Tin VN sáng Chủ Nhật: Thêm 13,063 ca COVID-19, Quảng Ngãi, Bình Định ra công điện khẩn ứng phó mưa lũ

Hiểu Minh

Thêm 13.063 ca COVID-19, bổ sung hơn 3.000 ca ở Tây Ninh

VnExpress – Trong 13.063 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 27/11 có 13.048 ca tại 60 tỉnh thành, và 3.004 ca tỉnh Tây Ninh bổ sung mã số bệnh nhân.

Từ 17h30 ngày 26/11 đến 17h30 ngày 27/11 ghi nhận 148 ca tử vong riêng TP.HCM 65 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 144 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 24.692 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.383 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.197.404 ca nhiễm. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (465.953), Bình Dương (280.203), Đồng Nai (85.631), Long An (37.938), Tiền Giang (24.483).

Quảng Ngãi, Bình Định ra công điện khẩn ứng phó mưa lũ

Zing – Ngày 27/11, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định ký công điện khẩn yêu cầu các địa phương rà soát, triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất khi mưa lớn kéo dài.

Cơ quan chức năng sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất.

Người dân cần chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát, cập nhật kịch bản chi tiết ứng phó với tình huống mưa, lũ lớn, sạt lở đất có thể xảy ra trên địa bàn (dự lường tình huống lũ trên các sông vượt trên báo động 3).

Các địa phương di dời, sơ tán dân trong điều kiện phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; bố trí lực lượng canh gác 24/24h, cắm biển cảnh báo và cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở…), tránh các trường hợp xảy ra chết người do chủ quan.

Cùng ngày, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên – Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người, tài sản.

Hà Nội: Học sinh lớp 12 mắc COVID-19, từng tiêm vắc-xin tại trường

NLĐ – Trước đó, sáng 24/11, một học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Lợi (Q.Hà Đông, Hà Nội) được xác định không phải F1 hay F0 nên đến trường tiêm vắc-xin.

Sau khi tiêm về, ngày 25/11, học sinh thấy biểu hiện ho, sốt nên đã được y tế P.Phú La (Q.Hà Đông) lấy mẫu xét nghiệm COVID-19; đến chiều tối 26/11, kết quả xác định dương tính.

Học sinh này lập tức gọi điện báo cáo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm báo cáo về nhà trường. Tối cùng ngày, học sinh cùng gia đình đã được cơ quan y tế đưa đi cách ly, điều trị.

Trường THPT Lê Lợi đã họp khẩn và thông báo cho toàn thể học sinh của trường tham gia tiêm vắc xin ngày 24/11 tự cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe.

Ngày 27/11, TP Hà Nội ghi nhận 272 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 146 ca tại cộng đồng, 88 ca tại khu cách ly và 38 ca tại khu phong tỏa.

Miền Bắc nguy cơ thiếu điện trong năm 2022

VnExpress – Chia sẻ tại Diễn đàn Năng lượng cho hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19, ngày 26/11, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.500-2.400 Megawatts trong một số giờ cao điểm hoặc thời tiết cực đoan trong năm 2022.

Theo ông Lâm, từ tháng 8 đến nay, nhu cầu phụ tải điện toàn quốc tăng trưởng thấp do ảnh hưởng các đợt giãn cách xã hội kéo dài vì Covid-19. Nhưng năm 2022, theo Phó tổng giám đốc EVN, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội sẽ ở mức cao, khi chiến lược phòng dịch chuyển sang sống chung với Covid-19 và kinh tế mở cửa trở lại.

Ông Lâm nhận xét, hệ thống điện quốc gia cơ bản đáp ứng đủ điện, nhưng miền Bắc lại tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện cục bộ từ tháng 5 đến tháng 7, khi thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, nền nhiệt trên 36 độ C.

Theo tính toán của EVN, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.500-2.400 Megawatts trong một số giờ cao điểm, và thời tiết cực đoan.

Mối lo miền Bắc thiếu điện trong mùa khô năm sau hiện hữu khi thuỷ điện cung ứng trên 45% điện cho khu vực này. Trong khi đó, các nhà máy thuỷ điện đang gặp thách thức khi mực nước về các hồ thuỷ điện thiếu so với các năm. Tính đến tháng 10, khu vực các hồ Lai Châu, hồ Sơn La và Hòa Bình, thiếu hụt khoảng 41% so với trung bình nhiều năm.

Để đảm bảo cấp điện cho mùa khô năm 2022, ông Lâm cho hay, cần tích nước các hồ thuỷ điện lên mức cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ khu vực miền Bắc và điều tiết giữ ở mức cao đến cuối mùa khô, để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thuỷ điện. Tập đoàn này cũng tính tới phương án sẽ huy động tối ưu các nguồn điện phía Bắc, truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc.

Bắt nữ Giám đốc công ty xăng dầu ở TP.HCM

Hiểu Minh

Liên quan đến đường dây 200 triệu lít xăng giả, sáng 27/11, Công an Đồng Nai phối hợp với Công an TP.HCM bắt tạm giam Lê Thị Anh Thư (53 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Lượng, P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM) để điều tra về hành vi buôn lậu.

Theo báo Thanh Niên, bà Lê Thị Anh Thư là Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Biên Khoa (số 261, đường Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp), chuyên kinh doanh đại lý, môi giới, đấu giá, bán lẻ nhiên liệu động cơ trong các cửa hàng chuyên doanh, vận tải hàng hóa bằng đường bộ.

Ngoài khởi tố, bắt tạm giam công an còn tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc của Lê Thị Anh Thư.

Đường dây 200 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP.HCM) cầm đầu, bị Công an Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an triệt phá vào đêm 6/2.

Hơn 100 tỷ đồng, 50 sổ đỏ đất đai, 12 thùng hồ sơ; 2 tàu biển 2.500 tấn, 5 sà lan 400-1.000 tấn, 6 xe bồn trong bờ, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hoá chất… bị thu giữ.

Cơ quan điều tra cho rằng, có khoảng một triệu lít xăng giả được đưa ra thị trường mỗi ngày từ “lò” pha chế giữa sông Hậu.

Related posts