Con Ma Nhà Họ Hứa…

Phan

Những người làm chung hãng đều biết Dũng tuy cứng tuổi rồi nhưng còn độc thân. Mấy bà chị hay đùa với Dũng, “Dũng ơi, chờ ăn đám cưới em như trời hạn trông mưa lâu quá rồi nha Dũng…” Dũng chỉ cười trừ, trả lời trên trời dưới đất, “mấy chị có em gái đẹp toàn gả cho đại gia, hỏi sao em không ế?” Mấy bà chị lắc đầu, thở dài. Nhưng những cô em mà hỏi, “chừng nào anh Dũng mới cho ăn đám cưới anh đây? Đừng để tụi em chống gậy đi ăn đám cưới anh nha.” Lúc đó, anh Dũng cà khịa lại không kém cạnh, “anh lo đám cưới đủ hết rồi mấy cưng, chỉ còn thiếu cô dâu! Không biết có em nào rảnh, giúp anh với?”Nhưng với cánh đàn ông thì lại ủng hộ chuyện Dũng còn độc thân, “Nhớ nha Dũng, ai cũng tuổi trẻ dại khờ nên tụi anh mới bị dụ. Còn mày sống tới có tóc bạc hãy còn độc thân thì đừng để một phút mềm lòng nghe lời bọn xấu.” Người điềm đạm nhất trong anh em cũng không có ý khác, “kể ra khi còn trẻ có bị dụ cũng đỡ thê thảm hơn khi có tóc bạc trên đầu rồi mới lâm nạn. Bảo trọng nha Dũng.” Ông già U70 nói xong cười lỏn lẻn, hát, “người hẹn cùng ta đến bên bờ suối, rồi lừa được ta tắm chung dòng suối…” Làm già trẻ đều ông bụng cười.

Anh chị em làm chung hãng cứ đùa vui khi rảnh rỗi như thế, nhưng nhìn lại thì làm chung với nhau đã nhiều năm; từ anh chàng Dũng mới vô hãng, sau lưng anh đã thì thầm chuyện của cánh phụ nữ, “còn độc thân đó nha! Không biết kén quá nên ế, hay hận đàn bà?” Cô khác lại nói, “miễn đừng xăng pha nhớt là được. Hãng này dư bóng rồi.”

Cứ, “cười lên đi em ơi, cười để giấu những dòng lệ rơi…” Dũng hay hát nhạc Lê Hựu Hà, lại chơi ghi ta hay, tính tình rộng rãi, tốt bụng với mọi người, nên tôi không hiểu sao anh ta lại độc thân đến nửa đời người vẫn đi về lẻ bóng. Những lúc làm việc chung nhau, qua thăm hỏi mà tôi còn nhớ được. Dũng nói, “Hồi năm 75 em còn đi học. Sau đó đi bộ đội, qua Miên hết mấy năm. Hồi giải ngũ về đi bán chợ trời với tấm ny-lon, với thằng bạn xin ở lại bộ đội người ta không cho vì hết gạo rồi, nhưng về thì nó không biết về đâu vì không có gia đình. Hai thằng em kiếm sống qua ngày trước nhà chú Hoả, bữa đói bữa no vô chừng thì em tính gì tới chuyện lập gia đình nên bạn gái em vượt biên không nói lời từ giã. Lúc đó em thấy đàn ghi ta có tình nghĩa hơn đàn bà nên em không chơi đàn giải trí như khi còn đi học mà em học đàn nghiêm túc, học thêm một lớp sáng tác nữa. Cũng không ngờ lại có bạn gái trong lớp học nhạc, nhưng rồi cũng không đi đến đâu vì cha cô ta là cán bộ ngoài bắc vào, làm quan lớn nên gia đình giàu sụ. Trong khi ba em mới đi tù cải tạo về, nhà nghèo rớt mồng tơi. Trong hoàn cảnh đó, ba em cấm hết con cái có bạn gái, bạn trai vì ông không muốn ở lại Việt nam thêm ngày nào nữa, ông ngày đêm trông đi nên không muốn con cái vướng vào chuyện hôn nhân để lại phải chờ đợi bổ túc hồ sơ cho con dâu, con rể, lỡ có cháu nội hay cháu ngoại ra đời nữa thỉ ông già em cắn lưỡi…

