Tin thế giới sáng thứ Hai

Thượng Hải: 3 ca nhiễm COVID-19 khiến hơn 20 bệnh viện dừng khám bệnh, hơn 500 chuyến bay bị hủy

Minh Anh

Tháng 11/2021, sau khi một tòa dân cư ở quận Hoàng Phố, Thượng Hải xuất hiện ca nhiễm COVID-19, dây cảnh báo đã được thiết lập gần đó. (Ảnh chụp màn hình video/ Từ Epoch Times)

Sau khi phát hiện 3 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) vào ngày 25/11, hơn 20 bệnh viện ở Thượng Hải đã dừng khám chữa bệnh và hơn 500 chuyến bay bị hủy. Điều này đã làm dấy lên nhiều nghi hoặc.

Đợt dịch lần này ở Thượng Hải liên quan đến Bắc Kinh, Tô Châu, Hàng Châu, Từ Châu, Giang Tô, Hạ Môn, Phúc Kiến, v.v. Vì xảy ra ngay trước Thế vận hội Mùa Đông 2022, nên chắc chắn đợt dịch này sẽ gây áp lực lớn lên chính quyền Bắc Kinh. 

Thượng Hải: 20 bệnh viện dừng khám chữa bệnh, hơn 500 chuyến bay bị hủy

Kể từ ngày 25/11, hơn 20 bệnh viện ở Thượng Hải đã ra thông báo tạm dừng dịch vụ điều trị y tế khẩn cấp, điều này khiến người dân Trung Quốc rất hoang mang. 

Theo The Paper đưa tin, từ tối ngày 25/11 đến tối ngày 26/11, nhiều bệnh viện ở Thượng Hải đã tạm dừng dịch vụ điều trị y tế khẩn cấp, nhưng trang web của các bệnh viện này vẫn hoạt động bình thường, bao gồm Bệnh viện Thuỵ Kim trực thuộc Trường Y Đại học Giao thông Thượng Hải, Bệnh viện Trung Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán, v.v.

Theo chính quyền Thượng Hải, điều này là để kiểm soát dịch bệnh, không để hiện tượng lây nhiễm cộng đồng xảy ra trong bệnh viện, nếu toàn bộ bệnh nhân và bác sĩ của các bệnh viện đều âm tính sau hai lần xét nghiệm axit nucleic, dự kiến từ sáng ngày 27/11 sẽ lần lượt mở cửa trở lại các cơ sở liên quan.

Theo RFI đưa tin ngày 26/11, dẫn tin từ trang web VariFlight cho thấy, để ngăn chặn virus lây lan sang các khu vực khác, hai sân bay ở Thượng Hải đã hủy hơn 500 chuyến bay trong ngày 26/11.

Ngày 26, Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Thượng Hải ra thông báo rằng, tất cả các hãng du lịch và công ty du lịch trực tuyến cần lập tức dừng dẫn các đoàn du lịch liên tỉnh và dừng kinh doanh “vé máy bay + khách sạn”.

Người dân Mãn Châu Lý không được ra khỏi thành phố, tất cả trạm xe buýt và trường học đóng cửa

Hôm 27/11, Cơ quan Chỉ huy và Phòng chống Dịch bệnh thành phố Mãn Châu Lý, Nội Mông thông báo rằng địa phương này có 3 ca mắc COVID-19. Hiện tại khu dân cư và nơi làm việc của những trường hợp nhiễm bệnh đã bị phong tỏa nghiêm ngặt.

Đồng thời, tất cả các chợ trong thành phố dừng kinh doanh với bên ngoài; không được tổ chức các hoạt động tụ tập như đám cưới, đám tang, v.v.; các dịch vụ thuê xe, xe bus bị tạm dừng; các phòng khám cá nhân, cơ sở khám bệnh, trạm y tế đóng cửa. Đối với bệnh viện, ngoại trừ các bệnh nhân cần cấp cứu, lọc máu, sản phụ, hóa trị ung thư, thì các khoa còn lại đều phải đóng cửa; các cơ sở phúc lợi, viện dưỡng lão đóng cửa; toàn bộ trường học, nhà trẻ và cơ sở đào tạo ngừng giảng dạy ngoại tuyến. Tất cả người dân Mãn Châu Lý bị cấm rời khỏi thành phố để tiến hành xét nghiệm axit nucleic.

