Lê Học Lãnh Vân
Cái tên Phạm Thị Đoan Trang và phiên toà xét xử cô được đề cập quá nhiều trong những ngày qua. Các bài báo trên mạng tự do về sự kiện này nhiều tới nỗi tôi có cảm giác bất cứ nhận xét nào của mình thêm vào cũng là thừa!
Bài viết này chỉ để nêu lên một thắc mắc cho tới nay vẫn còn âm ỉ: tại sao phiên toà được tổ chức, tổ chức trong lúc này?
Lúc này là lúc nào? Đó là lúc số những khúc củi được đưa vô lò nhiều hơn. Củi thủ đô Hà Nội: cựu Chủ tịch thủ đô; củi thành phố Hồ Chí Minh: các ông cựu Phó Chủ tịch thành phố cùng nhiều vị tai mắt khác; củi Bộ Y tế: Bộ trưởng, Thứ trưởng, Giám đốc bệnh viện lớn… Cho dù người dân nói với nhau còn rất nhiều củi to hơn, gốc rễ hơn đáng đưa vào lò, chỉ dựa vào con số thực tế khiêm tốn của “các đồng chí bị lộ” nói trên người ta cũng thấy sự tương phản chan chát nhau giữa hai loại phiên toà. Phiên toà xét xử Đoan Trang và phiên toà xét xử các vị tai mắt kia, khi được tiến hành gần như cùng thời, nêu bật lên được nhiều điều trước bàn dân thiên hạ, có thể làm bài học khai dân trí sinh động cho đám đông.
1) Cùng ra trước toà, trong khi các vị tai mắt của chế độ, nhận trọng trách quốc gia khúm núm, khóc than, kể lể thành tích gia đình, trưng bày đủ thứ bệnh tật xin giảm án, thì Đoan Trang đàng hoàng đĩnh đạc, khí khái…
2) Cùng ra toà, tội của các vị tai mắt của chế độ là tham nhũng, vơ vét hàng chục ngàn, trăm ngàn tỉ giữa lúc dân chúng khốn khổ vì dịch bệnh hoành hành, ngân khố quốc gia không đủ tiền lo cho dân giữa cơn dịch dã, trong khi Đoan Trang không tơ hào cho cá nhân, không gây thiệt hại, mất mát một đồng của quốc gia. Cho dù có ai đó thể không đồng tình với lập luận và lập trường của Đoan Trang, người ta cũng cảm nhận con đường cô dấn thân là vì mục tiêu đóng góp cao thượng cho cộng đồng.
3) Những vị tai mắt kia phạm tội mà Hiến pháp lên án. Văn bản pháp luật cao nhất này quy định tại điều 55.1 rằng: “Ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, quỹ tài chính nhà nước và các nguồn tài chính công khác do Nhà nước thống nhất quản lý và phải được sử dụng hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật”, và tại điều 56 rằng “Cơ quan, tổ chưc, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, phòng chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế – xã hội và quản lý nhà nước”. Tội của các vị là tội làm nghèo đất nước, làm cùng khổ dân chúng, lấy đi nguồn lực phát triển quốc gia khiến quốc gia yếu ớt nhiều mặt. Tội của các vị là tội xé nát đạo đức công quyền, từ đó làm suy thoái cả hệ thống giá trị đạo đức của dân chúng. Các vị quan hút máu dân ở mức độ khủng khiếp, thiếu tình người, và khi con số các vị nhiều quá một ngưỡng nào đó, người dân không còn tin những thành viên trong hệ thống công quyền, không còn tin cộng đồng nữa! Xã hội e rằng đang tiến tới chỉ còn là một tập hợp ngày càng nhiều hơn những cá nhân rình rập cướp bóc, ăn thịt nhau hoặc đợi cơ hội bỏ cộng đồng mà đi!
Những anh chị đọc bài này chắc biết Đoan Trang, biết lập luận, lập trường và mục tiêu hoạt động của cô. Có thể có người đồng ý với lập luận đó, cách hoạt động đó của Đoan Trang, có người không đồng ý, nhưng dù sao hoạt động của cô cũng nằm trong khuôn khổ quyền tự do ngôn luận được Hiến Pháp công nhận. Cho dù có người nghĩ Đoan Trang “lợi dụng tự do ngôn luận” thì việc làm của cô cũng thúc đẩy quyền tự do ngôn luận và tinh thần phê phán xã hội, đây lại là nhân tố thúc đẩy xã hội tiến bộ về hướng văn minh.
4) Đoan Trang, người quả quyết dấn thân vì các mục tiêu cho xã hội, cho cộng đồng, bị liệt vào thế lực thù địch, bị đánh gần què chân, bị săn đuổi năm này qua năm nọ, và giờ đây bị xử án chín năm tù! Còn các vị quan chức tham lam kia, phạm tội tày trời với dân với nước kia, sau bao nhiêu năm ăn trên ngồi trước vơ vét, các vị được quốc gia xét xử ra sao?
Bài đăng trên Tuổi Trẻ Online, ngày 14/12/2021, “Tòa nhận định hành vi xuyên tạc đường lối chính sách, phỉ báng chính quyền của bị cáo Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với mục đích cố ý xâm phạm chế độ XHCN và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội, đối ngoại, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân”, có thể không khiến người ta đặt câu hỏi rằng phiên toà xét xử nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi và sự phát triển của quốc gia hay nhằm mục tiêu “bảo vệ sự vững mạnh của chính quyền”? Đối với phiên toà, mục tiêu nào lớn hơn?
Người ta có thể yêu cầu quốc gia có cách tổ chức và điều hành sao cho việc “bảo vệ sự vững mạnh của chính quyền” song hành với việc “bảo vệ quyền lợi và sự phát triển của quốc gia” hay không?
Nếu xảy ra trường hợp hai việc đó mâu thuẫn nhau, quốc gia cần đặt ưu tiên cho việc nào? Nhân danh “bảo vệ sự vững mạnh của chính quyền” để triệt tiêu mọi nhân tố thúc đẩy xã hội tiến bộ về hướng văn minh hay chấp nhận sự phê phán trong khuôn khổ của Hiến pháp nhằm điều chỉnh cách tổ chức và điều hành của chính quyền để “bảo vệ quyền lợi và sự phát triển của quốc gia”?
5) Phiên toà xét xử Đoan Trang vừa khép lại thì sự việc công ty Việt Á bùng lên. Những thông tin đầu tiên về việc tàn nhẫn này đã đủ khiến người ta cảm nhận có dấu hiệu liên quan của Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Y tế chưa? Đã có bao nhiêu tài liệu mang dấu MẬT trong vụ này? Không biết những người mang trách nhiệm có liên hệ hai sự kiện để tự hỏi những yêu cầu tự do ngôn luận của Đoan Trang là có hại hay có lợi cho cộng đồng! Nếu những yêu cầu tự do ngôn luận đó được đáp ứng, sự việc Việt Á và những việc tương tự có xảy ra được không?
Ngày 20 tháng 12 năm 2021