Chuyên gia quốc phòng: Nói AUKUS tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang sẽ ‘gây hiểu lầm’

Daniel Y. Teng

Trong bức ảnh do Lực lượng Quốc phòng Úc cung cấp này, tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Úc HMAS Rankin được nhìn thấy trong AUSINDEX 21, một cuộc tập trận hàng hải diễn ra hai năm một lần giữa Hải quân Hoàng gia Úc và Hải quân Ấn Độ ở Darwin, Úc, hôm 05/09/2021. (Ảnh: POIS Yuri Ramsey/Lực lượng Quốc phòng Úc/Getty Images) Tây Dương

Lo ngại rằng liên minh AUKUS có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang ở Á Châu-Thái Bình Dương không gì khác hơn là một “phản ứng chưa được suy xét kỹ càng”, theo một chuyên gia quốc phòng, người cho biết hiệp ước giữa Úc, Hoa Kỳ, và Anh Quốc sẽ giúp duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực bất ổn này.

“Rõ ràng, Úc rất muốn xóa bỏ những nhận thức sai lầm về AUKUS, nhưng như tôi đã lưu ý trước đây, những ai tin rằng AUKUS có thể đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực, và những ai nghĩ khác, thì có thể muốn ôm giữ ý kiến của riêng mình,” ông Collin Koh Swee Lean, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Công nghệ Nam Dương (NTU) ở Singapore, cho biết.

Ông nói với The Epoch Times rằng có những bên muốn “tiếp tục mơ hồ và làm rối tung các vấn đề” nhưng lại lưu ý rằng sẽ hữu ích hơn nếu nhìn “xa hơn những lời nói hoa mỹ” và xem xét các hành động chính sách của các chính phủ ASEAN.

Ông cho hay, “Nếu Indonesia và Malaysia phản đối AUKUS và có ý định gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Úc, thì họ đã không tiếp tục các cam kết quốc phòng và an ninh thông thường với AUKUS. Indonesia và Úc vừa kết thúc cuộc tập trận hải quân song phương New Horizon (Chân Trời Mới) vào tuần trước. Còn Malaysia thì vừa ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Úc về hợp tác an ninh mạng.”

Ngoài ra, ông đã lưu ý việc gắn nhãn “chạy đua vũ trang” sẽ “gây hiểu lầm”, nói rằng chỉ có một số ít quốc gia có ý định chính trị và các nguồn lực để tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang.

“Tôi thậm chí sẽ không cố gọi đó là một ‘cuộc chạy đua vũ trang’ mà bất quá chỉ là một cuộc cạnh tranh vũ khí,” ông nói. “Chúng ta đã có nhiều cảnh báo tương tự trong quá khứ, vì vậy những nhận xét từ phía Indonesia và Malaysia không có gì mới. Thậm chí dường như điều đó còn được cho là một phản ứng chưa được suy xét kỹ càng.”

Việc công bố thỏa thuận ba bên giữa Hoa Kỳ, Anh Quốc, và Úc đã gây ra phản ứng khác nhau từ các chính phủ Á Châu-Thái Bình Dương. Nhật Bản, Đài Loan, và Philippines ủng hộ thỏa thuận này, còn Bắc Hàn, Malaysia, và Indonesia thì bày tỏ lo ngại rằng hiệp ước mới có thể khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố ông sẽ xem xét quan điểm của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về hiệp ước này.

Ông Peter Jennings, người đứng đầu Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho biết chính phủ Úc cần bỏ nhiều công sức hơn nữa cho các mối bang giao của mình với các quốc gia Đông Nam Á.

Ông nói với AAP hôm 08/11, “Chúng tôi cần phải vượt qua quan niệm của Úc rằng mọi thứ có thể được thực hiện với nguồn lực tối thiểu. Chúng tôi đã quá yên tâm về vị thế của mình ở Đông Nam Á, có lẽ đã cho rằng vị thế đó mạnh hơn so với thực tế, và chúng tôi đã bị đánh úp bởi lượng tiền của Trung Quốc.”

Hiện tại, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne đang công du khu vực để xoa dịu những lo ngại và củng cố các mối bang giao trong khối ASEAN.

Ông Lean lưu ý rằng AUKUS sẽ là một “mạng lưới tin cậy cho hòa bình khu vực” và có thể duy trì sự cân bằng quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Điều này cho phép các nước Đông Nam Á tập trung vào việc phục hồi kinh tế (sau đại dịch) và không phải dành quá nhiều nguồn lực cho quốc phòng,” ông nói, đồng thời lưu ý rằng chỉ riêng khối ASEAN sẽ là “không đủ” để chống lại sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh.

Trọng tâm của hiệp ước AUKUS mới là sự cam kết của các chính phủ Hoa Kỳ và Anh Quốc trong việc hỗ trợ chính phủ Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Hành động này có thể ảnh hưởng đáng kể đến cán cân quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nâng tầm sức mạnh năng lực hải quân của Úc, khiến nước này trở thành một trong sáu quốc gia trên toàn cầu vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, mặc dù họ là một cường quốc phi hạt nhân.

Hiệp ước này cũng nhằm mục đích thúc đẩy tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, không gian mạng, và năng lực dưới biển.

Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Related posts