Cuối cùng gia đình em đi diện H.O theo ba em. Qua Mỹ là làm lại từ đầu. Tới lúc đời sống, việc làm tạm ổn thì như tuổi lập gia đình đã qua, hết hứng thú. Phần cha mẹ đã già, nhìn đi nhìn lại chị với em gái đều đã chồng con lu bu, anh trai em cũng có gia đình với tình xưa nối lại trên đất Mỹ vì chị dâu tương lai hồi xưa cũng đi vượt biên với gia đình chị. Sang Mỹ chị đi học lại và sau đó lập gia đình, có đứa con rồi mới ly dị trước khi anh trai em qua Mỹ mấy năm. Hai người nối lại tình xưa nhưng cha mẹ, gia đình em chống đối dữ quá. Ba em không nói chuyện với anh trai sau khi anh lập gia đình cho tới ông già mất; mẹ em thì thương con, thương cháu, nhưng cũng giữ khoảng cách với con dâu tới cuối đời, dù chị dâu đối xử rất tốt với gia đình em. Em cũng tính nối lại tình xưa từ khi gặp lại người vượt biên không nói, nhưng chắc nó thấy em rách quá nên nó không ly dị, em ở vậy riết rồi quen. Mấy năm trước, nhỏ em gái giới thiệu cho em bà chị bạn lỡ thời của nó, nhưng có duyên không nợ nên cuối cùng cũng đường ai nấy đi…

Tôi nghe tâm sự của Dũng thấy quen quen nên hai anh em có thân tình với nhau hơn trong những đồng nghiệp lại đồng hương khác. Tới đầu mùa dịch là gần hai năm rồi. Ai cũng đi làm trong lo sợ vì nghỉ việc thì lấy gì sống nhưng đi làm thì sợ lây lan nên đồng nghiệp bỗng dưng bị câm tập thể, gặp nhau chỉ gật đầu thay lời chào, lắc đầu là từ chối rủ rê ra hồ câu cá nhưng để nhậu vì hàng quán đóng cửa hết trơn. Thời cô vít buồn đến nỗi cả hai việc chào hỏi hay từ chối đều kèm theo nụ cười buồn làm cho không khí mùa dịch càng ảm đạm hơn với hàng quán bên ngoài im ỉm đóng, phố xá ngậm ngùi như goá phụ cô đơn. Tôi với Dũng thường đi câu cá vì ra hồ mênh mông nên an toàn khoảng cách cần thiết. Còn trong thùng nước đá đi câu thì sẵn bia với nem chua, chả lụa, hay thịt nướng, thịt nguội tự làm. Hai anh em cứ ngồi trông trăng lên để về ngủ, ngày mai lại đi làm hơn là trông cá cắn câu. Nhưng thời đi câu trốn dịch ấy cũng qua đi khi Dũng bỗng dưng bỏ tôi một mình ngoài hồ với con cò già to như con ngỗng, nó đứng bên hồ hiu quạnh ngắm chị Hằng đã mấy trăm năm nên nó già như trăng, có hỏi nó nó cũng chả nhớ chị Hằng vì sao bị trói dưới gốc cây đa để nó trông vời áo tiểu thơ từ khi nó còn trẻ…

Có những hôm vào hãng, Dũng xin lỗi hôm qua không ra hồ với anh được vì bận việc riêng. Tôi nói việc quái gì trong mùa dịch này? Cô vít không tìm em nên em đi tìm cô hả? Anh em cười xí xoá với nhau, nhưng từ đó trong cái khoảng cách hai mét của thời đại dịch như có thêm một bức màn bí mật, ẩn hiện trong quan hệ anh em. Dũng không đi câu mỗi ngày với tôi như trước nữa vì bận việc riêng ngày càng nhiều hơn. Tôi cũng tự an ủi có con cò già chờ mình ngoài hồ. Nó đứng mỏi chân này thì đổi chân kia, chứ không đứng hai chân như người ta hứa chắc nên nó không lỗi hẹn bao giờ. Cho tới hôm thèm bún bò huế nên trước giờ về, tôi gọi đặt trước một phần đem về nhà ăn vì thành phố đã cho tiệm ăn mở cửa lại nhưng chưa cho khách ngồi ăn trong tiệm. Tới nơi thấy Dũng cũng mua đem về nhà ăn, Dũng vừa ra cửa với túi ny-lon không thể một người ăn nên tôi lái thẳng luôn để không chạm mặt Dũng. Sau đó trở lại lấy phần của mình và hỏi cô bé du sinh đã nhẵn mặt mấy chú bụi đời…

“Chú vừa mua bún bò đem về nhà, vừa ra cửa đó mua mấy tô vậy cháu?”

