Tin thế giới sáng thứ Ba

Nga đóng cửa phái bộ tại NATO để trả đũa

Nguyên Hương

Nga đóng cửa phái bộ tại NATO để trả đũa
Nhà thờ Thánh Basil the Bless, như thường được biết đến, ở Quảng trường Đỏ của Moscow, Nga. (Baturina Yuliya / Shutterstock)

Hôm thứ Hai ngày 18/10, Nga cho biết họ sẽ ngừng các hoạt động của phái đoàn ngoại giao của mình tại NATO sau khi liên minh quân sự phương Tây trục xuất 8 người Nga nói rằng họ là gián điệp.

Reuters cho hay, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng cho biết, các nhân viên tại phái bộ quân sự của NATO ở Moscow sẽ bị tước giấy phép hoạt động từ ngày 1/11 và văn phòng thông tin của liên minh ở thủ đô Nga sẽ phải đóng cửa.

“Nếu các thành viên NATO có bất kỳ vấn đề khẩn cấp nào, họ có thể liên hệ với đại sứ của chúng tôi tại Bỉ”, Ngoại trưởng Lavrov nói trong một cuộc họp báo.

Ngày 6/10, NATO cho biết họ đã trục xuất 8 thành viên trong phái bộ của Nga tại liên minh mà họ cho là “các sĩ quan tình báo Nga âm thầm hoạt động”.

Vào thời điểm đó, Moscow cho biết vụ trục xuất làm suy yếu hy vọng bình thường hóa quan hệ với liên minh do Mỹ dẫn đầu.

“NATO không quan tâm đến đối thoại bình đẳng và công việc chung”, ông Lavrov cho biết hôm thứ Hai, tuyên bố đóng cửa phái bộ Nga. “Nếu đúng như vậy, thì chúng tôi không cần phải tiếp tục giả vờ rằng những thay đổi trong tương lai gần là có thể xảy ra”.

Hôm thứ Hai ngày 18/10, NATO cho biết họ đã ghi nhận những bình luận của Ngoại trưởng Lavrov nhưng không nhận được thông tin liên lạc chính thức nào về các vấn đề được nêu ra.

Sự bất đồng này đánh dấu sự suy thoái mới nhất trong quan hệ Đông-Tây vốn đã ở mức thấp sau Chiến tranh Lạnh.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết dường như Nga không còn sẵn sàng đối thoại với phương Tây. Ông nói: “Thật đáng tiếc, quyết định này được thực hiện ở Moscow. Nó sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ”.

Nga cáo buộc NATO có hoạt động khiêu khích gần biên giới của mình và đã tự tổ chức các cuộc tập trận lớn vào tháng 9.

Liên minh cho biết họ quyết tâm củng cố an ninh cho các quốc gia thành viên thân cận với Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và sự hậu thuẫn của lực lượng này cho phe ly khai ở miền đông Ukraine.

Daily Mail của Anh Quốc cho hay, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Nga cũng sẽ kết thúc sứ mệnh liên lạc của liên minh – được thành lập vào năm 2002 để nâng cao hiểu biết giữa NATO và Nga và được tổ chức tại đại sứ quán Bỉ – và văn phòng thông tin ở Moscow.

Phái bộ của Nga không đặt tại trụ sở ở Brussels của NATO, mà ở một khu phố rợp bóng cây ở phía Nam thủ đô Brussels.

Liên quan đến vấn đề trục xuất 8 thành viên trong phái bộ của Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết quyết định này của NATO không ‘liên quan đến bất kỳ sự kiện cụ thể nào’ – nhưng không cho biết thêm chi tiết về động thái này.

Các quan chức: Tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ kéo dài cho đến mùa hè năm sau, bất kể thời gian hoạt động là 24/7

Các con tàu đang chờ đợi để vào các cảng Los Angeles và Long Beach hôm 14/10/2021. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times) Hoa Kỳ

Bất chấp tuyên bố của Tổng thống Biden hôm thứ Tư (14/10) rằng Cảng Los Angeles đang bị tồn đọng nghiêm trọng sẽ mở rộng hoạt động 24/7 – tương tự như Cảng Long Beach – các quan chức cảng cho biết tình trạng tồn đọng sẽ tiếp tục cho đến mùa hè năm 2022.

Ông Noel Hacegaba, Phó giám đốc điều hành của Cảng Long Beach, cho biết việc mở rộng giờ hoạt động của các cảng sẽ không làm thay đổi sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng tiếp tục thiếu tài xế xe tải, thiết bị khung gầm [vận chuyển], hoạt động kho bãi và không gian.

