Tin thế giới tối thứ Năm

EU sẽ gia hạn lệnh trừng phạt các quan chức ĐCS Trung Quốc vi phạm nhân quyền

Minh Anh

EU sẽ gia hạn lệnh trừng phạt các quan chức ĐCS Trung Quốc vi phạm nhân quyền
Tòa nhà trụ sở Liên minh Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ. (Ảnh Mark Renders / Getty 2004)

Hai nhà ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết, hôm 24/11, đại sứ của các nước thành viên EU tại Châu Âu đã thông qua việc gia hạn lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và một thực thể của Trung Quốc. Hai nhà ngoại giao nói với Reuters rằng, quyết định gia hạn lệnh trừng phạt vẫn cần sự chấp thuận chính thức của bộ trưởng các nước thành viên EU từ ngày 6 đến ngày 7/12.

Theo South China Morning Post (SCMP) đưa tin, bộ trưởng các nước thành viên EU gần như chắc chắn sẽ thông qua việc gia hạn lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể ĐCSTQ vào tháng 12 tới. 

Bài báo dẫn lời nhiều người thạo tin tiết lộ rằng, hôm 24/11, “Coreper II”, Đại sứ các nước thành viên EU tại châu Âu, đã thông qua kiến nghị gia hạn lệnh trừng phạt “mà không cần thảo luận”.

Vào tháng 3 năm nay, EU đã liệt 4 quan chức ĐCSTQ, bao gồm một quan chức an ninh cấp cao và một thực thể vào danh sách trừng phạt, áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các cá nhân và thực thể này. 

Đây là lần đầu tiên EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh kể từ sau thảm sát ở Quảng trường Thiên Môn năm 1989. Các cá nhân và thực thể này bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.

Đối tượng bị trừng phạt bao gồm Trần Minh Quốc (Chen Mingguo), Giám đốc Sở Cảnh sát Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. EU nói rằng Trần “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”.

Thực thể bị trừng phạt là Cục Cảnh sát thuộc Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương. EU cho biết thực thể này phải chịu trách nhiệm về “việc giam giữ tùy tiện trên quy mô lớn và ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ”.

ĐCSTQ phủ nhận mọi hành vi sai trái, đồng thời lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với nhiều quan chức ngoại giao và chính trị của EU. Động thái này đã làm bùng lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của Nghị viện Châu Âu.

Đóng băng Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc – EU

Ngày 20/5 năm nay, Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết bằng một cuộc bỏ phiếu áp đảo, hoãn phê duyệt Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc – EU (CAI) cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trả đũa.

ĐCSTQ và EU đã hoàn tất thỏa thuận này vào cuối năm 2020. Bắc Kinh khi đó tuyên truyền rằng thành tựu này là một thắng lợi to lớn của họ trên chính trường quốc tế.

Trước khi Nghị viện Châu Âu biểu quyết, ĐCSTQ vẫn cố gắng cứu vãn thỏa thuận này đến phút cuối cùng. Phải mất 7 năm, Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc – EU mới tuyên bố hoàn tất đàm phán vào cuối năm ngoái. 

Nghị viện Châu Âu tuyên bố rằng “quan hệ EU – Trung Quốc có khả năng sẽ không thể tiếp tục bình thường như trước”

Nghị quyết cũng yêu cầu chính quyền Bắc Kinh chấp thuận các điều khoản liên quan của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hợp Quốc về cấm lao động cưỡng bức và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights) của Liên Hợp Quốc.

Minh Anh theo The Epoch Times

Cầu thủ bóng rổ Kanter kiên trì kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022

Hải Lam

Cầu thủ bóng rổ Enes Kanter (ảnh: Từ video của Fox News)

Cầu thủ bóng rổ Enes Kanter thuộc đội Boston Celtics của Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ đã liên tục lên án việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp nhân quyền. Sau vụ việc Bành Soái, Kanter cũng kiên trì kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022, theo Epochtimes.

Bành Soái đã bị Internet Trung Quốc chặn vì cáo buộc cựu Phó thủ tướng Trương cao Lệ hãm hiếp cô. Cô Bành đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn 10 ngày. Có nhiều thông tin cho rằng cô đã bị ĐCSTQ đe dọa, không chế để không nói ra câu chuyện xấu hổ của ông Trương.