Minh Anh, Theo Vision Times

Nghiên cứu: Những người được miễn dịch tự nhiên ít có nguy cơ tái nhiễm, mắc bệnh nặng do COVID-19

Du Miên

Hình ảnh kính hiển vi điện tử cho thấy virus corona mới (màu cam), gây ra bệnh COVID-19, được phân lập từ một bệnh nhân ở Hoa Kỳ, nổi lên từ bề mặt của các tế bào (màu xanh lá cây) được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ảnh công bố ngày 13/2/2020. (NIAID-RML)

Các nhà nghiên cứu ở Qatar đã kiểm tra một nhóm thuần tập gồm hơn 353.000 người, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia của Mỹ chứa thông tin về những bệnh nhân bị nhiễm bệnh được xác nhận bởi phản ứng chuỗi polymerase.

Dân số được nghiên cứu đã mắc bệnh COVID-19 do virus Corona Vũ Hán gây ra, từ ngày 28/2/2020 đến ngày 28/4/2021. Tái nhiễm được tính nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính ít nhất 90 ngày sau lần nhiễm bệnh đầu tiên của họ.

Sau khi loại trừ khoảng 87.500 người có hồ sơ tiêm chủng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người có khả năng miễn dịch do đã khỏi bệnh COVID-19 có ít nguy cơ tái nhiễm và biểu hiện lại các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh.

Chỉ có 1.304 trường hợp tái nhiễm được xác định. Như vậy, số người tái nhiễm COVID-19 lần hai chiếm khoảng 0,4% những người có khả năng miễn dịch tự nhiên và không có hồ sơ tiêm chủng. Tỷ lệ mắc bệnh nặng là 0,1% so với tỷ lệ nhiễm bệnh nguyên phát, theo nghiên cứu. Chỉ có 4 trường hợp như vậy được phát hiện. Không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận trong số những người bị nhiễm bệnh lần thứ hai.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England (New England Journal of Medicine). Cuộc nghiên cứu được tài trợ bởi tổ chức Weill Cornell Medicine – Qatar, Bộ Y tế Công cộng Qatar, Hamad Medical Corporation và Sidra Medicine.

Các nhà nghiên cứu bao gồm ông Laith Abu-Raddad làm việc tại Weill Cornell Medicine – Qatar và Tiến sĩ Robert Berollini làm việc tại Bộ Y tế Công cộng Qatar. Trước đây họ đã đánh giá, hiệu quả của khả năng miễn dịch tự nhiên chống lại nguy cơ tái nhiễm COVID-19 là 85% hoặc cao hơn. Họ cho biết: “Theo đó, đối với một người đã bị nhiễm bệnh sơ cấp, nguy cơ bị tái nhiễm nặng chỉ xấp xỉ 1% so với nguy cơ của một người chưa bị nhiễm trước đó bị nhiễm trùng sơ cấp nặng”.

Các nhà nghiên cứu giải thích: “Cần phải xác định xem liệu khả năng bảo vệ chống lại [nguy cơ] bệnh nặng khi tái nhiễm có kéo dài trong thời gian dài hơn hay không, tương tự như khả năng miễn dịch phát triển chống lại các loại virus corona ‘cảm lạnh thông thường’ theo mùa khác, tạo ra khả năng miễn dịch ngắn hạn chống lại sự tái nhiễm nhẹ nhưng miễn dịch lâu dài hơn chống lại bệnh nặng hơn với [trường hợp] tái nhiễm. Nếu đây là trường hợp của SARS-CoV-2, chủng virus (hoặc ít nhất là các biến thể được nghiên cứu cho đến nay) có thể áp dụng một hình thức lây nhiễm lành tính hơn khi nó trở thành bệnh dịch”.

SARS-CoV-2 là tên khoa học của virus Corona Vũ Hán.

