Tin thế giới trưa thứ Bảy

Nhật Bản tuyên bố sẽ không cử phái đoàn chính phủ tới Thế vận hội Bắc Kinh

Aldgra Fredly

Quốc kỳ Nhật Bản tung bay ở Saipan, Nhật Bản, vào ngày 26/06/2005. (Ảnh: Koichi Kamoshida/Getty Images) Đông Dương

Hôm thứ Sáu (24/12), một phát ngôn viên của chính phủ cho biết Nhật Bản sẽ không cử phái đoàn chính phủ tới Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 do tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Quyết định này theo sau hành động của một số quốc gia phương Tây cũng từ chối cử các quan chức tới tham dự Thế vận hội.

Thay vì cử các quan chức chính phủ, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết Nhật Bản sẽ cử Chủ tịch Thế vận hội Tokyo Seiko Hashimoto, Chánh văn phòng Ủy ban Olympic Nhật Bản Yasuhiro Yamashita, và Chủ tịch Ủy ban Paralympic Nhật Bản Kazuyuki Mori tới Thế vận hội.

Thủ tướng Fumio Kishida hôm 16/12 cũng cho biết ông không có kế hoạch tham dự Thế vận hội Mùa Đông tại Bắc Kinh. Hành động này sẽ không ảnh hưởng đến việc tham gia Thế vận hội của các vận động viên vì họ vẫn sẽ thi đấu theo lịch trình.

“Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các giá trị phổ quát như tự do, tôn trọng các quyền căn bản của con người, và pháp quyền phải được bảo đảm ở Trung Quốc,” ông Matsuno cho biết tại một cuộc họp báo, Kyodo News đưa tin. “Chúng tôi đã đưa ra quyết định bằng cách xem xét toàn diện các yếu tố như vậy.”

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh, để phản đối “tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người đang diễn ra ở Tân Cương”. Úc, Anh Quốc, Canada, Lithuania, và New Zealand đã hành động theo. Tất cả các quốc gia tham gia cuộc tẩy chay ngoại giao sẽ cho phép các vận động viên của họ thi đấu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện “các biện pháp trả đũa kiên quyết” chống lại Hoa Kỳ vì nỗ lực tẩy chay, nhưng không nêu cụ thể hơn.

Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản từ chối gọi hành động này là một cuộc tẩy chay ngoại giao, đồng thời tuyên bố rằng họ không có “thuật ngữ đặc biệt” cho nó.

Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, lo ngại về những gì họ cho là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Nhưng họ cũng phụ thuộc về mặt kinh tế vào nước láng giềng này, vừa là trung tâm sản xuất vừa là một khách hàng mua xe hơi và các sản phẩm khác của họ.

Tại Nam Hàn, Tổng thống Moon Jae-in cho biết đất nước của ông sẽ không tham gia cuộc tẩy chay ngoại giao do Hoa Kỳ dẫn đầu đối với Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, với lý do cần sự giúp đỡ của Trung Quốc để “kích hoạt phi hạt nhân hóa” trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc gặp trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) hôm thứ Năm, Thứ trưởng Ngoại giao Nam Hàn Choi Jong-kun bày tỏ hy vọng của Seoul về thành công của Bắc Kinh trong việc tổ chức sự kiện nhưng không đề cập đến việc phái đoàn của Hàn Quốc tham dự sự kiện này.

Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch

Trung Quốc: 27 tỉnh thành đón đợt lạnh thứ 6, cục bộ giảm hơn 14 ℃

Trời đổ tuyết ở Bắc Kinh vào ngày 7/11/2021. (NOEL CELIS / AFP qua Getty)

Minh Anh

Trung Quốc đại lục đang trải qua đợt lạnh thứ 6 của mùa đông năm nay. 27 tỉnh thành sẽ có thời tiết lạnh nhất trong nửa năm và cục bộ một số khu vực giảm hơn 14 ° C .

Ngày 23/12, Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc dự báo rằng, từ ngày 23 đến ngày 26,  từ phía bắc xuống phía nam của khu vực miền trung và miền đông Trung Quốc sẽ có gió mạnh từ cấp 4 đến cấp 5, nhiệt độ nhìn chung giảm xuống từ 6 ° C đến 10 ° C. Trong đó, miền trung và tây Nội Mông, phía bắc và phía tây, phía nam đông bắc Trung Quốc, phía đông Hoàng Hoài, phía đông Quý Châu, phía tây Hồ Nam, v.v. sẽ giảm từ 12 ° C đến 14 ° C, cục bộ giảm trên 14 ° C.

