LÁ THƯ TỪ ÚC CHÂU

Nguyễn Thơ Sinh

Người Việt tại nước ngoài bị tấn công. Đó là một hiện tượng tin tức xã hội bà con mình không hoan nghênh chút nào. Vâng. Cũng là con dân đất Việt như nhau. Cuộc mưu sinh va quật. Đất khách. Xứ người. Những khúc ruột ngàn dặm. Chợt chạnh lòng: Có dân tộc nào trên trái đất như người Việt mình dân xuất hiện khắp nơi trên thế giới để kiếm ăn, phải chịu những o ép bức bách.

Gần như chuyện bỏ nước ra đi đã trở thành hiện tượng xã hội lôi kéo hấp dẫn người Việt khắp ba miền sau cột mốc 30-04-1975. Có điều kiện thì người ta đi Mỹ, đi Canada, đi Châu Úc, đi Nhật, đi Châu Âu. Khiêm tốn hơn nữa thì đi Đông Âu, đi Nam Hàn, đi Hong Kong, đi Trung Đông. Tệ hơn nữa là đi Lào, đi Miên, đi Thái Lan, đi Mễ, đi Châu Phi, đi Trung Quốc, thậm chí đi Bangladesh hay Ấn Độ…

Vâng. Gẫm kỹ lại, cũng chỉ vì mục đích mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng bạc Việt Nam mệnh giá quá thấp. Cơ hội việc làm không nhiều, đặc biệt những công việc đồng lương chấp nhận được, sống được (nói gì đến những đồng lương thơm tho). Cuối cùng chỉ còn con đường ra đi. Sau này có thêm con đường hợp tác lao động, xuất khẩu bắp thịt là chủ yếu đến những nước người bản xứ không thèm động tay làm những công việc người Việt đến làm.

Thế là người ta đi. Đi như thể đấy là chọn lựa đúng đắn nhất cho vị trí hoàn cảnh xã hội khó khăn của họ. Chẳng có gì khó hiểu cả. Nơi nào có bầu trời, có công việc là người Việt mình tìm đến. Tiền nào của nấy. Đi Anh Quốc giá sẽ khác đi Hàn Quốc. Rồi đi Mỹ sẽ nhiêu khê hơn, dày công và tốn kém hơn đi Mễ hay đi đến một nước thuộc hệ thống Liên Xô cũ. Nhưng thây kệ. Người ta kháo nhau: Nghèo đi theo kiểu nghèo. Đặc biệt những hệ thống đường dây “vận chuyển người” càng ngày càng hoàn thiện hơn. Đôi bên cùng có lợi. Anh có đường dây với những quan hệ chống lưng, nước sở tại có nhu cầu thuê nhân công giá rẻ mạt, chúng tôi có thể vay mượn (lãi cao không sao), qua đó cày thật lực (visa và hộ chiếu bị chủ nợ giữ vẫn okay), sẽ triệt để tiết kiệm, sẽ để dành, vừa trả nợ, vừa gởi về giúp người thân. Bức tranh được vẽ ra. Toàn những viễn cảnh huy hoàng tươi sáng, càng nhìn càng thấy hoa mắt, thích thú!

Sự nguy hiểm chết chóc vì thế trở thành lung linh, không quá quắt, không đáng sợ nữa. Thay vào đó người ta nhìn thấy những xấp giấy bạc được gởi về. Toàn tiền đô. Gần như một thứ định luật bất thành văn, người Việt đến quốc gia nào (bất luận nước đó giàu hay nghèo) họ lao vào, cày mửa mật, chịu thương chịu khó, tằn tiện triệt để, cuối cùng lương bổng được đổi thành những đồng Mỹ kim, đường dây vận chuyển tiền về Viết Nam quá sẵn. Thế là người ta tìm cách xuất cảnh. Cứ thế, đi thôi, người ta rủ nhau, sinh tử có số, băn khoăn lo lắng chi cho mệt.

