Không bằng lợn

Bình thường cái nóng Texas với nhiều người đã thấy khướt, cái nóng Texas với người đi tù (ngó chừng) càng khốc liệt hơn.

Tất nhiên không ai muốn mình sinh ra phải lâm cảnh tù tội. Con đường từ bệnh viện nơi một đứa trẻ sinh ra oe oe cất tiếng khóc chào đời dẫn đến nhà tù sau này không phải con đường ngắn. Nó là một chặng đường dài, càng không phải chỉ một vài tháng, vài năm khi con người thay đổi. Nó là kết quả của những lôi kéo, những dẫn dắt, những pha “dính chưởng” hoàn toàn ngoài khả năng kiểm soát.

Không biết do nghiệp chướng, do số Trời, hay do những lý do khách quan (thường được đổ thừa với những “tại, bị” một cách tiện nghi) nhiều người lâm cảnh tù tội dù họ không hề muốn. Một số phạm pháp, thi hành án là chuyện đương nhiên. Một số do hoàn cảnh đẩy đưa, xuất hiện “sai địa điểm, sai thời gian” cuối cùng mắc họa “không phải đầu, lại phải tai”. Một số vì vận nước, vì họa dân tộc rơi cảnh nồi da xáo thịt, do nạn xâm lược bởi ngoại bang, chế độ mới thay đổi chế độ cũ… cảnh tù tội cuối cùng đã xảy ra.

Bất luận ra sao, vô phúc đáo tụng đình, đó là câu cửa miệng ông bà mình vẫn dạy con cháu. Rồi nạn quan lại nhũng nhiễu thời vua chúa phong kiến, kẻ thấp cổ bé miệng dễ bị bỏ tù oan. Sau đó là những hình thức cai trị hà khắc mới. Chó đá sang sông. Biển bồi biến thành nương dâu, hệ thống các nhà tù có phần bớt dã man tàn ác, song về bản chất vẫn là những chèn ép đầy nghẹn ngào khi quyền tự do bị tước mất!

Con người là thế. Nhân chi sơ, tánh bổn thiện. Rồi gió bụi cuộc đời xô quật. Có người may mắn tâm hồn luôn thơm ngát hương sen. Có người lòng mọc đầy dây leo và gai quấn. Giữa biển đời giông tố ấy, ba chìm bảy nổi, vẫn biết ở đời chẳng gì là chắc chắn; song mấy ai đoán trước đồ thị số phận sẽ biểu diễn như thế nào trên một hệ trục tọa độ bị bẻ cong bởi những điều không ai ngờ đến. Đứng trước cám dỗ, nhiều hoa sen biến thành dây leo, gai quấn. Rồi may mắn có cơ hội hoàn lương, dây leo, gai quấn trở thành hoa sen… Tóm lại, có người may mắn cả đời không nhìn thấy đao. Có người vì hoàn cảnh bị ấn đao vào tay nhưng sau đó buông đao được. Một số khó bỏ đao xuống được. Có kẻ nhặt đao lên vì vô tình. Có người vận kém, cố tình tránh đao mà không sao tránh được!

Cuối cùng là tù tội, là cảnh cá chậu chim lồng ứng với câu: Một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài. Khi được trả tự do sẽ là phút giây hạnh phúc (nên) có người đã nói: Khi một phạm nhân được phóng thích, anh ta sẽ nhớ mãi người đầu tiên anh ta gặp tại cổng nhà tù. Điều này phần nào khẳng định khái niệm không có gì đáng quý hơn một đời sống tự do, không bị quản thúc, không bị giám sát, không bị tước mất những quyền cơ bản nhất.

Gần đây Huffpost cho chạy một bài báo có tên John Oliver Reveals Where Americans Are Literally Treated Worse Than Pigs. Hiếu kỳ bởi cái tên của bài báo. Đọc thử. Giật mình. Hóa ra có nơi người Mỹ còn bị xử tệ hơn cả lợn. Bạn nheo mắt: Nơi tồi tệ đó là nơi nào, phải chăng những khu ổ chuột của New York hay xóm tồi tàn của New Orleans, hay một khu bị bỏ quên của Chicago, của Detroit, hay San Francisco. Nhưng không. Đó là những nhà tù tại Texas.

Chợt nhớ một câu khá phổ biến tại Việt Nam những năm nửa cuối thế kỷ 20: Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ nhật. Đó là ba cái thú xa xỉ được coi là đáng sống, vốn chỉ thuộc về những ai có điều kiện, không con ông cháu cha cũng là kẻ đầy quyền thế. Lần này, thái cực đối chọi với “cơm Tàu, nhà Tây, vợ Nhật” là “cơm tù, nhà tù, và bị hãm hiếp” tại những nhà tù trên Texas, Mỹ.

Vâng. Theo John Oliver, (nguyên văn): This situation is so bad the U.N. Committee Against Torture has expressed particular concern about deaths from extreme heat exposure in prison facilities in Texas. And while you probably assumed Texas prisons were bad, maybe not ‘International Human Rights Watch List’ bad. Theo tác giả Ed Mazza (tác giả bài báo) dẫn lời Mr. John Oliver, có đến 75% các trại giam (prisons) tại Texas không có hệ thống AC (air condition), chỉ số nhiệt độ (heat index) tại các trại giam này thường xuyên lên đến 150 độ F vào mùa hè.

Bạn đọc tất nhiên không lạ lẫm gì với cái nóng của Texas, đặc biệt cái nóng của Houston nơi hàng trăm ngàn chiếc xe lưu thông thổi những luồng hơi nóng ra từ những ống bô. Thậm chí có người đã nói đùa, đi Houston, muốn ăn bò steak không cần đốt lò, chỉ cần đặt miếng steak ngoài trời giữa trưa chừng năm phút là có thể rưới sốt A1 lên xơi tái! Còn tại những nơi khác của Texas, tuy không quá khốc liệt như Houston nhưng cái nóng thiêu người ngó bộ không phải chuyện đùa…

Văn minh xứ Mỹ là thế. Dân chủ xứ Mỹ là thế. Ngọn cờ giương cao bảo vệ tự do dân chủ và những giá trị con người. Vậy mà đâu phải tại Mỹ lúc nào cũng 100% lý tưởng. Khi đọc những dòng trên, bạn có ngạc nhiên: Bộ nhà tù ở Mỹ như vậy hả! Hy vọng trại giam tại những tiểu bang khác tình hình sẽ khá hơn, song một khi lâm cảnh tù tội, dù tình hình có khá hơn (song) mất tự do vẫn là cảm giác cay đắng khốn đốn nhất.

Nếu bài báo chỉ mô tả sinh hoạt trong các trại giam tại Texas với nhiệt độ cao đến 150 độ F vào mùa hè sẽ chẳng có gì đặc biệt. Điểm khiến người ta ngạc nhiên ở đây là nhận xét của John Oliver khá mâu thuẫn (nếu không nói là khôi hài) khi tại những trại giam có nuôi lợn, nhiệt độ trong chuồng lợn thấp hơn, mát mẻ hơn, được trang bị AC cho hợp với các quy định chăn nuôi lợn trên đất Mỹ. Nguyên văn lời Mr. John Oliver: Look, I’m not against pigs getting treated comfortably. I love pigs, their springy tails, their two big ears, their stupid, flat noses and their horrible eyes. Pigs are like big, chubby dogs you can eat at Christmas. I just question prioritizing their comfort over humans. Theo đó, ông không phản đối chuyện chuồng lợn được trang bị AC. Nhưng để các phạm nhân sống trong trại giam như lò nướng như thế, rõ ràng con người trong các trại giam của Texas bị đối xử còn thua cả lợn! Đọc thêm

