Di tản khỏi Afghanistan: Phương Tây chạy đua với thời gian

Anh Vũ

Hàng rào thép gai được lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ dựng lên để bảo đảm an ninh cho các chuyến bay di tản ở sân bay quốc tế Hamid Karzai, Kabul, Afghanistan, ngày 20/08/2021. AP – Lance Cpl. Nicholas Guevara

Từ khi thủ đô Afghanistan bị phe Taliban chiếm hôm 15/08/2021, sân bay Kabul trở thành lối thoát cuối cùng ra khỏi đất nước này của hàng ngàn kiều dân nước ngoài và người Afghanistan. Chiến dịch di tản chủ yếu do các nước phương Tây tiến hành. Các nước này đang phải chạy đua với thời gian, vì cuộc di tản ngày càng trở nên rối ren hỗn loạn, có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo quốc tế.

Có thể vì Kabbul thất thủ quá nhanh mà chiến dịch di tản hiện nay do các nước phương Tây tiến hành ở Afghanistan đã diễn ra bị động, thiếu phương tiện, không có tổ chức, điều phối đồng bộ. Một tuần sau khi Taliban kiểm soát Kabul, hàng nghìn người Afghanistan muốn chạy khỏi đất nước bằng các chuyến bay của các nước phương Tây đến sơ tán kiều dân của mình. Đó là những người từng làm việc cho các cơ quan, tổ chức của phương Tây, cùng gia đình của họ, và cả nhiều người cảm thấy sẽ bị đe dọa tính mạng dưới chế độ Taliban. Dòng người di tản ngày thêm đông này đổ về sân bay Kabul với hy vọng tìm được chỗ trên các chuyến bay chật kín người.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Sáu tuần trước đã đánh giá « đây là chiến dịch di tản bằng đường hàng không lớn nhất lịch sử » và đồng thời cũng khó khăn nhất.

Từ hôm 15/08, sân bay Kabul là điểm nóng nhất tại Afghanistan, với không khí hỗn loạn không kiểm soát được. Trong khi đó sức ép về phương tiện vận tải ngày càng đè nặng lên các nước tổ chức di tản. Đã có nhiều người chết trên đường ra sân bay cuối tuần qua.

Theo AFP, tổng cộng 6.000 quân Mỹ kiểm soát sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul. Đây là trung tâm đầu não của hàng không dân dụng cũng như quân sự của Afghanistan. Từ khi Taliban chiếm Kabul, tất cả các chuyến bay thương mại bị ngừng. Toàn bộ hoạt động không lưu do quân đội Mỹ kiểm soát. Chỉ có các máy bay quân sự được đi đến sân bay để tổ chức di tản thường dân nước ngoài hay Afghanistan. Có thể nói toàn bộ hoạt động sơ tán người nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ. Trong khi đó, chỉ còn hơn một tuần nữa đến ngày 31 tháng 8, trên nguyên tắc là hạn cuối cùng quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Điều này đang gây lo lắng cho các đồng minh, đặc biệt là Liên Hiệp Châu Âu.

Hôm 21/08, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu đã bày tỏ lo ngại : « Nếu người Mỹ ra đi, các nước châu Âu không có khả năng quân sự để chiếm lĩnh và bảo đảm an ninh sân bay, và Taliban sẽ nắm quyền kiểm soát ». Về phần mình, thủ tướng Anh Boris Johnson triệu tập khẩn cấp một cuộc họp trực tuyến giữa các nước thành viên G7 vào ngày mai 24/08 để tìm giải pháp cho cuộc di tản lớn tại Afghanistan. Theo ông Johnson, « điều sống còn là cộng đồng quốc tế phải cùng nhau hợp tác để bảo đảm các đợt di tản an toàn ».

Vấn đề ở chỗ là quân Hoa Kỳ hiện đang phải kiểm soát rất chặt lối vào sân bay, vì sợ khủng bố trà trộn trong dòng người di tản, tấn công người Mỹ.

Trước mối lo và sức ép của các nước đồng minh, tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua đã tuyên bố để ngỏ khả năng duy trì quân Mỹ tại Afghanistan sau ngày 31/08.  Một thách thức khác đó là chiến dịch di tản phải thực hiện bằng các máy bay vận tải quân sự, nên dẫn đến tình trạng thiếu máy bay.  Lấy thí dụ trường hợp của Pháp, từ khi lập cầu không vận đặc biệt để di tản kiều dân và người Afghanistan, mới chỉ có 4 chuyến bay về Paris với tổng cộng 500 người.