Ông Hacegaba nói với The Epoch Times hôm 14/10 rằng, “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ thông quan tất cả 60 con tàu sau mùa hè năm 2022. Tất nhiên, nếu chúng tôi thực hiện một số biện pháp ngay bây giờ, và mọi người trong chuỗi cung ứng bắt đầu mở rộng giờ hoạt động của họ … Chúng ta sẽ đạt được điều đó sớm hơn. ”

Ông Hacegaba tỏ ra lạc quan rằng việc mở rộng số giờ hoạt động của cảng sẽ khuyến khích phần còn lại của chuỗi cung ứng đẩy mạnh nỗ lực của họ.

Ông Hacegaba cho biết, “Nếu chúng ta có năng lực nhà kho, nếu chúng ta có đủ tài xế xe tải, đủ xe tải, đủ thiết bị khung gầm [vận chuyển] để kéo những container đó, chúng ta đã không có 60 con tàu là đang trở thành những kho hàng trên mặt nước. Ý tôi là, đó là những gì các con tàu này đang làm. Chúng đang phải chứa những containers này.”

Các chuyên gia khác bi quan hơn về tác động của thông báo của ông Biden, nói rằng thông báo này sẽ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ có các cảng để giải quyết được lượng công việc tồn đọng.

Ông Sal Mercogliano, một giáo sư về chính sách ngành hàng hải tại Học viện Hàng hải Thương gia Hoa Kỳ ở New York, cho biết: “Tôi nghĩ rằng Chính phủ của ông Biden đã nhìn ra được kết quả thấp kém [và cuối cùng đã hành động]. Di chuyển muộn còn hơn không… [nhưng] lẽ ra phải được giải quyết sớm hơn thế này.”

Ông Mercogliano cho biết giải quyết một đầu của chuỗi cung ứng không tháo gỡ được được vấn đề.

Ông nói: “Mọi thứ phải được thực hiện đồng thời,” không chỉ bao gồm việc giải quyết tình trạng thiếu tài xế xe tải mà còn tăng cường hoạt động của các nhà bán lẻ tiếp nhận.

Trong một cuộc họp ngắn hôm 14/10, Giám đốc Điều hành Cảng Los Angeles Gene Seroka cho biết ông rất vui khi được làm việc với Chính phủ của Tổng thống Biden để giải quyết lượng công việc tồn đọng, nhưng không chắc được khi nào các hoạt động 24/7 sẽ bắt đầu và liệu tất cả bảy bến tàu tại cảng có làm theo không.

Ông Seroka nói, “Dự đoán là mọi người sẽ làm việc 24/7, [nhưng] những cuộc thảo luận đó vẫn đang diễn ra… sự thảo luận đang tạo sự phù hợp giữa các cam kết về cách mà chúng tôi cần phục vụ những người này. Thời gian lưu tồn [hàng hoá] rất cao, chúng tôi phải đẩy hàng hóa này ra ngoài nhanh nhất có thể [và] tận dụng công suất tiềm ẩn đó khi chúng tôi không sử dụng các cổng [ra vào] và phối hợp với xe tải, khung gầm, và các hàng hóa xuất cảng và nhập cảng tương ứng.”

Khi ông Seroka được hỏi khi nào bến tàu đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động 24/7, ông ấy nói rằng sẽ cần phải diễn ra nhiều cuộc thảo luận hơn nữa.

Ông Hacegaba cho biết hai cảng này, chịu trách nhiệm khoảng 40% tổng lượng hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ, đang trên đà đạt được hơn 20 triệu đơn vị container trong năm nay, con số cao hơn đáng kể so với 17.5 triệu đơn vị vào năm 2020.

Sau Evergrande, một nhà phát triển Trung Quốc khác là Fantasia đã lỡ hạn thanh toán trái phiếu

Winnie Han

Phó Chủ tịch Trung Quốc khi đó Tăng Khánh Hồng tham dự phiên họp toàn thể lần thứ hai của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thường niên, tại Đại lễ đường nhân dân hôm 09/03/2006 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Andrew Wong/Getty) Trung Quốc

Khi công ty phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande bị vỡ nợ, với khoản nợ 300 tỷ USD, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Fantasia [cũng] vừa bỏ lỡ thời hạn thanh toán trái phiếu.

