Liệu cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thổi bùng tham nhũng ở các nước nghèo hơn?

Eric Louw

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến từ Phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 15/11/2021. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

Trong Chiến tranh Lạnh, giới lãnh đạo của các nước đang phát triển – hay các nước thuộc thế giới thứ ba – đã lợi dụng sự cạnh tranh giữa phương Tây và Liên Xô để làm giàu cho mình (hay nói cách khác là tham nhũng).

Cả Liên Xô và phương Tây đều đã đổ hàng tỷ USD vào các nước đang phát triển được điều hành kém cỏi dưới hình thức viện trợ và đôi khi là hỗ trợ quân sự. Việc lạm dụng các nguồn tài nguyên toàn cầu một cách khó tin là kết quả của việc này.

Tuy nhiên, các nguồn lực vẫn tiếp tục chảy ngay cả khi rõ ràng là hoạt động viện trợ để phát triển không tạo ra được bất kỳ sự phát triển nào; viện trợ nhân đạo không giải quyết được tình trạng đói nghèo; viện trợ quân sự đã nâng đỡ cho các chính phủ tồi tệ, và phần lớn viện trợ sau cùng lại rơi vào túi của giới tinh hoa hủ bại.

Không thể đổ lỗi cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc về những vấn đề mà hiện đang gây hại đến các nước đang phát triển, nhưng chính điều đó đã kéo dài sự tồn tại của các chính phủ thối nát.

Nguyên nhân khiến điều này xảy ra có thể được giải thích bởi nhận xét của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt về sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Tổng thống Nicaragua Anastasio Somoza: “Ông ta có thể là một tên khốn, nhưng ông ta là con trai của chúng ta.”

Khi nguồn viện trợ này rốt cuộc cũng cạn kiệt cùng với sự sụp đổ của Bức tường Berlin, điều đó đã vô tình tạo ra một số kết quả tích cực.

Các chính phủ tham nhũng và bất tài ở các nước đang phát triển đã sụp đổ, và ngành công nghiệp viện trợ phát triển khổng lồ từng gia tăng trong Chiến tranh Lạnh cũng trở nên lụi tàn.

Việc hủy bỏ các bộ máy viện trợ quan liêu này đã phơi bày thất bại kéo dài hàng thập niên của họ trong việc tạo ra “sự phát triển” mà họ đã hứa hẹn, điều này cũng tiết kiệm cho những người nộp thuế phương Tây hàng tỷ USD.

tham nhũng ở các nước quần đảo Solomon
Trẻ em được hưởng nước sạch từ giếng do [Dự án] Water Wells for Africa xây dựng ở Làng Lupapa, Malawi, hôm 06/07/2021. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)

Nhưng hai sự kiện diễn ra vào tháng Mười Một – một ở Senegal, một ở quần đảo Solomon – dường như đã báo hiệu rằng giới tinh hoa [tại các nước] đang phát triển một lần nữa tin rằng họ có thể kiếm tiền từ trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Lần này, đó là sự gia tăng cạnh tranh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) và các quốc gia dân chủ, điều dường như thúc đẩy một sự hồi sinh của ngành công nghiệp viện trợ kia.

Bối cảnh cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã được thể hiện trong chuyến thăm hồi tháng Mười Một của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Senegal, và lặp lại sau đó trong Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc-Phi Châu (FOCAC) được tổ chức tại Dakar một tuần sau đó.

Bộ trưởng Ngoại giao Senegal Aissata Tall Sall đã nói thẳng rằng Phi Châu có thể, và sẽ, chơi với cả phương Tây và Trung Cộng để [họ] chống lại nhau [và hưởng lợi], đồng thời nói với các quan chức Hoa Kỳ rằng: “Chúng tôi có một chính sách ngoại giao về chủ quyền. Không chỉ có một sự lựa chọn. Chúng tôi có nhiều sự lựa chọn.”

Cuộc họp tại Senegal của FOCAC đã tiết lộ nhiều điều về cách tiếp cận của Bắc Kinh để cạnh tranh với phương Tây trong bối cảnh tại Phi Châu. Trung Cộng đã thúc đẩy thành công các nghị trình chủ chốt của họ tại FOCAC nhưng đã cân bằng những nghị trình này với một sự hiểu biết về các nhận thức của Phi Châu.

Bắc Kinh đồng cảm với lòng tin của các nhà lãnh đạo Phi Châu rằng phần còn lại của thế giới không coi trọng lục địa này, nhấn mạnh rằng FOCAC là một cuộc họp giữa các bên bình đẳng.

Bắc Kinh đã chơi một cách hiệu quả ván bài theo phiên bản của riêng mình, khi nói rằng Trung Quốc – một quốc gia đang phát triển tại Á Châu – đồng điệu với tâm tình thất vọng của các nhà lãnh đạo Phi Châu.

Cuộc hội đàm này cũng đã thúc đẩy tầm quan trọng của vốn, kỹ năng, và viện trợ của Trung Quốc đối với các lợi ích của Phi Châu. Tại đó cũng đã chứng kiến việc ​​các nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa hẹn những thị trường mới dành cho nông nghiệp Phi Châu, cung cấp miễn phí các loại vaccine COVID-19, cùng với việc tiếp cận nguồn vốn toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng biết rằng mặc dù giới tinh hoa Phi Châu có thể nói đến chủ quyền, nhưng họ vẫn sẵn lòng ký chủ quyền đó cho các dự án phát triển – chẳng hạn như trong khuôn khổ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường – để bảo đảm nguồn vốn của Trung Quốc tiếp tục chảy vào túi của họ.

Trung Cộng, như là một phe đế quốc mới, đã cho thấy họ học được cách chơi các trò chơi đàm phán giống như các nhà lãnh đạo Âu Châu trước đó đã làm ra sao.

tham nhũng ở các nước quần đảo Solomon
Các nhân viên an ninh đi ngang qua một biểu ngữ ở lối vào của một hội trường trong cuộc họp Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc-Phi Châu (FOCAC) tại Diamniadio ở Dakar, Senegal, hôm 29/11/2021. (Ảnh: Seyllou/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, các căng thẳng vẫn tồn tại giữa Trung Cộng và các mục tiêu của Phi Châu.

Trong khi các nhà lãnh đạo Phi Châu muốn có nhiều lao động địa phương hơn tham gia vào các dự án phát triển do Trung Quốc hậu thuẫn, thì Bắc Kinh lại không thực hiện cam kết này. Các dự án của Trung Quốc tập trung nhiều vào việc tạo điều kiện xuất cảng tài nguyên ra khỏi lục địa này hơn là phát triển nội tại.

Hơn nữa, giữa lúc một số nhà lãnh đạo Phi Châu tìm cách trở lại với viện trợ “kiểu Chiến tranh Lạnh” được rót về túi của họ, thì quả thực Bắc Kinh cần thành công với các dự án của họ.

Chỉ có thời gian mới nói lên được liệu FOCAC có thể hình thành tân đế chế thuộc địa của Trung Cộng hay sẽ tạo ra một di sản nữa của các quốc gia thất bại và tham nhũng. Và cả hai thứ đó đều không tốt cho thế giới.

Ở phía bên kia hành tinh, bạo lực chính trị bùng lên tại quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương. Một minh chứng cho việc hoạt động viện trợ phát triển có thể có tính tàn phá nghiêm trọng nhường nào.

Bạo lực tại quần đảo Solomon một phần là do Thủ tướng Manasseh Sogavare quyết định chuyển mối bang giao chính thức từ với Đài Loan sang Bắc Kinh – [đây là] một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn còn giữ bang giao chính thức với Trung Hoa Dân Quốc.

Bắc Kinh đề nghị khoản viện trợ phát triển trị giá 500 triệu USD cho chính phủ của ông Sogavare để cắt đứt các mối liên hệ với Đài Loan.

Tại các quốc gia nhỏ bé, khoản tiền 500 triệu USD có thể dễ dàng thay đổi cán cân quyền lực giữa các phe chính trị tại nước sở tại thông qua việc trao quyền từ một mạng lưới bảo trợ cho mạng lưới kia.

Sự chuyển hướng từ Đài Bắc sang Bắc Kinh đã làm mất ổn định cấu trúc chính trị của quốc gia này vì việc đóng cửa Đại sứ quán Đài Loan cũng khiến viện trợ của Đài Loan chấm dứt.

Một thông điệp chống chính phủ tô điểm giữa một tòa nhà bị cháy ở Honiara, Quần đảo Solomon, hôm 27/11/2021. (Ảnh: Charley Piringi/AFP/Getty Images)

Bên thua cuộc là những người có liên quan đến mạng lưới bảo trợ của tỉnh Malaita, Thủ hiến Daniel Suidani.

Mạng lưới của ông Suidani bị mất viện trợ của Đài Loan, trong khi mạng lưới của ông Sogavare đã giành phần thắng bằng việc chuyển sang nhận viện trợ của Bắc Kinh.

Không ngạc nhiên khi ông Suidani đã kêu gọi khôi phục bang giao với Đài Bắc và chấm dứt liên hệ với Bắc Kinh. Bạo lực chính trị đã bắt đầu khi những người ủng hộ ông Suidani bất bình xuống đường.

Tình trạng bạo lực của Solomon chứng tỏ viện trợ phát triển gắn liền với cạnh tranh quốc tế có thể diễn ra theo những cách thức mang tính hủy hoại nghiêm trọng ra sao.

Các sự kiện ở cả Senegal và Solomons đều mang đến một lời cảnh báo. Chúng cho thấy rằng các nhà lãnh đạo ở các nước đang phát triển có thể một lần nữa muốn kiếm tiền từ trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Nếu không được nhìn nhận đúng mực, việc này có thể chứng kiến ​​hàng tỷ hoặc hàng ngàn tỷ bạc đổ vào thế giới [những nước] đang phát triển, khiến tình trạng tại các quốc gia vốn đã tham nhũng thêm phần tồi tệ. Kết quả là, điều đó có thể thúc đẩy một làn sóng di cư sang các nước phát triển.

Thông điệp cuối cùng dành cho các quốc gia dân chủ là: hãy cẩn trọng.

Ông Eric Louw là một giáo sư đã nghỉ hưu, chuyên về truyền thông chính trị với sự nghiệp trải dài ở các trường đại học Nam Phi và Úc. Trước đó, ông từng là một nhà hoạt động, ký giả, và nhà đào tạo truyền thông thuộc Đại hội Toàn Quốc Phi Châu, nơi ông nghiên cứu về quá trình chuyển đổi của Nam Phi sang thời kỳ hậu Apartheid. Ông Louw là một chuyên gia về quy định chống phân biệt đối xử, phân bổ lại của cải, và các chính sách Trao quyền cho Nền kinh tế Da đen. Bằng tiến sĩ của ông là nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, cũng như các nhà lý luận tân chủ nghĩa Marx sau này (Gramsci, Lukacs, Althusser, Trường phái Frankfurt, v.v.) và Chủ nghĩa Marx văn hóa. Ông là tác giả của chín cuốn sách, bao gồm “The Rise, Fall and Legacy of Apartheid”; “Roots of the Pax Americana”; and “The Media and Political Process.”

Hạo Văn biên dịch

Related posts