Ông Tập không có cơ hội phát biểu qua video tại COP26

RFI

Các nhà lãnh đạo toàn cầu hiện đang tập trung tại Glasgow – Scotland thuộc Vương Quốc Anh để tham gia Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26. Ngày 2/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không có cơ hội thực hiện bài phát biểu video tại COP26, chỉ có thể gửi phát biểu bằng văn bản.

Trung Quốc hiện là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không trực tiếp tham dự sự kiện COP26 cũng như không tham gia dưới hình thức video. Điều này đã làm dấy lên tranh luận. Ngày 1/11, ông Tập Cận Bình đã gửi một tuyên bố bằng văn bản cho hội nghị, trong tuyên bố không đưa ra các cam kết bổ sung, nhưng kêu gọi tất cả các nước giữ cam kết và “tăng cường sự tin cậy và hợp tác lẫn nhau”.

Tại họp báo thường kỳ vào ngày 2/11, phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi được hỏi tại sao ông Tập Cận Bình không tham gia kết nối video tại COP26 đã trả lời: “Theo tôi biết, bên tổ chức hội nghị không cung cấp hình thức tham gia video”.

Theo Reuters, người phát ngôn của Chính phủ Anh tuyên bố rằng Vương quốc Anh hy vọng các nhà lãnh đạo đích thân tham dự COP26, vì vậy các nhà lãnh đạo không thể tham gia thông qua kết nối video. Họ chỉ có thể cung cấp bài phát biểu hoặc tuyên bố được ghi lại bằng văn bản.

Các nhà quan sát khí hậu lo lắng việc ông Tập Cận Bình vắng mặt đồng nghĩa Trung Quốc không sẵn sàng đưa ra thêm nhiều nhượng bộ hơn tại hội nghị thượng đỉnh này. Tuy nhiên, Bắc Kinh nói rằng trong năm qua, Trung Quốc đã thực hiện một số cam kết lớn.

Hôm 31/10, ông Biden cho biết rất thất vọng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 cũng như hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. “Nói về sự thất vọng, không chỉ từ Nga mà cả Trung Quốc, về cơ bản là không đưa ra bất kỳ cam kết nào để đối phó với biến đổi khí hậu. Bản thân tôi cảm thấy thất vọng”, ông nói.

Hôm 1/11, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên trên Không lực Một rằng, vấn đề Bắc Kinh có hoàn thành trách nhiệm ứng phó với khủng hoảng khí hậu hay không không liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung.

Washington đã nhiều lần thúc giục Bắc Kinh tách rời xung đột giữa hai nước và hợp tác về biến đổi khí hậu. Nhưng Trung Quốc từ chối chấp nhận. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng Chín của đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ thay đổi lập trường đối với Trung Quốc về các vấn đề khác, từ nhân quyền đến vấn đề Đài Loan, cũng tuyên bố Mỹ không thể mong được hợp tác khi cứ chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề khác.

Khi đó ông Kerry cảnh báo Trung Quốc rằng các nỗ lực chống biến đổi khí hậu không nên được sử dụng như “vũ khí hoặc công cụ địa chiến lược”, qua đó kêu gọi Trung Quốc hành động nhiều hơn nữa.

Related posts