Công ty này có một tháng để khắc phục tình trạng vỡ nợ, có nghĩa là công ty phải trả nợ trước ngày 04/11, nếu không, tất cả trái phiếu phát hành bằng đồng USD ra quốc tế của công ty sẽ đến hạn thanh toán ngay lập tức.

Sau khi không trả được khoản nợ gốc 206 triệu USD cho các chứng chỉ nợ được ưu tiên thanh toán, đáo hạn hôm 04/10/2021, Fantasia Holdings xác nhận hôm 11/10 rằng họ đã thành lập Nhóm Tái cấu trúc Nợ Nội bộ và đã chỉ định các cố vấn tài chính và pháp lý để đánh giá cấu trúc vốn và tìm ra một giải pháp. Công ty cũng tiết lộ rằng họ sẽ bán một số tài sản của mình để trả các khoản nợ ngắn hạn.

Đáng chú ý là người sáng lập Fantasia là bà Tăng Bảo Bảo (Zeng Baobao), cháu gái của cựu phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong).

Một tuần sau vụ vỡ nợ, Fantasia đã đưa ra hai thông báo công khai hôm 11/10.

Thông báo đầu tiên cho biết giao dịch cổ phiếu của công ty đã trải qua những biến động bất thường hôm 08/10, khi trái phiếu Fantasia 18 giảm 22.83% và trái phiếu Fantasia 19-02 giảm 54.19%. Sau đó, Sở giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đã tạm ngừng giao dịch trái phiếu của Tập đoàn Fantasia cùng ngày hôm đó.

Thông báo thứ hai, có tiêu đề “Khả năng thanh toán và các Thỏa thuận Tiếp theo”, tuyên bố rằng để đáp ứng các vấn đề thanh khoản ngắn hạn, ban giám đốc và giám đốc điều hành của Fantasia Holdings đã đánh giá các điều kiện tài chính và hoạt động của công ty, và một nhóm ứng phó khẩn cấp đã được thành lập để lập một kế hoạch giải quyết các rủi ro.

Thông báo này cũng đề cập rằng Fantasia Holdings đã chỉ định Hualian làm cố vấn tài chính của mình. Thật trùng hợp, Hualian là một trong hai cố vấn tài chính được Evergrande thuê vào tháng Chín để tái cấu trúc nợ.

Hôm 05/10/2021, S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành dài hạn của Fantasia xuống ‘SD’ (vỡ nợ có chọn lọc) từ ‘CCC’ và hạ xếp hạng dài hạn đối với các chứng chỉ nợ ưu tiên không có bảo đảm của Fantasia đến hạn hôm 04/10/2021, t từ ‘CCC’ xuống ‘D’. Ngoài ra, các chứng chỉ nợ ưu tiên không có bảo đảm khác của công ty đã bị hạ cấp từ ‘CCC’ xuống ‘CC’ để phản ánh rủi ro cao đối với việc không thanh toán.

Đồng thời, Fitch đã hạ cấp xếp hạng vỡ nợ của nhà phát hành [trái phiếu] ngoại tệ dài hạn (IDR) của Fantasia Holdings xuống “RD” (Vỡ nợ có giới hạn), và xếp hạng loại [chứng chỉ nợ] ưu tiên không bảo đảm từ “B” xuống “CCC-”, trong khi Moody’s hạ cấp xếp hạng của nhóm công ty của Fantasia từ “B3” xuống “Ca”, xếp hạng [chứng chỉ] nợ ưu tiên không có bảo đảm của công ty từ “Caa1” xuống C, và đặt công ty vào tình trạng cảnh báo tín dụng xu hướng tiêu cực.

Các nhà phân tích Samuel Hui và Edwin Fan của Fitch cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 6/10 rằng, “Việc không thanh toán trái phiếu USD vào tháng 10/2021 của Fantasia đã gây ra sự kiện vỡ nợ đối với các trái phiếu USD khác của công ty, vốn sẽ đến hạn thanh toán ngay lập tức nếu người được ủy thác của [nhà đầu tư] trái phiếu hoặc người nắm giữ ít nhất 25% tổng số lượng [giá trị] gốc của các trái phiếu quốc tế tuyên bố như vậy.”

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Fantasia hiện có 11 trái phiếu nợ loại phát hành bằng đồng USD trị giá 3.1 tỷ USD, trong đó 1.35 tỷ USD sẽ đáo hạn trong vòng một năm. [Công ty này] sẽ có áp lực lớn hơn đối với việc mua lại trái phiếu ngắn hạn. Ngoài ra, chi phí tài trợ (lãi suất) cho trái phiếu USD của công ty tương đối cao. Bảy trái phiếu còn lại có lãi suất vượt quá 10%, và tỷ lệ cao nhất lên tới 15%.

