Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Hải quân Ấn Độ và Úc ký một thỏa thuận về phối hợp tập trận

Trọng Thành

Bộ Tứ QUAD họp thượng đỉnh qua hình thức trực tuyến ngày 12/03/2021. © AFP via Getty Images – KIYOSHI OTA

Báo chí Đài Loan hôm nay, 21/08/2021, loan tin Hải quân Ấn Độ và Úc vừa ký một văn bản Hướng dẫn chung về tập trận phối hợp.

Theo báo Đài Loan Taiwan News, đây là một động thái rõ ràng cho thấy nỗ lực gia tăng nhằm « ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương ». Hai tư lệnh Hải quân Ấn Độ và Úc, đô đốc Karambir Singh và đô đốc Michael Noonan, đã ký thỏa thuận trong một cuộc họp trực tuyến hôm 18/08. Văn bản Hướng dẫn chung về tập trận này là bước đi cụ thể nhằm triển khai Thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP), do thủ tướng hai nước ký kết hồi tháng 4/2020.

Thỏa thuận bao gồm các cam kết hợp tác chặt chẽ tại các không gian khu vực, mang tính đa phương, phát triển « khả năng tương tác ». Theo Indian Express, được Taiwan News dẫn lại, Ấn Độ và Úc dự kiến sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Hoa Kỳ vào cuối năm nay. New Delhi và Canberra là hai thành viên trong nhóm Bộ Tứ (QUAD), bao gồm bốn cường quốc Ấn Độ – Thái Bình Dương (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc).

Indian Express dẫn lời Hải Quân Ấn Độ, cho biết tài liệu Hướng dẫn chung này có ý nghĩa « then chốt trong việc củng cố cam kết chung nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ».

Tàu Ấn Độ đến cảnh Cam Ranh tập trận với Hải quân Việt Nam

Hôm thứ Tư (18/8), bốn tàu hải quân của Ấn Độ đã tập trận chung với hải quân Việt Nam trên Biển Đông, bao gồm diễn tập bắn và diễn tập trực thăng. Tàu Ấn Độ đến cảng Cam Ranh từ ngày 15/08. Ấn Độ cho biết hợp tác song phương với Việt Nam là « mạnh mẽ » và tàu chiến Ấn Độ thường xuyên cập cảng Việt Nam.

Cảng chiến lược Gwadar – Pakistan : Một đoàn xe Trung Quốc bị tấn công

Trọng Thành

Cảng chiến lược Gwadar ở Pakistan, ngày 13/11/2016. AP – Muhammad Yousuf

Lần thứ hai trong vòng một tháng, công nhân Trung Quốc làm việc tại Pakistan bị tấn công. Ngày 20/08/2021, vụ tấn công tự sát xảy ra nhắm vào một đoàn xe Trung Quốc tại tỉnh Baloutchistan, tây nam Pakistan, gần khu hải cảng chiến lược Gwadar, do Trung Quốc đầu tư.

Vụ tấn công khiến ít nhất hai người chết, ba người bị thương trong đó có một người Trung Quốc. Việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan gây lo ngại khủng bố sẽ gia tăng tại Pakistan, nơi hoạt động của nhiều phe nhóm Hồi giáo thánh chiến.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

« Một chiếc xe SUV tơi tả, vỏ xe méo mó, kính bị thuốc nổ phá tung, các bức ảnh truyền thông Trung Quốc công bố hôm nay (21/08), cho thấy mức độ dữ dội của khối thuốc nổ mà chiến binh tự sát gây ra khi đoàn xe đi qua. Bên trong những chiếc xe là các công nhân, người phụ trách làm việc trên con đường mới, nối liền cảng Gwadar với xa lộ từ Makran đến Baloutchistan. Đây là mùa hè cực kỳ nguy hiểm đối với mọi dự án của Trung Quốc tại Pakistan. Ngày 14/07 vừa qua, 13 người trong đó có 9 công dân Trung Quốc, đã thiệt mạng trên một chiếc xe buýt trở về đập Dasu, tỉnh Khyber Pakthnkwa.

