Truyền thông hải ngoại: Bắc Kinh đã đánh giá quá thấp cái giá phải trả cho vụ Mạnh Vãn Châu

Phụng Minh

Người dân Trung Quốc tập trung ở sân bay chào đón bà Mạnh Vãn Châu về nước (ảnh: Youtube/South China Morning Post).

Sau vụ việc Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu được trả tự do, trong khi Trung Quốc còn đang tung hô sức mạnh quốc gia và gia tăng kích động tinh thần yêu nước mù quáng, một loạt các kênh truyền thông thế giới đã chỉ ra cái giá phải trả của Bắc Kinh trong vụ việc lần này không hề nhỏ.

Vào ngày 25/9 vừa qua, Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu được thả và trở về Trung Quốc; đồng thời, hai công dân Canada bị bắt và bị kết án bởi chính quyền Trung Quốc đã được thả về nhà. Trong khi các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thổi phồng vụ việc là một “chiến thắng” trước phương Tây và không bao giờ đề cập đến việc thả hai công dân Canada, thì các phương tiện truyền thông nước ngoài dẫn nhận xét của nhiều chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc nói rằng ĐCSTQ đã đánh giá thấp cái giá phải trả của việc sử dụng “ngoại giao con tin”.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin rằng Trung Quốc đã chứng minh cho thế giới thấy cách họ sử dụng “ngoại giao con tin” để giam giữ công dân nước ngoài như một công cụ chính trị và ngoại giao. Lynette Ong, phó giáo sư khoa học chính trị ở Toronto, nói với Washington Post: “Tôi nghĩ rằng ĐCSTQ đã đánh giá thấp cái giá phải trả của việc chơi kiểu ngoại giao con tin này. Danh tiếng của họ đã bị hoen ố rất nhiều”.

Cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, Guy Saint-Jacques, cũng nói với Washington Post rằng:  “Tôi đã cố gắng nói với Ottawa rằng ĐCSTQ là một băng đảng xã hội đen và họ đang đưa Trung Quốc đi theo hướng nguy hiểm. Chúng tôi sẽ phải trả giá. Phải đợi cho đến khi hai công dân Canada đã bị bắt giữ bởi ĐCSTQ, Thủ tướng Trudeau cuối cùng cũng mới hiểu phía mặt đen tối của ĐCSTQ”.

Sau khi chào mừng sự trở về của hai công dân Canada, Trudeau nói với giới truyền thông rằng ông sẽ nghĩ lại và phân tích vụ việc.

Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc Sophie Richardson nói với Liên minh Truyền thông Công cộng Đức rằng vụ Mạnh Vãn Châu cho thấy lãnh đạo ĐCSTQ sẵn sàng sử dụng những người vô tội làm con bài thương lượng để đạt được những gì họ muốn ở các nước khác. “Đây là một diễn biến đáng lo ngại.”

Tờ “Der Spiegel” của Đức cũng phân tích rằng việc hai công dân Canada được thả ra, đã chuyển một thông điệp đáng lo ngại rằng “ngoại giao con tin đang được thực hiện, trong khi Bắc Kinh là người chiến thắng trong cuộc tranh chấp này”.

Clarke, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Luật Đại học George Washington, nói rằng giao dịch này giữa Hoa Kỳ, Canada và Trung Quốc đã gửi một cảnh báo đến các nước khác rằng ĐCSTQ có thể tiếp tục “mạnh dạn sử dụng công dân nước ngoài làm con tin như một con bài mặc cả cho các cuộc đàm phán trong tương lai” một cách không nao núng.

New York Times bình luận rằng mặc dù có vẻ như ĐCSTQ đã thành công trong vụ Mạnh Vãn Châu, nhưng nó đã gây ra một cái giá chính trị là sự ác cảm lâu dài ở Canada. Cuộc thăm dò mới nhất của Pew trong năm nay cho thấy hơn 70% người Canada có cái nhìn tiêu cực về ĐCSTQ, và sự phản đối của họ đối với các sản phẩm của Huawei cũng ngày càng gia tăng. Vài năm trước, tỷ lệ này chỉ là 45%.

New York Times tin rằng mặc dù vụ Mạnh Vãn Châu bề ngoài đã giải quyết được một trong nhiều tranh chấp khiến mối quan hệ Mỹ-Trung rơi vào điểm tồi tệ nhất, nhưng nó không giúp giải quyết các vấn đề sâu hơn, bao gồm: nhân quyền của Trung Quốc, sự đàn áp hoàn toàn của ĐCSTQ đối với Hồng Kông, gián điệp mạng Trung Quốc, Trung Quốc đe dọa nắm quyền kiểm soát quân sự đối với Đài Loan, v.v.

Related posts