Tiến sĩ Monica Gandhi là một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco. Trong bài đăng trên Twitter, Tiến sĩ Gandhi viết: “Nghiên cứu quan trọng chỉ ra mức độ tái nhiễm hiếm gặp và bệnh trầm trọng COVID sau khi [bệnh nhân] COVID được phục hồi”.

Nghiên cứu này bổ sung vào khối lượng nghiên cứu ngày càng tăng chỉ ra rằng, những người đã hồi phục sau COVID-19 được hưởng mức độ miễn dịch cao chống lại sự tái nhiễm và thậm chí khả năng bảo vệ cao hơn chống lại bệnh tật nghiêm trọng và tử vong, nữ tiến sĩ nói thêm.

Theo Epoch Times tiếng Anh

Fauci: Quá sớm để ra lệnh phong tỏa vì biến thể ‘Omicron’ của COVID-19

Trong một loạt các cuộc phỏng vấn vào sáng ngày 28/11, Cố vấn COVID-19 của Nhà Trắng là ông Anthony Fauci đã gợi ý rằng, có rất ít thông tin về biến thể mới được gọi là Omicron, song chưa đến lúc để phong tỏa.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News, ông Fauci cho biết, Hoa Kỳ phải làm “bất cứ điều gì và mọi thứ” để hạn chế các trường hợp nhiễm biến thể, mặc dù còn “quá sớm để nói” liệu nước này có cần lệnh phong tỏa mới hoặc bắt buộc tiêm vaccine hay không.

Biến thể mới này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là “biến thể đáng lo ngại” vào ngày 26/11. Biến thể mới Omicron dường như đã gây ra sự hoảng loạn đối với các nhà lãnh đạo thế giới, và dẫn đến lệnh cấm du lịch đến miền nam châu Phi. Hiện vẫn chưa rõ biến thể mới nhất của virus Corona Vũ Hán có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc có thể dẫn đến bệnh nặng hơn hay không, vì các quan chức y tế đã nói rằng cần có thêm dữ liệu để đưa ra quyết định như vậy. Một bác sĩ Nam Phi đang điều trị cho các bệnh nhân biến thể Omicron nói với các hãng tin tức vào tuần trước rằng, biến thể virus này gây ra các triệu chứng nhẹ nhưng bất thường.

Trong khi nói chuyện với “Meet the Press” vào 27/11, ông Fauci nói rằng có thể nó đã xuất hiện ở Hoa Kỳ rồi. Chưa có ca nhiễm Omicron chính thức nào được xác nhận tại Mỹ. Một ngày sau, ông Fauci thừa nhận rằng, không có khả năng các chiến dịch khác nhau do chính phủ liên bang hoặc các nhà lãnh đạo thế giới khác khởi xướng sẽ tiêu diệt được virus hoàn toàn.

Làm gương mặt đại diện cho tổ chuyên trách Phản ứng COVID-19 của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, sáng 28/11, ông Fauci nói với CBS News rằng: “Ý tôi là, chúng tôi đã nghe mọi người nói, có thể hiểu được, họ đang cố gắng tìm kiếm một thước đo để cung cấp cho công chúng rằng chúng ta sẽ phải bắt đầu sống chung với COVID”.

Ông ấy nói thêm: “Tôi tin rằng đó là tình huống [hiện tại], bởi vì tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ loại bỏ nó. Chúng ta mới chỉ loại bỏ một loại bệnh nhiễm trùng cho nhân loại, đó là bệnh đậu mùa. Tôi không nghĩ rằng chúng ta thậm chí sẽ loại bỏ nó”.

Trong khi đó, Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ áp dụng lệnh cấm đi lại vào ngày 29/11 đối với 8 quốc gia Nam Phi, sau những hạn chế do các nước Liên minh châu Âu, Anh, Israel và các quốc gia khác áp đặt.

Vào ngày 27/11, các thành viên đảng Cộng hòa đã chỉ trích lệnh cấm đi lại, mà theo tin tức thì lệnh này đã được ông Fauci phê duyệt. Các nhà lập pháp cánh hữu tại Mỹ đánh giá, việc đợi đến ngày 29/11 để áp dụng lệnh hạn chế này là vô nghĩa, vì có khả năng biến thể Omicron đã có ở Hoa Kỳ.