Vào Chủ nhật (21/11), Chủ tịch ủy ban Olympic quốc tế IOC Thomas Bach được cho là đã có một cuộc trò chuyện video với Bành Soái, nhưng việc này vẫn không khiến giới thể thao quốc tế ngừng lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ. IOC cũng bị giới truyền thông chỉ trích là hợp tác với ĐCSTQ để cố gắng che đậy scandal của ông Trương.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 23 tháng 11, Kanter nói rằng mặc dù hầu hết giới thể thao chuyên nghiệp vẫn giữ im lặng về những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, “nhưng ai đó phải làm điều gì đó”.

“Có rất nhiều vận động viên, quá nhiều diễn viên, rất nhiều ca sĩ và rapper. Họ không dám nói một lời nào, bởi vì họ quan tâm quá nhiều đến tiền bạc – quan tâm đến các hợp đồng của họ”, Kanter nói.

“Họ nên biết một điều: Đạo đức và nguyên tắc nên quan trọng hơn tiền bạc, chứ không phải ngược lại. Cuộc sống của mọi người phụ thuộc vào điều này”, Kanter nói thêm, đồng thời lưu ý rằng giới trẻ trên toàn thế giới ngưỡng mộ tất cả các vận động viên thể thao, do đó các vận động viên nên chú ý đến lời nói và việc làm của họ.

“Tôi thực sự cảm thấy cô đơn, vâng … Nhiều người quan tâm quá nhiều đến lợi ích kinh doanh của họ. Nhưng đối với tôi, nhân quyền quan trọng hơn bất cứ điều gì”, anh nói trên chương trình của kênh Fox News.

Một giám đốc điều hành của IOC đã đưa ra tuyên bố rằng Thế vận hội mùa đông năm 2022 không thể rời khỏi Trung Quốc. Kanter đặt câu hỏi về điều này và tin rằng IOC không thể tiếp tục công nhận cái mà anh gọi là “chế độ độc tài man rợ” của ĐCSTQ.

“[ĐCSTQ] đang kiểm duyệt và đe dọa tự do. Họ không tôn trọng nhân quyền và che giấu sự thật. Như chúng ta nói bây giờ, [Trung Quốc] đang trải qua nạn diệt chủng”, anh nói, “Hàng triệu người bị nhốt trong các trại tập trung. Họ bị tra tấn và cưỡng hiếp tập thể hàng ngày. Thật không thể chấp nhận được nếu họ dự định tổ chức Thế vận hội Olympic ở một đất nước như vậy”.

“Chúng ta phải nhận ra rằng chính quyền độc tài của Trung Quốc không phải là bạn của chúng ta.”

Anh nói thêm, “Ngay cả khi bạn có thể giành được tất cả các huy chương vàng trên thế giới, thì việc bán các giá trị và nguyên tắc của mình cho Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng không đáng”.

Tờ The Times của Anh tiết lộ rằng Vương quốc Anh đang “tích cực thảo luận” về việc tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 với các thành viên của “Liên minh Ngũ Nhãn”.

Nhiều nước Châu Âu đối mặt nguy cơ bùng dịch trở lại dù tỷ lệ tiêm chủng hơn 80%

Thanh Trúc

Hình minh họa vaccine ngừa Covid. (ảnh: Shutterstock)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng số người chết vì Covid ở châu Âu có thể tăng thêm 700.000 người trong mùa đông năm nay. Hiện tình hình dịch ở châu Âu đang diễn biến theo chiều hướng xấu, theo News.

Nhiều người tin rằng khó có thể phòng ngừa COVID chỉ bằng việc tiêm vắc-xin, vì châu Âu vốn đã bắt đầu tiêm vắc-xin từ sớm để đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng giờ đang phải đối mặt với một đợt dịch bùng phát mạnh.

Theo AP, AFP và CNBC, vào ngày 23/11, WHO dự đoán rằng nếu sự lây lan Covid ở châu Âu tiếp tục, tính tới 1/3 năm sau, sẽ có thêm 700.000 ca tử vong tại 53 quốc gia ở châu lục này, và số người chết tích lũy có thể lên tới 2,2 triệu. Tính đến hết ngày 24/11, số người chết tích lũy ở châu Âu là 1,5 triệu người.