Mục tiêu tấn công là tại một xa lộ, một đập thủy điện… Vào tháng 5/2019, đã có một cuộc tấn công nhắm vào một khách sạn hạng sang bên bờ cảng nước sâu Gwadar, khiến ít nhất 8 người chết. Mỗi lần xảy ra một vụ tấn công mục tiêu đều thuộc về các dự án chủ chốt của Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC).

Lịch trình tiến hành các dự án thường xuyên bị đẩy lui, do những khó khăn gặp phải trên thực địa, và đôi khi do thái độ ác của của một bộ phận dân chúng địa phương, là nạn nhân của tình trạng tước đoạt đất đai và tài nguyên. Tại các khu vực này, theo các chuyên gia về an ninh doanh nghiệp, các công ty Trung Quốc vẫn chưa phát triển được các phương tiện bảo vệ tương ứng với nguy cơ đe dọa gia tăng. Và chính các đại diện của chính quyền Trung Quốc cũng bị đe dọa. Hồi tháng 4 vừa qua, một quả bom phát nổ tại bãi xe của một khách sạn ở Quette, thủ phủ tỉnh Baloutchistan, nơi đại sứ Trung Quốc đang có mặt.

Phản ứng lại, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã một lần nữa cực lực lên án vụ tấn công, đồng thời yêu cầu chính quyền Pakistan có các biện pháp bảo đảm an ninh ‘‘thực tế và hiệu quả’’, ‘‘nhằm cải thiện cơ chế hợp tác về an ninh, để bảo đảm không tái diễn những sự việc tương tự’’.

Chính quyền Trung Quốc lo ngại sự gia tăng của các đe dọa tấn công sau khi quân Mỹ rút khỏi Afghanistan. Lần đầu tiên vào cuối tháng 7, Bắc Kinh đã cử một nhóm chuyên gia chống khủng bố đến Baloutchistan để điều tra về vụ tấn công gần đập Dasu và sơ kết về tình hình tại chỗ ».

Putin: Phương Tây thất bại ở Afghanistan vì muốn áp đặt mô hình cai trị ngoại lai

Trọng Nghĩa

Tổng thống Nga Vladimir Putin tặng hoa Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp tại điện Kremlin ngày 20/08/2021. AP

Thời sự Afghanistan cũng khuấy động chuyến thăm Moscow vào ngày 20/08/2021 của thủ tướng Đức Angela Merkel, nơi bà đã tiếp xúc với tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhìn chung, hai lãnh đạo đều đã tỏ vẻ hài lòng với sự phát triển thương mại giữa hai nước cho dù bất đồng giữa hai bên vẫn sâu sắc trên vấn đề nhân quyền.

Về hồ sơ Afghanistan, cả hai đều tỏ ra thực dụng, ông Vladimir Putin không ngần ngại phê phán phương Tây và nhấn mạnh sự cần thiết phải ổn định đất nước này.

Thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin tường thuật từ Moscow:

“Chuyến thăm chính thức cuối cùng của Angela Merkel tại Matxcơva được đánh dấu bằng tình hình ở Afghanistan. Trong cuộc họp báo sau buổi tiếp xúc, Vladimir Putin đã nêu bật chủ nghĩa thực dụng của Nga để phê phán phương Tây mạnh mẽ hơn nữa.

Ông nói: “Chúng ta phải ngừng hoàn toàn việc phớt lờ những truyền thống của các dân tộc khác. Chúng tôi biết Afghanistan và biết rất rõ nước này. Chúng tôi tin tưởng vào cách thức mà đất nước này nên được tổ chức và hiểu được là việc áp đặt ở Afghanistan các hình thức cai trị và cách tổ chức đời sống công cộng lạ lùng sẽ phản tác dụng như thế nào”.

