SoftBank trở thành nạn nhân lớn nhất giữa cuộc trấn áp các đại công ty internet của Trung Quốc

Kathleen Li

Một người đi bộ đi ngang qua logo của đại tập đoàn viễn thông và đầu tư SoftBank ở Tokyo hôm 08/02/2021. (Ảnh: Charly Triballeau/AFP/Getty Images) Trung Quốc

Hôm 08/11, SoftBank Group Corp., một công ty đầu tư mạo hiểm Nhật Bản, đã công bố kết quả hoạt động trong quý II (tháng 04-09/2021) của mình. Quỹ đầu tư Vision Fund của họ đã mất 7.96 tỷ USD, dẫn đến mất 3.58 tỷ USD trong thu nhập đầu tư, giảm 21.98 tỷ USD so với cùng thời kỳ năm ngoái. Truyền thông Trung Quốc đã mệnh danh công ty này là “nạn nhân” lớn nhất của sự sụp đổ của các đại công ty internet Trung Quốc.

Trong hội nghị về thành quả hoạt động trong quý II của mạng lưới SoftBank hôm 08/11, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Masayoshi Son đã đánh giá ngắn gọn kết quả ấn tượng của tập đoàn này trong vài quý vừa qua trước khi công bố khoản đầu tư bị lỗ.

Sau đó, ông đã chiếu một đoạn video về một trận bão tuyết mùa đông không ngừng – tượng trưng cho kết quả kinh doanh quý II đang giảm mạnh của SoftBank.

Giá trị tài sản ròng (NAV) của SoftBank đã giảm từ 244 tỷ USD vào ngày 30/06 xuống còn 187 tỷ USD vào ngày 30/09. Trong đó, tỷ lệ giá trị tài sản ròng của Tập đoàn Alibaba đã giảm từ 59% xuống còn 28% trong một năm kể từ ngày 30/09/2020, do giá cổ phiếu của công ty này sụt giảm. SoftBank Vision Fund hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị tài sản ròng, tăng từ 16% một năm trước lên 44%.

Đối với tài sản của SoftBank tại Trung Quốc, ngoài việc giá cổ phiếu của Tập đoàn Alibaba giảm mạnh, ông Son cũng chỉ ra sự sụt giảm giá trị thị trường của Didi Chuxing Technology Co. trong ba tháng qua, vốn đã giảm tỷ lệ tài sản ở Trung Quốc trong giá trị tài sản ròng xuống còn 36% tính đến ngày 30/09. Khoản đầu tư của SoftBank vào công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang (NYSE: CPNG), công ty có cổ phiếu lao dốc, cũng góp phần vào khoản lỗ lớn này.

Về quỹ Vision Fund, giá trị tài sản của quỹ này tại Trung Quốc đã giảm từ 13.43 tỷ USD xuống còn 1.20 tỷ USD trong ba tháng qua. Quỹ này hiện có 19% là các khoản đầu tư vào Trung Quốc, 35% là vào Hoa Kỳ và 46% là ở các nước còn lại trên thế giới.

Cả Alibaba và Didi đều chứng kiến ​​giá trị thị trường của họ giảm mạnh khi chính quyền Bắc Kinh trấn áp các đại công ty công nghệ internet. Hơn nữa, sự suy thoái trong lĩnh vực giáo dục và thị trường bất động sản của Trung Quốc có liên quan trực tiếp đến sự thay đổi chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong phần hỏi đáp này, ông Son cho biết ông sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.

Ông Son cho hay, mặc dù SoftBank đã thua lỗ lớn tại thị trường Trung Quốc trong ba tháng qua, nhưng rủi ro vẫn có thể kiểm soát được. Các yếu tố khu vực và ngành nghề sẽ được cân nhắc trong đầu tư để giảm thiểu rủi ro nhiều nhất có thể. Các công ty Nhật Bản thường có quy mô nhỏ và rất khó tìm được các công ty kỳ lân phù hợp để đầu tư. SoftBank đã đầu tư vào một công ty thuộc loại này và sẽ tiếp tục tìm kiếm các công ty khác như thế.

Quỹ Vision Fund đã đầu tư vào 368 công ty. Theo trang web của họ, ngoài DIDI Chuxing (NYSE: DIDI) và DIDI Autonomous, các công ty kỳ lân Trung Quốc được ông Son lựa chọn bao gồm ByteDance, Manbang Group (NYSE: YMM), Xueshubang, Zhangmen Education (NYSE: ZME), Ding Dong Maicai, KE Holdings (NYSE: BEKE), ZhongAn Insurance (06060.HK) và Jingdong Logistics (02618.HK).

Báo cáo tài chính mới công bố của KE Holdings cho thấy khoản lỗ ròng khoảng 274 triệu USD từ tháng Bảy đến tháng Chín, theo Sina Finance. Do điều kiện tài chính trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc bị thắt chặt, một số nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn về thanh khoản. Thị trường bất động sản ở Trung Quốc đang dần hạ nhiệt, và KE Holdings đương nhiên bị ảnh hưởng.

Báo cáo này cũng cho thấy thu nhập ròng của các dịch vụ giao dịch nhà ở cũ trong khoảng thời gian từ tháng Bảy đến tháng Chín là khoảng 900 triệu USD, so với khoảng 1.4 tỷ USD cùng thời kỳ năm ngoái.

Tại hội nghị thu nhập, ông Son cũng công bố kế hoạch mua lại 8.8 tỷ USD cổ phiếu của công ty từ ngày 09/11/2021 đến ngày 08/11/2022. Cổ phiếu của SoftBank hiện có giá trị thấp hơn giá trị tài sản ròng thực tế của họ và ông Son dự định tăng lợi nhuận cho cổ đông thông qua việc mua lại.

Các đại công ty internet của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng “nạn nhân” lớn nhất hóa ra lại là Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản, truyền thông Trung Quốc đưa tin. Tuy nhiên, khoản đầu tư hơn 20 triệu USD của SoftBank vào Alibaba hồi năm 2008 được cho là đã tăng lên 55 tỷ USD vào thời điểm Alibaba niêm yết cổ phiếu vào năm 2014. Từ năm 2016 đến năm 2020, Tập đoàn này đã thu về hơn 28 tỷ USD bằng cách giảm bớt một số cổ phần nắm giữ.

Với khoản lỗ lớn như hiện nay, ông Son vẫn kiên quyết đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Ông có thể đang tìm kiếm một Alibaba thứ hai. Hôm 10/11, Gaussian Robotics của Trung Quốc đã công bố hoàn thành vòng góp vốn thứ ba trị giá 1.2 tỷ USD, với Vision Fund là một trong những nhà đầu tư hàng đầu.

Cô Kathleen Li đã đưa tin cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và kỹ thuật kết cấu tại Úc.

An Nhiên biên dịch

Related posts