Tuần trước, số người chết vì Covid hàng ngày ở châu Âu là 4.200 người, gấp đôi con số vào cuối tháng 9. Có hơn 3,5 triệu ca Covid mới được xác nhận trên toàn thế giới, trong đó hơn 2,4 triệu ca ở châu Âu, chiếm 67% tổng số.

Số trường hợp được xác nhận nhiễm Covid ở châu Âu tăng 11% so với tuần trước. Tại 24 trong số 61 quốc gia, số trường hợp dương tính với Covid đã tăng hơn 10%. Đặc biệt, Covid đang có chiều hướng lan rộng ở Đức, Anh, Nga và Pháp, những quốc gia đã triển khai mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng. WHO cho biết đây là bằng chứng cho thấy hiệu quả của vắc xin đang giảm sút.

Theo Our World in Data, tính đến 8 giờ ngày 23, Bồ Đào Nha ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 87,78%. Iceland (81,56%) và Tây Ban Nha (80,32%). Đan Mạch, Ireland, Bỉ, Hà Lan và Ý cũng có tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi trên 70%. Pháp, Anh và Đức cũng chiếm gần 70%.

Hoa Kỳ kêu gọi các ứng viên tổng thống Honduras giữ quan hệ với Đài Loan

Thanh Mai

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: 總統府/Flickr/).

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư (24/11) cho biết, Hoa Kỳ đã nói rõ với cả hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Honduras rằng Washington muốn quốc gia này duy trì mối quan hệ ngoại giao lâu đời với Đài Loan, theo Reuters.

Quan chức giấu tên cũng cho biết Washington đã cảnh báo các quốc gia Trung Mỹ về “một số rủi ro liên quan đến cách tiếp cận của Trung Quốc đối với khu vực.”

Xiomara Castro, ứng cử viên tổng thống Honduras có khuynh hướng cánh tả, thuộc phe đối lập, đang dẫn đầu trong cuộc thăm dò mới nhất. Bà Castro từng tuyên bố rằng nếu chiến thắng, bà sẽ chấm dứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang bang giao với Trung Quốc. Tuy nhiên, một trong những phụ tá thân cận của bà hôm thứ Ba cho biết bà vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Honduras là một trong 15 quốc gia đến nay vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Washington đã nhiều lần cảnh báo về việc Bắc Kinh luôn tìm cách mua chuộc các đồng minh của Đài Loan.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo trực tuyến rằng: “Chúng tôi đã khá rõ ràng với tất cả các thành viên chính phủ ở Honduras rằng tại sao chúng tôi nghĩ mối quan hệ Honduras-Đài Loan là rất quan trọng. Chúng tôi muốn điều đó tiếp tục. Chúng tôi đã nói điều đó trực tiếp với cả hai ứng viên hàng đầu”

Vị quan chức Hoa Kỳ này cho biết thêm Washington không đứng về phía nào trong cuộc bầu cử của Honduras sẽ diễn ra vào ngày 28/11.

Nghị sỹ Canada kêu gọi chính phủ cấm Huawei tham gia mạng 5G

Ngọc Mai

Một cửa hàng Huawei ở Costa Rica (ảnh: Shutterstock).

Tờ Epochtimes đưa tin, các nghị sĩ bảo thủ Canada đã ra tuyên bố chung, kêu gọi Thủ tướng Justin Trudeau và chính phủ của ông cấm Huawei khỏi hệ thống cơ sở hạ tầng điện thoại và internet 5G của nước này, do lo ngại về an ninh quốc gia.

Trong tuyên bố ngày 23 tháng 11, Ed Fast, nhà phê bình về đổi mới, khoa học và công nghiệp, Raquel Dancho, nhà phê bình về an toàn công cộng và Pierre Paul-Hus, nhà phê bình về dịch vụ công và mua sắm, đã kêu gọi chính phủ Canada công bố ngày đưa ra quyết định cuối cùng về Huawei. 

Tuyên bố viết “Tất cả các đồng minh Ngũ Nhãn của Canada đã cấm hoặc hạn chế khắt khe việc sử dụng Huawei trong cơ sở hạ tầng 5G của họ do lo ngại rằng, công nghệ có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp và làm suy yếu lợi ích kinh tế và an ninh rộng lớn hơn của chúng ta”.