Phải chăng đó là lý do người Việt có mặt khắp nơi khắp năm châu. Không luận động cơ chủ yếu tại sao người Việt mình ra đi bởi đây là một đề tài rộng. Một phần do hoàn cảnh lịch sử chính trị. Vĩ tuyến 17 và cột mốc 30-04-1975 không thuần túy là những con số, những sự kiện, song chúng trở thành những triết lý, những khái niệm định nghĩa đại diện những ý thức hệ, những nhân định chính trị khác nhau. Một phần vì tinh thần khai phá mở mang bờ cõi tiềm ẩn trong DNA của người Giao Chỉ bao đời truyền lại cho con cháu. Thế là chất liệu di truyền DNA mở mang ấy vượt xa hơn tinh thần Nam Tiến của tiền nhân; ngày nay hậu duệ người Giao Chỉ rời Việt Nam như thể bầu trời tại những nơi khác sẽ xanh hơn, gió tại nơi khác sẽ mát hơn, sữa ở những nơi khác sẽ nhiều hơn, béo hơn. Thế là họ rủ nhau cất bước lên đường, dù lắm lúc họ khá thấm thía ý nghĩa không đâu thiêng liêng bằng nơi chôn nhau cắt rốn, thân thương như một chùm khế ngọt!

Từ từ, từng bước từng bước một, những thương xá của người Việt mọc lên trên đất khách. Không có gì đáng gọi là to tát ầm ỹ. Chỉ cần một quán phở, một chợ bán đồ ăn Việt Nam đơn giản. Bấy nhiêu thôi đã đủ để các dịch vụ phục vụ đồng hương có đất đứng. Gần như những tiệm phở hay tiệm tạp hóa ấy là điểm hẹn, là nhịp cầu nối kết của đồng hương, của các sinh hoạt cộng đồng. Thôi thì đủ cả. Chuyển tiền đô, gởi hàng lạ về Việt Nam. Mua thuốc men bên nhà, uống đã quen, giá lại rẻ gởi qua. Từ lọ chao, xấp bánh tráng cuốn, gói bún khô, cho đến nắm măng khô, túm mộc nhĩ, chè Thái, thuốc lào, tôm khô… Gần như thứ nào người Việt sống xa xứ có thể nghĩ ra, cần đến; thứ ấy sẽ có mặt trên đất khách phục vụ họ, chỉ là vấn đề nhanh chậm mà thôi.

Mới đó mà đã đó…

Những cộng đồng Việt lớn mọc dần lên. Nếu được chính phủ sở tại đùm bọc, hỗ trợ, những thương xá tại đây lớn lên trông thấy, vững mạnh như một thân cây lớn dần lên theo năm tháng, danh chính ngôn thuận. Từ đó những trung tâm này nhanh chóng trở thành biểu tượng thành đạt của người Việt Hải ngoại. Bà con mình đứng thẳng, vươn cao, không còn quá ngỡ ngàng xa lạ với đất khách trong vị trí của những di dân lạ nước lạ cái, ngụ cư. Dần dà những thủ phủ của người Việt mình trên đất khách mọc lên khắp nơi. Có thể tạm nói người Việt thành công trong việc bám trụ, biết gầy dựng, biết chắt lọc, lớn lên từng ngày, xứng đáng với câu đem chuông đi đánh xứ người.

Rồi chùa mọc lên. Nhà thờ mọc lên. Chợ mọc lên. Tiệm thuốc tây của người Việt làm chủ. Văn phòng bác sĩ người Việt. Khu thương mại mỗi năm một thêm sầm uất, càng lúc càng hừng hực sinh khí một giống nòi không dễ dàng bị khuất phục. Cứ thế, người ta tìm đủ mọi cách để thâm nhập vào đời sống xã hội mới. Những thế hệ người ngoại quốc nguyên quán Việt Nam (Mỹ gốc Việt, Canada gốc Việt, Úc gốc Việt, Nhật gốc Việt, Anh gốc Việt…) lần lượt chào đời; họ sinh ra và lớn lên nơi đây, (nên) đối với họ, quê hương nguyên quán chỉ là những hồi ức qua lời kể chuyện của người lớn.