Cô bé trả lời, “Dạ chú ấy mua hai tô.”

“Chú ấy mua thường không?”

“Dạ chừng hai, ba lần một tuần, hai vợ chồng chú ấy chắc thích ăn bún bò huế, thì tiệm cháu là ngon nhất xứ này rồi…”

“Chưa chắc đâu con gái. Mua về nhà mà mua phở thì về nhà chỉ còn ngon một nửa so với ăn ngoài tiệm, nếu để tủ lạnh qua đêm thì hôm sau bỏ luôn chứ ăn gì nữa. Nhưng bún bò huế thì được nên mua về nhà người ta thường mua bún bò; hay mì bò kho, chứ bò kho bánh mì cũng không được vì ổ bánh mì qua đêm hơi khó nuốt…”

Cô bé ấm ức vì tôi không công nhận bún bò ở tiệm cô ngon nhất xứ này nên tôi cũng muốn làm vui lòng cô bé liều mạng đi làm mùa dịch. Bình thường du sinh đi bưng phở, bưng bún bò ngoài tiệm chỉ được vài chục một ngày, chúng lại chỉ làm được vài giờ/ ngày vì còn phải đi học nên tiền kiếm được không bao nhiêu. Nhưng mùa dịch không ai dám đi làm nên chủ tiệm trả lương nhân viên hai mươi đô la một giờ cũng không ai dám đi làm ngoài mấy cháu du sinh liều mạng kiếm tiền, vì chúng đơn thuần là du sinh chứ không phải con ông cháu cha trong nước ra hải ngoại ăn chơi dưới hình thức du sinh để che mắt thiên hạ.

Tôi cười một mình vì đã vén lên được bức màn bí mật, ẩn ẩn hiện hiện mà tôi chỉ cảm nhận được trong cái khoảng cách hai mét bắt buộc trong hãng, tự giác ngoài hồ câu cá… những lúc không dưng thấy Dũng nhìn xa vắng ra bãi đậu xe như có tâm sự, khi có điện thoại cũng không ngồi tại chỗ trả lời điện thoại như xưa mà đi tìm chỗ khuất mới nói điện thoại. Dũng còn nhiều biểu hiện khác thường khác nữa, nhưng tựu chung là có vấn đề. Vài cô em trong hãng cũng nhìn ra anh Dũng lúc này không mắc dịch nhưng có triệu chứng cô vật. Cô này có vẻ dữ dằn hơn cô vít nên anh hay thẫn thờ. Nhưng bọn nhiều chuyện dò hỏi thì đây không bán dưa lê.

Để vui lòng cô bé du sinh tội nghiệp, mới nhuốm tuổi đầu đã bảo hoàng hơn vua, không công nhận bún bò tiệm cô ngon nhất thành phố là cô buồn ra mặt dù cô chỉ là người giúp việc cho tiệm. Tôi muốn cô bé vui nên thương lượng, “Chú nhờ cháu giúp một chuyện nhỏ thôi, không biết có được không?”

“Chú nói đi, nếu được thì cháu sẵn sàng.”

“Cảm ơn cháu. Mùa dịch mà biết nghĩ như cháu thật là quý vì hôm nay gặp, không chắc ngày mai còn gặp. Chú vừa gặp lại người bạn cũ đã lâu không gặp là chú đến lấy bún bò đem về nhà trước chú ban nãy, nhưng gọi chú ấy không kịp. Bây giờ chú nhờ cháu một việc nhỏ là chú trả tiền tô bún bò của chú với hai tô nữa là ba tô, mời cháu với bạn trai của cháu hai tô nữa là năm tô. Lần tới bạn chú đến lấy hai tô bún bò thì cháu giao bún nhưng không lấy tiền. Nhờ cháu nói với chú ấy là bạn chú gặp chú lần trước nhưng kêu không kịp nên trả tiền trước cho chú hai tô, coi như mời cô chú ăn bún bò mùa dịch. Chú nhờ cháu như vậy có được không?”

“Cháu chắc chắn với chú là được. Lúc này cháu đâu có đi học nên ngày nào cũng đi làm, ngày nào cháu cũng ở đây từ sáng tới tối. Cảm ơn chú mời cháu với bạn trai hai tô, nhưng cháu chưa có bạn trai nên cháu ăn hai lần, được không chú?”

