Công nghệ trở thành mặt trận mới giúp ĐCSTQ gây ảnh hưởng

Ngọc Mai

Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng quyết tâm hơn trong việc định hình diễn ngôn toàn cầu có lợi cho mình, thì cách tiếp cận của Đảng này đang ngày càng trở nên phức tạp.

Theo một bài bình luận trên tờ ORFonline, các nền tảng truyền thông xã hội toàn cầu đã trở thành “vũ đài” của ĐCSTQ để truyền bá tầm ảnh hưởng của mình. Một cơ quan truyền thông quốc tế tiết lộ, ĐCSTQ đang kêu gọi các công ty tư nhân sản xuất các nội dung nhằm “quản lý dư luận”. Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh tuyên truyền [ở nước ngoài] thông qua các nền tảng truyền thông toàn cầu, thì những cư dân bình thường sống ở Trung Quốc đại lục lại không thể tiếp cận những mạng xã hội này.

Phương tiện truyền thông xã hội dường như đặc biệt hữu ích đối với ĐCSTQ trong thế giới hậu sự thật, nơi mà các câu chuyện đầy cảm xúc trên mạng xã hội có tác dụng định hướng dư luận hơn so với các dữ kiện và bằng chứng thực nghiệm.

Một ví dụ điển hình là hồi tháng 8 năm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt dẫn lời của Wilson Edwards, một người tự xưng là nhà khoa học Thụy Sĩ. Ông cáo buộc rằng, chính phủ Hoa Kỳ đang cản trở các nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm truy xuất nguồn gốc COVID-19. Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc sau đó đã khẳng định nhà sinh vật học này không tồn tại, nhưng điều đó không ngăn được các phương tiện truyền thông nhà nước khuếch đại những thông tin giả. Sau khi phía Thụy Sĩ lên tiếng, tài khoản Facebook của “nhà khoa học” này đã biến mất. Đồng thời, các bài viết trích dẫn ý kiến ông này cũng bị xóa toàn bộ.

ĐCSTQ triển khai khái niệm “Mặt trận thống nhất” để hợp tác và cân bằng lại các nguồn phản kháng đối với các chương trình của mình. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ có nhiệm vụ tập trung vào việc giải quyết các nhóm đối lập tiềm tàng trong nội bộ.

Đầu năm 2021, đơn vị này đã cập nhật các hướng dẫn, nhằm thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng [của ĐCSTQ] trong và ngoài nước. Các quy định mới chỉ ra rằng, các hoạt động của Mặt trận Thống nhất đã mở rộng về phạm vi. Các chỉ thị mới giải thích chi tiết về tầm quan trọng của việc cung cấp “hướng dẫn” cho những người Trung Quốc trở về từ nước ngoài và những người sống ở hải ngoại, gồm cả gia đình của họ ở Trung Quốc.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, quan hệ của Trung Quốc với nhiều cường quốc quan trọng trên toàn cầu trở nên xấu đi. Nhiều vụ việc vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đã bị phơi bày như ngược đãi nhân quyền với nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, mổ cướp nội tạng với tù nhân lương tâm, bao gồm các học viên Pháp Luân Công và các vấn đề khác. ĐCSTQ cũng đang chống lại những nỗ lực của Mỹ nhằm mở rộng cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew trên 17 quốc gia được công bố vào tháng 6 năm 2021 cho thấy, công dân của các nước này đã có những quan điểm tiêu cực về Trung Quốc kể từ khi đại dịch bùng phát.

Ảnh chụp màn hình ORFonline, Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Pew

Các đoàn ngoại giao của Trung Quốc ngày càng trở nên gay gắt với chiến lược ngoại giao “Chiến binh sói” trong những năm gần đây. Họ đã đi đến mức mắng mỏ cả những chính phủ có quan điểm chỉ trích nhẹ nhàng với ĐCSTQ.

Giữa những diễn biến này, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải kể câu chuyện của mình một cách tích cực và điều cấp bách là phải tạo dựng được tình bạn và không ngừng mở rộng vòng tròn hữu nghị trước công luận quốc tế. Với nỗ lực này, thiết lập các câu chuyện thông qua không gian mạng là một công cụ quan trọng.

Ông Tập đã sớm nhận ra tiềm năng của Internet là một công cụ tuyên truyền. Thông qua ứng dụng WeChat và Weibo, ông Tập đã thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng và xây dựng lượng người theo dõi cá nhân. Mặc dù ở Trung Quốc cấm Facebook nhưng ĐCSTQ đã sử dụng nền tảng này để quảng bá cho ông Tập trong các chuyến thăm cấp nhà nước của ông tới các quốc gia khác.

Năm 2013, ông Tập từng tuyên bố tại Hội nghị Công tác Tư tưởng và Tuyên truyền Quốc gia: “Internet đã trở thành chiến trường chính để đấu tranh dư luận”.