Không ngoa, nơi đâu có dấu chân người Việt đặt đến sẽ trở thành cộng đồng lớn mạnh. Người Việt hải ngoại đầu thế kỷ 21 không còn đóng khung định cư tại Mỹ, Canada, Úc, Đức, Đan Mạch, Anh. Thay vào đó, nơi nào có người Việt là có những rủ rê lôi kéo. Người ta rỉ tai nhau: Chỗ này sống được. Thế là các đường dây chuyên đưa người hoạt động ráo riết đáp ứng mọi nhu cầu. Cỏ bên kia hàng rào lúc nào cũng xanh hơn cỏ nhà mình. Người Tây họ nói thế. Còn dân Việt mình bảo: Đứng núi nọ, trông núi kia. Xứ người bao giờ cũng dễ sống hơn xứ mình. Khi cái tâm bị động thần thánh cũng chẳng cản được!

Thôi thì Nam Hàn, Nhật, Singapore, Thái Lan, thậm chí cả Lào, cả Miên, Miến… đều có người Việt đến định cư. Họ lăn xả. Việc gì cũng lao vào. Nặng mấy cũng làm. Tăng ca. Hai ba việc cùng một lúc. Ăn ở chật hẹp, túm bó, tiện tặn hết cỡ. Họ cần mẫn. Lớp để dành tiền trả cho chi phí dịch vụ xuất khẩu lao động (đa số vay lãi cao, trả góp). Lớp giúp người thân bên nhà. Những đồng bạc gởi về, vắt kiệt, thấy ứa ra những giọt mồ hôi và những giọt nước mắt, nhiều trường hợp có cả những giọt máu nữa.

Đầu tháng 07 Tạp chí NextShark cho chạy bài báo có tên Three Asian Students Brutally Attacked by ‘Gang’ of Teens in Australia. Thấy hiếu kỳ nên đọc. Ở Mỹ dân gốc Á bị tấn công với tần số càng lúc càng dày thiên hạ không còn lạ nữa. Tại Canada cũng thế. Châu Âu cũng thế. Giờ đến lượt tại Úc. Đọc tiếp bài báo, hóa ra ba em học sinh bị tấn công tại Úc lần này là đồng hương người Việt của mình.

Tác giả bài báo Mr. Carl Samson cho biết cảnh sát Queensland đang tiến hành điều tra vụ tấn công dã man (vicious attack) này. Vụ tấn công nhắm vào ba em học sinh người Việt độ tuổi teen do một nhóm băng đảng thực hiện. Một cái tin khiến người Việt sống ở nước ngoài (cũng như tại Việt Nam) cảm thấy nhức nhối.

Chuyện gì đã xảy ra? Nạn nhân là một em nam và hai em nữ. Các em bị tấn công bởi một nhóm du đãng (gang). Chúng đẩy ba em vào tình thế hoàn toàn không khả năng tự vệ, bị lôi trên nền đất, bị đấm đá ngay tại lề đường.

Vụ tấn công xảy ra hôm 27 tháng 06. Một máy ghi hình được gắn tại phía ngoài một trung tâm mua sắm tại khu Inala thuộc ngoại ô của thành phố Brisbane. Theo nhân chứng, một thành viên của băng đảng này ngang nhiên quay phim lại cuộc tấn công ấy. Đây là một hành vi táo bạo, hung hăng, hoàn toàn không coi ai ra gì. Đọc thêm

Những gì mà chúng ta đã mất mát trong việc bỏ nước đi tìm tự do?

Từ những gì quan sát được tại đoạn phim của trung tâm mua sắm, ba nạn nhân này bị tấn công riêng lẻ, từng em một bị hành hung. Trong đó em nam đã cất tiếng hỏi băng du côn (nguyên văn): What did she do? – Bạn tôi đã làm gì sai? – Rõ ràng em nam này đang cố gắng bảo vệ bạn nữ đi chung với mình.

Vẫn theo đoạn phim, người ta nghe được tiếng của một thành viên của băng du côn nói (nguyên văn): Hey motherf***er, don’t f***ing touch my sister. Đây là những tiếng chửi tục khá nặng nề. Sau đó một thành viên khác của băng du côn nói chen vào (nguyên văn): Don’t touch my brother.

