Láng giềng Afghanistan đa số ủng hộ Taliban: Thất bại của Mỹ không tránh khỏi

Trọng Thành

Quốc gia Afghanistan nằm ở vị trí chiến lược tại Trung Á. © Wikipedia

1/ Vì sao thất bại của Hoa Kỳ tại Afghanistan là không thể tránh khỏi ?
Đáng chú ý có bài phân tích của giáo sư Natasha Lindstaedt, Đại học Essex, Anh quốc, trên trang mạng The Conversation, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về cục diện địa – chính trị, dẫn đến thất bại không tránh khỏi của Hoa Kỳ. Bài viết nhan đề « Afghanistan : Thắng lợi của Taliban bất chấp hàng tỉ đô la của nước Mỹ » nhấn mạnh đến vị trí chiến lược của vùng đất Afghanistan tại khu vực Trung Á và Nam Á, với những xung đột nội bộ kéo dài nhiều thế kỷ, cùng các can thiệp thường xuyên của các thế lực bên ngoài trong suốt thế kỷ 20, từ Anh, Liên Xô, rồi tiếp đó là Nga, Mỹ, Iran, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và tất nhiên không thể không kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của Pakistan.

Afghanistan là một quốc gia đa sắc tộc, nơi không có một sắc tộc nào chiếm đa số áp đảo. Hai nhóm sắc tộc lớn nhất, là Pachtoun và Dari (tức ngôn ngữ cùng họ với tiếng Iran), chiếm lần lượt khoảng 40% và 25% dân số nước này. Trong suốt chiều dài lịch sử, nỗ lực độc lập của nhiều sắc tộc, trong đó có người Pachtoun, đều không thành công.

Theo nhà chính trị học Anh, các can thiệp sâu sắc của nhiều thế lực láng giềng khiến cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía phong trào Hồi giáo Taliban. Hầu hết các láng giềng của Afghanistan, « ngoại trừ Ấn Độ », đều ủng hộ phe Taliban ở các mức độ khác nhau.

Pakistan ủng hộ phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban, bởi một mặt họ lo ngại các phong trào ly khai của sắc tộc thiểu số Pachtoun, với 30 triệu dân (chiếm khoảng 15% dân số Pakistan), được người Pachtoun tại Afghanistan ủng hộ, mặt khác Islamabad muốn có thêm « quốc gia chư hầu », để đối trọng lại với Ấn Độ.

Pakistan đã góp phần quan trọng cho việc Taliban lên nắm quyền lần đầu tiên vào năm 1996. Thông qua vai trò của cơ quan tình báo quốc gia (ISI), chính quyền Pakistan đã tài trợ cho nhiều hoạt động của Taliban, tuyển mộ binh sĩ, cung cấp vũ khí, và hỗ trợ trong các chiến dịch quân sự. Người Pakistan thậm chí đôi khi còn chiến đấu trong hàng ngũ Taliban.

Chính quyền Hồi giáo Iran, cường quốc khu vực, vốn có quan hệ không dễ dàng với Taliban, bởi mâu thuẫn về ý thức hệ tôn giáo. Iran và Hoa Kỳ từng có các hợp tác để ngăn cản các đe dọa từ Taliban trong những năm 1990. Tuy nhiên, quan hệ Teheran và Washington xấu đi nghiêm trọng hai thập niên sau đó đã « trực tiếp » thay đổi thái độ của chính quyền Iran với Taliban. Iran dần dần thừa nhận Taliban, cùng lúc ủng hộ chính quyền Kabul và Taliban, và tìm cách lợi dụng các mâu thuẫn giữa hai thế lực này.

Quan hệ giữa Nga với Taliban cũng bất lợi cho Mỹ. Ngay từ những năm 1990, chính quyền Nga đã tìm cách củng cố khu vực biên giới phía nam, gần với Afghanistan, để ngăn ngừa các ảnh hưởng của Mỹ. Matxcơva thiết lập quan hệ với nhiều nhóm tại Afghanistan, kể cả với Taliban, bất chấp khả năng Taliban ủng hộ các nhóm khủng bố. Quan hệ Nga – Taliban cải thiện rõ rệt sau khi xuất hiện tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) vào năm 2015. Trong cuộc chiến chống Daech tại Afghanistan, Nga coi Taliban như đồng minh.

Trung Quốc cũng luôn có quan hệ hữu hảo với phong trào Hồi giáo này. Quan tâm chủ yếu của Bắc Kinh là mở rộng ảnh hưởng sang phía tây, để giành lợi thế về chiến lược với Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Chuyên gia Natasha Lindstaedt nhấn mạnh là, nếu như nhiều người lên án tổng thống Joe Biden rút quân, và không làm gì để ngăn cản lực lượng Taliban chiếm quyền, thì căn cứ trên cục diện tương quan lực lượng tại khu vực, rất ít có khả năng Hoa Kỳ có thể làm gì hơn để duy trì được ổn định tại khu vực.