Trong bài đăng trên Twitter, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Thomas Massie (Kentucky) viết: “Đừng lo lắng, lệnh cấm du lịch sẽ bắt đầu vào tuần tới vì bạn biết đấy, các biến thể không lan truyền vào các kỳ nghỉ cuối tuần. Ai thực sự tin rằng biến thể này chưa có ở đây?”

Và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton (Arkansas) đã mô tả lệnh hạn chế việc đi lại của chính quyền ông Biden là quá nhỏ hẹp, quá muộn màng, và “tệ hơn là vô ích”. Hôm 27/11, ông Cotton viết: “Joe Biden và Tony Fauci thúc đẩy các hạn chế nghiền nát đối với người Mỹ – như đeo khẩu trang cho trẻ hai tuổi – điều đó là vô nghĩa. Nhưng khi nói đến các lệnh cấm du lịch có mục tiêu để bảo vệ công dân Mỹ, thì Nhà Trắng này không có gì khác ngoài sự kém cỏi và các biện pháp nửa vời”.

Theo Epoch Times tiếng Anh

Biến thể Omicron lây lan khắp châu Phi, châu Âu, có mặt tại Úc và Hong Kong

Nguyên Hương

Biến thể mới Omicron đang lây lan ở châu Phi, châu Âu, có mặt tại Úc và Hong Kong

Biến thể coronavirus Omicron mới tiếp tục lây lan khắp thế giới. Chủ nhật ngày 28/11, Hà Lan phát hiện 13 ca và Úc phát hiện 2 ca nhiễm biến thể Omicron trong bối cảnh nhiều quốc gia đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại. với các quốc gia thuộc miền Nam châu Phi.

Cơ quan y tế Hà Lan thông báo rằng 13 ca nhiễm biến thể Omicron đã được tìm thấy trong số các hành khách trên chuyến bay từ Nam Phi đến Amsterdam hôm thứ Sáu ngày 26/11.

Vào tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới phát hiện ra biến thể mới, đặt tên là Omicron và gọi đó là “biến thể đáng lo ngại”. Sự kiện này đã làm dấy lên lo ngại trên toàn thế giới rằng nó có thể kháng vaccine và đại dịch COVID-19 kéo dài gần hai năm chưa biết khi nào mới có hồi kết.

Các quan chức y tế ở bang đông dân nhất của Úc, New South Wales (NSW), cho biết hai hành khách đến Sydney từ miền nam châu Phi vào tối thứ Bảy đã xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron.

Sở Y tế NSW cho biết cả hai người nhiễm biến thể Omicron đều không có triệu chứng, đã được tiêm phòng đầy đủ và đang được cách ly. 12 hành khách khác đến từ miền Nam châu Phi cũng được cách ly 14 ngày tại khách sạn, trong khi khoảng 260 hành khách khác và phi hành đoàn sẽ tự cách ly tại nhà.

Áo đang điều tra một trường hợp nghi ngờ vào Chủ nhật ngày 28/11. Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết biến thể mới này có thể đã đang hoành hành ở quốc gia này.

Omicron có khả năng lây lan cao hơn các biến thể trước đó, mặc dù các chuyên gia vẫn chưa biết liệu nó có khiến đại dịch COVID-19 trở lên nghiêm trọng hơn hay không so với các chủng khác.

Các quốc gia đã áp đặt một làn sóng cấm hoặc hạn chế du lịch đối với miền Nam châu Phi. Thị trường tài chính giảm điểm vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư lo ngại rằng biến thể này có thể ngăn chặn sự phục hồi toàn cầu. Giá dầu giảm khoảng 10 USD / thùng.

Vào ngày Chủ nhật 28/11, hầu hết các thị trường chứng khoán vùng Vịnh đều giảm mạnh trong phiên giao dịch sớm, với chỉ số Ả Rập Xê-út chịu mức giảm trong một ngày lớn nhất trong gần hai năm. 