Từ những gì được tường thuật lại qua đoạn phim, một trong hai em nữ người Việt bị ba yêu nữ của nhóm du côn lôi kéo trên đường. Em gái bị nhóm ba yêu nữ ba gai này đấm, đá. Em kêu khóc trong lúc cố gắng hứng chịu những tấn công dã man đó.

(Qua đoạn video ghi hình từ máy gắn tại phía bên ngoài của khu mua sắm) người ta thấy một thành viên của nhóm du côn (người đã quay phim cuộc tấn công) cất tiếng nói (nguyên văn): Gang s***. Gang s***. Đồng thời một nam thành viên của nhóm du côn trong lúc bước khỏi hiện trường xảy ra vụ tấn công vừa đi vừa mỉm cười.

Tất nhiên cảnh sát sẽ bắt tay điều tra. Họ cho biết đã có đầy đủ hình ảnh ghi lại vụ tấn công do nhóm du côn gây ra. Họ sẽ tiến hành khởi sự điều tra. Tất nhiên, như ông bà mình hay nói: Được vạ, má sưng. Bất luận chuyện gì xảy ra sau đó, băng du côn nếu bị tóm cổ chúng sẽ phải đối diện với những phán quyết của luật pháp, nhưng với ba nạn nhân học sinh gốc Việt đồng hương của chúng ta, những gì các em trải qua từ sự kiện tồi tệ này sẽ vĩnh viễn là một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời.

Tổ chức AAA (Asian Australian Alliance) bao gồm những thành viên địa phương nòng cốt (grassroots) luôn quan tâm đến sinh hoạt của cộng đồng Úc gốc Á, đấu tranh bênh vực cho quyền lợi và an toàn của người Úc gốc Á cho biết thực ra vụ tấn công này là một vụ cướp (a robbery) có liên hệ đến thù hận dân tộc (racially motivated).

Một thành viên của nhóm AAA, chị Jenny Nguyen cho biết một nhân chứng đã kể lại chi tiết vụ tấn công từ đầu đến cuối, từ lúc nhóm du côn đang bắt đầu tìm cách dở trò ba gai. Theo lời nhân chứng này nhóm du côn cố tình gây sự cà khịa với người khác, (nguyên văn): [The group had been] looking for trouble. They were at the Inala bus stop, looking at multiple Asian people. She heard them say, ‘Oi, look at her. Should we do it?

Vẫn theo lời chị Jenny Nguyen nhóm du côn đã cướp hết tiền của các nạn nhân. Sau đó chị Jenny Nguyen đứng ra vận động, gởi một thỉnh nguyện thư có tên a change.org petition đến văn phòng của Mr. Chin Tan, Ủy viên đặc trách về kỳ thị chủng tộc của Úc. Đồng thời chị đã gởi thỉnh nguyện thư này đến Hội đồng Thành phố Brisbane, trong đó, có đoạn kêu gọi giới hữu trách cần có những hành động giúp đỡ các nạn nhân bị tấn công về mặt tinh thần, về mặt thể lý, và mặt xúc cảm, (nguyên văn): [In] hopes of getting help for the victims mentally, physically and emotionally.

Tại sao di dân gốc Á khắp nơi bị tấn công (như vụ xảy ra tại Úc)?

Bạn có câu trả lời nào đó cho riêng mình?

Phải chăng di dân gốc Á thành đạt?

Hay đây chỉ là những vụ tình cờ ngẫu nhiên?

Các sắc dân khác cũng bị tấn công vậy, đâu phải chỉ có di dân gốc Á, trong đó có người Việt?

Hay chỉ vì chúng ta quá nhạy cảm nên coi đây là chuyện lớn?

Hay đây, đáng buồn, đáng ngại hơn, chính là một thực tế đau lòng đáng để chúng ta suy gẫm (đặc biệt trong hoàn cảnh vị trí những di dân ngụ cư trên đất khách)?

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts