Myanmar tê liệt vì thiếu tiền mặt từ sau khi quân đội nắm chính quyền sau cuộc đảo chính

Vũ Dương

Người dân Myanmar xếp hàng ở cây ATM (ảnh: Youtube/The Star).

Kể từ khi quân đội nắm chính quyền sau cuộc đảo chính hôm 1/2, Myanmar đã bị tê liệt vì thiếu tiền mặt, tờ Straits Times cho hay.

Từ lúc 3h30, người dân Myanmar đã bắt đầu xếp hàng ở cây ATM. Đến rạng sáng, dòng người đã dài tới hơn 300 người. Đến trưa, khi nhiệt độ lên tới hơn 38 độ C, nhiều người vẫn chờ đợi, hy vọng có thể rút tiền khỏi tài khoản của mình. 

Suy thoái kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á này đã gây ra những hậu quả sâu rộng. Khi thiếu tiền mặt, người gửi tiền không thể rút tiền tiết kiệm, khách hàng không thể trả tiền cho doanh nghiệp, và doanh nghiệp không thể trả lương cho người lao động hoặc chủ nợ. Các khoản cho vay và nợ không được thu hồi.

Giá trị của đồng kyat, đơn vị tiền tệ của Myanmar, đã giảm 20% so với đồng đô-la Mỹ.

Hiện, mỗi ngày, cả nước Myanmar chỉ có khoảng 100 cây ATM có tiền mặt. Tích trữ tiền mặt trở nên phổ biến và nhiều doanh nghiệp chỉ chấp nhận tiền mặt, không chấp nhận chuyển khoản kỹ thuật số. Các chuyên gia cảnh báo rằng đất nước này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện.

Ông Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết: “Hiện tại, mọi thứ đang bị đóng băng. Đây là một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng. Đó là vấn đề về niềm tin – niềm tin vào chế độ, các ngân hàng và nền kinh tế”.

Niềm tin vào chính phủ và các ngân hàng tư nhân đã “bốc hơi” sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng Hai.. và việc lực lượng cảnh sát giết chết ít nhất 945 dân thường. Hầu hết trong số họ bị binh lính bắn chết trong các cuộc biểu tình.

Vào giữa tháng 3, chính phủ đã cố gắng ngăn chặn phong trào bất tuân dân sự bằng cách chặn mạng Internet di động. Tuy nhiên việc này cũng chặn luôn các giao dịch chuyển khoản ngân hàng qua điện thoại di động. 

Bà Vicky Bowman, cựu đại sứ Myanmar tại Anh cho biết: “Khi các ngân hàng đóng cửa, nhìn chung người ta lo sợ sẽ không lấy được tiền mặt. Chính phủ đã làm điều tồi tệ hơn khi cắt mạng Internet di động. Điều đó càng làm gia tăng mong muốn có tiền mặt [của người dân]”. 

Ở các vùng nông thôn thậm chí tiền mặt còn khan hiếm hơn. Một số nông dân đã chuyển sang đổi hàng, đổi thực phẩm họ trồng được lấy các loại thực phẩm khác hoặc các dịch vụ như chăm sóc y tế. 

Công ty Đức Giesecke + Devrient, công ty cung cấp nguyên liệu để in tiền cho Myanmar đã tạm dừng tất cả các chuyến hàng vào tháng 3 sau cuộc đàn áp bạo lực của quân đội đối với dân thường. Nhưng những tờ tiền mới được in trên loại giấy hơi khác một chút đã bắt đầu được lưu hành vào tháng Sáu.

Các quan chức ở Myanmar xác nhận Ngân hàng Trung ương đã bắt đầu in tiền mới nhưng cho biết việc in tiền được tính toán theo chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ngăn chặn lạm phát. 

Nhà kinh tế Hein Maung cho biết: “Giá trị đồng tiền của Myanmar đang đi xuống, nhưng nó vẫn chưa chạm đáy. Cuộc khủng hoảng này chỉ có thể được giải quyết bằng sự thay đổi chính trị”. Ông dự đoán rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ trầm trọng hơn trong những tháng tới.

Theo các ngân hàng, thành phố Yangon có dân số 5 triệu người nhưng chỉ có khoảng hai chục máy ATM có tiền mỗi ngày. Ở Mandalay có khoảng 1,5 triệu dân, nhưng chỉ có khoảng 12 máy ATM có tiền. 

Để chặn việc mọi người đổ xô đến các cây rút tiền, hàng ngày các ATM sẽ được chọn ngẫu nhiên để đổ tiền vào. Do đó, khách hàng không được biết trước là máy nào sẽ được trữ tiền. 

Bất chấp những rủi ro từ việc dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, dòng người vẫn đổ đến các máy ATM mỗi sáng sớm. Khi các ngân hàng thông báo máy nào sẽ được trữ tiền, hàng nghìn người đã xếp hàng chờ hàng giờ đồng hồ. 

May Thway Chel, 28 tuổi là một nhân viên kế toán. Suốt 5 tháng qua, gần như ngày nào cô cũng đến cùng một chi nhánh Ngân hàng Kanbawza để rút tiền nhưng cho đến giờ, cô mới chỉ nhận được tiền mặt bốn lần.

Cô nói: “Đôi khi chúng tôi không có tiền để mua gạo và thức ăn. Đôi khi tôi cảm thấy rất chán nản và nghĩ đến việc tự tử. Chúng tôi đã đánh mất giấc mơ của mình sau cuộc đảo chính”.

Related posts