Từ ngày 14/08, đã có khoảng 30.300 người được di tản khỏi Afghanistan, theo con số của Nhà Trắng. Trong khi đó Washington hy vọng đưa được 15.000 người Mỹ và từ 50.000 đến 60.000 người Afghanistan cùng với gia đình của họ ra khỏi đất nước giờ đã nằm dưới sự kiểm soát của Taliban. Hôm qua, bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo đã ra lệnh trưng dụng các máy bay của nhiều hãng hàng không tư nhân để hỗ trợ chiến dịch di tản.

Lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu Josep Borrell nhận định : « Người Mỹ muốn đưa 60 nghìn người ra khỏi đó trước khi hết tháng 8. Chắc chắn là không thể được ». Phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby thừa nhận « chúng tôi đang chiến đấu với cả thời gian và không gian ».

Trong khi đó, hôm qua, tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phải ngăn chặn làn sóng tị nạn từ Afghanistan, vì trong số đó có thể có những « chiến binh » khủng bố giấu mình trong dòng người chạy khỏi Afghanistan, mà theo đánh giá của ông có thể lên đến hàng triệu người.

Afghanistan: Taliban thông báo bao vây quân kháng chiến ở thung lũng Panchir

Anh Vũ

Quân Taliban tại Kabul, Afghanistan, ngày 19/08/2021. AP – Rahmat Gul

Theo AFP, hôm 22/08/2021, phe Taliban thông báo điều hàng trăm chiến binh đến vùng thung lũng Panchir, phía đông bắc thủ đô Kabul, chiến khu của Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến do Ahmad Massoud lãnh đạo.

Trong lúc chiến dịch di tản tiếp diễn trong không khí hỗn loạn và đầy nguy hiểm tại sân bay Kabul, phe Taliban, hiện đang nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ đất nước, đã thông báo điều quân tấn công căn cứ kháng chiến duy nhất chống lại họ nằm tại thung lũng Panchir. Trên trang Twitter của họ, Taliban cho biết đã điều « hàng trăm chiến binh của Tiểu Vương Quốc Hồi giáo đến để kiểm soát bang Panchir sau khi các lãnh đạo địa phương từ chối bàn giao chính quyền một cách hòa bình ». Hôm nay, họ vừa thông báo đang bao vây vùng thung lũng này, nhưng tuyên bố muốn đàm phán, chứ không muốn đánh vào quân kháng chiến.

Hôm 15/08 vừa qua, trong khi Taliban dễ dàng tiến vào thủ đô Afghanistan thì một cứ điểm kháng chiến được hình thành trong vùng thung lũng Panchir, nằm ở phía đông bắc Kabul, lâu nay vẫn là thành trì chống Taliban. Lực lượng kháng chiến mang tên Mặt Trận Quốc Gia Kháng Chiến (FNR) do Ahmad Massoud lãnh đạo.

Phát ngôn viên của FNR, Ali Maisam Nazary tuyên bố với AFP Mặt Trận sẵn sàng cho “một cuộc xung đột lâu dài” với Taliban. Theo phát ngôn viên FNR, hàng nghìn người Afghanistan đã tới thung lũng Panchir để chiến đấu chống chế độ Taliban.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Reuters, lãnh đạo FNR Ahmad Massoud ngỏ ý hy vọng có thể mở đối thoại với Taliban, nhưng cũng nói thêm là lực lượng của ông sẵn sàng chiến đấu. Ahmad Massoud kêu gọi thành lập một chính phủ trong đó phải có đại diện của toàn bộ các nhóm sắc tộc của đất nước và ông nhấn mạnh « một chế độ toàn trị » sẽ không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Lãnh đạo FNR Ahmad Massoud là con trai của tư lệnh nổi tiếng Massoud, từng chỉ huy lực lượng chống quân Liên Xô, rồi sau đó chống quân Taliban. Ông đã bị tổ chức khủng bố Al Qaida ám sát ngày 09/09/2001.

Di tản trong hỗn loạn
Tại thủ đô Kabul, chiến dịch di tản kiều dân nước ngoài và người Afghanistan tiếp tục diễn ra trong hỗn loạn. Hàng nghìn người Afghanistan vẫn ùn ùn đổ về sân bay Kabul với hy vọng thoát khỏi Afghanistan.

Bên ngoài sân bay từ hôm qua, lực lượng Taliban áp đặt quyền kiểm soát an ninh. Đã có nhiều người Afghanistan bị bắn chết trước khi tới sân bay.  Quân đội Mỹ kiểm soát bên trong sân bay. Họ phải đối mặt với số lượng người di tản quá lớn, trong khi đó số  máy bay thì hạn chế. Việc sàng lọc các đối tượng ưu tiên di tản cũng hết sức khó khăn.