“Ở Mỹ, ăn là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là kiếm đủ tiền đóng tiền học không?”

“Dạ đủ. Không dư.” Cô bé ngậm ngùi như bẩm sinh thỏ thẻ… “ba mẹ cháu trong nước cũng đâu làm ăn được gì mùa dịch mà gởi tiền cho cháu đóng tiền học, tiền ăn, tiền ở bên đây. Cũng may nhờ dịch cháu lại có việc làm hai mươi đồng một giờ. Cháu tự túc được.”

“Chúc mừng cháu, nhưng phải hết sức cẩn thận với dịch bệnh. Bảo trọng sức khoẻ nha cháu. Cái dịch này nó không chừa già trẻ gì đâu.”

Ba ngày sau, Dũng kể tôi nghe chuyện không biết ai đã trả tiền trước cho Dũng hai tô bún bò ngoài tiệm. Dũng không thắc mắc nhiều về người bạn quên nói ra tên họ với cô bé phục vụ xách bún bò ra xe cho khách, Dũng chỉ khó hiểu trong bạn bè ai không biết là Dũng cô đơn sao lại cho tới hai tô?

Hình như những người được xem như ca nhạc sĩ thì họ thường đi trên mây nhiều hơn dưới mặt đất, bay bổng theo lời ca tiếng nhạc nên không biết dưới phàm có hai thứ không giấu được bao giờ là khói và yêu. Nhốt khói ngàn năm trong hộp kín thì mở ra khói vẫn bay lên, tình yêu còn kinh hơn nữa, trước khi nó đến đã làm thay đổi hẳn một con người.

Hai anh em tôi không nói tới nữa, không nhắc lại chuyện đã qua cho đến cả tuần sau, Dũng không vui vẻ như thường nhật, thậm chí cau có. Tôi mặc kệ bạn vì biết rõ nguyên do hơn cả bạn. Rồi nghĩ xa nghĩ gần cũng nên hỏi để giúp được gì cho bạn thì giúp. Tôi hỏi Dũng, “vậy hai tô bún bò bạn cho, Dũng ăn làm sao cho hết, sao không gọi anh một tiếng?”

“Thì em cũng một tô thôi, tô còn lại cho con ma nhà họ Hứa…”

“Ê. Đừng có nói chơi nha. Con ma nhà họ Hứa đẹp lắm đó, cỡ anh em mình chưa chắc có tên trong danh sách đợi…”

“Thôi anh đừng có cà khịa nữa đi, em đang bực mình.”

“Hey. Mắc mớ gì tới anh chứ?”

“Anh tưởng em không biết hả? Con nhỏ bún bò quên hỏi tên anh nhưng nó nhớ chú ấy tóc dài, lái cái xe to như xe tăng…”

“Vậy là Dũng biết hết rồi, lại đúng nữa. Nên bây giờ anh em mình nói chuyện nghiêm túc, không cà khịa. Một, anh muốn hỏi: Xuất xứ của con ma nhà họ Hứa. Hai, anh muốn biết: Cô vít đang được mùa sao em lại đi chơi với cô ma? Ba, anh không hiểu là sao Dũng giấu anh?”

“Chuyện gì cần thì mới nói chớ, chuyện không cần nói ra mất thời gian…”

“Thôi được. Xuất xứ? Nói đi…”

“Em của ông bạn. Chắc chứ không biết đúng hay sai là thất tình nên đi rông. Làm chuyến du lịch qua Mỹ cho khuây khoả. Tới trạm dừng chân thăm ông anh ở Dallas bị kẹt luôn ở đây vì cô vít. Phải như đôi ngày thì nói làm chi, đằng này kẹt không biết tới bao giờ nên bên ngoài dịch bệng ngày càng căng thì bên trong cánh cửa gia đình còn căng hơn với bà chị dâu không muốn nuôi báo cô ai bao giờ. Trong khi em thì ngày nào không đi câu, ăn chùa của anh thì ghé nhà ông bạn ăn ké bữa chiều, uống vài ve rồi về ngủ. Không ngờ dịch hiểm không bằng lòng người, ông bạn với bà vợ cứ ngại dịch nên ở miết trong nhà, vậy là để cô em ngồi chơi với em ngoài sân sau nhà tới chừng nào em muốn về thì về…”

“Hiểu rồi. Chuyện tội nghiệp quá, có bầu chưa với mùa hè Dallas, gió đưa bụi chuối sau hè/ giỡn chơi một chút ai dè có thai, hà hà hà….”

