Tin Covid tại Việt Nam: Thực hư thông tin tử vong sau tiêm vắc-xin Trung Quốc ở TP. Thủ Đức

Hiểu Minh

Thực hư thông tin tử vong sau tiêm vắc-xin Trung Quốc ở TP. Thủ Đức

Nld – Liên quan đến thông tin được đăng tải trên mạng xã hội về một người phụ nữ ở TP. Thủ Đức tử vong sau khi tiêm vắc-xin Trung Quốc. Tối 18/8, trao đổi với báo Người Lao Động, Công an phường Tam Bình (TP. Thủ Đức, TP.HCM) cho biết thông tin trên là chưa đúng sự thật.

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook đăng tải thông tin kèm theo di ảnh bà V.T.T.T. (50 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) tử vong do tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Sau đó, trang Fanpage “Tôi Là Dân Quận 8” còn chia sẻ lại với nội dung: “Tử vong sau khi tiêm Covid-19 TQ, mọi người cảnh giác khi tiêm”. 

Ngay sau đó, người quản lý trang Facebook “Tôi Là Dân Quận 8” đã gỡ bài viết.

Ông V. (chồng của bà T.) cho hay sáng ngày 5/8, vợ chồng ông và những người trong khu phố được UBND phường Tam Bình phát phiếu đi tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 tại địa điểm tiêm trên địa bàn phường. Trước khi tiêm và khi đến điểm tiêm, cán bộ phường đều thông báo vắc-xin tiêm là loại AstraZeneca.

Theo ông V., tiêm xong, vợ chồng ông ngồi đợi ở điểm tiêm hơn 30 phút rồi trở về nhà. Sau khi về nhà bà T. vẫn bình thường, không có triệu chứng gì. Khoảng 10 ngày sau, bà T. cảm thấy khó thở nên được gia đình chở đến Bệnh viện TP Thủ Đức cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Qua giám định và lấy mẫu xét nghiệm, bà T. được xác định dương tính với COVID-19.

Khi nào Hà Nội có thể dừng giãn cách xã hội?

Zing – Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong một tuần qua (từ ngày 13/8), số ca dương tính với SARS-CoV-2 của Hà Nội duy trì ở mức 40-60 ca mỗi ngày.

Điều tích cực là số ca nhiễm cộng đồng tại Hà Nội đã giảm đi rõ rệt, từ việc chiếm tỷ lệ 50-60% tổng số ca mỗi ngày xuống còn khoảng 30%. Đặc biệt ngày 18/8, trong 51 ca nhiễm nCoV chỉ có 1 trường hợp CDC Hà Nội ghi nhận tại cộng đồng.

“Số ca nhiễm không tăng mạnh sau khi TP xét nghiệm diện rộng có thể coi là một thành công, nhưng chưa đủ để ta yên tâm. Với 50-60 ca nhiễm mới mỗi ngày, nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội vẫn rất phức tạp và dễ dàng chuyển biến xấu nếu chúng ta chủ quan”, GS.TS Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương) nhận xét.

Theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách xã hội bởi cần đánh giá rất cẩn trọng từng yếu tố, nhất là kết quả của công tác truy vết, bóc tách F0 và việc xét nghiệm sàng lọc trong tuần này.

“Trước mắt cần làm chặt việc giãn cách trong những ngày còn lại, tranh thủ thời gian xác định nguồn dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Trong 1 triệu xét nghiệm mà TP sắp làm, nếu số liệu không đột biến, số F0 cộng đồng thấp thì tình hình cơ bản đã ổn định, có thể nghĩ đến dừng giãn cách xã hội”, ông Phu nói.

Hết tiền thuê trọ, lao động tự do “vất vưởng” dưới gầm cầu, vỉa hè ở Hà Nội

Dantri – Trong những ngày giãn cách xã hội ở Hà Nội, nhiều người lao động tự do bị mất việc, không có tiền và không thể về quê. Họ phải sống tạm ở gầm cầu, vỉa hè… chờ đồ ăn từ nhà hảo tâm để sống qua ngày.

Hơn 10h đêm 18/8, tại khu vực gầm cầu vượt Nguyễn Chánh, đoạn qua nút giao đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Tục quê ở tỉnh Điện Biên ngồi trên vỉa hè, bên cạnh lỉnh kỉnh đồ đạc và một suất cơm hộp vẫn còn nóng.

Anh cho biết đang làm thợ xây cho một công trình xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ được khoảng 2 tháng thì phải tạm dừng vì dịch bệnh. “Từ hôm giãn cách xã hội thì bên chủ thầu cũng nuôi ăn ở được khoảng chục hôm. Sau đó, là đuổi chúng tôi ra ngoài thuê trọ và bảo bao giờ hết giãn cách xã hội thì sẽ gọi lại để làm việc. Và rồi từ đó cũng tắt điện thoại luôn, không ai liên lạc được nữa…”, anh cho hay.