Tuyên bố tiếp tục “Sự thiếu hành động của Đảng Tự do [của ông] Trudeau đối với quyết định này là sự đáng xấu hổ toàn cầu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với vị thế quốc tế và các mối quan hệ quan trọng của chúng ta với các đồng minh.”

Vào ngày 9 tháng 11, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Philippe Champagne cho biết, Canada chỉ muốn giao dịch với “các đối tác đáng tin cậy” về vấn đề liên doanh trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Điều này gửi tín hiệu về việc người Canada từ chối sử dụng mạng 5G của Huawei.

Ông Philippe cho biết, ông hy vọng chính phủ liên bang sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có cấm Huawei hay không trong khoảng thời gian vài tuần, sau khi phiên họp quốc hội mới bắt đầu vào ngày 22 tháng 11.

Chính phủ Tự do của ông Trudeau trước đó đã trì hoãn quyết định cấm Huawei khỏi mạng 5G của nước mình do lo ngại về sự an toàn của hai công dân Canada bị giam giữ ở Trung Quốc.

Hai công dân này đã được trả tự do vào tháng 9 sau hơn 1.000 ngày bị ĐCSTQ giam giữ. Vụ việc được nhiều người coi là đòn trả đũa của Bắc Kinh đối với việc Canada bắt giữ nữ giám đốc của Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ. Sau khi bà Mạnh được thả, hai công dân Canada cũng được phóng thích về nước. 

Các nhà phê bình lo ngại việc Huawei tham gia vào mạng 5G của Canada có thể cho phép ĐCS Trung Quốc truy cập vào một loạt thông tin kỹ thuật số, bao gồm thói quen và nơi ở của người Canada. 

Những lo ngại này xuất phát từ thực tế là Luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc yêu cầu các tổ chức và công dân Trung Quốc phải hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với hoạt động tình báo nhà nước. Do đó, các cơ quan an ninh của ĐCSTQ có thể buộc các công ty tư nhân cung cấp thông tin cá nhân về người dùng của họ.

Vào tháng 10, Nanos Research đã công bố một  cuộc thăm dò cho thấy 76% người Canada phản đối sự tham gia của Huawei vào mạng 5G của đất nước – tăng mạnh so với mức 53% của năm 2019.

Nữ thủ tướng Thụy Điển đầu tiên từ chức vài giờ sau khi được bầu

Bà Magdalena Andersson, đã từ chức chỉ vài giờ sau khi được Quốc hội phê chuẩn hôm 24.11.

Việc từ chức của Bà Andersson diễn ra sau thất bại ngân sách tại Quốc hội, khi các nhà lập pháp ủng hộ dự luật của phe đối lập.

Đảng Xanh cũng đã quyết định rời khỏi chính phủ liên minh thiểu số với các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội của bà Andersson. Chính phủ hiện tại sẽ vẫn là một chính phủ lâm thời cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.

Bà Andersson, 54 tuổi, cho biết đã nói với Chủ tịch Quốc hội rằng bà hy vọng sẽ được tái bổ nhiệm làm thủ tướng khi lãnh đạo “chính phủ do một mình Đảng Dân chủ Xã hội đứng đầu” – Reuters đưa tin.

Bà thay thế ông Stefan Löfven, người gần đây đã từ chức cả thủ tướng và lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội.

Tất cả các quốc gia Bắc Âu khác – Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Iceland – đều đã bầu chọn các nữ lãnh đạo quốc gia.

Trước bà Andersson, Thụy Điển có 33 thủ tướng là nam giới. Theo sơ yếu lý lịch đăng trên trang web của chính phủ Thụy Điển, trước đây bà Andersson từng là Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Thuế Thụy Điển.

Bà có bằng thạc sĩ kinh tế tại Trường Kinh tế Stockholm và từng là Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển từ năm 2014. Bà cũng là người phụ nữ thứ hai đứng đầu Đảng Dân chủ Xã hội trung tả.

Bà Andersson đã được Quốc hội phê chuẩn để trở thành thủ tướng sau khi đạt được thỏa thuận vào phút cuối với Đảng Cánh tả, nhưng việc nắm giữ quyền lực của bà trở nên mỏng manh vì bối cảnh chính trị phân hóa của đất nước Bắc Âu này.