“Anh đúng là mắc dịch, anh nổi tiếng mắc dịch là phải.”

“Vậy để anh nói tiếp cho vì đằng nào anh cũng lỡ mắc dịch rồi, nhưng không mắc mứu như gương mặt khó coi của em. Theo anh nghĩ là bà chị dâu không muốn cô em chồng sống chung trong gia đình vì sự hiện diện của cô sẽ tăng thêm phần chật chội và tốn kém cho gia đình tôi, nhưng lấy lý do dịch cần cách ly nên nói xa nói gần cho cô em chồng rời khỏi nhà. Và… dọn qua nhà em ở bao lâu rồi?”

“Không quan trọng bằng bây giờ về Việt nam được rồi, nhưng nhất định không về mới chết cha em luôn.”

“Nên em gọi là con ma nhà họ Hứa? Hứa buông tha nhưng dễ gì…”

“Không phải, chỉ vì em ưa nhớ về thời khốn khó đi bán chợ trời với thằng bạn mồ côi. Những ngày mưa ế ẩm, trời tối sớm lại cúp điện tuần hai lần, lần mười lăm ngày thời đóng cửa, anh còn nhớ không? Hai thằng em ngồi uống xị rượu cây lý với dĩa gỏi vịt không thấy thịt vì chỉ đầu, cẳng, cánh trộn với bắp cải, rau răm. Em ngồi đệm đàn cho đỡ buồn, nó ngồi nhìn lên cửa sổ nhà chú Hoả trên lầu cao, chỉ mong được nhìn thấy con ma nhà họ Hứa một lần là mãn nguyện vì nó tin ở Sài gòn không có ai đẹp hơn con ma nhà họ Hứa… Nó làm em cũng tin theo là con ma nhà họ Hứa đẹp không đối thủ vì nó còn kể cho em nghe về những cô gái bệnh cùi có điểm đặc biệt là tới tuổi dậy thì, các cô đẹp không đối thủ cho tới tuổi trưởng thành thật sự mới bắt đầu phát bệnh… chuyện nó kể tiếp theo không nên nghe vì ghê gớm lắm nên em cũng mơ theo được diện kiến con ma nhà họ Hứa một lần cho mãn nhãn… không ngờ mấy chục năm sau em mới được thực mục sở thị.”

“Dũng không định nói với anh là bạn gái của em…”

“Thà nó cùi tay, rụng lóng chân cùng nhà cũng không khiếp bằng cái gì nó cũng nhặt nhạnh về để cùng nhà. Bây giờ nhà em như cái vựa ve chai nên em mới gọi là con gái chú Hoả, con ma nhà họ Hứa… Mùa dịch thì làm gì ra tiền nên em chia bớt tiền lương của em cho xài, thì mua đồ trên mạng. Mua hết mọi thứ rẻ, miễn rẻ là mua, mua không cần biết là có cần hay không, có xài tới hay không. Em gọi là con gái của ông chủ vựa ve chai thì buồn. Hồi em nổi điên em ném những thứ làm em vấp chân ra sân thì giận. Em đuổi thì thấy mình bất nhân, thấy má em trong giấc ngủ, má em cứ rửa từng cái chai, cái lọ, đem phơi nắng rồi chất vô tủ tới không còn tủ để xài, để chứa những thứ thật sự gia đình cần.

… Mấy lần em định làm căng cho thị đi luôn, nhưng cứ nhớ nhà em sau đám tang má em. Anh chị em đều có nhà riêng nên căn nhà chung hồi qua Mỹ còn lại mình em. Em dọn ra bao nhiêu là chai lọ mà má em đã rửa kỹ, phơi nắng, chất đầy hết các tủ. Em bỏ hết vô thùng rác tái sử dụng. Nhưng chỉ qua đêm khó ngủ, chưa tới ngày thành phố lấy rác thì đi làm về, em lại nhặt ra chất đầy nhà để xe vì không phụ lòng má mình được. Phải mất mấy năm, chị em, em gái của em, chị dâu ghé nhà tha từ từ mới hết. Em không muốn cảnh đó tái diễn thêm một lần nữa trong đời…”