Trong nỗ lực sâu rộng nhất để giữ cho biến thể này hoạt động, vào cuối ngày thứ Bảy, Israel tuyên bố sẽ cấm tất cả người nước ngoài nhập cảnh và giới thiệu lại công nghệ theo dõi điện thoại chống khủng bố để ngăn chặn sự lây lan của biến thể này.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết lệnh cấm, đang chờ chính phủ phê duyệt, sẽ kéo dài 14 ngày. Các quan chức hy vọng rằng trong khoảng thời gian đó sẽ có thêm thông tin về hiệu quả của vaccine chống lại Omicron.

Nhiều quốc gia đã áp đặt hoặc đang lên kế hoạch hạn chế việc đi lại từ miền Nam châu Phi. Chính phủ Nam Phi hôm thứ Bảy đã tố cáo điều này là không công bằng và có khả năng gây hại cho nền kinh tế của họ – nói rằng họ đang bị trừng phạt vì khả năng khoa học của mình trong việc xác định sớm các biến thể của coronavirus.

Tại Anh, nơi hai trường hợp liên quan của Omicron được xác định hôm thứ Bảy là người du lịch đến miền Nam châu Phi, chính phủ đã công bố các biện pháp để cố gắng ngăn chặn sự lây lan, bao gồm các quy định kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với những người nhập cảnh vào Anh và yêu cầu đeo khẩu trang ở một số cơ sở. Mọi người từ nước ngoài đến xứ Wales sẽ cần phải làm xét nghiệm PCR Ảnh: Getty Images

Chủ nhật ngày 28/11, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, để ứng phó với biến thể này, ông dự kiến ​​sẽ tư vấn với với chuyên gia về việc liệu chính phủ có thể mở rộng chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi hay không. 

Bang Bavaria của Đức cũng đã công bố 2 ca nhiễm biến thể Omicron vào thứ Bảy. Tại Ý, Viện Y tế Quốc gia cho biết, Milan đã phát hiện 1 người đến từ Mozambique mang theo biến thể mới này.

Zhong Nanshan, một chuyên gia về bệnh đường hô hấp Trung Quốc cho biết, hiện tại chưa thể đưa ra kết luận về tác hại của biến thể mới và cần phải có thời gian, truyền hình nhà nước đưa tin hôm Chủ nhật.

Mặc dù các nhà dịch tễ học cho biết có thể đã quá muộn để ngăn chặn sự lây lan của Omicron, nhưng nhiều quốc gia – bao gồm Hoa Kỳ, Brazil, Canada, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đều đã ban bố lệnh cấm hoặc hạn chế đi lại với miền Nam châu Phi.

Nhiều quốc gia đã áp đặt các biện pháp hạn chế như vậy vào Chủ nhật ngày 28/11, bao gồm Indonesia và Ả Rập Xê-út.

Thứ trưởng Bộ Y tế Mexico, ông Hugo Lopez Gatell cho biết các biện pháp hạn chế đi lại ít được sử dụng để đối phó với biến thể mới, đồng thời gọi các biện pháp do một số quốc gia thực hiện là “không cân xứng”.

Ông cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm thứ Bảy: “Nó không được chứng minh là có độc lực mạnh hơn hoặc đột phá  vaccine. Các biện pháp hạn chế ảnh hưởng đến nền kinh tế và hạnh phúc của con người”.

Omicron đã nổi lên khi nhiều quốc gia ở châu Âu đang phải chiến đấu với sự gia tăng của đại dịch COVID-19, với việc áp đặt lại một số hạn chế xã hội để cố gắng ngăn chặn sự lây lan.

Biến thể mới cũng gây chú ý về sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu. Theo các nhóm y tế và nhân quyền, ngay cả khi nhiều nước phát triển đang tiêm liều vaccine thứ ba, chưa đến 7% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm mũi COVID-19 đầu tiên.

Lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, biến thể này đã có mặt ở Anh, Đức, Ý, Bỉ, Botswana, Israel, Hong Kong, Hà Lan và Australia.