Mùa hè nóng

Vâng. Một bài báo ngắn. Một câu chuyện thoạt nghe cứ tưởng chuyện đùa. Vâng. Làm sao người ta không ngỡ ngàng khi thấy con người bị đối xử còn thua cả lợn. Của đáng tội, trên thực tế, chẳng ai cố ý làm thế. Chiết tự một chút, nuôi lợn còn có lãi, khi chúng đẫy cân, đưa vào lò mổ sẽ biến thành bacon, thành xúc-xích, thịt xông khói (ham), sườn cốt-lết… còn nuôi tù, đấy là những khoản chi phí tốn kém tiền của người nộp thuế (taxpayers), cực chẳng đã người ta mới phải cưu mang.

Gẫm kỹ lại, dù lợn được trang bị AC tử tế chúng vẫn thua con người trong các trại giam. Ít nhất, ở đó cơm tù dù khó nuốt lúc đầu, nhưng ăn mãi sẽ quen; rồi nệm tù, nằm mãi cũng quen. Còn với mấy bạn tù, ra vô mãi rốt cục cũng quen, tuy nhiên đó là chốn cá lớn nuốt cá bé, phạm nhân “yếu bóng vía” sẽ bị các tay anh chị trong tù hãm hiếp, kể cả những lần bị cưỡng bức tình dục. Tất nhiên chẳng phải do đồng-tính-đồng-tiếc gì, song chỉ là chuyện thỏa mãn do “nhàn cư vi bất thiện”, hoặc để khẳng định đẳng cấp, mạnh hiếp yếu, kẻ nhu nhược phải phục tùng. Xưa nay lệ tù vẫn thế, nó khẳng định những bậc thang cao thấp nơi thân phận con người và những giá trị nhân bản tối thiểu bị tước mất.

Tất nhiên nhiều trại giam có sân chơi, có phòng gym, có thư viện, có những phương tiện giải trí tối thiểu bạn từng nghe nói đến. Điều này cho thấy, nếu không quá câu nệ, không xoi mói quá quắt, nhiều nhà tù ở Mỹ xét kỹ vẫn tốt hơn nhiều nhà tù khác trên thế giới. Ở đây trại giam là công cụ giúp các phạm nhân thi hành án. Còn tại nhiều nước khác, trại giam là nơi để người ta trù dập, trừ khử những thành phần chống đối (những cây đinh trồi lên mặt ván) nhất định phải được trừng trị thẳng tay (bằng cách lấy búa nện xuống).

Vâng. Cứ thế. Chuyện sống trong tù nói mãi không hết. Cảm nhận của người từng đi tù hẳn nhiên sẽ khác nhau. Không ít người trước khi vào tù mặt mũi xanh xao hốc hác, sau một thời gian ở tù da dẻ hồng hào, béo trắng như lợn cạo vì không phải phơi nắng, phơi gió bên ngoài. Có người sau khi mãn tù có bằng trung học bổ túc văn hóa. Có người có văn bằng đại học. Không ít đã trở thành luật sư nhờ khoảng thời gian học tập nghiên cứu trong tù. Dĩ nhiên nói vậy không có ý đi tù sướng hơn ở ngoài, song nếu biết tận dụng những giá trị tích cực, thời gian thi hành án sẽ có ý nghĩa hơn.

Trở lại chuyện đi tù, như đã trình bày lúc đầu, không ai sinh ra để đi tù. Song con đường dẫn đến ngục khám không phải là con đường xảy ra chỉ qua đêm. Song nó là kết quả của nhiều tác nhân ảnh hưởng (nhiều lúc) người trong cuộc không có nhiều kiểm soát. Người đi tù bởi nhiều lý do khác nhau. Trên đất Mỹ, chuyện người bị xộ khám, bị gỡ lịch hẳn có nhiều lý do khác nhau chúng ta đã từng nghe qua.