‘…Khó ha. Anh hiểu, rất hiểu; vì chính anh cũng đã từng rửa những cái vỏ chai rượu vodka thật đẹp, đem phơi nắng, rồi cất vô tủ. Đó là lúc anh nhớ tới cô bé học trò và trận đòn. Hôm đó anh đi đá banh ngoài sân bay trực thăng về. Ngang qua nhà cô học trò nhỏ nên cô bé đang hái đậu bắp, cà tím, cà dĩa, cà chua còn xanh… đã lớn tiếng chào thầy. Cha cô bé là một ông chăn vịt mướn cũng nhanh chân ra ngõ chào thầy. Ông mời anh vô nhà, dùng bữa cơm chiều với gia đình vì ông đi chăn vịt mướn cho người ta nên ít khi có ở nhà. ‘Sẵn gặp nên mời thầy vô nhà ăn chén cơm với gia đình, uống với tui chung rượu…’ ông sai cô bé đi đong chai rượu về để ba uống với thầy. Nó te te xách cái chai nước nắm hồi xưa đi mua rượu. Tới về gần nhà thì sợi dây lạt buộc trên cổ chai bị đứt, chai rượu rơi xuống con đường xi măng nhỏ xuyên qua xóm nhà quê. Chai rượu vỡ. Nó cố vớt vát phần đáy chai còn lại chút rượu, đem về nhà. Anh thấy trước nên hoảng hốt chạy ra ngõ đón nó với lo lắng, ‘tay em có sao không, chảy máu rồi, sao không liệng hết đi? Đưa thầy xem tay em…’

Mặt mày nó tái xanh vì sợ, vai nó run lên từng hồi. Anh nghĩ đưa nó ra trạm xá cho cô y tá thì mới có thuốc sát trùng chứ nhà nó làm gì có. Anh định nói với ba nó một tiếng rồi đưa nó đi, nhưng ông đã ra đến. Ông thấy như không tay con gái mình đỏ máu bởi miểng chai, nó dúi tay vô áo nên vạt áo nó cũng đỏ lè. Ông chỉ chửi nó, ‘bây lớn rồi mà đi mua mấy xị rượu cũng không xong…’ Ông táng cho con bé một bạt tai nổ đom đóm mắt, nó chùi đầu vào hàng rào kẽm gai. Anh thì đấm một phát gãy cột bàn thiên mà anh nghĩ là mặt ông ấy. Anh dẫn con bé đi trạm xá, không chào gia chủ. Đám học trò trong xóm quê đã bu theo nhiều nên anh nói tụi nó đi tìm cô y tá ra trạm xá ngay cho thầy.

Những lúc anh rửa cái vỏ chai vodka đẹp đẽ, đem phơi nắng rồi cất vô tủ. Anh không cất để tái sử dụng mà là cất đi một kỷ niệm buồn. Bờ rào kẽm gai cào trầy mặt cô học trò nhỏ tới rướm máu, chắc chắn để sẹo. Đã mấy chục năm rồi, bây giờ người phụ nữ đã không chừng lên chức bà nội, bà ngoại vì dưới quê họ lập gia đình sớm. Khi nhìn vết sẹo trên mặt mình trong gương, không khỏi không nhớ tới ông thầy đấm gãy cột bàn thiên nhà mình hồi nhỏ.

Anh mong Dũng hiểu sau truyện kể của anh. Má em rửa cất chai lọ quá tốt đẹp của Mỹ vì bà đã từng sống qua một đoạn đời với túi ny-lon tái sinh sau hoà bình ở quê mình. Bây giờ con ma nhà họ Hứa của em chỉ làm bằng chứng cho láo khoét của nhà cầm quyền trong nước vì họ nói Việt nam bây giờ không thua ai trên trường quốc tế, nhưng một người Việt thực sự trong nước khi ra nước ngoài thì họ khai báo hết hiện trạng trong nước qua hành vi của họ. Chính họ cũng không hiểu đó là hành vi tố cáo nhà cầm quyền trong nước mà họ đã tự nhiên xem như chính phủ…

Anh có đề nghị nhỏ này. Nếu Dũng thấy cô ta là người biết lo, có chí tiến thủ thì nên giúp ai giúp cho trót. Giúp người không cần hồi báo là phúc báo.”

“…”

Tạ ơn trên, nó có ý đem con ma nhà họ Hứa ra mắt đàn anh. Nhưng bữa nào anh nấu nướng gì đó thì kêu tụi em qua nhà anh chơi. Nó không phải loại Keo văn Kiệt nhưng còn ngại ông anh thành thế lực chống lưng cho con ma nhà họ Hứa… thì đời nó mẹ chết rồi nhưng lại thêm một lần chết mẹ.

Phan

Related posts