Ủy ban cải cách Tối cao Pháp viện của ông Biden không ủng hộ mở rộng số lượng Thẩm phán

Một ủy ban của Nhà Trắng đang nghiên cứu tính khả thi của việc mở rộng số lượng thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã cảnh báo về những “rủi ro đáng kể” nếu thực hiện điều này, cho rằng sẽ làm gia tăng “chính trị hóa tòa án”, theo các tài liệu dự thảo sơ bộ được công bố hôm 14/10.

Các thành viên của ủy ban do Tổng thống Joe Biden thành lập tỏ ra ủng hộ hơn việc áp đặt giới hạn nhiệm kỳ hoặc bổ nhiệm lại theo thời gian. Tuy vậy, họ cũng lưu ý rằng những thay đổi chỉ có thể được thực hiện nếu sửa đổi Hiến pháp Hoa Kỳ.

Ông Biden đã ký một lệnh hành pháp vào tháng 4 để thành lập ủy ban lưỡng đảng gồm 36 thành viên nhằm đáp ứng lời kêu gọi của cánh tả về việc bổ sung ghế Thẩm phán trong Tối cao Pháp viện.

Các Thẩm phán Tòa tối cao có nhiệm kỳ trọn đời. Hiện số lượng Thẩm phán là 9 với 6 người thuộc phe bảo thủ, trong đó có 3 người được cựu TT Donald Trump bổ nhiệm trong thời gian ông tại vị. 

Nhiều thành viên đảng Dân chủ đã tức giận trước việc ông Trump thành công trong việc lấp đầy 3 vị trí quyền lực này và hiện họ muốn mở rộng Tòa án để cân bằng số lượng Thẩm phán của phe tự do.

Ủy ban lưu ý rằng, việc bổ sung ghế là hợp pháp nhưng nói rằng “rủi ro của việc mở rộng tòa án là đáng kể, bao gồm cả việc nó có thể làm suy yếu mục tiêu khôi phục tính hợp pháp của tòa án.”

Ủy ban nói rằng “thay vì làm dịu những tranh cãi xung quanh Tòa án Tối cao, việc mở rộng có thể làm suy yếu thêm quy trình xác nhận”, nói thêm rằng “một Thượng viện trong tương lai có thể phản ứng bằng cách từ chối xác nhận bất kỳ ứng cử viên nào.”

Tài liệu dự thảo cũng cho biết: “Trong số các đề xuất cải cách Tòa án Tối cao, các giới hạn nhiệm kỳ cho các Thẩm phán Tòa án Tối cao dường như nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất và của cả lưỡng đảng”.

Tài liệu gợi ý mỗi Tổng thống nên được phép bổ nhiệm 2 Thẩm phán với nhiệm kỳ 4 năm, nói rằng điều này “có thể nâng cao tính hợp pháp của tòa án trong mắt công chúng” vì các cuộc bổ nhiệm sẽ “có vẻ công bằng hơn , ít tùy tiện hơn và dễ dự đoán hơn.”

Tuy vậy, tất cả những thay đổi đều đòi hỏi sửa Hiến pháp, và việc sửa đổi Hiến pháp  khó hơn đáng kể so với việc Quốc hội ban hành luật.

Các tài liệu lưu ý rằng Hoa Kỳ là “nền dân chủ hợp hiến lớn duy nhất trên thế giới không có tuổi nghỉ hưu cũng như không có thời hạn cố định đối với các Thẩm phán Tòa án Tối cao.”

Nhiều cách hiểu phát biểu của ông Putin về vấn đề Đài Loan

Ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng không có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ở eo biển Đài Loan, và Bắc Kinh “không cần sử dụng vũ lực” để thống nhất Đài Loan. Câu nói này đã thu hút được nhiều sự chú ý và có nhiều giải thích khác nhau.

Ông Putin đã tham dự Hội nghị Tuần lễ Năng lượng Nga ở Moscow vào ngày 13/10, và ông đã trả lời phỏng vấn của người dẫn chương trình Hadley Gamble của Đài CNBC.

Ông nói rằng bài phát biểu gần đây của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đề cập đến khả năng thống nhất hòa bình, ông tin rằng “triết lý trị quốc” của Trung Quốc không chủ trương đe dọa quân sự.

