương.

Để chủ động, sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch COVID-19 đang gia tăng về số lượng, tốc độ và mức độ lan truyền, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 tối thiểu phải có hệ thống ôxy trung tâm, thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở ôxy qua mặt nạ, thở ôxy dòng cao HFNC.

Tại các bệnh viện đa khoa tuyến hạng một trở lên, ở khoa Hồi sức tích cực tối thiểu bố trí 50 giường và sẵn sàng mở rộng 100 giường, với hệ thống ôxy trung tâm, đào tạo nhân lực có trình độ để thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao (thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu…) để tiếp nhận, cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Các bệnh viện tuyến trung ương cần củng cố, mở rộng khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng, nguy kịch khi vượt quá năng lực tuyến dưới. 

Hà Nội cách ly tập trung người về từ 19 tỉnh thành

VnExpress – Từ 0h ngày 22/7, người về từ 19 tỉnh thành phía Nam đang giãn cách xã hội sẽ phải cách ly tập trung, theo chỉ đạo của Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh.

Theo công điện số 16 ngày 21/7, người về từ 19 tỉnh, thành sau sẽ phải cách ly tập trung: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, TP Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Đây là biện pháp mạnh của Hà Nội nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập về thủ đô. Trước đó, người về từ các vùng dịch chỉ phải cách ly tại nhà 14 ngày.

Hiện mỗi ngày có hàng nghìn người từ các địa phương khác trở về thành phố mang theo nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Thống kê hôm 19/7, số người về từ TP HCM qua đường hàng không hơn 1.300 và khoảng 3.000 khách các tuyến từ Đà Nẵng trở vào về qua đường bộ.

Chủ tịch thành phố yêu cầu Sở Y tế kiểm tra phương án tổ chức cơ sở cách ly tại các quận, huyện, thị xã, đáp ứng cách ly cho 50.000 người, ưu tiên tổ chức tại khu vực ngoại thành.

Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam 1.600 hộp lạnh bảo quản vắc-xin

Dantri – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ cung cấp cho Việt Nam 1.600 hộp lạnh để bảo quản vắc-xin, dự kiến bàn giao trong tháng 9.

Theo truyền thông trong nước quyết định của phía Nhật Bản là để đáp lại đề nghị từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, các hộp bảo quản này phục vụ cho việc vận chuyển vắc-xin tới các  điểm tiêm chủng.

Gói hỗ trợ này trị giá 100 triệu yên Nhật (khoảng 20 tỷ đồng) và đang được JICA tiến hành mua thông qua UNICEF Việt Nam, dự kiến sẽ được giao trong tháng 9.

Hộp lạnh được JICA cung cấp sẽ bảo quản vắc xin ở nhiệt độ 2-8⁰C có kèm theo thiết bị theo dõi nhiệt độ để đảm bảo quá trình vận chuyển vắc-xin từ các kho bảo quản trung tâm tới các điểm tiêm ở các tỉnh được an toàn.

Trong tháng 7/2021, JICA cũng sẽ khai triển chương trình hợp tác với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) trong Dự án “Phòng chống lây nhiễm và Tăng cường kiểm soát dịch tễ tại cửa khẩu biên giới”.

Thông qua chương trình hỗ trợ này, JICA giúp đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cửa khẩu về kiểm soát dịch bệnh, cung cấp các phương tiện bảo hộ cá nhân và các trang thiết bị cần thiết để vệ sinh bàn tay. Tổng trị giá gói hỗ trợ khoảng 20 triệu yen (tương đương khoảng 4 tỷ đồng).

Hiện Chính phủ Nhật Bản cũng đã viện trợ cho Việt Nam 3 triệu liều vắc xin Astrazeneca trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn thấp.

Quy định xét nghiệm, cách ly y tế vẫn khiến tài xế chở hàng bị động

Tuoitre – Tại cuộc giao ban vận tải hàng hóa giữa Bộ Giao thông vận tải và 63 sở giao thông vận tải cả nước vào tối 21/7, các địa phương, doanh nghiệp phản ánh thời hạn, cách hiểu khác nhau về giấy xét nghiệm COVID-19 khiến doanh nghiệp, tài xế bị động.

Các ý kiến cho rằng thời hạn có hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 72 giờ theo quy định của Bộ Y tế là ngắn khiến doanh nghiệp và tài xế bị động, tốn kém về chi phí. 

Nhiều địa phương yêu cầu tài xế trở về từ vùng dịch phải cách ly mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính. Nhiều địa phương chỉ công nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR…

Bên cạnh đó, cách hiểu văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19-7-2021 của Bộ Y tế về xét nghiệm với tài xế chở hàng hóa cũng chưa thực sự thống nhất như: Có cần kiểm tra giấy xét nghiệm với xe di chuyển giữa các tỉnh liền kề cùng áp dụng chỉ thị 16 hay không? Đối tượng nào được miễn phí xét nghiệm? 

Trong khi đó, lao động trong lĩnh vực vận tải vẫn chưa thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu để được tiêm vắc xin.

Ngoài ra, một số địa phương chưa chủ động chuẩn bị, xây dựng phương án tổ chức vận tải, điều tiết giao thông, kiểm soát phương tiện trong điều kiện giãn cách theo chỉ thị 16. Việc này dẫn đến việc ùn tắc kéo dài khi khẩn cấp áp dụng kiểm soát người vào địa phương như Hà Nội, Hải Phòng vừa rồi…

Chia sẻ khó khăn với các địa phương đang căng mình chống dịch, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị của Bộ khi ban hành hướng dẫn phải cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất cao khi triển khai thực hiện. 

Các sở giao thông vận tải cần nâng cao tính chủ động trao đổi, hỏi ngay khi chưa hiểu để thống nhất việc áp dụng các quy định trong cùng một điều kiện giãn cách xã hội, không để vận tải hàng hóa bị gián đoạn…

Ông Thể đề nghị các địa phương phải hiểu rõ việc cấp giấy thông hành bằng mã QR chỉ áp dụng đối với xe đi và đến các địa phương áp dụng chỉ thị 16, tránh việc cấp không đúng đối tượng phát sinh thêm thủ tục cho doanh nghiệp và lái xe.

Với các địa phương dù chưa áp dụng chỉ thị 16, ông Thể đề nghị phải chủ động xây dựng phương án tổ chức giao thông để luôn trong tình trạng sẵn sàng. Khi triển khai cũng cần có “dự lệnh” để các doanh nghiệp vận tải, lái xe biết và chấp hành.

Để làm rõ hơn các quy định về y tế với tài xế, ông Thể giao Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ngay sáng 22-7 phải làm việc trực tiếp với Bộ Y tế để làm rõ các quy định tại văn bản 5753 và tiếp tục kiến nghị về việc kéo dài hiệu lực giấy xét nghiệm COVID-19 đối với đội ngũ lái xe.

Related posts