China Weather cho biết ngày 22/12 rằng, đợt lạnh thứ 6 của mùa đông năm nay diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27 và không khí lạnh sẽ đến Hải Nam về phía Nam. Nhiệt độ ở 27 tỉnh sẽ liên tiếp lập các mức thấp kỷ lục mới. Một số nơi như Quý Châu, phía tây bắc Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, v.v. có thể có mưa tuyết. Vũ Hán, Trường Sa, Quý Dương có thể xuất hiện trận tuyết đầu tiên trong mùa đông năm nay.

Trước đó, vào ngày 15/12, Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo sóng lạnh màu xanh dương, đây là đợt lạnh thứ 5 của mùa đông năm nay ở Trung Quốc đại lục. Hôm 29/11, Cục Khí tượng Trung Quốc đã bắt đầu ứng phó khẩn cấp với đợt lạnh thứ 4; Vào ngày 22/11, Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo đợt lạnh thứ ba cho mùa đông năm nay ở Trung Quốc.

Trước đó, hôm 16/10, Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc đưa tin cảnh báo về ảnh hưởng của không khí lạnh đặc biệt mạnh. Sáng sớm ngày 17/10, lần đầu tiên trong 52 năm qua nhiệt độ tại Bắc Kinh hạ xuống dưới 0℃ khi mới vào thu. Người dân Trung Quốc hoang mang vì thời tiết lạnh khắc nghiệt trong khi thiếu điện trầm trọng.

Thiếu điện trầm trọng không chỉ khiến khu vực sản xuất phải khốn đốn do bị cắt điện luân phiên. An sinh của người Trung Quốc cũng bị đe dọa trầm trọng vì thiếu điện sinh hoạt và sưởi ấm trong mùa đông. Để trấn an, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã phát biểu trước dân chúng tỉnh Quảng Đông rằng, Trung Quốc sẽ ưu tiên đảm bảo an ninh năng lượng, ưu tiên này cần phải đặt trước ưu tiên về giảm thải CO2 như chính quyền đã tuyên bố trước đó. 

Dù vậy, các phát ngôn của ông Lý lập tức bị xóa khỏi mọi nền tảng truyền thông chính thống ở đại lục. Không biết liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thống nhất được ưu tiên chính sách về an ninh năng lượng hay chưa. Có vẻ như, người dân Trung Quốc vẫn khốn khổ chưa nhìn thấy được ánh sáng cuối đường hầm trong cuộc khủng hoảng điện năng này. 

Minh Anh

Theo NTDTV

COVID-19 bùng phát trên Tàu chiến Hoa Kỳ với 100% thủy thủ đã tiêm vaccine 

Nguyên Hương

COVID-19 bùng phát trên Tàu chiến Hoa Kỳ với 100% thủy thủ đã tiêm vaccine 
Tàu tác chiến ven biển lớp Freedom USS Milwaukee lao qua đại dương vào ngày 16 tháng 12/2021. (Ảnh Hải quân Hoa Kỳ / Aaron Lau)

Hải quân Mỹ thông báo vào đêm Giáng sinh, một tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đã tạm dừng triển khai tới Nam Mỹ do sự bùng phát COVID-19 trong số thủy thủ đoàn được “tiêm chủng 100%”, Hải quân thông báo vào đêm Giáng sinh.

“USS Milwaukee (LCS 5), một tàu tác chiến ven biển thuộc lớp Freedom, vẫn ở trong cảng khi một số Thủy thủ xét nghiệm dương tính với COVID-19”, Hạm đội 4 Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

“Đoàn thủy thủ được tiêm chủng 100% và tất cả các Thủy thủ dương tính với COVID-19 đều được cách ly trên tàu và tránh xa các thành viên khác của đoàn. Một phần trong số những người bị nhiễm bệnh có các triệu chứng nhẹ. Vaccine tiếp tục chứng tỏ hiệu quả chống lại bệnh tật nghiêm trọng”.

Con tàu hiện đang cập cảng tại Trạm Hải quân Vịnh Guantanamo, nằm ở cực Đông Nam của Cuba.

Nó đã khởi hành vào ngày 14/12 từ Mayport, Florida và đang tiến vào khu vực hoạt động của Hạm đội 4 Hoa Kỳ để hỗ trợ nhiệm vụ của Lực lượng Đặc nhiệm Liên hợp miền Nam, bao gồm các nhiệm vụ chống buôn lậu ma túy ở khu vực Caribê và Đông Thái Bình Dương.

