Rita Li
Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp đã làm hỏng cuộc bầu cử lập pháp đầu tiên ở Hồng Kông theo các các quy chế bầu cử mới do Bắc Kinh soạn thảo, nhằm bảo đảm cho các ứng cử viên được đề bạt của họ giành chiến thắng.
Hôm 19/12, chỉ có 30% cử tri đã đăng ký hay khoảng 1,350,680 người đã đi bỏ phiếu — gần một nửa so với cuộc bầu cử cho hội đồng lập pháp trước đó vào năm 2016 — theo quan chức bầu cử hàng đầu của Hồng Kông. Trong cuộc bầu cử vào năm 2012, hơn 50% cử tri đã đi bỏ phiếu, được thúc đẩy bởi tinh thần chống Bắc Kinh.
Tỷ lệ cử tri đi bầu hôm Chủ Nhật cũng là mức thấp nhất kể từ khi người Anh trao trả thành phố này cho Trung Quốc vào năm 1997. Mức thấp kỷ lục trước đó cho một cuộc bầu cử lập pháp là 43.6% vào năm 2000.
Trong khi đó, 2% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử hôm 19/12 là không hợp lệ, bao gồm cả phiếu trắng — một mức cao kỷ lục, theo tính toán của các phương tiện truyền thông địa phương.
Một số người nói rằng việc thiếu sự lựa chọn trong các ứng cử viên đã làm giảm sự nhiệt tình của công chúng đối với việc bỏ phiếu, sau khi Bắc Kinh thực hiện các thay đổi bầu cử vào tháng Ba để bảo đảm quyền lực chính trị nhiều hơn cho những người trung thành với họ ở Hồng Kông.
Các cử tri từ công chúng có thể trực tiếp bầu ra 40 đại diện trong hội đồng lập pháp 70 ghế vào năm 2012 nhưng giờ đây chỉ có thể quyết định 20 ghế trong số 90 ghế quốc hội đã được mở rộng.
Vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xét duyệt các ứng cử viên để những “người ái quốc” mới có thể tranh cử, nên hiện giờ các ứng cử viên ủng hộ dân chủ gần như vắng bóng. Cuộc bầu cử hôm 19/12 đã chứng kiến đảng đối lập lớn nhất của Hồng Kông, Đảng Dân Chủ, lần đầu tiên không có ứng cử viên nào kể từ cuộc bàn giao năm 1997.
Kết quả là các ứng cử viên trung thành với ĐCSTQ đã giành được sự thắng phiếu lớn.
Kết quả được đưa ra vào sáng hôm 20/12. Các ứng cử viên ủng hộ ban lãnh đạo hiện tại của thành phố và Bắc Kinh dự kiến sẽ bao phủ cơ quan lập pháp mới.
Hầu hết trong số hàng chục ứng cử viên tự gọi mình là người ôn hòa, bao gồm cả cựu nhà lập pháp dân chủ Frederick Fung, đã không giành được ghế.
Tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch có trụ sở tại London đã phát hành một tuyên bố có tiêu đề “Các cuộc bầu cử không chân thật ở Hồng Kông bị mất uy tín do không có phe đối lập,” đồng thời chỉ trích cuộc bầu cử này là “một trò hề” trong thời kỳ hậu dân chủ của thành phố này.
Ông Johnny Patterson, Giám đốc Chính sách của Hong Kong Watch, cho biết: “Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh quyết định rằng cách dễ dàng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này là kìm hãm toàn bộ phe đối lập đồng thời xây dựng các quy chế gian lận. Đây không phải là một cuộc bỏ phiếu dân chủ, mà đó là một cuộc tuyên truyền không có tính hợp pháp.”
Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 53 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, cựu nhà lập pháp, và chính trị gia vào ngày 06/01, trong cuộc đàn áp lớn nhất của chính quyền địa phương đối với phe đối lập của thành phố này kể từ khi ĐCSTQ áp đặt luật an ninh hà khắc nhằm trừng phạt các tội danh mơ hồ như lật đổ và ly khai với mức án tối đa là tù chung thân.
Trong số những người bị bắt này có các nhà lập pháp cũ của Đảng Công Dân và Đảng Dân Chủ địa phương, bao gồm ông Hồ Chí Vĩ (Wu Chi-Wai), ông Đồ Cẩn Thân (James To), ông Doãn Triệu Kiên (Andrew Wan), ông Lâm Trác Đình (Lam Cheuk-ting), và ông Dương Nhạc Kiều (Alvin Yeung).
Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc, một nhóm lưỡng đảng gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ, gọi cuộc bầu cử này là “đỉnh cao của một quá trình do Đảng Cộng sản Trung Quốc dàn dựng” trong một tuyên bố hôm 19/12.
Tuyên bố này viết rằng, “Chính phủ Hồng Kông nên trả tự do cho các ứng cử viên bị giam giữ và chú ý đến lời kêu gọi của họ về quyền phổ thông đầu phiếu thực sự.”
Giới chức trách của thành phố này cũng đã đưa ra lời đe dọa hồi đầu tháng đối với Wall Street Journal với cáo buộc xúi giục người dân bỏ phiếu không hợp lệ trong một bài xã luận gần đây trước cuộc bỏ phiếu này.
Đặc khu Trưởng Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) dự kiến sẽ đến Bắc Kinh cùng ngày để báo cáo kết quả với các nhà lãnh đạo chính quyền trung ương. Hôm thứ Hai (20/12), bà nói trong một cuộc họp báo rằng tỷ lệ cử tri đi bầu thực sự thấp nhưng bà không thể đưa ra lý do cụ thể cho điều đó.
“Chính phủ này không có đặt mục tiêu nào cho tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, không phải cho cuộc bầu cử này, và cũng không phải cho các cuộc bầu cử trước,” bà Lâm nói tại một điểm bỏ phiếu vào sáng hôm trước, đồng thời cho biết thêm rằng trong bất kỳ cuộc bầu cử nào thì tỷ lệ cử tri đi bầu đều sẽ bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố kết hợp lại.
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.
Thanh Tâm biên dịch