Hoa Kỳ và ‘những công dân đang hấp hối’

Victor Davis Hanson

Nhà nghiên cứu trường phái cổ điển kiêm nhà sử học Victor Davis Hanson ở Stanford, California, hôm 05/04/2019. (Ảnh: The Epoch Times) Hoa Kỳ

Bài viết này là một bài tóm lược các luận điểm trong cuốn sách mới “The Dying Citizen” (Người dân đang hấp hối) của tác giả Victor Davis Hanson xuất hiện trong tuần lễ từ ngày 04-10/10 trên Basic Books.

Chỉ hơn chút đỉnh nửa số dân trong số 7 tỷ người trên thế giới hiện nay là công dân của các chính phủ đồng thuận hoàn toàn.

Chỉ riêng 50% những người may mắn đó được hưởng các quyền tự do được hiến pháp bảo vệ. Hầu hết cũng là người phương Tây. Hoặc ít nhất họ sinh sống ở các quốc gia đã trở nên “Tây hóa”.

Những người di cư, bất kể chủng tộc, tôn giáo hoặc giới tính của họ là gì, hầu như luôn hướng đến một quốc gia phương Tây. Và đích đến thường xuyên nhất của họ vẫn là Hoa Kỳ. [Trong khi] người Mỹ ngày nay càng coi như là điều đương nhiên hoặc thậm chí là chế nhạo ý tưởng về quốc gia của chính họ, thì lại càng có nhiều người nghèo trên toàn thế giới ngoài người Mỹ, đã mạo hiểm cả tính mạng của mình để lén lút vượt qua biên giới nước Mỹ.

Các hệ thống chính phủ lập hiến rất dễ sụp đổ vì chúng đòi hỏi rất nhiều công dân của mình – phải bỏ phiếu, phải được cung cấp thông tin đầy đủ về các vấn đề dân sự và chính trị, và buộc các quan chức đã bầu lên phải chịu trách nhiệm. Có lẽ trách nhiệm đó là lý do tại sao, trong số các quốc gia cộng hòa và dân chủ thực thụ trên thế giới, chỉ có khoảng 22 quốc gia đã tồn tại được hơn nửa thế kỷ trở lên. Do vậy, chúng ta hiếm khi biết được rằng nước Mỹ là một ý tưởng hiếm hoi, quý giá, và thậm chí có lẽ là mong manh, cả trong quá khứ và ở hiện tại.

Rõ ràng là người dân Mỹ trước đây cũng không có lối hành xử như vậy. Không giống như những người nông dân tầm thường hơn trong lịch sử, người dân [Mỹ] không nằm dưới sự kiểm soát của những người giàu có, những người mà ngược lại luôn tìm kiếm sự ảnh hưởng quá mức trong chính phủ thông qua việc kiểm soát người dân.

Thay vào đó, quyền công dân thực tế đã luôn được đặt hoàn toàn trên vai tầng lớp trung lưu rộng rãi và tự chủ. Những người Mỹ trung lưu đó vừa không có tính lệ thuộc như người nghèo vừa không có tầm ảnh hưởng bên trong nội bộ [chính phủ] như giới thượng lưu. Nếu bóp nghẹt giới trung lưu, thì chúng ta biết rằng một chế độ phong kiến ​​lưỡng phân (dân chủ-chuyên chế) sẽ sớm thay thế tầng lớp này. Chúng ta đang chứng kiến quá trình quay trở về thời trung cổ đó ở tiểu bang California đương đại.

Người dân Mỹ cũng không chỉ là những người nhập cư đơn thuần, vốn trôi dạt tới những quốc gia không có biên giới với hy vọng nhận được nhiều quyền hơn là đáp ứng những [đòi hỏi về] trách nhiệm. Đánh mất một không gian quốc gia thiêng liêng, nơi mà những phong tục, ngôn ngữ, và truyền thống cộng đồng có thể nương tựa và phát huy, để rồi một nước Mỹ độc nhất vô nhị bị mất hút vào một khoảng không của dòng người di cư như thời tiền văn minh giống như sự tồn tại ngắn ngủi của đế quốc La Mã rộng lớn xưa kia.

Người Mỹ khác rất nhiều so với các dân tộc bộ lạc, những người mà trước tiên chỉ cần qua ngoại hình hoặc quan hệ huyết thống bẩm sinh là có thể nhận định được lòng trung thành của họ. [Nếu] đưa quốc gia này trở lại thời kỳ bộ lạc tiền văn minh, thì tương lai của chúng ta bảo đảm sẽ như các nước tiếp theo là Nam Tư, Rwanda, hay Iraq.

Vậy thì, người Mỹ không phải là những nông dân thời tiền hiện đại, những cư dân đơn thuần, và các bộ lạc hay tranh giành với nhau – ít nhất là chưa hoàn toàn như vậy.

Nhưng người dân cũng nghi ngờ không kém và không tin tưởng một cách thích đáng vào sự lật đổ quyền công dân từ trên xuống của giới tinh hoa hậu hiện đại và những người có đặc quyền. Những người này thường mong muốn người Mỹ từ bỏ các quyền tự do lâu đời của họ cho một chính phủ có quyền hành rộng lớn, tồn tại vĩnh viễn, không qua bầu cử và không qua thanh tra, do các quan chức được trao quyền và các “chuyên gia” được công nhận điều hành. Chế độ kiểm soát nghiêm ngặt theo hình thức kỹ trị đó giờ đây có thể là mô hình của Trung Quốc, nhưng nó chưa bao giờ là tầm nhìn của những bậc lập quốc của chúng ta.

