Rơi vào tay Taliban, Afghanistan đối mặt trận ‘đại hồng thủy’ kinh tế

Vũ Dương

Taliban chiếm đóng thủ đô Kabul của Afghanistan (ảnh: Youtube/DW News).

Với việc Taliban củng cố sự kìm kẹp của họ ở Afghanistan, đất nước này phải đối mặt với một trận “đại hồng thủy kinh tế” khi các cường quốc thế giới và các tổ chức tài chính quốc tế chuyển sang giữ lại hoặc đóng băng hàng tỷ đô-la Mỹ tài sản và viện trợ cho một chính phủ được Taliban điều hành, theo trang SCMP.

Cuộc tấn công của nhóm chiến binh vào thủ đô Kabul của Afghanistan khiến lực lượng này phải chịu trách nhiệm về một nhà nước vốn đã sa lầy vào chiến tranh phụ thuộc rất nhiều vào đô-la Mỹ bên ngoài, dòng tiền mà trong hai thập niên qua đã trang trải 3/4 chi tiêu của chính phủ. 

Taliban có thể phải chịu hàng loạt các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hợp quốc, điều này được xem như một trong những nguy cơ kinh tế đối với Afghanistan.

Nếu không có dòng tiền đô-la, chính phủ hoàn toàn phá sản. Kabul đã nhận được 4,2 tỷ đô-la Mỹ hỗ trợ phát triển vào năm 2019.

Taliban đang phải đối mặt với áp lực rất lớn để cho người dân Afghanistan và thế giới thấy rằng, ngoài việc duy trì các nguyên lý đạo Hồi, Taliban còn có thể trả lương cho công chức, mua nhiên liệu, thu gom chất thải, điều hành bệnh viện và phát triển một đất nước hiện đã đại hơn và chuyển đổi nhiều hơn so với thời điểm nhóm này lần đầu tiên cầm quyền từ năm 1996 đến 2001. 

Vấn đề trước mắt là Afghanistan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, là nền kinh tế tiền mặt, với chỉ 10% dân số trưởng thành có tài khoản ngân hàng, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018. Đồng nội tệ – afghani –  được hỗ trợ bởi các chuyến hàng số lượng lớn đô-la Mỹ từ nước ngoài vài tuần một lần đến ngân hàng trung ương của Afghanistan.

Những khoản tiền này được rút từ khoảng 9 tỷ đến 10 tỷ đô-la Mỹ bằng ngoại tệ và vàng dự trữ cũng như các tài sản có tính thanh khoản như trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, theo Ajmal Ahmady, cựu lãnh đạo ngân hàng trung ương của đất nước, người đã trốn khỏi đất nước vào hôm Chủ nhật. 

Chuyến hàng cuối cùng của số tiền đó đến vào ngày mà Taliban chiếm giữ thủ đô, có nghĩa là đất nước này trên thực tế đang thiếu đô-la. Ngay cả trước khi Taliban tấn công Kabul, ngân hàng trung ương đã đặt giới hạn rút tiền. Kể từ đó, các tổ chức tài chính và các cửa hàng đổi tiền vẫn đóng cửa.

Nhưng khi những nơi này mở cửa, có thể dẫn đến việc người dân đổ xô ra ngân hàng để rút tiền mặt, điều này sẽ có “tác động rất tiêu cực đến sàn giao dịch và tác động tai hại đến nền kinh tế”, Anwar-ul-Haq Ahady, cựu bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương, cho biết.

Graeme Smith, một nhà nghiên cứu tư vấn của Viện Phát triển Hải ngoại, cho biết, nếu không có sự hỗ trợ cho đồng tiền afghani, những tuần tới có thể chứng kiến ​​sự gia tăng giá trị của afghani so với đồng đô-la cùng với sự gia tăng chóng mặt của giá thực phẩm.

Người Afghanistan có rất ít khả năng tiếp cận các nguồn đô-la khác. Western Union, một cứu cánh quan trọng để người Afghanistan nhận tiền từ nước ngoài, đã thông báo rằng họ sẽ tạm ngừng dịch vụ cho đến khi có thông báo mới. MoneyGram, một dịch vụ khác, dường như cũng đã ngừng hoạt động ở Afghanistan. Năm ngoái, tổng số tiền gửi về Afghanistan đạt khoảng 788,9 triệu đô-la Mỹ, gần 4% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.

Related posts