Đây là một lời chỉ trích mà Angela Merkel đã ghi nhận. Thủ tướng Đức thừa nhận rằng liên minh quốc tế đã thất bại trong việc trao quyền cho người dân Afghanistan, nhưng bà vẫn nhấn mạnh rằng những nỗ lực ở Afghanistan đã giúp hàng nghìn phụ nữ thoát khỏi hoàn cảnh bấp bênh.

Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến tình hình Ukraina, nơi bà Angela Merkel sẽ đến thăm trong hai ngày tới. Và sau đó, Angela Merkel một lần nữa kêu gọi trả tự do cho Alexei Navalny, gọi việc giam giữ ông ta là điều không thể chấp nhận được.

Cuối cùng, khi kết thúc chuyến công du chính thức thứ 16 đến Matxcơva, thủ tướng Đức nhắc lại sự cần thiết của đối thoại, ngay cả khi có những bất đồng đôi khi rất sâu sắc. Theo bà, đó là cách duy nhất để đạt được thỏa hiệp”.

Vụ Navalny: Anh, Mỹ công bố thêm lệnh trừng phạt quan chức cấp cao Nga

Trọng Nghĩa

Biểu tình ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny tại Moscow, Nga, ngày 23/01/2021. REUTERS – MAXIM SHEMETOV

Luân Đôn và Washington hôm 20/08/2021 đã công bố nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các quan chức an ninh cấp cao của Nga. Những người này bị cáo buộc đóng vai trò trong vụ đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny cách đây đúng một năm trên một máy bay ở Siberia.

Bộ Ngoại Giao Anh đã nhắm vào 7 người, được xác định là thành viên của cơ quan an ninh Nga FSB. Những cá nhân này bị cấm nhập cảnh Anh Quốc, trong lúc tài sản của họ tại Anh sẽ bị phong tỏa. Luân Đôn nói rõ thêm là các biện pháp trừng phạt Nga “được thực hiện cùng với  đồng minh Mỹ”.

Cùng ngày, bộ Tài Chính Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo riêng biết là tổng cộng có 9 quan chức cấp cao và hai phòng thí nghiệm khoa học đã trở thành đối tượng trong làn sóng trừng phạt thứ ba này của Mỹ. Theo bộ Tài Chánh, bộ Ngoại Giao Mỹ đã xác định rằng “hai phòng thí nghiệm khoa học của bộ Quốc Phòng Nga đã tham gia vào các hoạt động nhằm phát triển khả năng vũ khí hóa học của Nga”.

Tối 20/08, bộ Ngoại Giao Nga đã lên án các biện pháp trừng phạt “đơn phương phi pháp” của Anh và Mỹ. Trong một tin nhắn trên mạng Telegram, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết : “Nga đã nhiều lần kêu gọi Anh và các đối tác của họ cung cấp bằng chứng cho các cáo buộc. Nhưng Anh và các đối tác tiếp tục phớt lờ những lời kêu gọi này”.

Merkel yêu cầu “thả” nhà đối lập Navalny, Putin từ chối

Đến Matxcơva ngày 20/08, thủ tướng Đức Angela Merkel đã yêu cầu tổng thống Nga Vladimir Putin trả tự do cho Alexeï Navalny, trong bối cảnh tròn một năm nhà đối lập bị đầu độc và ông đổ lỗi cho Điện Kremlin. Lời kêu gọi này bị tổng thống Nga từ chối.

Trong cuộc họp báo chung ở Matxcơva với Vladimir Putin, bà Merkel tuyên bố : “Một lần nữa, tôi đã yêu cầu tổng thống Nga thả Alexeï Navalny và đã nói rõ ràng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”.

Ông Putin giải thích rằng Navalny không bị giam giữ “vì các hoạt động chính trị của ông ta”, mà vì “tội hình sự gây ra cho các đối tác nước ngoài”.