Người dân phản đối việc “phát triển” một nước cộng hòa 245 năm tuổi thành một chính quyền quần chúng xã hội chủ nghĩa cấp tiến mà không có sự giám sát và cân bằng. Việc tái khởi động đó sẽ đồng nghĩa với việc loại bỏ các luật lệ từ xa xưa, phong tục lâu đời và truyền thống linh thiêng — từ Đại cử tri đoàn và Tối cao Pháp viện gồm chín thành viên cho đến quyền phản đối thông qua dự luật ở Thượng viện và liên minh 50 tiểu bang. Các xã hội đồng thuận thường sụp đổ tức thì khi các phe phái cực đoan tìm cách lật đổ các quy tắc thiêng liêng để đạt được lợi ích đảng phái ngắn hạn.

Một số người thuộc giới tinh hoa tin rằng cần phải xóa bỏ và thay đổi rốt ráo Hiến pháp của những bậc lập quốc nhằm phù hợp với tầm nhìn không tưởng của chính họ. Vì vậy, họ tưởng tượng ra một Hiến pháp đang biến đổi để đồng bộ hóa với bản chất được cho là linh hoạt, có thể thay đổi — và luôn luôn tiến bộ — của nhân loại. Họ không hề biết rằng cốt lõi của Hiến pháp là không thay đổi bởi vì khả năng phân biệt mang tính thiên bẩm và cốt lõi về đúng sai của chúng ta cũng không thay đổi. 

Người dân [Mỹ] cũng không trao lòng trung thành trước tiên của mình cho một quốc gia mang tính toàn cầu trừu tượng — một quốc gia mà cứ như thể một nửa số thành viên của nó không phải là [người thuộc] các chế độ thần quyền, các chế độ chuyên quyền và quân chủ bó hẹp. Giấc mơ trở thành “công dân của thế giới” nhàm chán như vậy bắt nguồn từ chủ nghĩa không tưởng của Socrate.

Tuy nhiên, cả Hội Quốc Liên cũng như Liên Hiệp Quốc đều chưa từng đưa ra bất kỳ kế hoạch chi tiết đáng tin cậy nào cho khả năng quản trị xuyên quốc gia. Những người theo chủ nghĩa toàn cầu ngày nay tại Davos có thể cười mỉa những nền dân chủ theo chủ nghĩa dân tộc như Hoa Kỳ và Israel, nhưng họ lại thường xuyên xoa dịu một cách hèn nhát một Trung Cộng toàn trị và tàn bạo không cho phép bất đồng chính kiến.

Với những đặc quyền của mình, những người Mỹ giàu có và thích an nhàn phải luôn tự hỏi bản thân rằng liệu với tư cách là những công dân, chúng ta có xứng đáng nhận được thứ mà những người đã ngã xuống ở Gettysburg hay ở Omaha Beach để lại cho chúng ta với cái giá là sinh mệnh của họ hay không.

Từ chối đứng dậy trong khi hát quốc ca không phải và không nên bị coi vi phạm pháp luật. Nhưng sự khước từ phổ biến đối với các phong tục của Mỹ như vậy giờ đây thành thực mà nói là tính ái kỷ mang tính tập thể — và đối với những kẻ có đặc quyền ở quốc gia này, thật khó có thể chịu đựng được khi phải ngồi một cách chán ghét trước một lá cờ mà những bậc tiền nhân cao quý của họ đã giương lên trong khói lửa ở Iwo Jima vì những con người còn chưa được sinh ra. Đôi khi, qua việc phá vỡ các phong tục và truyền thống, người dân có thể gây tổn hại lớn đến toàn bộ quốc gia của họ tương đương với việc vi phạm pháp luật.

Thay vào đó, sự tự do đòi hỏi không ngừng tái đầu tư và bổ sung các truyền thống và lý tưởng của một quốc gia. Việc tự phê phán quốc gia của chính mình là hữu ích để bảo đảm cho những thay đổi cần thiết, nhưng chỉ khi người Mỹ chấp nhận rằng một đất nước Hoa Kỳ bẩm sinh đã luôn tự sửa chữa bản thân không cần phải hoàn hảo để trở nên tốt đẹp — và đặc biệt là khi, trong một thế giới loài người vốn sinh ra đã không hoàn hảo và những quốc gia thất bại, thì đất nước này vẫn tốt hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác ở bên ngoài.

Ông Victor Davis Hanson là một nhà phê bình theo phái bảo tồn truyền thống, nhà nghiên cứu trường phái cổ điển, và nhà sử học quân sự. Ông là giáo sư danh dự trường phái cổ điển tại Đại học Tiểu bang California, nhà nghiên cứu cao cấp về trường phái cổ điển và lịch sử quân sự tại Đại học Stanford, nhà nghiên cứu tại Trường Hillsdale, và là một nhà nghiên cứu xuất sắc tại Center of American Greatness. Ông Hanson đã viết 16 cuốn sách, bao gồm những cuốn như “The Western Way of War” (Chiến Tranh Kiểu Phương Tây), “Fields Without Dreams” (Những Cánh Đồng Không Có Ước Mơ), và “The Case for Trump” (Trường Hợp của Ông Trump).

Related posts