Đảo chính tại Sudan: Quân đội Hồi giáo giải tán chính phủ lâm thời, bắt giữ thủ tướng

Katabella Roberts

Người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan trình bày trước các đại biểu tại Juba, Nam Sudan vào hôm 28/03/2021. (Ảnh: Reuters/Jok Solomun/File Photo) Đông Dương

Hôm 25/10, người đứng đầu hội đồng cầm quyền của Sudan, Tướng Abdel Fattah Abdelrahman al-Burhan, đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc và cho biết ông đang giải tán hội đồng chủ quyền chuyển tiếp và chính phủ.

Thông báo này được đưa ra vài giờ sau khi quân đội Sudan bắt giữ quyền Thủ tướng Abdalla Hamdok, các thành viên của bộ phận dân sự của Hội đồng Chủ quyền Chuyển tiếp cùng một số bộ trưởng.

Trong một lần xuất hiện trên truyền hình, ông al-Burhan đã thông báo rằng ông đang giải tán Hội đồng Chủ quyền cầm quyền của nước này, cũng như chính phủ do ông Hamdok lãnh đạo, CBS đưa tin.

Ông nói thêm rằng một chính phủ mới của các nhà kỹ trị sẽ cai trị cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 2023. Vị tướng quân này cho biết việc này đang được thực hiện như một cách để “uốn nắn lại đường lối của cuộc cách mạng”.

Bộ thông tin của nước này cho biết trên Facebook rằng ông Hamdok đã bị các lực lượng quân sự quản thúc, những người đang gây áp lực buộc ông phải đưa ra một “tuyên bố ủng hộ đảo chính”. Sau khi từ chối tán thành cuộc đảo chính, ông Hamdok cùng vợ đã bị quân đội di chuyển đến một địa điểm không xác định, bộ này cho biết.

Các lực lượng an ninh cũng đã bắt giữ một số thành viên của Hội đồng Chủ quyền, các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo chính trị, bộ này xác nhận.

Bộ này cho hay, “Những gì đã xảy ra tượng trưng cho một sự xé bỏ đối với văn bản hiến pháp và một cuộc đảo chính toàn diện chống lại những thành quả của cuộc cách mạng mà nhân dân chúng ta đã phải trả giá bằng xương máu để tìm kiếm tự do, hòa bình và công lý”.

“Các nhà lãnh đạo quân đội Sudan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính mạng và sự an toàn của Thủ tướng Tiến sĩ Abdullah Hamdok cùng gia đình của ông ấy, những nhà lãnh đạo này cũng phải chịu các hậu quả hình sự, pháp lý và chính trị do các quyết định đơn phương của họ mang lại”.

Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok tham dự cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền Sudan Tướng Abdel Fattah al-Burhan (không được nhìn thấy) trong Hội nghị Quốc tế ủng hộ Sudan tại bảo tàng Grand Palais Tạm thời ở Paris vào hôm 17/05/2021. (Ảnh: Sarah Meyssonnier/Pool/Reuters)

Vụ bắt giữ trên diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng gia tăng giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự của Sudan.

Kể từ năm 2019, Sudan đã được một chính phủ lâm thời gồm các thành phần quân sự và dân sự điều hành, sau khi nhà cựu độc tài lâu năm Omar al-Bashir, người đã cai trị đất nước này trong gần 30 năm bằng nắm đấm sắt, bị loại bỏ khỏi quyền lực sau nhiều tháng biểu tình phản đối chính quyền của ông này. Giá cả tăng cao và một nền kinh tế thất bại đã kích hoạt những cuộc biểu tình này.

Các cuộc bầu cử được ấn định sau giai đoạn chuyển tiếp để thành lập một chính phủ mới.

Sau khi ông Hamdok bị bắt, hàng chục ngàn người đã tập hợp biểu tình nhằm biểu thị không chấp nhận cuộc đảo chính quân sự này. Bộ thông tin cho biết, bạo lực đã nhanh chóng xảy ra sau đó, với việc các lực lượng quân đội được cho là đã bắn đạn thật vào người biểu tình, khiến một số người bị thương.

Trong khi đó, các bác sĩ trên khắp các bệnh viện của nước này đã tuyên bố đình công chính trị vì cuộc đảo chính quân sự này, cản trở các ca cấp cứu, và rút khỏi tất cả các bệnh viện quân sự.

Bộ này cho biết Internet đã bị cắt và các lực lượng quân sự đã chặn các cây cầu.