Nguyên Hương, Theo Reuters

Mỹ tiếp tục đưa thêm những công ty của Trung Quốc vào danh sách đen

Văn Thiện

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson (Phải) cùng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trước cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 30/9/2017. (Ảnh: Getty Images)

Mới đây, Hoa Kỳ tiếp tục đưa thêm các công ty máy tính lượng tử, nhà sản xuất chip nhớ và nhà cung cấp chip điều hướng của Trung Quốc vào danh sách đen. Động thái mới của Mỹ là dấu hiệu cho thấy tham vọng công nghệ của Bắc Kinh vẫn nằm trong tầm ngắm của Washington khi căng thẳng giữa hai nước ngày càng gia tăng.

Theo Nikkei Asia, vào hôm 24/11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm tám công ty Trung Quốc và các tổ chức nghiên cứu được nhà nước hậu thuẫn vào Danh sách Thực thể – một danh sách trong đó liệt kê các đối tượng bị hạn chế quyền truy cập vào các công nghệ của Mỹ, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Trong số các thực thể nói trên có công ty được niêm yết trên Thị trường STAR của Trung Quốc vào năm ngoái QuantumCTek và công ty con là Shanghai QuantumCTeck. QuantumCTek tự nhận mình là công ty tiên phong của Trung Quốc trong lĩnh vực máy tính lượng tử và dẫn đầu trong việc thương mại hóa công nghệ này. Công ty này gần đây đã ký một thỏa thuận với iFlytek, nhà cung cấp công nghệ nhận dạng giọng nói dựa trên trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc, để cùng khám phá việc đưa công nghệ máy tính lượng tử vào các sản phẩm AI. iFlytek cũng bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen

Một công ty khác được thêm vào Danh sách Thực thể là Hunan Goke Microelectronics, có trụ sở chính tại Trường Sa và đã được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến. Goke Microelectronics là một trong những nhà phát triển chip quan trọng của Trung Quốc chuyên cung cấp chip điều khiển lưu trữ, chip video cho camera giám sát và chip GPS để sử dụng điều hướng và định vị. Cổ phiếu của công ty đã giảm gần 20% trong phiên giao dịch sáng ngày 25/11 sau khi bị đưa vào danh sách đen của Hoa Kỳ. Goke thiết kế chip nhưng họ cần các đối tác sản xuất như nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Co., công ty cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen, để giúp sản xuất chipset của mình.

Trước đó, Goke đã nói trong một hồ sơ trên thị trường chứng khoán rằng bất kỳ hạn chế nào đối với khả năng mua thiết bị, phần mềm hoặc công cụ đều có thể làm chậm sự phát triển công nghệ của công ty.

Trong danh sách mới cũng có một nhà cung cấp chip tần số vô tuyến và định vị vệ tinh nổi tiếng khác, công ty Hangzhou Zhongke Microelectronics. Các sản phẩm của công ty bao gồm một hộp cài đặt sử dụng Hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou, một hệ thống GPS của Trung Quốc.

Cũng được thêm vào danh sách là New H3C Semiconductor Technologies, một công ty con của tập đoàn Tsinghua Unigroup, chuyên cung cấp chip nhớ, một thành phần quan trọng cho các sản phẩm điện tử.

Trong các tuyên bố công khai, một số công ty đã cố gắng giảm bớt tác động của vụ đàn áp từ Hoa Kỳ. Goke cho biết trong một tài liệu rằng họ đang “tích cực ứng phó” và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.

Hôm 26/11, QuantumCTek cho biết tác động của việc được thêm vào Danh sách Thực thể là “có thể kiểm soát được”, vì công ty sở hữu các công nghệ cốt lõi của riêng mình và ưu tiên phát triển nội bộ và tìm nguồn cung ứng tại chỗ.

Unisplendour, công ty mẹ của New H3C, cho biết họ đang xem xét quyết định của Bộ Thương mại Hoa Kỳ để biết rõ hơn lý do tại sao công ty con của họ được đưa vào danh sách.

Cả ba công ty cho biết họ không lường trước được bất kỳ tác động tức thời nào của các hạn chế đến hoạt động hoặc hiệu quả tài chính của họ.