Theo thông báo của quân đội Đức, đã xảy ra nổ súng giữa lính Đức và lính Mỹ với một toán vũ trang vào sáng nay tại sân bay Kabul, khiến một lính gác Afghanistan thiệt mạng và 3 người bị thương. 

Biden: Mỹ có thể duy trì quân đội tại phi trường Kabul sau ngày 31/8

Thanh Hà

Lính Mỹ và lính Na Uy tại một chốt kiểm soát ở sân bay quốc tế Hamid Karzai, Kabul, Afghanistan, ngày 20/08/2021. via REUTERS – US MARINES

Tổng thống Joe Biden tối Chủ Nhật 22/08/2021 một lần nữa lên tiếng về tình hình hỗn loạn tại Afghanistan. Vẫn hy vọng hoàn tất rút quân trước ngày 31/08/2021, nhưng dưới áp lực của các nước đồng minh, Nhà Trắng để ngỏ khả năng quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện tại phi trường Kabul để bảo đảm công tác di tản.

Theo lời tổng thống Biden, từ khi Kabul rơi vào tay quân Taliban hôm 15/08/2021, Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho hơn 30.000 người sơ tán khỏi Afghanistan. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại Washington hy vọng đưa được 15.000 công dân Mỹ và trên dưới 60.000 người Afghanistan từng cộng tác với phương Tây ra khỏi quốc gia Nam Á này.

Thủ tướng Anh, Boris Johnson, trong cương vị chủ tịch luân phiên nhóm G7, thông báo cuộc họp của nhóm này về Afghanistan sẽ diễn ra trực tuyến vào ngày mai 24/08/2021. Bảy cường quốc công nghiệp trên thế giới họp phối hợp các chiến dịch di tản “an toàn”, tránh để xảy ra một cuộc “khủng hoảng nhân đạo”. Trước đó, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Âu, Josep Borrell, đánh giá các chương trình di tản “không thể hoàn tất trước thời hạn 31/08/2021” và hy vọng Mỹ sẽ “thay đổi lập trường” ở lại Afghanistan sau kỳ hạn nói trên nhằm bảo đảm an ninh cho các chương trình di tản. Nhiều tổ chức nhân quyền cũng đưa ra những lời kêu gọi theo hướng này.

Trong bối cảnh đó, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết đang “tiến hành đàm phán” về khả năng kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ tại sân bay Kabul sau ngày 31/08/2021 để hoàn tất chiến dịch sơ tán các công dân Hoa Kỳ và phương Tây, cũng như hàng chục ngàn người Afghanistan từng cộng tác với liên quân quốc tế, với chế độ Kabul. Sinh mạng của những người này bị Taliban đe dọa.

Thông tín viên Loubna Anaki từ New York cho biết thêm về áp lực càng lúc càng lớn đối với tổng thống Biden:

“Tôi tin chắc đã hành động đúng”, Joe Biden tuyên bố như trên. Tổng thống Hoa Kỳ một lần nữa bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Vào lúc chiến dịch di tản đang tiếp diễn trong bầu không khí hỗn loạn, nguyên thủ quốc gia Mỹ thông báo huy động khoảng 20 máy bay hàng không dân dụng cho mục tiêu này. Các chuyến bay nói trên nhằm đưa những người đã được sơ tán khỏi Kabul và những ai đã đến được các căn cứ quân sự của Mỹ đi định cư tại một quốc gia khác. Một lần nữa tổng thống Biden nhấn mạnh đây là một chiến dịch nguy hiểm. Quân đội Mỹ sẽ phải mở rộng địa bàn để bảo đảm an ninh chung quanh sân bay Kabul. Ông Biden cho biết “các điều kiện an ninh đang chuyển biến nhanh chóng. Quân khủng bố có thể lợi dụng tình thế để nhắm vào người Afghanistan hay các quân nhân Mỹ. Chúng ta phải đề cao cảnh giác đề phòng trước mọi đe dọa”.

Joe Biden vào ngày mai sẽ tham gia cuộc họp với các lãnh đạo nhóm G7 và ông bảo đảm là nỗ lực để vẫn có thể tôn trọng thời hạn rút quân ngày 31 tháng 8 này. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, sự hiện diện của Mỹ có thể sẽ được kéo dài để bảo đảm an toàn cho chiến dịch di tản.

Về phần Nhật Bản, sau hơn một tuần lễ Taliban chiếm được thủ đô Kabul, hôm nay, 23/08/2028, phát ngôn viên của phủ thủ tướng, ông Katsunobu Kato thông báo Tokyo sẽ điều máy bay quân sự để sơ tán các công dân Nhật khỏi Afghanistan. 

Related posts