NetBlocks, một nhóm theo dõi sự gián đoạn trên internet, cho biết họ đã chứng kiến “sự gián đoạn đáng kể” vào đầu hôm 25/10 đối với cả kết nối internet cố định và di động với nhiều nhà cung cấp trên khắp Sudan.

Rạng sáng hôm 25/10, Đặc phái viên Hoa Kỳ tại vùng Sừng Phi Châu Jeffrey Feltman cho biết Hoa Thịnh Đốn đã “vô cùng lo lắng” trước các tin tức về việc tiếp quản quân sự này, hãng thông tấn AP đưa tin.

Ông Feltman đã gặp hội đồng cầm quyền Sudan và thủ tướng vào cuối tuần qua trong nỗ lực giải quyết tranh chấp ngày càng tăng giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự của nước này, đồng thời kêu gọi họ làm việc “cùng nhau để thực hiện tuyên bố hiến pháp và Hiệp định Hòa bình Juba”, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Khartoum đã viết như vậy hôm 23/10 trên Twitter.

Một phụ nữ thuộc nhóm dân tộc Murle nhận lon dầu trong buổi phân phát lương thực của Chương trình Lương thực Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (WFP) ở Gumuruk, Nam Sudan, hôm 10/06/2021, sau khi ngôi làng của cô bị một nhóm thanh niên có vũ trang tấn công. (Ảnh: Simon Wohlfahrt/AFP/Getty Images)
Những người ủng hộ dân chủ Sudan ăn mừng thỏa thuận chia sẻ quyền lực cuối cùng với hội đồng quân sự cầm quyền vào hôm 17/08/2019, tại thủ đô Khartoum. Thỏa thuận này đã mở đường cho quá trình chuyển đổi sang chính phủ do dân sự lãnh đạo sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 09/2019. (Ảnh: AP Photo)

Giám đốc phục trách các vấn đề ngoại giao EU Joseph Borrell đã viết trên Twitter rằng ông đang dõi theo các sự kiện đang diễn ra này với “sự quan tâm ở mức tối đa”.

Ông Borrell viết: “EU kêu gọi tất cả các bên liên quan và các đối tác khu vực đưa quá trình chuyển đổi này đi đúng hướng”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã đưa ra một tuyên bố gọi diễn biến này là “gây hoang mang” và rằng âm mưu đảo chính này phải bị lên án một cách rõ ràng.

“Tôi kêu gọi tất cả những ai chịu trách nhiệm về an ninh và trật tự nhà nước ở Sudan tiếp tục tiến trình chuyển đổi chính trị hòa bình này ở Sudan theo hướng dân chủ và tôn trọng ý chí của người dân. Âm mưu đảo chính này phải bị chấm dứt ngay lập tức”, ông Maas nói.

“Những người chịu trách nhiệm về mặt chính trị phải giải quyết những khác biệt của họ trong một cuộc đối thoại hòa bình”, ông nói. “Họ nợ người dân Sudan điều đó, những người đã từng chiến đấu để chấm dứt chế độ độc tài và để chuyển đổi sang dân chủ”.

Một âm mưu đảo chính thất bại hồi tháng Chín đã khiến nước này bị rạn nứt theo đường lối cũ, khiến các phần tử Hồi giáo muốn có một chính phủ quân sự chống lại những người đã lật đổ Tổng thống al-Bashir hơn hai năm trước bằng các cuộc biểu tình đồng loạt. Những ngày gần đây, cả hai phe đều đã xuống đường biểu tình.

Tướng Burhan đã cảnh báo trong các bình luận trên truyền hình vào tháng trước rằng quân đội sẽ chỉ giao quyền lực cho chính phủ do người dân Sudan bầu ra.

Dưới thời ông Hamdok và hội đồng chuyển tiếp, Sudan đã có những bước tiến dài. Quốc gia này đã được Hoa Kỳ đưa ra khỏi danh sách các nhà nước bảo trợ cho khủng bố, một hành động đã mở ra cánh cửa cho các khoản vay và đầu tư quốc tế để vực dậy nền kinh tế bị vùi dập của nước này.

Chính phủ lâm thời cũng đã chính thức hình sự hóa việc cắt bộ phận sinh dục nữ, một hành động mang tính bước ngoặt đối với đất nước này và là dấu hiệu cam kết cải thiện quyền của phụ nữ và các bé gái của chính quyền này.

Nền kinh tế Sudan đã phải hứng chịu sự trừng phạt kéo dài nhiều thập kỷ của Hoa Kỳ và sự quản lý yếu kém dưới thời Tổng thống al-Bashir.

An Nhiên biên dịch

Related posts