Covid-19: Nghiên cứu Pháp xác nhận hiệu quả đáng kể của vac-xin

Trọng Nghĩa

Ảnh minh họa : Vac-xin Pfizer/BioNTech ngừa bệnh Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Santiago, Chilê, ngày 12/07/2021. © AFP / JAVIER TORRES

Việc chích ngừa Covid-19 cho phép giảm nguy cơ nhiễm bệnh xuống 8 lần và giảm nguy cơ bệnh nặng đến 11 lần. Đây là kết luận của một công trình nghiên cứu vừa được Cơ Quan Nghiên Cứu, Khảo Sát, Đánh Giá và Thống Kê (DREES) của Pháp hoàn tất và được lãnh đạo cơ quan y tế Pháp công bố ngày 20/08/2021.

Theo các số liệu thống kê khác nhau do DREES tổng hợp từ ngày 02-08/08, “số lượng xét nghiệm RT-PCR cho kết quả dương tính trên 100.000 người chưa được tiêm chủng lên tới gần 400 người, trong khi kết quả này chỉ được thấy ở hơn 50 người trên 100.000 người đã được tiêm chủng”, tức là ít hơn tám lần.

Trong một bản thông cáo báo chí, cơ quan DREES còn nói rõ thêm : “Những người chưa tiêm chủng chiếm 76% trong số những người bị xét nghiệm dương tính so với tỷ lệ chỉ là 12% đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ”.

Theo DREES, tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở những người chưa tiêm phòng cao gấp 2,5 lần so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ phát hiện người nhiễm virus cũng cao hơn so với những người chưa được tiêm chủng do việc áp dụng chứng nhận y tế.

84% ca nguy kịch là những người không tiêm chủng
Khác biệt giữa những người đã đã được tiêm chủng và không được tiêm chủng thậm chí còn rõ ràng hơn khi bệnh trở nên trầm trọng. Nghiên cứu vừa công bố ghi nhận là vào đầu tháng Tám, số lượng người dù đã tiêm chủng đầy đủ, nhưng vẫn phải vào các khoa chăm sóc bệnh tình nguy kịch, thấp hơn 11 lần so với những người không tiêm chủng.

Một cách cụ thể, trong tuần lễ đầu của tháng Tám chẳng hạn, “những người không chích ngừa chiếm 84% trường hợp nhập khoa chăm sóc đặc biệt, và 76% các trường hợp nhập viện thông thường”.

Đối với ông Salomon, “tiêm phòng giúp giảm đáng kể nguy cơ bị bệnh nguy kịch… Đây là một thông điệp rất quan trọng cho tất cả những ai vẫn nghi ngờ tầm quan trọng của việc tiêm chủng… Các loại vac xin mà chúng ta có ở Pháp có hiệu quả bảo vệ thực sự”.

AstraZeneca loan báo một liệu pháp phòng ngừa virus hiệu quả
Cũng trong ngày 20/08, tập đoàn dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca thông báo là họ đã thành công trong việc phát triển một phương pháp điều trị phòng ngừa “đầy hứa hẹn” chống lại Covid-19, căn bệnh do virus corona SARS-CoV-2 gây ra.

Được gọi là AZD7442, phương pháp điều trị bằng kháng thể này đã cho thấy kết quả đáng khích lệ sau một thử nghiệm lâm sàng lớn được thực hiện ở Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, với sự tham gia của 5.197 người (trong đó 75% có bệnh nền, tức là có thêm nguy cơ phát triển một dạng nghiêm trọng của Covid-19).

Theo AstraZeneca, loại thuốc tiêm (vào bắp thịt) này làm giảm 77% nguy cơ phát triển một dạng bệnh nặng ở những người không tiếp xúc với virus. Đối với tập đoàn dược phẩm này, vẫn “cần những cách tiếp cận khác cho những người không được vac-xin Covid-19 bảo vệ tốt”, nhưng “với những kết quả tuyệt vời này, AZD7442 có thể là một công cụ quan trọng trong kho vũ khí giúp mọi người chống dịch”.

Related posts