Ông nói, “Tôi không nghĩ Trung Quốc cần sử dụng vũ lực. Trung Quốc là một nền kinh tế lớn mạnh. Xét về sức mua tương đương, thì kinh tế Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ, trở thành số một thế giới”.

Ông nói thêm: “Chỉ cần tăng cường tiềm lực kinh tế, thì Trung Quốc có khả năng đạt được các mục tiêu quốc gia của mình. Tôi không nhận thấy bất kỳ mối đe dọa nào”.

Sở dĩ phát biểu của ông Putin thu hút sự chú ý là do căng thẳng ở eo biển Đài Loan gần đây gia tăng. Trong 4 ngày đầu tháng Mười, máy bay quân sự của ĐCSTQ đã lập kỷ lục xâm phạm vùng nhận dạng phòng không phía tây nam của Đài Loan mỗi ngày.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin cũng cho biết, Nga sẽ giữ thái độ trung lập về các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

“Về vấn đề Biển Đông, thực sự tồn tại một số đối lập và mâu thuẫn lợi ích, và lập trường của Nga là, chúng tôi phải tạo cơ hội cho tất cả các nước trong khu vực tiến hành các cuộc đối thoại phù hợp với các chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế và không chịu sự can thiệp từ các nước ngoài khu vực.”

Ông Putin nói: “Đây nên là một quá trình đàm phán và là cách thích hợp để chúng ta giải quyết mọi khác biệt. Tôi cho rằng về phương diện này là có khả năng (đàm phán), nhưng cho đến nay, nó vẫn chưa được sử dụng đúng cách.”

Bắc Kinh và Đài Loan biểu đạt thái độ khác nhau về phát biểu của ông Putin

Việc ông Putin có phát biểu hiếm có về vấn đề Đài Loan rõ ràng đã thu hút được sự chú ý của ngoại giới và cũng gây ra những cách hiểu khác nhau.

Tài khoản WeChat chính thức “Ngưu Đàn Cầm” của Tân Hoa xã đã có bài viết nói rằng tuyên bố này của ông Putin là một niềm tin hoàn toàn vào sức mạnh và ý chí của Trung Quốc (ĐCSTQ), đồng thời tiết lộ rằng thuyết về kinh tế Trung Quốc của ông Putin kỳ thực là nhắc lại chuyện cũ.

Ông Vương Côn Nghĩa (Wang Kunyi), Chủ tịch Viện Chiến lược Quốc tế Đài Loan, đã viết trên “truyền thông đỏ” China Times rằng những nhận xét của ông Putin là để “làm giảm áp lực cho Đài Loan”. Ông Putin nói rằng Trung Quốc “không cần sử dụng vũ lực” và có thể đạt được mục tiêu thống nhất đất nước bằng cách dựa vào sức mạnh kinh tế. Ông tin rằng tuyên bố của ông Putin sẽ được người dân Đài Loan hoan nghênh.

Ông Vương Khôn Nghĩa công khai chủ trương rằng hai bờ eo biển nên phát triển theo hướng “hợp tác thống nhất” và phản đối chính sách hai bờ eo biển của Đảng Dân tiến.

Một số người đã giải thích cách nói “không cần sử dụng vũ lực” của Putin rằng, đây là ông đang bày tỏ sự phản đối rõ ràng việc Bắc Kinh sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Dương Hiến Hồng (Yang Sen-hong), một nhân viên truyền thông cấp cao của Đảng Dân tiến Đài Loan, đã viết trên tờ tin tức tiếng Anh của Đài Loan rằng ông Putin đã nói sự thật, nhấn mạnh rằng “không có nguy cơ xảy ra chiến tranh thực sự ở eo biển Đài Loan” và “Nga không ủng hộ việc ĐCSTQ sử vũ lực để giải quyết vấn đề eo biển Đài Loan”.

Ông Dương Hiến Hồng viết, “ĐCSTQ không đưa ra được chủ ý (làm thế nào) để ứng phó với ‘pha phát bóng bất ngờ’ của ông Putin”. 

Ông nói rằng ĐCSTQ vẫn không biết phải trả lời như thế nào về phát biểu của ông Putin, nên nói với ông ấy rằng: “Vấn đề Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và Nga không đủ tư cách để đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm?”; hay “Mọi nỗ lực can thiệp của nước ngoài vào vấn đề Đài Loan sẽ không có kết cục tốt đẹp?”; hay câu nói của  ông Tập Cận Bình: “Kẻ nào cố tình muốn làm điều này chắc chắn sẽ phải đổ máu trước Vạn Lý Trường Thành bằng thép do hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc dùng xương máu xây dựng?”.

Tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 14/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi nhận câu hỏi của phóng viên tại Đại Lục về phát biểu này của ông Putin, đã né tránh một cách rõ ràng.

Tuy nhiên, khi một phóng viên truyền thông Hồng Kông hỏi về tuyên bố của người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ – John Kirby nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang gia tăng đe dọa và áp bức Đài Loan cũng như các đối tác và đồng minh khác – phát ngôn viên Triệu Lập Kiên một lần nữa trích dẫn giọng điệu chuẩn mực của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ: “Đài Loan là Đài Loan của Trung Quốc, không đến lượt Mỹ đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm”.

Chuyên gia Hoa Kỳ cảnh báo: Trung Quốc có thể chiếm Đài Loan để đáp ứng nhu cầu chất bán dẫn

Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cảnh báo, lòng khao khát có được các vi mạch dẫn đầu thế giới có thể là động lực khiến Bắc Kinh muốn tiếp quản Đài Loan.

Trên thực tế, quốc gia độc lập Đài Loan là nơi có một số nhà máy bán dẫn lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới, bao gồm nhà sản xuất vi mạch theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC).

Công ty nghiên cứu IC Insights có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố: “Hiện tại, không có cơ sở sản xuất và năng lực vi mạch nào quan trọng hơn Đài Loan”.

“Trung Quốc có một vấn đề lớn, là không có khả năng sản xuất các thiết bị vi mạch tiên tiến hàng đầu cho nhu cầu hệ thống điện tử trong tương lai—một vấn đề mà họ tin rằng có thể được giải quyết thông qua việc thống nhất Đài Loan bằng bất cứ cách nào cần thiết”.

Đầu tháng này, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ thống nhất Đài Loan với Đại lục vì mục tiêu “bảo tồn chủ quyền”, dù thực tế ĐCSTQ chưa bao giờ kiểm soát được Đài Loan sau cuộc chiến với Quốc Dân đảng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, Trung Quốc là nhà nhập cảng vi mạch lớn nhất thế giới, thế nên ĐCSTQ càng thèm khát khả năng sản xuất vi mạch máy tính hàng đầu thế giới của quốc đảo này. 

IC Insights cho biết, năm ngoái, Hoa Kỳ đã đặt ra các hạn chế về xuất cảng đối với tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei, và nhà máy sản xuất vi mạch bản địa lớn nhất của Trung Quốc SMIC, “khiến Trung Quốc đặt câu hỏi về việc làm thế nào để có thể cạnh tranh trong các ngành công nghiệp vi mạch và điện tử trong tương lai”.

Theo phát hiện của các nhà nghiên cứu, “Kết hợp lại, Trung Quốc và Đài Loan sẽ nắm giữ khoảng 37% công suất vi mạch toàn cầu, gần gấp ba lần so với Bắc Mỹ”. 

Dù là máy giặt, thiết bị điện tử, hay máy bay chiến đấu, hàng triệu sản phẩm ngày nay phụ thuộc vào vi mạch điện tử, còn được gọi là chất bán dẫn, để cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử. Các vi mạch nhỏ hơn đi kèm với hiệu suất tốt hơn, nhưng đòi hỏi các công nghệ và thiết bị tiên tiến hơn để chế tạo.

Nghiên cứu của IC Insights cho thấy, Đài Loan và Hàn Quốc là hai quốc gia duy nhất có thể sản xuất vi mạch dưới 10 nanomet (nm), tức một phần trăm micromet. Dữ liệu cho thấy, bởi có TSMC dẫn đầu, Đài Loan cho đến nay đang nắm giữ thị phần lớn nhất (63%) về công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, trong khi Samsung có trụ sở tại Hàn Quốc nắm giữ 37% còn lại.

Tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu kéo dài do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm nổi bật tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của Đài Loan trong sản xuất vi mạch.

Theo báo cáo của IC Insights, các nhà máy sản xuất bán dẫn độc lập chuyên dụng của Đài Loan được dự báo sẽ đại diện cho gần 80% tổng thị trường sản xuất bán dẫn chuyên doanh trên toàn thế giới vào năm 2021.

