Mạn đàm về bức tranh ‘Sự Thật bước ra từ chiếc giếng’

Hương Thảo 

Bức tranh “Truth coming from the well armed with her whip to chastise mankind” vẽ năm 1896 bởi hoạ sỹ Jean-Léon Gérôme.

Sự Thật hốt hoảng leo lên miệng giếng, bối rối đuổi theo để giành lại bộ quần áo. Nhưng nàng đuổi tới đâu cũng có đám đông hai bên đường túa ra chỉ trỏ, cười nhạo vì nàng hoàn toàn lõa thể…

Chắc hẳn đã có nhiều người xem bức tranh “Sự Thật bước ra từ chiếc giếng” (Truth coming out of her well) của Jean-Leon Gerome (1824-1904), một danh họa người Pháp thuộc trường phái Hàn lâm, đồng thời cũng là nhà điêu khắc. Các bức tranh của Gerome đã được sao chép rộng rãi đến mức ông được cho là “Nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới năm 1880”. Vì Jean-Leon Gerome đã không để lại bất cứ bình luận nào cho họa phẩm của mình, nên những giả thuyết về câu chuyện ẩn sau bức tranh cũng có khá nhiều.   

Câu chuyện đằng sau bức tranh…

Có người cho rằng Gerome chủ yếu lấy cảm hứng từ “vụ án Dreyfus” nổi tiếng: Vào cuối năm 1894, một đại úy quân đội Pháp tên là Alfred Dreyfus, người Do Thái gốc Alsatian, bị buộc tội giao tài liệu bí mật cho quân đội Đức quốc xã. Sau phiên tòa xét xử kín, anh ta bị kết tội phản quốc và bị kết án tù chung thân. Vụ án này thường được coi là một trong những minh chứng phổ biến của sự bất công trong lịch sử hiện đại, và nó cũng là một trong những ví dụ đáng chú ý nhất về sự sai lầm của tòa án và chủ nghĩa ‘bài xích Do Thái’. Trên bức tranh vải là hình ảnh người phụ nữ mang tên Sự Thật, vẻ xinh đẹp nhưng bi thương hiện rõ trên khuôn mặt, nhân vật bước ra từ miệng giếng, tay cầm chiếc roi, dường như đang nói trong phẫn nộ: “Hỡi nhân loại, hãy đừng bỏ rơi ta!”

Cũng có người khoác lên bức tranh một câu chuyện. Chuyện kể rằng có một ngày hè, Sự Thật và Giả Dối tình cờ gặp nhau. Giả Dối rủ Sự Thật nhảy xuống giếng tắm cho mát. Sự Thật ngây thơ tin lời, bèn trút bỏ bộ xiêm y đẹp và nhảy xuống giếng. Chỉ chờ có thế, Giả Dối khoác ngay vào người bộ y phục đẹp đẽ của Sự Thật rồi bỏ chạy thật nhanh. Sự Thật hốt hoảng leo lên miệng giếng, bối rối đuổi theo để giành lại bộ quần áo. Nhưng nàng đuổi tới đâu cũng có đám đông hai bên đường túa ra chỉ trỏ, cười nhạo vì nàng hoàn toàn lõa thể. Sự Thật trần trụi thấy xấu hổ quá nên không đuổi theo Giả Dối nữa, mà chỉ bưng mặt trèo lại xuống đáy giếng, lặn trốn mất tăm. Kể từ đó, loài người không còn ai nhìn thấy được Sự Thật nữa. Họ chỉ thấy Giả Dối ung dung hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc. Họ luôn tán dương nó, vuốt ve nó, say mê nó, học đòi theo nó, chỉ vì vẻ ngoài hào nhoáng và đẹp đẽ mà nó đã ăn cắp từ Sự Thật. Sự Thật dẫu có tốt thì vẫn luôn là trần trụi, Giả Dối dẫu xấu xa nhưng lại vô cùng quyến rũ! Chừng nào loài người còn say mê trước những ngọt ngào và kiều diễm, thì chừng nấy Sự Thật còn ‘lặn rất sâu’ và khó có cơ hội hiện diện…

Mendacibus et histrionibus Occisa trong puteo jacet alma Veritas – Người nuôi dưỡng Sự thật nằm trong giếng, bị giết bởi những kẻ nói dối và ‘diễn viên’, tranh vẽ năm 1895 của Jean-Léon Gérôme.

