Bằng cách cung cấp một một loạt các trao đổi về đào tạo và thiết bị cho cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều nước, Bắc Kinh đã “xuất khẩu” các thủ đoạn chính trị và mở rộng ảnh hưởng của mình ra thế giới. Bằng cách này, Bắc Kinh khiến nhiều quốc gia trở nên “cùng màu” với họ và qua đó dễ bề thao túng.
Vào năm 2011, chính phủ Ecuador đã đổi dầu để lấy một khoản vay từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và sau đó sử dụng số tiền này để lắp đặt một hệ thống giám sát do ĐCSTQ thiết kế trên khắp Ecuador. Ngày nay, tội phạm ở Ecuador vẫn hoành hành, nhưng cảnh sát và cơ quan tình báo nội bộ có thể theo dõi bất cứ ai họ muốn.
Các cuộc đàn áp tàn bạo ở Hồng Kông và các biện pháp kiểm soát công nghệ giám sát kỹ thuật số tiên tiến nhất ở Tân Cương cho thấy ĐCSTQ là chuyên gia trong các biện pháp đàn áp bằng cách sử dụng lực lượng an ninh công cộng.
ĐCSTQ dưới thời ông Tập Cận Bình đã thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia, bên cạnh đó công nghệ được tổ chức này đẩy mạnh sử dụng làm công cụ kiểm soát xã hội. Những điều này giúp ĐCSTQ có thể gia tăng giám sát mọi động thái của các tổ chức xã hội dân sự.
Hội đồng An ninh Quốc gia Trung ương báo cáo trực tiếp với ĐCSTQ, và được giao nhiệm vụ chống lại các mối đe dọa an ninh bên ngoài và bên trong. Ngoài ra, ĐCSTQ thành lập ủy ban an ninh còn nhằm mục tiêu cải thiện việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan trong quân đội.
Sách trắng “Chiến lược quân sự” năm 2015 của ĐCSTQ tuyên bố rằng an ninh của Trung Quốc có liên quan chặt chẽ với thế giới. Đây cũng là lý do tại sao Bộ An ninh Quốc gia (cơ quan gián điệp của ĐCSTQ), và lực lượng cảnh sát vũ trang đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra ngoài biên giới Trung Quốc.
Các cơ quan chính phủ này không chỉ cố gắng đảm bảo an ninh trong nước bằng cách chống lại các nhóm mà họ gọi là khủng bố, mà họ còn đang cải thiện hơn nữa khả năng giám sát và thu thập thông tin tình báo cho ĐCSTQ. Ngoài ra, ĐCSTQ đang sử dụng việc đào tạo cảnh sát và viện trợ vật chất như một hình thức ngoại giao để lôi kéo các chính phủ nước ngoài và giúp các sĩ quan thiên tả tại các nước đó chiếm giữ các vị trí cấp cao trong lực lượng an ninh.
Bắc Kinh đang nỗ lực để khẳng định vị thế của mình như một đối tác an ninh quốc tế, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng an ninh và cung cấp cơ sở vật chất cho hoạt động gián điệp và thu thập thông tin tình báo. Trong 15 năm qua, ĐCSTQ đã không ngừng mở rộng vai trò, nâng cao vị thế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA ) đối với an ninh ở nước ngoài bằng cách tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ thảm họa và chống khủng bố trên khắp thế giới.
Một sách trắng khác về chiến lược quân sự của ĐCSTQ nêu ra các nhiệm vụ ngoài lãnh thổ Trung Quốc của PLA, như bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài của ĐCSTQ, khai thác tài nguyên và hỗ trợ sự phát triển kinh tế mà tổ chức này chủ trương. Sách trắng này cũng kêu gọi PLA tăng cường hợp tác an ninh quốc tế trong các lĩnh vực mà Trung Quốc đã đầu tư nhiều.
Năm 2014, ĐCSTQ đã tiến hành huấn luyện cảnh sát ở Liberia. Các quan chức thực thi pháp luật nước ngoài được đào tạo cảnh sát ở Trung Quốc. Học viện Cảnh sát ở tỉnh Sơn Đông tổ chức một khóa đào tạo hàng năm cho các nhân viên thực thi pháp luật châu Phi. Học viện Cảnh sát Vân Nam ở Côn Minh có Học viện Thực thi Pháp luật Trung Quốc-ASEAN, cung cấp đào tạo và giáo dục miễn phí cho các sĩ quan thực thi pháp luật ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). Sở Công an thành phố Bắc Kinh đã ký thỏa thuận hợp tác với 10 thành phố ở Trung Á và tổ chức các hội nghị chuyên đề về cảnh sát quốc tế dành cho các sĩ quan cảnh sát nước ngoài.
Bắc Kinh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất máy ảnh, máy ghi hình và thiết bị an ninh lớn của Trung Quốc, cung cấp các ưu đãi về thuế và các khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh để tài trợ cho các dự án an ninh ở nước ngoài. Những ưu đãi tài chính này làm giảm chi phí và giúp các công ty an ninh Trung Quốc dễ dàng giành được hợp đồng ở các quốc gia trên thế giới. ĐCSTQ sẵn sàng bán những công nghệ này cho các chế độ độc tài nước ngoài.
Teheran đã nhờ hệ thống tín dụng xã hội của ĐCSTQ để giám sát và kiểm soát hành vi tài chính và xã hội của người dân Iran. Năm 2010, Teheran đã ký một thỏa thuận trị giá 130 triệu USD với Tập đoàn công nghệ Trung Quốc ZTE để lắp đặt hệ thống giám sát trên các mạng điện thoại và Internet do chính phủ kiểm soát.
Ở châu Phi, công nghệ bảo mật của Huawei đang được sử dụng để theo dõi các đối thủ chính trị và phá hoại nền dân chủ. Trung Quốc và Bolivia đã ký một thỏa thuận xây dựng một hệ thống chỉ huy và kiểm soát tích hợp cho an ninh tiểu vùng, do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tài trợ. Tại Jamaica, ĐCSTQ đã tặng trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát. Tại Quintuco, Argentina, PLA đã xây dựng một trạm kiểm soát vệ tinh và nhiệm vụ không gian trị giá 50 triệu USD với khả năng giám sát và theo dõi quốc tế.
Tại Ecuador, là một phần của hệ thống giám sát và kiểm soát video do ĐCSTQ thiết lập, 16 trung tâm giám sát được trang bị hơn 3.000 nhân viên an ninh công cộng và 4.300 camera. Những đoạn phim này không chỉ được cảnh sát xem mà còn được gửi đến các cơ quan tình báo nội bộ của quốc gia, những cơ quan đã theo dõi, đe dọa và gây ra sự biến mất của các đối thủ chính trị trong một thời gian dài.
Hiện tại, 18 quốc gia đã sử dụng hệ thống giám sát tình báo do Trung Quốc sản xuất. 36 quốc gia đã nhận được khóa đào tạo “hướng dẫn dư luận” của ĐCSTQ. Ngoài giám sát video, các hệ thống này cũng giúp các quan chức an ninh theo dõi điện thoại di động và một số hệ thống hiện đang bổ sung khả năng nhận dạng khuôn mặt.
Sự hợp tác an ninh ngày càng tăng giữa ĐCSTQ với các nước Châu Phi và Châu Mỹ Latinh đặt ra mối đe dọa đối với lợi ích của Hoa Kỳ ở những khu vực này. Ngoài ra, nó còn phá hủy các thể chế dân chủ và cung cấp cho các nhà độc tài những phương tiện tốt hơn để kiểm soát người dân của họ.
Theo Epoch Times