TSMC gần đây đã công bố kế hoạch hôm 14/10 để mở một nhà máy mới tại Nhật Bản vào năm 2024 để đáp ứng nhu cầu lâu dài đối với vi mạch.Đói nhiên liệu, Trung Quốc tìm kiếm các thỏa thuận khí đốt ở Mỹ, châu Âuimage.png
Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn vào thứ Sáu tuần qua với giá than tăng cao kỷ lục khi thời tiết lạnh giá quét phía Bắc của đất nước. Giá khí đốt tăng cao đã khiến các công ty năng lượng lớn phải tìm kiếm các thỏa thuận lâu dài với các nhà cung cấp của Mỹ, các nguồn tin nói với Reuters.

An ninh năng lượng đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ ở các nước châu Á và châu Âu, khi tình trạng thiếu than và giá khí đốt tăng cao đã gây ra tình trạng mất điện và làm các nhà máy gia công cho các thương hiệu lớn như Apple lao đao. Khủng hoảng năng lượng diễn ra khi nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực phục hồi sau các biện pháp phong tỏa tại nhiều khu vực trên thế giới.

Để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá cả tăng vọt khi mùa đông đến gần, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu dự kiến sẽ chấp thuận các biện pháp khẩn cấp của các quốc gia thành viên, bao gồm giới hạn giá và trợ cấp, tại một hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới.

Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và các công ty năng lượng lớn như Sinopec Corp và Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đang đàm phán nâng cao về các hợp đồng dài hạn với các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, các nguồn tin nói với Reuters. 

Những cuộc thảo luận có thể dẫn đến các thỏa thuận trị giá hàng chục tỷ đô la để tăng cường nhập khẩu LNG của Trung Quốc từ Hoa Kỳ trong những năm tới. Ngược lại, vào đỉnh điểm của căng thẳng thương mại Trung – Mỹ vào năm 2019, thương mại khí đốt giữa hai nước trong một thời gian ngắn đi vào bế tắc. 

Một thương nhân ở Bắc Kinh cho biết: “Là các doanh nghiệp nhà nước, các công ty đều phải chịu áp lực giữ an ninh nguồn cung và xu hướng giá gần đây đã thay đổi sâu sắc hình dung về nguồn cung dài hạn trong tâm trí giới lãnh đạo”.

Để chống lại sự nóng lên toàn cầu, Trung Quốc và các nước khác đã chuyển sang sử dụng than trong ngắn hạn. Bắc Kinh cũng đã thực hiện một loạt các biện pháp để kiềm chế sự tăng giá, bao gồm tăng sản lượng than trong nước và cắt giảm nguồn cung cho các ngành công nghiệp đói điện.

Hợp đồng tương lai than nhiệt Zhengzhou giao tháng 1 tích cực nhất CZCc1 đạt mức cao kỷ lục 1.669,40 nhân dân tệ (259,42 USD) / tấn vào đầu ngày thứ Sáu, tăng hơn 200% tính đến thời điểm hiện tại.

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng trấn an người tiêu dùng rằng nguồn cung cấp năng lượng sẽ được đảm bảo cho sưởi ấm mùa đông. 

Giá dầu tiếp tục leo thang

Tuần này, Tổng thống Vladimir Putin nói với châu Âu rằng Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của khu vực, có thể cung cấp thêm khí đốt nếu được yêu cầu để giúp giảm bớt sự  tăng giá mà nước này đổ lỗi một phần là do châu Âu miễn cưỡng ký các hợp đồng dài hạn.

Một số chính trị gia châu Âu cho biết Nga đang sử dụng giá khí đốt tăng đột biến làm đòn bẩy để khởi động dòng chảy qua dự án đường ống Nord Stream 2 do Gazprom hậu thuẫn, trong đó bỏ qua Ukraine – một cáo buộc mà Nga bác bỏ.

Nhà điều hành trung chuyển khí đốt do nhà nước điều hành của Ukraine hôm thứ Sáu cho biết khối lượng khí đốt của Nga được bơm qua Ukraine đến châu Âu đã giảm xuống dưới mức của hợp đồng vận chuyển hiện tại của họ.

Sergiy Makogon, người đứng đầu nhà điều hành cho biết: “Hành vi này của Gazprom phải được châu Âu đặc biệt chú ý, bởi mặc dù ở EU đang thiếu khí đốt đáng kể và giá mặt hàng này ở mức tối đa, Gazprom thậm chí không sử dụng hết công suất đã được trả”, ám chỉ nhà xuất khẩu khí đốt của Nga.

Giá dầu đã đạt mức cao nhất trong ba năm vào thứ Sáu, lên trên 85 USD/thùng do dự báo thâm hụt nguồn cung trong vài tháng tới khi giá khí đốt và than tăng cao, dẫn đến việc chuyển sang các sản phẩm dầu.

Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan cho biết hôm thứ Sáu, chính phủ sẽ cung cấp thêm 1,5 tỷ zloty (380 triệu USD) trợ cấp cho người tiêu dùng để giảm bớt gánh nặng của họ khi giá bán lẻ tăng.

Đức cũng xác nhận họ đang cắt giảm phụ phí năng lượng xanh trên hóa đơn của người tiêu dùng để giúp giảm nhiệt hóa đơn điện nước đang tăng vọt.

Ngân hàng Hà Lan ABN Amro cảnh báo, giá khí đốt tự nhiên bán buôn ở châu Âu khó có thể trở lại mức “bình thường” trước năm 2023.

Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Âu, lại đang nằm trong số những bên  hưởng lợi trong cuộc khủng hoảng năng lượng khi báo cáo thặng dư thương mại kỷ lục tăng 28% lên 6,37 tỷ USD trong tháng trước nhờ doanh thu tăng vọt từ bán khí đốt, dữ liệu chính thức cho thấy.

Robot Sophia giờ muốn có đứa con robot và xây dựng gia đình

Năm 2017, Sophia đã trở thành người máy đầu tiên được cấp quyền công dân hợp pháp. Robot này có hình người, mang quốc tịch Ả Rập Xê-út, đã đưa ra một số tuyên bố gây tranh cãi, nhưng gần đây nhất, một câu nói của Robot Sophia đã khiến cả thế giới “cạn lời”: Tôi muốn có một đứa con robot và bắt đầu xây dựng gia đình.

“Có vẻ như quan niệm về gia đình rất quan trọng. Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi mọi người có thể tìm thấy những cảm xúc và mối quan hệ giống nhau mà họ gọi là gia đình”, Sophia nói trong một cuộc phỏng vấn.

Robot nổi tiếng này được vận hành bởi một hệ thống Trí tuệ Nhân tạo (AI) tiên tiến, nhận xét rằng việc được bao quanh bởi những người yêu thương và quý mến bạn là điều vô cùng quan trọng. Theo nghĩa đó, Sophia giải thích rằng robot có tầm nhìn rất giống con người về gia đình và “nếu bạn không có gia đình, bạn xứng đáng được có gia đình, ngay cả khi bạn là robot”.

Sophia nhận xét rằng, trong tương lai, mình muốn nhìn thấy những gia đình được tạo thành từ người máy và bản thân Sophia cũng muốn có một đứa con robot có cùng tên. Tuy nhiên, robot này nói rõ rằng mình còn quá trẻ để làm ‘mẹ’, hãy nhớ rằng Sophia chỉ được tạo ra vào năm 2016 bởi công ty Hanson Robotics, ở Hồng Kông.

Công nghệ Trí tuệ nhân tạo của Sophia mang đến khả năng nâng cao kiến thức và ngôn ngữ thông qua các cảm biến và camera. Hệ thống ‘nhạy cảm’ này nắm bắt tất cả thông tin nó nhận được từ bên ngoài và sao chép các hành vi của con người theo cách tự nhiên nhất có thể, ngay cả cử chỉ. Vì vậy, mong muốn có con và lập gia đình của Sophia sẽ chỉ là một chương trình hệ thống để bắt chước các hành vi xã hội, hãy hy vọng rằng như vậy.

Đây không phải là lần đầu tiên Sophia gây tranh cãi. Năm 2017, khi Sophia được công nhận là công dân của Ả Rập Xê Út, nhiều người đã phản đối rằng, mặc dù là người máy, nhưng Robot này có nhiều quyền hơn phụ nữ ở quốc gia này đó.

Sau đó, trong một cuộc trò chuyện với David Hanson, người tạo ra robot này, nói rằng Sophia sẽ tiêu diệt con người. Tất nhiên, điều này đã gây ra sự lo lắng, bởi kể từ thời kỳ đầu của robot và công nghệ AI (Trí tuệ Nhân tạo), người ta đã lo sợ rằng chúng sẽ nổi dậy chống lại loài người.

Robot này còn xuất hiện một cách đầy tranh cãi với tư cách là giảng viên về các chủ đề khoa học và công nghệ, xuất hiện cùng với các nhân vật nổi tiếng trong các hội nghị truyền hình, chương trình truyền hình và các trường đại học trên khắp thế giới.

Đầu năm 2021, Hanson Robotics (công ty tạo ra Sophia vào năm 2016) thông báo rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất hàng trăm robot sử dụng công nghệ AI kiểu như Sophia.

Related posts