Không đủ tiền mua hộ chiếu vàng, “dân cấp thấp” Trung Quốc đi nước nào?

  • Mỹ Huyên

Nền kinh tế lao dốc, tỷ lệ thất nghiệp cao, ngoài những ông chủ doanh nghiệp tư nhân giàu có hay những người thuộc tầng lớp trung lưu ra, ngay cả những người dân bình thường mà giới chức vẫn gọi là “dân cấp thấp” cũng tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Một cư dân Quảng Đông đã di cư đến quốc gia nhỏ bé ở bán đảo Balkan, đông nam châu Âu cách đây một tháng. Cô tiết lộ rằng hơn chục người còn đến sớm hơn cả cô, trong tương lai, sẽ còn rất nhiều người sẽ đến đất nước này. Điểm đến cuối cùng mà họ mong muốn vẫn là các nền dân chủ phương Tây.

Phố thương mại Nicosia, quốc đảo Síp. (Ảnh: Wikipedia)

Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do, trong ba năm, quốc gia Liên minh châu Âu là Cộng hòa Síp đã phê chuẩn 1.400 “hộ chiếu vàng” cho người nộp đơn từ hơn 70 quốc gia, trong đó hơn 500 hộ chiếu cấp cho các quan chức chính phủ hoặc giới quyền quý Trung Quốc. Tuy nhiên, để có được “hộ chiếu vàng” này, người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro cho “Kế hoạch đầu tư Síp”. Có điều, người dân bình thường lấy đâu ra hàng triệu Euro để lên đường?

Hàng trăm nghìn nhân dân tệ là một con số khủng đối với người dân bình thường. Cách đây một tháng, một cư dân Quảng Đông họ Tôn đã đưa đứa con 11 tuổi từ Quảng Châu xuất cảnh và hiện đã thành công đến một quốc gia nhỏ ở đông nam châu Âu. Cô nói với Đài Á Châu Tự Do: “Tôi cùng con trai lên máy bay lúc 5 giờ sáng ngày 30/6. Tôi sợ rằng nếu Trung Quốc đóng cửa, thì với nền kinh tế trong nước bất ổn, nhiều người trẻ sẽ thất nghiệp, giống như con tàu bị rò rỉ bên trong, sẽ chết chìm với nhau. Tôi sẽ không về đâu, tôi đã lên kế hoạch ở đây rồi. Tôi không thấy Đại Lục tương lai sẽ có gì khả quan. Dù sao cũng chỉ có hai mẹ con chúng tôi, đi đâu cũng vậy thôi, đều là lưu lạc.”

Cô Tôn cho biết, thực ra việc ra nước ngoài cũng không được suôn sẻ: “Chúng tôi khi làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay Bạch Vân Quảng Châu, hải quan tra khảo rất lâu, hỏi chúng tôi rất nhiều thứ, hỏi chúng tôi đi đâu, tại sao đi, đi làm à,… Tôi còn có một cậu bạn đồng hành nữa. Cậu ấy là một thanh niên đến từ Thành Đô, Tứ Xuyên, tốt nghiệp đại học ba năm rồi, cũng muốn rời đi.”

Cô Tôn cho biết, cô đã chuẩn bị từ hai đến ba tháng trước khi rời Trung Quốc, nhưng hiện tại cô không muốn tiết lộ nước mình đang ở. Cô nói không muốn con đường này bị ĐCSTQ cắt đứt: “Hiện tại nước này còn chưa bị phong tỏa, những nơi khác bị phong tỏa rồi, không thoát ra được. Lúc đầu còn tưởng rằng có thể đi từ Hồng Kông, nhưng về sau kênh kinh doanh Hồng Kông không được phép đi.” “Còn nếu muốn quá cảnh từ Campuchia, khi chúng tôi mua vé, Campuchia cũng không cho đi. Ma Cao cũng vậy, không cho phép quá cảnh”.