Tuyên bố của Hạm đội 4 Hoa Kỳ không xác định số lượng những người bị nhiễm bệnh, cũng như bao nhiêu trong số họ đang biểu hiện các triệu chứng nhẹ.

Biến thể COVID-19 cụ thể vẫn chưa được xác định. Con tàu đang tuân theo các hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) về truy tìm và xét nghiệm người tiếp xúc gần.

Các ca nhiễm COVID-19 gần đây đã gia tăng mạnh mẽ trên khắp Hoa Kỳ trong bối cảnh sự lây lan mạnh của biến thể Omicron.

Con tàu cũng đang “tuân theo một chiến lược giảm thiểu tích cực” theo hướng dẫn của Hải quân và CDC.

Vào đầu năm 2020, một tàu chiến riêng biệt của Hải quân, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương, đã phải nghỉ trong khoảng 10 tuần ở khu vực đảo Guam do sự bùng phát của COVID-19. Khoảng 1.000 trong số 4.800 thủy thủ trên tàu đã bị nhiễm bệnh COVID-19, và một thủy thủ 41 tuổi đã tử vong.

Khoảng 4.000 thủy thủ đã được đưa vào bờ để kiểm dịch và điều trị trong khi khoảng 800 người vẫn ở lại trên tàu để bảo vệ và vận hành các hệ thống công nghệ cao, bao gồm cả các lò phản ứng hạt nhân điều hành con tàu.

Theo số liệu mới nhất của Hải quân, hơn 98% thủy thủ đang tại ngũ đã được tiêm phòng đầy đủ.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

Người Đài Loan phản đối Liên đoàn bóng đá Mỹ vì tấm bản đồ gây nhầm lẫn

Kha Đạt

Một người Đài Loan tầm bảng với các dòng chữ “Không là fan của bản đồ này”, “Đài Loan không phải Trung Quốc (ảnh: Chụp màn hình trang News)

Gần 20 cộng đồng người Đài Loan ở khu vực Los Angeles hôm 24/12 đã cùng nhau ra một tuyên bố chung để phản đối tấm bản đồ do Liên đoàn bóng đá nhà nghề Mỹ (NFL) xuất bản, tô phần lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc cùng màu đỏ.

Wu Zhaofeng, phó chủ tịch Cộng đồng người Đài Loan chi nhánh Los Angeles, nói trong một đoạn video: “Xin chào NFL, bạn hãy thẳng lưng lên. Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc. Tôi là một người hâm mộ bóng đá Mỹ trong 25 năm, nhưng tôi không thích bản đồ này chút nào. Nếu bạn muốn kinh doanh ở Đài Loan, hãy nói chuyện trực tiếp với Đài Loan. Bạn không cần phải thông qua Trung Quốc. Trung Quốc không sở hữu Đài Loan”.

Chen Zhengyi, cựu chủ tịch Hiệp hội các vấn đề công Đài Loan, kêu gọi: “Này NFL, đừng làm vui lòng Trung Quốc. Đài Loan không phải là Trung Quốc. Đài Loan là một quốc gia dân chủ. Vui lòng sửa lại bản đồ, giống như Hiệp hội Quần vợt Chuyên nghiệp Nữ Thế giới (WTA ). Can đảm một chút, được không? “.

Trong cuộc họp báo ngày 24/12 tại Hội trường Đài Loan, Giám đốc điều hành Hội người Đài Loan tại Los Angeles Lin Rongsong nói: “Khi Đài Loan bị xúc phạm và nhân phẩm của Đài Loan bị ảnh hưởng, chúng tôi phải đứng lên”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gắn thẻ NFL trong một tweet có nội nội dung, “Trước các mối đe dọa quân sự và xúc phạm ngoại giao của Trung Quốc, Đài Loan đã dũng cảm thể hiện sức mạnh phòng thủ mạnh mẽ, bảo vệ vững chắc chủ quyền và dân chủ trong khu vực 5m50 [khu vực phòng thủ cốt lõi trong bóng đá], và không bao giờ phạm sai lầm”.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz đã tweet rằng, vì để kiếm tiền từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, NFL giới thiệu Đài Loan là một phần của Trung Quốc, thật hèn nhát và xấu xa.