Sau đó, ông nhanh chóng chuyển sang củng cố các thể chế kiểm soát không gian mạng ở Trung Quốc. Một năm sau, ông đảm nhận vị trí lãnh đạo Ủy ban các vấn đề không gian mạng trung ương, đồng thời tái thiết lại Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC).

Ủy ban các vấn đề không gian mạng trung ương trước đây do thủ tướng Trung Quốc đứng đầu, và những thay đổi đã cho phép ông Tập kiểm soát tốt hơn chính sách internet của quốc gia. Lỗ Vĩ (Lu Wei), người được ông Tập lựa chọn để đứng đầu Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã lập luận trong một bài báo đăng trên tạp chí Cầu Thị rằng, Đảng phải nắm chắc công nghệ thông tin. Ông tuyên bố rằng “không có kinh tế, tài chính hoặc an ninh quốc gia mà không có an ninh thông tin.”

Dưới con mắt của ĐCSTQ, không gian mạng là “nền văn minh internet”. Nhà lý luận phụ trách tuyên truyền của ĐCSTQ Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan) đã lập luận rằng “Cách tiếp cận của quốc gia đối với sự phát triển internet sẽ ưu tiên củng cố hướng dẫn dư luận trực tuyến và củng cố dư luận chính thống tích cực.”

Trong nước, Trung Quốc có đội quân trên mạng để kiểm soát các luồng thông tin, những người này có biệt danh là “nhà phân tích dư luận internet”. Những nhân sự này được triển khai tại khắp các đơn vị tuyên truyền của chính phủ, các công ty tư nhân và các cơ quan truyền thông. Một cuộc kiểm tra về các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc cho thấy, hoạt động của Đảng đã định hình diễn ngôn trên internet, với việc mỗi năm xuất bản tới 488 triệu bài đăng trực tuyến, đồng thời xóa những bài không có lợi.

Bên cạnh đó, các Big Tech của Trung Quốc cũng có “gen đỏ” của ĐCSTQ. Ví dụ, tỷ phú Lý Ngạn Hoành (Robin Li) của công cụ tìm kiếm lớn nhất TQ Baidu và CEO Chu Hồng Y (Zhou Hongyi) của nhà cung cấp dịch vụ bảo mật internet Qihoo 360 là thành viên của cơ quan cố vấn Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Trung Quốc mang đến một cơ hội lớn cho các gã khổng lồ Internet, và do đó, những ông lớn công nghệ cũng tìm cách lấy lòng chính quyền TQ. Amazon — một trong Năm công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Hoa Kỳ — đã thao túng xếp hạng của một cuốn sách do ông Tập làm tác giả, dưới sự khuyến khích của ĐCSTQ. LinkedIn, trang mạng nghề nghiệp của Microsoft đã chặn quyền truy cập của nhà báo Greg Bruno và các nhà báo khác đối với người dùng ở Trung Quốc.

Ông Bruno, người đã viết sách phơi bày các chính sách của Bắc Kinh với người Tây tạng cho biết, ông rất thất vọng khi một công ty công nghệ Hoa Kỳ lại “nhúng tay vào các yêu cầu của chính phủ nước ngoài”. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Rick Scott đã gửi thư bày tỏ sự lo ngại về việc công ty Mỹ này hành động thay mặt cho ĐCSTQ và gửi đến Giám đốc điều hành LinkedIn Ryan Roslansky và ông chủ của Microsoft Satya Nadella.

Mạng xã hội, vốn là chất xúc tác cho sự thay đổi xã hội ở châu Phi và Tây Á bằng cách thúc đẩy các phong trào dân chủ như ‘Cách mạng hoa nhài’ và ‘Mùa xuân Ả Rập’. Tuy nhiên, nó lại trở thành công cụ gây ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Hơn nữa, sự thâm nhập của các nền tảng truyền thông toàn cầu và việc ĐCSTQ sử dụng các mạng xã hội để truyền bá ảnh hưởng của nó đặt ra thách thức to lớn với các nền dân chủ trên toàn thế giới. Sự lật đổ của ĐCSTQ đối với Internet trong nước ở Trung Quốc, hiện đã khuyến khích ĐCSTQ tiếp tục mô hình của mình ở những nơi khác.

Truyền thông xã hội đã trở thành một trụ cột chính cho việc công chúng tham gia vào các nền dân chủ, nó cũng đóng vai trò là phong vũ biểu của dư luận. Trong thời gian gần đây, khi khái niệm dân chủ đang được tranh luận sôi nổi ở các khu vực khác nhau trên thế giới, các nền dân chủ phải nêu bật các tiêu chuẩn kép của [ĐCS] Trung Quốc trong việc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội [để tuyên truyền] ở nước ngoài, nhưng lại tội phạm hóa việc đưa tin không có lợi cho ĐCSTQ thành “phá hoại trật tự kinh tế và xã hội” ở trong nước và chỉ cho phép các nền tảng mạng xã hội đăng lại các báo cáo từ các phương tiện truyền thông đã được đăng ký.

Related posts