Chi phí sinh hoạt ở nước ngoài thấp hơn ở Trung Quốc

Khi nói về điều kiện sống hiện tại, cô Tôn cho biết, lần này cô mang theo hơn 10.000 Euro (tầm 270 triệu VND), cộng với thu nhập từ cửa hàng trực tuyến, hiện tại cũng đủ trang trải: “Chi phí sinh hoạt ở đây tương đối thấp. Hiện tại, đối với chúng tôi, ăn ở là khoản chi tiêu chủ yếu. Tôi thuê phòng ở lầu 2 là 200 Euro (khoảng  5,5 triệu VND) một tháng, còn đồ ăn thì rất rẻ, mẹ con chúng tôi mỗi ngày tiết kiệm được khoảng 30 tệ (khoảng 100.000 VND) mà vẫn ăn no nê, thịt bò tôi mua ở Trung Quốc là 60 tệ (khoảng 200,000 VNĐ) được nửa kí, còn ở đây chỉ có giá 13 tệ (50.000 VND).”

Cô Tôn, gần 50 tuổi cho biết, bởi môi trường sống khắc nghiệt trong nước, nhiều người muốn bỏ đi, năm nay hơn chục người đã đặt chân đến đất nước nhỏ bé này: “Tôi biết một số người đi Tây Ban Nha, chắc là sau Tết Nguyên đán, tầng lớp trung lưu phải tốn 5 đến 6 triệu tệ (khoảng 16 – 19 tỷ VND) để nhập quốc tịch, họ đã xin visa năm ngoái và sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Chúng tôi thực vốn là định quay lại Campuchia, vì vé bay thẳng rất đắt,  19.000 tệ/người (gần 63 triệu VND).”

Cô Tôn có quen một doanh nhân họ Lưu ở Phật Sơn, Quảng Đông, do chính quyền ngăn cản nên ông không được phép ra nước ngoài cho đến khi thị thực Schengen hết hạn. Mặc dù, một số tài sản trong nước và ở Hồng Kông của ông đã bị ĐCSTQ đóng băng, ông đã quyết định từ bỏ chúng để cùng gia đình rời Trung Quốc Đại Lục. Cô Tôn nói: “Qua đây sống, một số người còn không mang theo nhiều tiền. Có một người giàu là chủ sở hữu ba nhà máy ở Phật Sơn, hai trong số đó đã bị ĐCSTQ đóng băng. Tài sản chuyển đến Hồng Kông cũng bị đóng băng. Con trai ông ấy 20 tuổi, và còn đang học ở Tây Ban Nha.”

(Ghi chú theo Wikipedia: Khối Schengen bao gồm 22 Quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu và bốn quốc gia không phải thành viên nhưng là thành viên của EFTA: Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Bulgaria, Croatia, Síp và Romania chưa phải là một phần của Khối Schengen nhưng họ có cùng chính sách thị thực với Khối Schengen.)

“Dân tầm cao” đến Mỹ, Canada và Tây Âu, “dân cấp thấp” đến Đông Âu

Cô Tôn tự mô tả nhóm người dân bình thường của mình là “dân cấp thấp”. Cô chia sẻ, ở Trung Quốc, những người có tiền hay không đều đã nhận ra rằng, sớm hay muộn họ cũng sẽ bị ĐCSTQ “bóc bánh”. Họ đều xuất phát từ bản năng “tìm lợi, tránh hại” mà tìm cách thoát khỏi Trung Quốc. Cô nói, giờ thì nhà giàu đến các nước thuộc Liên minh Ngũ Nhãn. Nhà nào trung bình thì đến các nước thành viên Schengen.

Cô Tôn cho biết thêm, rồi sẽ có một nhóm người Trung Quốc khác đến đất nước này: “Có rất nhiều, nhưng một số người thì không thể chạy rồi. Ít nhất đây là một quốc gia châu Âu, môi trường tốt hơn ở Đại Lục. Quan trọng hơn cả là tôi cảm thấy được tự do. Người bình dân ‘an phận thủ thường’ ở Trung Quốc còn khó sống và làm việc yên ổn, vậy nên tôi đã đưa con trai mình ra nước ngoài.”

Mỹ Huyên

Related posts