Động thái mới nhất của Mỹ chống lại các công ty Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng mặc dù tTổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã tổ chức các cuộc đàm phán video. Bộ Thương mại Mỹ cho biết hành động này nhằm ngăn chặn các công nghệ của Mỹ được sử dụng cho các nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển công nghệ máy tính lượng tử để có thể sử dụng trong các ứng dụng quân sự, chẳng hạn như các ứng dụng chống tàng hình và chống tàu ngầm, và phá vỡ mã hóa hoặc phát triển mã hóa không thể phá vỡ.

Jeff Pu, một nhà phân tích công nghệ của Haitong International Securities, nói với Nikkei Asia rằng, việc Mỹ đưa thêm các thực thể Trung Quốc vào danh sách đen có thể làm chậm tham vọng xây dựng chuỗi cung ứng có thể kiểm soát, bảo đảm và tự chủ của Bắc Kinh.

Pu nói thêm: “Động thái đưa vào danh sách đen cũng cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng”.

Văn Thiện

Israel sẽ cấm nhập cảnh, dùng công nghệ theo dõi điện thoại để phòng biến thể Omicron

Hành khách di chuyển cùng hành lý của họ khi đến nơi tại Phi trường Ben Gurion gần Lod, Israel, hôm 01/11/2021. (Ảnh: Jack Guez/AFP/Getty Images)

Hôm thứ Bảy (27/11), Israel vừa công bố kế hoạch mới: cấm tất cả người ngoại quốc nhập cảnh vào nước này. Đây là nỗ lực đầu tiên thuộc loại này trên thế giới nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể COVID-19 mới được phát hiện có tên là Omicron.

Quốc gia này cũng đã tiết lộ dự định sử dụng công nghệ theo dõi điện thoại chống khủng bố để giám sát sự lây lan của biến thể mới.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết lệnh cấm đi lại đối với tất cả người ngoại quốc nói trên sẽ kéo dài 14 ngày.

Các biện pháp mới này được đưa ra sau khi Israel công bố một lệnh cấm đi lại quy mô nhỏ hơn vào hôm thứ Sáu đối với người ngoại quốc đến từ hầu hết các quốc gia Phi Châu. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn cần có sự chấp thuận từ phía chính phủ.

Các quan chức hy vọng rằng trong khoảng thời gian 14 ngày, có thể nhận được thêm thông tin về mức độ hiệu quả chống lại biến thể mới của virus Trung Cộng của các loại vaccine COVID-19.

Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và được Tổ chức Y tế Thế giới nhận định là một “biến thể đáng lo ngại”. Biến thể này cũng đã được phát hiện ở Bỉ, Hồng Kông, Ý, Đức, và Anh Quốc.

Bộ trưởng Nội vụ Ayelet Shaked nói với chương trình “Meet the Press” của đài N12, “Giả thuyết ban đầu của chúng tôi là biến thể này đã có ở hầu hết mọi quốc gia … và vaccine là hữu hiệu, mặc dù chúng tôi chưa biết ở mức độ nào.”

Israel cũng sẽ yêu cầu tất cả công dân của mình — bao gồm cả những người đã chích ngừa COVID-19 — phải cách ly, ông Bennett nói. Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ nửa đêm ngày Chủ Nhật hay rạng sáng hôm thứ Hai (29/11).

Nhiều quốc gia đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với một loạt các quốc gia ở Nam Phi khi có tin tức về biến thể mới và khả năng lây truyền cao hơn của nó, bao gồm Úc, Brazil, Canada, Liên minh Âu Châu, Iran, Nhật Bản, Thái Lan, và Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi đã gọi các biện pháp như vậy là “không thích đáng”, trong khi Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, Tiến sĩ Angelique Coetzee, người đang điều trị các ca nhiễm COVID-19 ở Pretoria, Nam Phi, nói với nhiều hãng thông tấn khác nhau rằng, cho đến nay các triệu chứng ở bệnh nhân của bà vẫn đang “nhẹ”.

“Có thể biến thể này rất dễ lây lan, nhưng cho đến nay các ca bệnh mà chúng tôi đang chứng kiến đều rất nhẹ,” bà nói với The Guardian. “Có thể hai tuần nữa tính từ thời khắc này, không biết chừng tôi sẽ lại có quan điểm ​​khác, nhưng đây là những gì mà chúng tôi đang chứng kiến.”