Nếu hiểu bức tranh theo nội hàm của câu chuyện như vậy, thì rất dễ khiến người ta mắc sai lầm. Có người sẽ nghĩ rằng: “Ồ, vậy thì tôi cần gì quan tâm đến Sự Thật, tôi cứ ngọt ngào kiều diễm đi để được người đời yêu mến tán thưởng, danh lợi tình đều được chẳng vui sao?” Còn có người có thể nghĩ: “Sự Thật trần trụi như vậy, mình nói ra chẳng phải sẽ phải chịu xấu hổ, sẽ bị chỉ trỏ và cười nhạo sao, mình làm sao có thể chịu đựng điều đó, dù mình căm ghét Giả Dối, nhưng… có lẽ mình cứ im lặng câm nín đi cho an thân”. Tại đây, người viết bài này xin phép mạn đàm một chút về cảm thụ của mình khi xem bức tranh “Sự Thật bước ra từ miệng giếng” – cũng hy vọng giúp bạn đọc cởi bỏ những nút thắt trong tâm khi đối diện với sự thật.

Nếu các bạn đã từng thưởng thức những bức họa hoặc tác phẩm điêu khắc của Châu Âu thời Văn nghệ Phục Hưng cho tới cận đại rất phổ biến ở các Thánh đường Thiên Chúa giáo, bạn không khó bắt gặp các bức tranh gần như lõa thể mô tả các Thiên Thần. Bạn, với suy nghĩ của một người Á Đông, sẽ không khỏi đặt câu hỏi, vì sao nơi Thánh đường trang nghiêm lại có những bức tranh dễ khiến người ta bối rối như vậy? Kỳ thực, để hiểu được nội hàm văn hóa của những tác phẩm kinh điển, chúng ta cần xem xét chúng dưới lăng kính của tín ngưỡng tôn giáo và nền văn hóa đã tạo ra nó. 

Cảm ngộ nội hàm bức tranh từ góc nhìn tín ngưỡng

Tôn giáo coi thân thể người là tuyệt phẩm của tạo hóa, là tác phẩm mỹ thuật hoàn mỹ nhất, nơi Thần đã sao tác lại chính Thần thể của mình để ban cho con người. Vậy thì khi vẽ những Thiên Thần lõa thể, có lẽ các danh họa muốn thông qua đó để biểu thị cho con người nhìn thấy đặc ân của Thần, cũng là để biểu đạt sự thuần chân và thánh khiết của những sinh mệnh ở cảnh giới Thiên Đàng. Đồng thời, tôn giáo phương Tây cũng giảng đại ý rằng, con người nguyên là những sinh mệnh từ Thiên Đàng, vì mắc tội mà rớt xuống nơi trần thế. Vì vậy, hình ảnh người phụ nữ lõa thể tượng trưng cho Sự Thật trong bức tranh, chẳng phải là hình tượng mô tả phần thuần chân nhất trong tâm hồn mỗi chúng ta, chính là “chân ngã” của chúng ta, là thứ đồng hóa với cảnh giới của các sinh mệnh nơi Thiên Đường sao?