Dân biểu liên bang Carlos Gimenez đặt câu hỏi trên Twitter rằng tại sao lại liệt kê Đài Loan và Trung Quốc là cùng một quốc gia. Ông viết, “Thật đáng xấu hổ khi kiếm lợi từ việc áp bức người dân Đài Loan và bắt người Duy Ngô Nhĩ làm nô lệ”.

Theo News

Trung Quốc cấm người nước ngoài truyền bá các nội dung tôn giáo trực tuyến

Đông Á

Theo quy định mới được ban hành hồi đầu tuần, tất cả các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài sẽ bị cấm truyền bá nội dung tôn giáo trực tuyến ở Trung Quốc, SCMP đưa tin.

Với tên gọi Các biện pháp quản lý dịch vụ thông tin tôn giáo trên Internet, quy định mới này đã được 5 cơ quan, bao gồm cả Cục Nhà nước về các vấn đề tôn giáo, cùng soạn thảo và sẽ có hiệu lực vào tháng 3.

Đây được cho là các quy định chính thức đầu tiên nhằm thắt chặt kiểm soát các vấn đề tôn giáo trực tuyến tại Trung Quốc. Nó được đưa ra hai tuần sau một hội nghị công tác tôn giáo có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó ông kêu gọi Trung Quốc “tăng cường quản lý các vấn đề tôn giáo trực tuyến”.

Không tổ chức hoặc cá nhân nào được phép phổ biến thông tin về các nghi lễ tôn giáo trên Internet trừ khi họ có giấy phép từ cơ quan quản lý tôn giáo của Trung Quốc, theo các quy định mới.

Các quy định mới cũng nêu rõ rằng người xin giấy phép phổ biến nội dung tôn giáo trực tuyến phải là một tổ chức hoặc cá nhân có trụ sở tại Trung Quốc và được luật pháp Trung Quốc công nhận, và người đại diện chính của tổ chức này phải là công dân Trung Quốc.

Cơ quan an ninh nhà nước sẽ quản lý các tổ chức, cá nhân trong nước và ngăn chặn các hoạt động cấu kết với nước ngoài, lợi dụng tôn giáo để thực hiện các hoạt động gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia trên internet, theo quy định.

Ngoại trừ các nhóm tôn giáo, trường học tôn giáo, đền thờ và nhà thờ được cấp phép, không tổ chức hoặc cá nhân nào được phép thuyết giảng, thực hành việc giáo dục và đào tạo tôn giáo, xuất bản hoặc đăng lại bình luận của những người thuyết giáo trên Internet.

Ngoài ra, việc tổ chức, tiến hành các hoạt động tôn giáo và truyền hình trực tiếp hoặc ghi hình các nghi lễ tôn giáo – chẳng hạn như lễ bái Phật, thắp hương, tụng kinh, thánh lễ và lễ rửa tội – sẽ bị cấm.

Các hình phạt bao gồm cảnh cáo, hạn chế và đóng các tài khoản trực tuyến.

Chính phủ Nhật Bản phê duyệt ngân sách quốc phòng kỷ lục vào năm 2022

Tiến Minh

Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Sáu (24/12) đã phê duyệt ngân sách quốc phòng kỷ lục cho năm 2022 trong bối cảnh Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng các chương trình quân sự và mối đe dọa từ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đây là năm thứ 10 liên tiếp ngân sách quốc phòng được duyệt tăng, theo hãng tin Reuters.

Ngân sách cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/4 sẽ tăng 1,1% lên 5,4 nghìn tỷ yên (47,18 tỷ USD). Tuy vậy, nó vẫn chưa bằng 1/4 ngân sách quân sự của Trung Quốc trong năm nay, theo dữ liệu chính thức của Bắc Kinh.

Kế hoạch tăng chi tiêu diễn ra sau cuộc họp vào tháng 4 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Yoshihide Suga. Tại thời điểm đó, ông Suga đã cam kết tăng cường khả năng quốc phòng của Toyko trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực nhiều thách thức hơn.

Căng thẳng về vấn đề Đài Loan đã gia tăng khi Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách khẳng định các tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo tự trị. Chính phủ Đài Loan cho biết họ muốn hòa bình, nhưng sẽ tự vệ nếu cần.

Tháng trước, sóng gió Trung – Nhật diễn ra sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe, vốn vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, cho biết bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào đối với Đài Loan cũng sẽ là tình trạng khẩn cấp đối với Nhật Bản, cũng như đối với liên minh an ninh của nước này với Hoa Kỳ.