Được biết, nhóm thợ xây của anh Tục có khoảng gần chục người, từ khi bị quản lý đuổi ra ngoài, mọi người đã rủ nhau đi bộ về Điện Biên vì không còn xe khách hoạt động, duy nhất anh Tục là không thể đi bộ về quê với lý do đau chân.

“Tôi đi bộ nhiều đến mức 2 bàn chân phồng rộp hết lên, mọng nước, đành lang thang ở Hà Nội để xin ăn. Cố gắng chờ đến khi nào dịch vụ xe khách được mở trở lại thì xin tiền các nhà hảo tâm để về quê thôi”, anh chia sẻ.

Trong 2 tháng làm thợ xây, anh chỉ nhận được vỏn vẹn 500 nghìn đồng tiền tạm ứng mua đồ dùng cá nhân. 

Ban ngày, anh Tục loanh quanh khu vực đường Trần Duy Hưng để xin ăn. Còn khi màn đêm buông xuống anh lại quay về gầm cầu vượt Nguyễn Chánh để trải tấm áo mưa, nằm ngủ. Chiếc điện thoại “cục gạch” là thứ quý giá nhất để anh liên hệ với người thân cũng đã bị kẻ gian lấy cắp lúc nào không hay.

Gần một tuần trở lại đây, anh Lường Văn Hào (21 tuổi, quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái) làm phụ hồ tại một công trình xây dựng ở Hà Nội phải sống vật vờ, tạm bợ ở chân cầu vượt vành đai 3 trên cao (đoạn đối diện bến xe Mỹ Đình) chờ tới khi Hà Nội hết giãn cách xã hội để bắt xe khách về quê.

Anh kể: “Tôi làm công trình xây dựng được hơn một tháng thì phải nghỉ vì dịch bệnh, từ đó tới nay ông quản lý công trường cũng mất tích luôn. Tiền lương thì không trả, giấy tờ tùy thân của tôi cũng bị ông ấy cầm đi luôn. Giờ không biết phải tìm ông ấy ở đâu”.

Cũng theo anh Hào, vào ban ngày, lực lượng công an đi tuần tra nên phải trốn vào các góc khuất hoặc đi xin ăn. Đến buổi tối mới dám quay lại đây để trải chiếu nằm ngủ. Ngày nào có các nhà hảo tâm đến phát cơm cho thì tốt còn không thì nhịn đói qua ngày.

“Mấy hôm bị ốm mệt em phải chạy ra hiệu thuốc, ngửa tay xin từng viên thuốc. Trong thời gian này phải cố gắng vượt qua khó khăn thôi chứ không biết làm thế nào cả”, anh Hào chia sẻ thêm.

Theo tìm hiểu, tại khu vực gần bến xe Mỹ Đình, nhiều người khó khăn không nắm được việc các xe khách không vận chuyển do đang giãn cách xã hội nên vẫn đến bến xe rồi đã vạ vật chờ ở đó trong nhiều ngày.

Tình người ở ‘siêu thị 0 đồng’ của hai nữ công nhân môi trường Hà Nội

Danviet – Đều đặn vào 5h30 mỗi sáng, 2 nữ công nhân Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội lại bắt đầu vận chuyển rau củ quả để phát miễn phí cho người dân. 

Chị Nguyễn Thị Ngoan (49 tuổi) và chị Nguyễn Thị Lượng (46 tuổi) trú tại thôn Tô Khê, xã Phú Thị (huyện Gia Lâm, Hà Nội) dù kinh tế không hề khá giả nhưng vẫn làm từ thiện, giúp rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Khi được hỏi, chị Ngoan tâm sự: “Dịch dã phức tạp, người dân không đi lại được, chúng tôi là công nhân môi trường nên cũng được đi lại dễ dàng hơn, vì vậy mình giúp được gì thì giúp”.

“Ngoài việc hái rau trong vườn nhà, chúng tôi đã dùng tiền của các nhà hảo tâm ủng hộ và của cá nhân để mua rau trong chợ gần nhà ở Gia Lâm”.

Địa điểm phát rau của “siêu thị 0 đồng” này thường đặt tại số 2 Lãng Yên (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) dành cho mọi người dân đang bị phong tỏa.

Được biết, do đặc thù công việc thường phải đi từ 4h sáng, nhưng các chị thường đi sớm từ 3h, để phân chia các túi rau. Ngoài ra, 2 chị cũng phải thay nhau dọn dẹp tuyến đường và phát rau cho mọi người.

Related posts