Rớt xuống hồng trần, chúng ta cũng khoác lên mình đủ thứ xiêm y – xiêm y ở đây có thể hiểu là tượng trưng cho những thứ dục vọng và chấp trước nơi người thường. Khi những dục vọng và chấp trước càng sinh ra nhiều, thì cô nàng Giả Dối cũng theo đó mà sinh ra và ngày càng lộng quyền. Cho đến một ngày, trong đống xiêm y lộng lẫy đó, ta tưởng rằng nó chính là ta, ta quên mất cả bản thân mình là ai rồi. Khi đó, cái quý giá nhất, cái chân mỹ nhất, cái được Thần đặc ân ban tặng, là “chân ngã” của chính ta, đang phải cơ cực núp dưới giếng sâu chờ đợi.

Nhưng, bộ xiêm y kia dù có lộng lẫy quyến rũ đến mấy, thì cũng chỉ là để hưởng chút vui thú nhỏ mọn ở nhân gian; “chân ngã” kia còn hay mất, nó mới chính là bạn. Kỳ thực những ai vì chút phù hoa nông nổi mà đi du hoan theo cô nàng Giả Dối, bỏ rơi cô nàng Sự Thật bi thương trong chiếc giếng, mới chính là đáng thương nhất, vì họ đã đánh mất chính bản thân mình. 

Trong cuộc sống cũng vậy, nếu vì sợ hãi hay xấu hổ mà không dám nói lời chân thật, thì có thể là ta vẫn đang bị giam hãm trong cảnh giới thấp nơi những quan niệm hậu thiên thao túng. Nếu có thể dũng cảm và vững vàng bước qua những rào cản đó, sẵn sàng chia sẻ sự thật với những người xung quanh bạn với thiện ý, chính là ta đã tìm về với chân ngã của mình. Khi nói Sự Thật, chính là tâm hồn bản ngã của chúng ta đang tỏa sáng; Khi nói Sự Thật, chúng ta không chỉ thiện tâm đối đãi với chính mình, mà là thiện tâm đối đãi với xã hội, với những người xung quanh bạn. Làm việc Thiện ắt có Thiện báo, chắc chắn Thần Phật sẽ bảo hộ cho bạn.

Với những người tu Đạo, tu tâm chính là tu Chân – nói lời chân thực, làm điều chân thực, phản bổn quy chân – là con đường tu luyện trở về nơi Thánh khiết.  

Trong thực tế cuộc sống, cái giá phải trả cho sự nhầm lẫn giữa Thật và Giả đôi khi rất đắt. Trung Quốc cổ đại có điển cố về Tào Tháo. Một hôm Tào Tháo cảm thấy không khỏe, bèn mời danh y Hoa Đà đến khám bệnh cho mình. Thuở ấy, các danh y Trung Quốc cổ đại đều là những người tu Đạo, có công năng. Hoa Đà thông qua công năng đặc dị đã nhìn thấy trong não Tào Tháo có khối u, cần mổ não làm thủ thuật loại bỏ khối u này. Tào Tháo không tin, cho rằng Hoa Đà muốn hại mình, nên bắt Hoa Đà giam lại, khiến Hoa Đà bị chết trong nhà ngục. Cuối cùng khi Tào Tháo thật sự mắc bệnh, ông ta cho người tìm Hoa Đà, thì Hoa Đà đã chết rồi. Tào Tháo vì nghi ngờ Hoa Đà mà phải trả giá bằng sinh mạng của mình.

Bức tranh “Sự Thật bước ra từ đáy giếng” cũng ngụ ý rằng, nếu ta có thể trầm tĩnh xem xét sự việc một cách thấu đáo, không mang theo định kiến, tìm về nguồn gốc chân thực của vấn đề, bóc tách những thứ “xiêm y” giả dối bên ngoài, kiên trì như vậy, dùng thiện tâm mà đối đãi bản thân và với xã hội, thì cuối cùng chúng ta sẽ tìm thấy Sự Thật và chân tâm bản ngã của chính mình.

Bạn còn có cảm ngộ nào khác với bức tranh thú vị này không? Hãy để lại bình luận cho chúng tôi nhé.

Hương Thảo

Related posts