Các hạng mục lớn trong ngân sách dự thảo bao gồm 128 tỷ yên cho 12 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin Corp. 4 trong số đó sẽ là các biến thể cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng hoạt động trên các tàu sân bay trực thăng chuyển đổi.

Bộ Quốc phòng Nhật cũng sẽ giành 86 tỷ yên trong ngân sách năm tới để phát triển máy bay chiến đấu phản lực nội địa mới đầu tiên trong ba thập kỷ.

Bộ cũng đang giành 34 tỷ yên để tăng cường phòng thủ chống lại các cuộc tấn công mạng và 79 tỷ yên cho các dự án liên quan đến không gian, chẳng hạn như vệ tinh và laser để theo dõi các mục tiêu bên ngoài bầu khí quyển.

Dự thảo ngân sách sẽ cần phải được Quốc hội Nhật bản thông qua.

Tiến Minh (theo Reuters)

Intel gửi lời xin lỗi vì yêu cầu các nhà cung cấp tránh hàng hóa từ Tân Cương

Ngân Hà

Tập đoàn Intel đã đưa ra lời xin lỗi vào thứ Năm (23/12) sau khi yêu cầu các nhà cung cấp tránh mua hàng hóa từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

“Chúng tôi xin lỗi vì những rắc rối đã gây ra cho các khách hàng, đối tác đáng kính của chúng tôi, cũng như cho công chúng Trung Quốc”, Intel cho biết trong tuyên bố hôm thứ Năm. “Intel cam kết trở thành một đối tác công nghệ đáng tin cậy và thúc đẩy sự phát triển chung với Trung Quốc.”

Trong một bức thư gửi đến các nhà cung cấp được trong tháng này, Intel đã yêu cầu các nhà cung cấp tuân thủ các quy định hiện hành của Hoa Kỳ và tẩy chay hàng hóa được sản xuất tại Tân Cương, nơi chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc “diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ.

Đáp lại bức thư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập kiên nói rằng Intel nên “tôn trọng sự thật và phân biệt đúng sai.”

Intel đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Công ty có một nhà máy sản xuất chip ở phía đông bắc thành phố Đại Liên và một cơ sở nghiên cứu ở Bắc Kinh.

Mặc dù Trung Quốc đã cố gắng tạo ra ngành công nghiệp chip của riêng mình, nhưng nước này vẫn tiếp tục dựa vào chip của Intel để sản xuất hàng hóa.

Căng thẳng ở Tân Cương đang gia tăng khi các nhà hoạt động kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông vào tháng Hai ở Bắc Kinh, một sự kiện mà đảng cầm quyền cần chứng tỏ với công chúng và thế giới về uy tín của mình. Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ sẽ không cử các quan chức ngoại giao đến tham dự.

Đáp trả lại, Bắc Kinh hôm thứ Tư đã cấm 4 thành viên của Ủy ban tự do tôn giáo chính phủ Hoa Kỳ nhập cảnh Trung Quốc.

Trước Intel, các công ty khác bao gồm nhà bán lẻ H&M và thương hiệu giày Nike đã bị kêu gọi tẩy chay tại Trung Quốc sau khi bày tỏ lo ngại về Tân Cương hoặc nói rằng họ sẽ ngừng sử dụng nguyên liệu sản xuất ở đó.

Tại Trung Quốc, nhiều ca sĩ, diễn viên và những người nổi tiếng đã cắt đứt quan hệ với các thương hiệu nước ngoài bày tỏ quan ngại về vấn đề Tân Cương. Họ chấp nhận từ bỏ thu nhập hàng triệu đô la để bảo vệ sự nghiệp của họ khỏi gặp rắc rối từ chính quyền.

Ca sĩ nhạc pop Wang Junkai, còn được gọi là Karry Wang, đã thông báo hôm thứ Tư rằng anh sẽ rút khỏi hợp đồng làm “đại sứ thương hiệu” cho dòng chip xử lý Core của Intel.

Trước hành động này, tờ Thời báo Hoàn Cầu đã nhanh chóng viết rằng đây là một “hồi chuông cảnh báo mới đối với Intel và các công ty nước ngoài khác đang tìm cách phá hoại lợi ích cốt lõi của Trung Quốc đồng thời cố gắng thu lợi từ thị trường Trung Quốc rộng lớn.”

Ngân Hà

Related posts