“Vậy chúng ta có đang lo lắng thái quá không? Không. Chúng ta lo lắng và chúng ta theo dõi những gì đang diễn ra, nhưng giờ tạm thời chúng tôi sẽ nói, OK: có một chút phản ứng thái quá ở đây. [Chúng tôi] không biết chắc lý do.”

Cô Mimi Nguyen Ly là một phóng viên chuyên về tin tức thế giới sống tại Úc. Cô có bằng Cử nhân về phương pháp đo thị lực và khoa học thị lực của Đại học New South Wales.

Minh Ngọc biên dịch

Hố va chạm Clavius ​​trên Mặt trăng. (Ảnh: NASA/USGS)

Các lỗ đen thu nhỏ có thể từng va chạm vào Mặt trăng, nghiên cứu mới tiết lộ

Văn Thiện

Hố va chạm Clavius ​​trên Mặt trăng. (Ảnh: NASA/USGS)

Một nhóm các nhà nghiên cứu nói rằng các lỗ đen thu nhỏ từ vũ trụ sơ khai có thể gây ra những vết lõm hay hố va chạm trên Mặt trăng, và chúng có thể tiết lộ một số hiểu biết đột phá về vật chất tối. 

Theo Futurism, các nhà khoa học, những người đã công bố bài báo về phát hiện của họ trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Tạm dịch: Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia), tin rằng những đám lỗ đen siêu nhỏ nói trên có kích thước bằng nguyên tử và hình thành ngay sau Vụ nổ lớn. Khi những vật thể siêu đậm đặc này di chuyển khắp vũ trụ, chúng có thể đã đến được hệ Mặt trời của chúng ta và gây ra các vết lõm trên Mặt trăng.

Các tác giả của nghiên cứu nói thêm rằng những lỗ đen nhỏ này có khả năng cũng đã va chạm vào các thiên thể khác, bao gồm cả Trái đất. Tuy nhiên, do bầu khí quyển mỏng, Mặt trăng không được bảo vệ tốt trước các vụ va chạm như hành tinh của chúng ta.

Almog Yalinewich, nhà vật lý tại Viện Vật lý Thiên văn Lý thuyết Canada và đồng tác giả của bài báo, nói với CNET: “Về nguyên tắc, không có gì đặc biệt đối với Mặt trăng – lý do duy nhất chúng tôi dẫn chứng Mặt trăng là vì nó đã được nghiên cứu kỹ lưỡng. Một số mặt trăng của sao Hải Vương và sao Mộc, hoặc sao Thủy, cũng có thể là những ứng viên sáng giá”.

Các tác giả của bài báo tin rằng bằng chứng về những lỗ đen thu nhỏ này cũng có thể làm sáng tỏ vật chất tối, thứ nhiều nhà vật lý tin rằng chiếm phần lớn vật chất trong vũ trụ mặc dù họ vẫn chưa thể quan sát được.

Một số nhà khoa học tin rằng vật chất tối được tạo thành từ “các lỗ đen được hình thành từ sự dao động mật độ trong vũ trụ sơ khai”, theo bài báo. Như vậy, nếu lỗ đen nhỏ từ vũ trụ sơ khai đã gây ra các hố va chạm trên Mặt trăng, chúng có thể để lại bằng chứng về vật chất tối đằng sau.

Matt Caplan, trợ lý giáo sư vật lý tại Đại học bang Illinois và đồng tác giả của nghiên cứu, nói với CNET: “Bạn có thể tìm bụi của các pha thạch anh và silicat khác nhau mà bình thường bạn sẽ không thể tạo ra. Đá đập vào nhau sẽ không nóng như vậy”.

Các nhà nghiên cứu tin rằng các sứ mệnh có người lái lên Mặt trăng, chẳng hạn như chương trình Artemis sắp tới của NASA, sẽ cho phép họ tìm thấy và nghiên cứu những hố va chạm này – và cuối cùng làm sáng tỏ bản chất bí ẩn của vật chất tối.

Related posts