2 / Hậu thuẫn của Pakistan với Taliban: Yếu tố quan trọng hàng đầu?
Theo nhà chính trị học Anh Natasha Lindstaedt, Pakistan đã can dự vào Afghanistan « hơn bất cứ quốc gia láng giềng nào khác ». Afghanistan là một vùng đất có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với Pakistan. Quan hệ giữa Pakistan và nước láng giềng ngay từ đầu đã xung khắc. Pakistan tuyên bố độc lập năm 1947, Afghanistan là quốc gia duy nhất tại Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu không công nhận quốc gia này. Một trong các lý do chủ yếu là vấn đề biên giới : Kabul từ chối công nhận đường phân định Durand, dài 2.400 km. Đường ranh giới Durand vốn được phân chia vội vã vào năm 1893 (theo thỏa thuận giữa đại diện của đế quốc Anh với một thủ lĩnh tại Afghanistan), đã chia tách một cách võ đoán các khu vực định cư lâu đời của hàng triệu dân thuộc cùng sắc tộc Pachtoun, cùng ngôn ngữ.

Lo ngại sự trỗi dậy của các phong trào đòi độc lập của người Pachtoun, chính quyền Pakistan chủ trương hậu thuẫn sự trỗi dậy của « bản sắc Hồi giáo » tại quốc gia láng giềng, để làm đối trọng. Về vấn đề này, giáo sư Olivier Roy, Viện đại học châu Âu ở Florence (Ý), một chuyên gia về Afghanistan, trong một bài viết trên La Croix (« Các thế lực nào hậu thuẫn Taliban ? ») cho biết cụ thể là, sau bước ngoặt 2001 (khi Hoa Kỳ lật đổ chính quyền Taliban để trả đũa vụ tấn công 11/09) lực lượng Taliban đã có được chỗ trú ẩn an toàn trên lãnh thổ Pakistan.

3 / Quan hệ Trung Quốc với Taliban: Có ý nghĩa đáng kể trong thắng lợi của phe này ?
Theo phóng viên kỳ cựu Richard Arzt, kênh truyền hình Quốc Hội Pháp, làm việc lâu năm tại Trung Quốc, về mặt chính thức, cho đến những tuần trước khi Kabul thất thủ, chính quyền Bắc Kinh vẫn tuyên bố ủng hộ chính quyền hợp pháp tại Kabul, nhưng Trung Quốc cũng song song có các đối thoại cấp cao với Taliban. Bắc Kinh ủng hộ bất kể chính quyền nào tại Kabul vì hai mối quan tâm chính: bảo đảm các hoạt động thương mại và kinh tế tại cửa ngõ của con đường giao thương sang phía tây (Trung Quốc và Afghanistan có chung 75 km biên giới), và không để Afghanistan trở thành hậu phương cho các hoạt động của những người Duy Ngô Nhĩ chống đàn áp của Bắc Kinh tại khu tự trị Tân Cương miền viễn tây.

Mối quan hệ tay ba Taliban – Trung Quốc và Pakistan có ý nghĩa đặc biệt. Pakistan vừa là « đồng minh » từ lâu của Bắc Kinh, vừa là thế lực hậu thuẫn cho Taliban. Theo Richard Artz, Islamabad đã gây áp lực để Taliban duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, để bảo đảm rằng các chủ nhân tương lai ở Kaboul không can thiệp vào số phận của hơn 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi tại Tân Cương, mà giới bảo vệ nhân quyền cáo buộc đang bị đàn áp khốc liệt.

Tuy nhiên, vẫn theo nhà báo Richard Artz, chính bản thân Taliban cũng đã có quan hệ lâu dài với Trung Quốc. Ngay từ những năm 1980, Bắc Kinh đã « ngầm thể hiện thiện cảm » với các lực lượng chống Liên Xô tại Afghanistan. Trong thời gian Taliban cầm quyền tại Afghanistan (1996-2001), Bắc Kinh cũng ủng hộ Taliban một cách kín đáo, đổi lại Taliban không can thiệp vào các cộng đồng người theo đạo Hồi tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã hoàn toàn nhắm mắt trước các đạo luật Hồi giáo khắc nghiệt, các xâm phạm nhân quyền của chính quyền Taliban. Trung Quốc tiếp tục hậu thuẫn các thủ lĩnh Taliban ẩn náu tại Pakistan, sau can thiệp của Mỹ năm 2001.

Giờ đây, với chiến thắng của Taliban, Bắc Kinh hy vọng sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống hai bên cùng có lợi khá lâu đời này. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng chỉ ra rằng : chơi dao có ngày đứt tay. Nhà chính trị học Natasha Lindstaedt ghi nhận : Một vài tuần lễ trước khi sụp đổ, chính quyền dân cử Afghanistan liên tục cảnh báo các quốc gia láng giềng đừng nên « tin tưởng ngây thơ » là Taliban sẽ cải tổ, sẽ giúp cho Afghanistan được ổn định. Với sự thắng thế của Taliban, nhiều thông tin cho thấy, các xâm phạm nhân quyền đang trở nên trầm trọng, và lãnh thổ Afghanistan có nhiều nguy cơ trở thành căn cứ địa cho các băng nhóm khủng bố mới.

Related posts