Cha mẹ lo lót chạy chọt cho con cái được vào những trường đại học danh tiếng bỏ tiền hối lộ, khi bị phát hiện, đẻ tội, cuối cùng là vô tù. Đàn ông hẳn hoi, người nổi tiếng, diễn viên gạo cội từng đoạt giải Oscar đâu phải thường, thế mà đi mò mẫm trai vị thành niên, lúc bị phanh phui, đẻ tội, vô tù. Rồi những kẻ lắm tiền rửng mỡ, dính dáng đến những đường dây mồi chài môi giới gái trẻ vị thành niên cho các vị quan khách tai to mặt lớn, bị FBI phát hiện, vào tù, rồi tự tử. Rồi chuyện đang yên lành tử tế không muốn, muốn xuống đường tham gia tấn công Tòa nhà Quốc hội, bị quay phim, bị chụp ảnh, thế là vào tù. Rồi cô giáo, thày giáo không hành xử đúng mực nghiệp gõ đầu trẻ, quay ra lẹo tẹo với học sinh, thế là vô tù. Rồi bán thuốc phiện, rồi lái xe lúc say rượu, rồi bạo hành trong gia đình, rồi vướng vào ấu dâm, rồi dây vào bắt cóc, rồi dây vào bắn người (chỉ vì tức khí trong lúc lái xe). Hay chuyện trốn thuế. Chuyện áo gấm đi đêm, thậm thụt, đầu nậu chính trị…

Vâng. Cứ thế. Chuyện ở tù tại Mỹ, gẫm lại, thấy lạ, thoạt nghe cứ như đùa. Trong đó có hệ thống nhà tù của Texas, như lời Mr. John Oliver – xướng ngôn viên truyền hình Anh than vãn chuyện lợn nuôi trong các trại giam được đối xử tử tế hơn phạm nhân, thoạt nghe cứ tưởng chuyện xàm, nói cho vui, cho bớt nhạt mồm. Phải chăng đây là chuyện xã hội thực tế, dư luận có quyền nghĩ: Kẻ có tiền án, tiền sự không cần phải khách sáo hay quan tâm đến vì nếu anh đàng hoàng anh đã không phải đi tù!

Tất nhiên lý do đi tù đâu phải ai cũng giống ai. Nhiều tội nếu tỉnh táo và có chút nhận thức sẽ tránh được. Song cũng có những cái tội chẳng đáng chút nào, tỷ như chỉ vì màu da, vì mình đang sống tại một khu ổ chuột, nhiễm tạp bởi đủ thứ tệ nạn xã hội, vì hoàn cảnh di trú, trẻ em vì hoàn cảnh gia đình không được dạy dỗ đàng hoàng tử tế, bị hắt hủi, bỏ rơi, cuối cùng giao du với kẻ xấu, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã… cuối cùng rơi vào cảnh “mù dắt mù, cả hai cùng rơi xuống vực”.

Chợt thấy mình may mắn. Là di dân, nhưng do biết cẩn thận (nhút nhát hơn vì ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ) nên biết thân biết phận, tránh những chỗ không nên đến nên ít khi vướng phải những lôi thôi rắc rối. Nhưng nếu thế hệ con em chúng ta sau này không được ai “truyền lửa thiêng”, đặc biệt là với các em Mỹ hóa quá nhiều (mất đi cái gốc rau đay, cà pháo, mất luôn cái gốc rau muống giầm tương) hẳn chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Vâng. Không ai muốn mình sinh ra phải lâm cảnh tù tội. Và con đường từ bệnh viện nơi một đứa trẻ sinh ra cất tiếng khóc oe oe chào đời dẫn đến nhà tù không phải là con đường ngắn. Nó là một chặng đường dài, càng không phải chỉ một vài tháng, vài năm là con người ta thay đổi. Mà nó là kết quả của những lôi kéo, những dẫn dắt…

Để rồi nếu như trước đó người ta cẩn thận hơn, hẳn họ sẽ tránh được cái họa ở tù, cuối cùng bị đối xử thua cả lợn, như trường hợp Mr. John Oliver đã nhận xét về hệ thống nhà tù tại Texas bạn vừa đọc.

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts