Tin Thế giới trưa thứ Sáu

Các công ty Đài Loan đang dần rút khỏi Trung Quốc

Kha Đạt

Nhà sản xuất chip hàng đầu Đài Loan TSMC và nhiều công ty Đài Loan khác đang rút khỏi Trung Quốc, dịch chuyển đầu tư về Đài Loan hoặc các nước khác (ảnh: Từ video của Logically Answered)

Các công ty Đài Loan đang cho thấy xu hướng rời bỏ Trung Quốc để quay trở lại đầu tư ở Đài Loan và nơi khác. Xu hướng này khởi phát vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc một số công ty Đài Loan thể hiện quan điểm ủng hộ Đài Bắc cứng rắn với Bắc Kinh.

Tập đoàn Viễn Đông của Đài Loan đã bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt vào tháng 11. Giới chức Trung Quốc trừng phạt Viễn Đông với lý do công ty này vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và đất đai trong quá trình đầu tư ở Đại lục.

Tuy nhiên đây không phải là lý do thực sự. Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các phương tiện truyền thông của tổ chức này nói rằng Viễn Đông bị phạt vì liên quan đến việc tập đoàn này tài trợ cho đảng Dân Tiến của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.

Theo Bloomberg News, nhà kinh tế học Yang Shufei cho biết, nhìn vào những gì đã xảy ra với tập đoàn Viễn Đông, các công ty Đài Loan nên bắt đầu lo lắng về nguy cơ lớn hơn bị chính phủ Trung Quốc nhắm tới.

Yang Shufei tin rằng các công ty Đài Loan sẽ không rút khỏi Trung Quốc ngay lập tức, mà sẽ ngày càng cân nhắc các yếu tố phi kinh tế khi đưa ra các quyết định kinh doanh tại Đại lục. Họ cũng sẽ dần nhận ra tầm quan trọng của việc phòng ngừa rủi ro, nên sẽ dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á, Ấn Độ và các khu vực khác.

Bloomberg chỉ ra rằng, sau khi Hoa Kỳ áp đặt thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, tình hình eo biển Đài Loan gia tăng căng thẳng và Đài Bắc khuyến khích các công ty Đài Loan quay trở lại quê nhà, hoặc ít nhất là đầu tư vào những nơi bên ngoài Trung Quốc, thì xu hướng các công ty Đài Loan rút khỏi Trung Quốc có thể tiếp tục.

Các công ty Đài Loan hoạt động tại đại lục từ lâu đã phàn nàn rằng môi trường kinh doanh của đại lục không còn được thuận lợi như trước.

Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (20/12) rằng, các công ty Đài Loan đang thận trọng khi đầu tư vào Trung Quốc đại lục do những thay đổi trong môi trường kinh doanh, xung đột Trung-Mỹ và chiến tranh công nghệ đang diễn ra.

Tờ Economic Daily News đưa tin rằng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan, Vương Minh Hoa, vào tháng 11 đã tuyên bố rằng vụ việc của Viễn Đông đã gây ra một làn sóng các doanh nhân Đài Loan tìm cách quay trở lại Đài Loan.

Được thu hút bởi các khoản trợ cấp và hỗ trợ của chính phủ, các công ty Đài Loan đã cam kết đầu tư hơn 54 tỷ đô la Mỹ vào các dự án tại hòn đảo trong ba năm qua. Một số công ty đang tính toán tới việc rút khỏi Trung Quốc để đầu tư sang các quốc gia khác. Nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới TSMC và các công ty khác của Đài Loan, trong năm 2021, đã đầu tư 12,3 tỷ USD vào Hoa Kỳ, Nhật Bản. Khoản đầu tư này vượt quá các khoản đầu tư mà họ đã thực hiện ở Trung Quốc trong sáu năm liên tiếp.

Chính phủ Đài Loan đã cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các công ty Đài Loan mở rộng năng lực sản xuất hoặc tuyển dụng lao động tại quốc đảo. Wang Meihua tuần trước cho biết các kế hoạch này, ban đầu dự kiến ​​hết hạn vào cuối năm nay, sẽ được gia hạn thêm ba năm.

Sau khi tập đoàn Viễn Đông bị ĐCSTQ phạt nặng, Xie Jinhe, chủ tịch Caixin Media, nói rằng vụ việc này sẽ “đẩy nhanh việc các doanh nhân Đài Loan quay trở lại đầu tư vào Đài Loan.”

Xie nhận định, “Đây là một xu hướng lớn, và Đài Loan cũng đang phát triển vì sự đầu tư trở lại từ các doanh nhân Đài Loan!”

Xie Jinhe đánh giá rằng trong ba năm trở lại đây, xu hướng các doanh nhân Đài Loan đầu tư tại quê nhà tiếp tục thể hiện rõ.

Theo Epoch Times

Lại thêm trường hợp nhận được thông điệp gửi ra từ nhà tù Trung Quốc

Kha Đạt

Chiếc thẻ được khâu bên trong chiếc áo mà cô gái anh mua (ảnh: Từ bài viết của Vision Times)

Theo Independent, một cô gái 24 tuổi đã phát hiện thẻ của một tù nhân Trung Quốc được khâu trong chiếc áo mà cô mua. Trên thẻ có ghi những dòng chữ như “Nhà tù Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam” và “Cấp độ cơ bản”.

Đây là chiếc áo của của Whispering Smith, một công ty Anh chuyên thuê đối tác Trung Quốc gia công sản phẩm.

Cô gái ở Norwich mua chiếc áo tin rằng chiếc thẻ được khâu trong áo có thể là một tín hiệu cầu cứu của một công nhân nô lệ.

Cô nói với The Mirror rằng cô làm việc trong lĩnh vực dịch vụ y tế của Anh nên luôn muốn mọi người đều có một cuộc sống tốt đẹp.

Người phát ngôn của Tổ chức ân xá Quốc tế cho biết sẽ thúc giục Chính phủ Anh tiến hành các cuộc điều tra nhân quyền bắt buộc đối với các công ty Anh hoạt động ở nước ngoài.

Tờ Daily Mail đã liên hệ với công ty Whispering Smith để đề nghị họ đưa ra bình luận về sự việc.

Vào năm 2015, một khách hàng có tên Shahkiel Akba đã tìm thấy một bức thư trong một đôi tất của thương hiệu thời trang Primark. Đây là bức thư cầu cứu của một người đàn ông. Bức thư nói rằng ông bị tra tấn và hành hạ sau khi bị vu oan, bị tống tiền và lừa gạt.

Chủ nhân bức thư cho biết ông bị tòa án vu khống và kết án 3 năm tù bất hợp pháp vào ngày 29/6/2014. Ông cho biết thêm rằng ông đang bị giam giữ và phải chịu sự tra tấn, trên thân mang đầy thương tích.

Ông gửi gắm thông điệp rằng nếu ai nhận được bức thư này thì xin hãy gửi nó cho Chủ tịch Tập Cận Bình hoặc Thủ tướng Lý Khắc Cường, hoặc phơi bày sự việc này trên truyền thông.

Những thông điệp cầu cứu được chuyển ra từ nhà tu như trường hợp của tù nhân ở trên không phải là hiếm ở Trung Quốc. Điều này cho thấy rằng nhà tù Trung Quốc đối xử với các tù nhân như nô lệ.

Bà Lý Điện Kỳ, 69 tuổi, hiện sống tại New York, là người từng bị giam tại nhà tù nữ của tỉnh Liêu Ninh từ năm 2007 tới 2010. Bà bị bắt giam vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công theo yêu cầu của chính quyền.

Bà cho biết, trong thời gian ở tù, bà làm việc khoảng 17 giờ mỗi ngày. Công việc bà phải làm là may quần áo. Nhà tù không trả lương cho bà, nhưng nếu bà không hoàn thành công việc, bà sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của cai ngục.

Bà cho biết, có lần một đội khoảng 60 người không hoàn thành nhiệm vụ nên đã bị buộc phải làm việc liên tục trong 3 ngày. Trong thời gian này, họ không được phép đi ăn hoặc đi vệ sinh. Nếu tù nhân buồn ngủ hoặc ngủ gật, cai ngục sẽ dùng dùi cui điện tấn công họ.

Bà Lý Điện Kỳ nói rằng Nhà tù nữ Liêu Ninh “không phải là nơi ở của con người”, đồ ăn dành cho tù nhân rất tệ, nhưng tù nhân lại phải lao động vô cùng nặng nhọc.

Theo Vision Times

Trump yêu cầu Tối cao Pháp viện Mỹ chặn việc phát hành các tài liệu của Nhà Trắng

Cựu đệ nhất phu nhân Melania và cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump xem trước trận đấu thứ 4 của World Series giữa Houston Astros và Atlanta Braves Truist Park vào ngày 30/10/2021 tại Atlanta, Georgia. (Ảnh của Elsa / Getty Images)

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã yêu cầu Tối cao Pháp viện Mỹ chặn việc công bố các hồ sơ của Nhà Trắng đang mà Ủy ban tuyển chọn để điều tra ngày 6/1 của Hạ viện Mỹ đang lùng sục.

Ủy ban Lựa chọn Hạ viện do các Dân biểu Dân chủ Bennie Thompson (Mississippi) và Dân biểu Cộng hòa Liz Cheney (Wyoming) dẫn đầu. Hôm 23/12, các luật sư của ông Trump lập luận, yêu cầu hồ sơ từ Nhà Trắng của ủy ban này là “cực kỳ rộng” và thể hiện “sự xâm phạm chưa từng có đối với đặc quyền hành pháp”. Trước đó, Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden đã từ chối yêu cầu đặc quyền hành pháp đối với các hồ sơ tranh chấp.

Cựu Tổng thống Trump đã yêu cầu các thẩm phán xem xét đầy đủ vụ việc, và ra lệnh chặn quyết định của tòa án cấp thấp hơn khi tòa này cho phép tiết lộ các tài liệu.

Đầu tháng này, Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ cho Khu vực D.C đã từ chối yêu cầu của ông Trump về đặc quyền hành pháp. Nhưng tòa phúc thẩm của Hoa Kỳ cũng đã chấp nhận khi ông Trump yêu cầu tạm thời ngừng phát hành các tài liệu.

Trong đơn kiện hôm 23/12, ông Trump viết: “Mối quan tâm hạn chế mà Ủy ban có thể có trong việc thu thập ngay lập tức hồ sơ được yêu cầu, bị lu mờ so với lợi ích của Tổng thống Trump trong việc đảm bảo xem xét tư pháp trước khi ông ấy bị tổn hại không thể khắc phục được”.

Khi lập luận rằng đặc quyền hành pháp cần được đảm bảo, các luật sư của ông cho biết (pdf), cựu Tổng thống Trump “không chỉ là một công dân bình thường” do vai trò tổng thống trước đây của ông. Họ nêu rõ: “Ông ấy là một trong năm người Mỹ còn sống, với tư cách là các cựu Tổng thống, được trao quyền đặc biệt để đưa ra các quyết định liên quan đến việc tiết lộ hồ sơ và thông tin liên lạc được tạo ra trong nhiệm kỳ của họ”.

Hồi tháng Mười Một, Thẩm phán liên bang Tanya Chutkan do cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã ra phán quyết chống lại ông Trump và sẽ không chặn việc tiết lộ hồ sơ cho ủy ban. Tại thời điểm đó, thẩm phán Chutkan đã viết rằng, các lập luận của ông Trump dường như “được tạo tiền đề dựa trên quan điểm rằng quyền hành pháp của ông ấy ‘tồn tại vĩnh viễn’… nhưng các tổng thống không phải là vua và Nguyên đơn không phải là Tổng thống”. Cùng lúc đó, Thẩm phán Chutkan cũng từ chối yêu cầu của một trong những luật sư của ông Trump về việc ngăn Cục Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ chuyển giao tài liệu cho cơ quan điều tra của Quốc hội Mỹ.

Trong một tuyên bố riêng vào ngày 23/12, ông Trump đã chỉ trích hội đồng của Hạ viện Điều tra 6/1 bằng cách mô tả nó là “ủy ban không được chọn”.

Cựu tổng tư lệnh Mỹ nhận định: “Những người đang bị bức hại bởi Ủy ban Không được chọn về ngày 6/1 chỉ nên nói sự thật. Mọi người dân có quyền Tự do Ngôn luận, và có lẽ chưa có lần nào trong lịch sử của Đất nước chúng ta mà Quyền Tự do Ngôn luận lại bị vi phạm triệt để như vậy”.

Hồ sơ pháp lý được đưa ra vài ngày sau khi một thẩm phán quận bác bỏ yêu cầu của Trung tướng Michael Flynn về hưu về lệnh cấm tạm thời để chặn trát đòi hầu tòa từ ủy ban ngày 6/1.

The Epoch Times đã liên hệ với Ủy ban Điều tra ngày 6/1 của Hạ viện Mỹ để đưa ra bình luận.

Theo Epoch Times tiếng Anh

Nhật-Mỹ chấp thuận gia hạn thỏa thuận đồn trú cho quân đội Hoa Kỳ 

Jack Phillips

Một bức ảnh tư liệu chụp Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thuộc Lực lượng Viễn chinh Thủy quân Lục chiến III, Tiểu đoàn đổ bộ không vận được khai triển từ căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở Okinawa, Nhật Bản tham gia chiến dịch đổ bộ ở Pohang, Hàn Quốc vào ngày 12/03/2016. (Ảnh: Woohae Cho/Getty Images)

Chính phủ Nhật Bản cho biết họ đã đồng ý tăng hỗ trợ tài chính lên 1.8 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026 để tiếp tục giữ cho hàng chục ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đóng quân đồn trú theo một thỏa thuận 5 năm mới bắt đầu từ năm tài khóa 2022.

Thỏa thuận trước đó, được ký vào năm 2016, vốn trang trải cho 54,000 binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú tại Nhật Bản, đã hết hạn từ tháng 03/2021. Hoa Kỳ và Nhật Bản sau đó đã ký gia hạn thêm một năm vào tháng Hai trong bối cảnh chuyển giao quyền lực giữa chính phủ cựu Tổng thống Trump và chính phủ Tổng thống Biden.

Theo thỏa thuận mới nhất này, Tokyo sẽ trả 1.05 nghìn tỷ JPY (tương đương 9.2 tỷ USD) đến năm 2026 để tiếp đón quân đội Mỹ và gia đình của họ — tăng 75 tỷ JPY (657 triệu USD) so với thỏa thuận trước đó, Kyodo News đưa tin.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố, “Hợp tác quốc phòng song phương theo thỏa thuận Khoản ủng hộ của Quốc gia Sở tại (gọi tắt là HNS, về việc đài thọ chi phí đồn trú cho quân đội Mỹ tại Nhật) sẽ góp phần củng cố khả năng sẵn sàng và sự vững chắc của Liên minh, bao gồm cả việc cải thiện khả năng tương tác giữa Lực lượng Hoa Kỳ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.”

Các khoản chi này cũng bao gồm các chi phí tiện ích cũng như tiền lương của nhân viên Nhật Bản tại các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ.

Năm 2019, Cựu Tổng thống Donald Trump được cho là đã tìm cách yêu cầu Nhật Bản tăng các khoản thanh toán hàng năm cho lực lượng quân đội Mỹ đóng tại nước này, như một phần trong nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm thúc bách các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng của mình.

Theo Kyodo, các quan chức Nhật Bản đã nói với ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump vào thời điểm đó, rằng mức tăng này là “không thực tế”, cho biết Nhật Bản vốn dĩ đã trang trải phần chi phí đồn trú lớn hơn các đồng minh khác.

Tỉnh Okinawa ở cực nam Nhật Bản là nơi có 70% căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật năm 1951.

Thoả thuận mới này sẽ được ký kết trong cuộc gặp giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ vào tháng Một tới, The Japan Times đưa tin.

Theo The Hill, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản của mình vào ngày 07/01.

Một nguồn tin biết về cuộc họp hồi tháng Một này nói với hãng thông tấn trên rằng Ngoại trưởng Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, dự kiến ​​sẽ có cuộc họp đầu tiên kể từ tháng Ba (03/2021).

The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để yêu cầu bình luận.

Việc gia hạn thỏa thuận này diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về sự khuếch trương của quân đội Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Biển Đông, Eo biển Đài Loan, và Biển Hoa Đông.

“Chúng ta có thể cùng nhau thể hiện quyết tâm đương đầu với thách thức do môi trường an ninh khắc nghiệt này gây ra,” ông Kishi nói trong một cuộc họp báo khi ông công bố thỏa thuận.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với The Hill rằng thỏa thuận được đề xướng giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ này “đại diện cho một khuôn khổ hiện đại hóa, hướng tới tương lai, theo đó các lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản sẽ trợ giúp bảo đảm an ninh và ổn định khu vực.”

Phát ngôn viên này nói thêm: “Thỏa thuận này thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng giữa hai nước đồng thời cải thiện khả năng tương tác giữa các lực lượng của chúng tôi. Nó bao gồm sự gia tăng khoản đóng góp chia sẻ chi phí từ phía Nhật Bản.”

Các chi tiết bổ sung về đề nghị này “sẽ được công bố sau khi thỏa thuận được ký kết,” vị phát ngôn viên này cho biết.

Hồng Ân biên dịch

Related posts