Người tiền nhiệm của bà, ông Löfven, đã điều hành đất nước bằng cách đảm bảo sự ủng hộ từ cả hai Đảng Cánh tả và Đảng Trung tâm trong Quốc hội, mặc dù họ không phải là một phần của chính phủ liên minh.

Nhưng Đảng Trung tâm đã lo lắng về thỏa thuận với Đảng Cánh tả và nói rằng họ sẽ không ủng hộ chính phủ của bà Andersson trong cuộc bỏ phiếu về dự luật tài chính do ba đảng đối lập đề xuất.

“Chúng tôi không thể hỗ trợ ngân sách từ một chính phủ đang tiến xa về cánh tả, điều mà chúng tôi nghĩ rằng chính phủ sắp tới đang làm” – lãnh đạo Đảng Trung tâm Annie Loof nói với các phóng viên.

Ông Löfven đã từ chức thủ tướng vào đầu tháng này để cho bà Andersson cơ hội thúc đẩy sự ủng hộ cho đảng trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 năm sau.

Ai dẫn dắt Thụy Điển sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Bạo lực băng đảng và các vụ xả súng đã tàn phá cuộc sống ở nhiều vùng ngoại ô của thủ đô Stockholm và các thành phố lớn khác.

Đại dịch COVID-19 đã phơi bày những lỗ hổng trong nhà nước được ca ngợi nhiều về phúc lợi, với tỷ lệ tử vong ở Thụy Điển cao hơn nhiều so với các nước Bắc Âu láng giềng. Chính phủ cũng cần tăng tốc chuyển dịch sang nền kinh tế “xanh” nếu muốn đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Thăm dò: Đa số người Mỹ nói Biden ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của họ

Nam Sơn

Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh: Youtube/CNBC Television).

Một cuộc thăm dò mới cho thấy hầu hết người Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Joe Biden vì cách điều hành kinh tế của ông làm cho giá cả các mặt hàng tăng cao, theo Western Journal.

Mới đây Yahoo News / YouGov đã thực hiện một cuộc khảo sát để đánh giá ý kiến ​​của người dân Mỹ về việc lạm phát ảnh hưởng tới cuộc sống của họ như thế nào vào các ngày lễ dịp cuối năm.

77% số người được hỏi cho biết họ đang cảm thấy khủng hoảng, trong đó có 57% quy trách nhiệm cho ông Biden.

Khi được hỏi liệu ông Biden có khắc phục được các vấn đề đang ảnh hưởng đến họ hay không, 18% số người được hỏi cho biết vị tổng thống Mỹ đương nhiệm đang làm được.

Andrew Romano của Yahoo lưu ý, “Những kết quả này giải thích một phần lý do tại sao xếp hạng chấp thuận tổng thể của tổng thống [Biden] đã giảm đều đặn xuống 43% trong những tháng gần đây trong khi xếp hạng không chấp thuận [cách làm việc] của ông ấy đã tăng lên 52% – và tại sao, về đánh giá đối với nền kinh tế, xếp hạng chấp thuận của ông Biden thậm chí còn thấp hơn [40 %]”.

37% người được hỏi cho biết giá các mặt hàng cao hơn đang ảnh hưởng đến họ “rất nhiều”, trong khi 40% cho biết họ đang cảm thấy “một số” tác động, 61% nói rằng đã bị ảnh hưởng bởi “tình trạng thiếu hụt hàng hóa và dịch vụ”.

51% người được hỏi nói với Yahoo / YouGov rằng họ lo lắng sẽ không thể mua được những thứ họ cần trong kỳ nghỉ lễ do lạm phát.

45% cho biết họ lo lắng, do các vấn đề về chuỗi cung ứng, rằng họ sẽ không thể tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm.

Các đảng viên Đảng Dân chủ được thăm dò có xu hướng cho rằng lạm phát là do đại dịch COVID-19. Trong khi đó, những người dân được hỏi đa phần đổ lỗi cho năng lực điều hành của ông Biden.

Cục Nông trại Hoa Kỳ đã chia sẻ một hình ảnh trên mạng xã hội vào tuần trước về các mặt hàng thiết yếu trong Lễ Tạ ơn và mức tăng giá tương ứng của chúng. Giá gà tây, một món ăn truyền thống trong Lễ Tạ ơn của người Mỹ, năm nay cao hơn 24% so với năm ngoái.

Related posts